Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Trung Quốc nếm bài học từ thiện kiểu Liên Xô (Lê Hùng)

congnhan_trungquoc00"...Trung Quốc hiện nay là "công xưởng thế giới", là nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu trên hành tinh. Nhưng chỉ một nửa thế kỷ trước đây Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu cho Liên Xô đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của Liên Xô..."


Ngay trước chuyến thăm Nga của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, báo "Bình luận quân sự" (Nga) đăng bài viết "Stalin đã đầu tư vào Trung Quốc như thế nào?".
Bài viết của học giả Nga A. Volynhets. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để cùng nhau suy ngẫm về vai trò của những người lãnh đạo đối với sự phát triển (thậm chí tồn vong) của một quốc gia.
stalin02
Trung Quốc một nửa thế kỷ trước đây là nơi cung cấp nguyên liệu
cho Liên Xô
Tất cả đều biết: Trung Quốc hiện nay là "công xưởng thế giới", là nhà sản xuất công nghiệp hàng đầu trên hành tinh. Nhưng chỉ một nửa thế kỷ trước đây Trung Quốc là nơi cung cấp nguyên liệu cho Liên Xô đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của Liên Xô.
Làm từ thiện theo kiểu Stalin
 Người ta thường cho rằng Liên Xô đã dành quá nhiều viện trợ không hoàn lại cho các phong trào cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa, nhiều khi gây tổn hại cho chính lợi ích của mình.
Trên thực tế không hoàn toàn đúng như vậy, ngay cả trong thời trị vì của đồng chí L.Breznhev, còn dưới thời đồng chí I.Stalin thì điều đó lại càng không.
Ngay từ cuối những năm 40 (của thế kỷ trước), khi những người cộng sản Trung Quốc còn đang tiến hành cuộc nội chiến, Liên Xô của Stalin đã nhanh trí nghĩ ra cách kiếm lợi từ việc cung cấp trang bị cho đồng minh đỏ của mình tại Thiên triều.
Ví dụ, trong suốt năm 1947, Liên Xô đã chuyển cho các khu vực do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát các loại hàng hóa khác nhau trị giá 151 triệu rúp. 
Để đổi lại, các khu vực trên cung cấp cho Liên Xô các loại nguyên liệu và hàng hóa trị giá hơn 170 triệu rúp (tính theo thời giá hiện nay khoảng gần 10 tỷ đôla). 
Một đặc điểm trong kinh tế đối ngoại Xô Viết lúc đó là thường không áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền, mà chủ yếu theo hình thức "barter" - hàng đổi hàng .
Trung Quốc lúc đó là một đất nước rất rộng lớn, có thể tìm được ở đây không ít các nguyên liệu và mặt hàng quý hiếm. Liên Xô cung cấp cho những người cộng sản Trung Quốc xe ô tô vận tải, trang thiết bị đường sắt, xăng và các mặt hàng khác để đảm bảo hậu cần cho toàn bộ Quân đội của chủ tịch Mao.
Về phần mình, các đồng chí cộng sản của Mao xuất sang Liên Xô lương thực trưng mua của 400 triệu nông dân và các loại nguyên liệu đặc biệt quý hiếm lúc đó như volfram- không có nó thì không thể có được ngành công nghiệp quân sự và trong thời gian đó volfram mới chỉ được khai thác ở Trung Quốc.
xetang_T54
Tăng T-34 Xô Viết ở Trung Quốc
Năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm được cả nước, Liên Xô đã cung cấp cho "Thiên triều đỏ" một khối lượng hàng hóa trị giá 420 triệu rúp và nhận từ nước này hàng hóa và nguyên liệu tổng giá trị 436 triệu rúp.
Cũng trong những năm đó, Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Trung Quốc một khối lượng vũ khí rất lớn, nhưng toàn là các loại vũ khí chiến lợi phẩm thu được của Quân đội Nhật Bản năm 1945.
Khi các đồng chí Trung Quốc đề cập đến vấn đề cung cấp cho họ các loại vũ khí Xô Viết mới nhất thì Liên Xô của Stalin không hề có ý định làm từ thiện. Phía Liên Xô đòi "các đồng chí Trung Quốc" phải trả bằng ngoại tệ hoặc bằng vàng.
Về vàng và ngoại tệ thì lúc này Trung Quốc cũng đang rất thiếu. Và vào tháng 8/1949 nhân vật thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là Lưu Thiếu Kỳ đã bí mật bay đến Moskva để đàm phán về tất cả các vấn đề tài chính và kinh tế.
Kết quả, Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ và Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Bolshevich (Đảng Cộng sản Liên Xô) G.Malenkov đã ký một thỏa thuận bí mật về việc Đảng Cộng sản Liên Xô dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc một khoản tín dụng 300 triệu đôla (khoảng 15 tỷ đôla theo thời giá hiện nay).
Một thỏa thuận "tài chính" như vậy giữa hai đảng chính trị cho đến bây giờ vẫn là trường hợp duy nhất trong lịch sử các mối quan hệ quốc tế .
Đây là một khoản ngoại tệ rất lớn đối với Liên Xô bị kiệt quệ sau chiến tranh - chính nước này cũng đang khan hiếm ngoại tệ nghiêm trọng.
Nhưng cái được là ở chỗ, chính quyền mới ở Trung Quốc cam kết "đẩy đuổi" khỏi lãnh thổ Trung Quốc các căn cứ quân sự Mỹ với "các pháo đài bay" - những "pháo đài bay" này từ phía tây Thiên triều có thể bay đến tận Ural, - trung tâm công nghiệp chủ yếu của Liên Xô sau chiến tranh.
Đảm bảo an ninh trước các pháo đài bay Mỹ mang bom hạt nhân xứng đáng phải trả bằng mọi giá. Hơn nữa đây là khoản tiền Đảng Cộng sản Trung Quốc vay chứ không phải cho không và gần 1/3 trong số đó ngay lập tức lại quay ngược lại Liên Xô để thanh toán cho việc cung cấp các loại vũ khí Xô Viết mới nhất .
Các công ty (tập đoàn) cổ phần của Stalin
Ngày 01/10/1949 , những người cộng sản Trung Quốc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa). Đến mùa xuân năm 1950, họ đã kiểm soát toàn bộ đất nước, trừ đảo Đài Loan.
Mao Trạch Đông đến thăm Liên Xô và hai bên đã ký một loạt các thỏa thuận, không chỉ về quân sự- chính trị mà còn một thỏa thuận mới về việc Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc một khoản tín dụng trị giá 1 tỷ 200 nghìn rúp.
Theo thỏa thuận tín dụng này thì chính phủ Trung Quốc có quyền sử dụng khoản tiền trên chia đều cho 5 năm, bẳt đầu từ ngày 01/01/1950 để trả cho các trang thiết bị công nghiệp và vật liệu cần thiết cho phát triển nền kinh tế Trung Quốc nhập từ Liên Xô.
hiepuoc_huunghi_trungxo
Ký Hiệp ước về hữu nghị, đồng minh và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô
và Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc cam kết thanh toán khoản nợ trên trong vòng 10 năm, bắt đầu từ 31/12/1954 đến 31/12/1963 theo các phương thức : trả bằng hàng hóa, bằng vàng và đô la Mỹ.
Điều 1 của Thỏa thuận tín dụng này nêu rõ : "Do Trung Quốc bị tàn phá nặng nề - hậu qủa của những hoạt động tác chiến trên lãnh thổ Trung Quốc, Chính phủ Liên Xô đồng ý cung cấp khoản tín dụng kèm các điều kiện ưu đãi với lãi suất 1%/năm".
Mức lãi suất tượng trưng 1% này đến thời điểm đó chưa từng có tiền lệ trong thực tế hoạt động tín dụng của kể cả Liên Xô, Trung Quốc và ở bất kỳ một cường quốc nào khác.
Như vậy, Trung Quốc trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 1950, có thể nhập từ Liên Xô với điều kiện ưu đãi mỗi năm 60 triệu đô la Mỹ (khoảng hơn 2,5 tỷ đô la Mỹ hiện nay) các trang thiết bị và nguyên liệu cực kỳ cần thiết cho việc khôi phục và xây dựng công nghiệp và giao thông. 
Nhưng ở đây cần phải nhận thức rõ bản chất chính sách của Stalin : Trung Quốc rất có lợi khi nhận được khoản tín dụng này nhưng Liên Xô cũng hưởng lợi không kém, nếu không muốn nói là hơn : một mặt nó cung cấp cho nền công nghiệp Liên Xô những đơn hàng lớn, mặt khác,- nó trói chặt nền kinh tế Trung Quốc vào nền kinh tế Xô Viết.
Không phải ngẫu nhiên mà thực tiễn cung cấp tín dụng để trả tiền cho sản phẩm của chính mình hiện nay là một trong những hình thức phổ biến nhất và có lợi nhất trong các hoạt động kinh tế.
Mùa xuân năm 1950, Trung Quốc và Liên Xô ký rất nhiều thỏa thuận về việc thành lập các công ty cổ phần hỗn hợp (liên doanh) Xô - Trung, - những công ty này trên thực tế kiểm soát tất cả các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Trung Quốc trong những năm đó, đặc biệt là tại các khu vực lãnh thổ phía tây Trung Quốc giáp Liên Xô và tại Tân Cương.
Một số dẫn chứng : thành lập công ty "Xovkimetal" (viết tắt tiếng Nga : "Kim loại Xô-Trung") để tìm kiếm, khai thác, chế biến kim loại màu và kim loại quý hiếm trên khu vực Tân Cương và công ty "Xovkinheft" (viết tắt tiếng Nga : "Dầu Xô-Trung") cũng để tìm kiếm, khai thác và chế biến dầu mỏ và khí đốt trên khu vực Tân Cương. Ngoài hoạt động trên, cả 2 công ty cổ phần trên còn khai thác và làm giàu nhiên liệu urani cho công nghiệp nguyên tử Xô Viết.
Theo các điều kiện của các thỏa thuận nói trên (có hiệu lực 30 năm), các công ty cổ phần hỗn hợp Xô-Trung được thành lập theo nguyên tắc bình đẳng : 50/50- các bên góp vốn bằng nhau và cùng quản lý - đại diện của các bên sẽ thay nhau lãnh đạo công ty theo nguyên tắc luân phiên.
Năm 1951, hai bên lại ký một loạt các thỏa thuận kinh tế mới và một trong số đó là thỏa thuận về xây dựng tuyến giao thông đường sắt nối hai nước để vận chuyển hành khách, hàng hóa- lần đầu tiên Liên Xô kiểm soát tuyến đường trung chuyển xuyên lục địa từ Berlin đến tận Thái Bình Dương. Hai bên cũng ký thỏa thuận xác lập tỷ giá đồng rúp và đồng nhân dân tệ căn cứ vào bản vị vàng của đồng rúp và giá vàng tại Bắc Kinh.
Ngày 28/7/1951, hai bên ký thỏa thuận về việc thành lập tại thành phố Đại Liên (Dalian) công ty cổ phần đóng tàu Xô-Trung "Xovkisudstroi" ("Đóng tàu Xô-Trung").
Công ty này cũng được thành lập theo nguyên tắc 50/50 trong thời hạn 25 năm . Chính phủ Trung Quốc cam kết là xí nghiệp đóng tàu lớn nhất Trung Quốc này chỉ hợp tác với Liên Xô - điều đó đồng nghĩa với việc nền công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tự nguyện gắn với hệ thống kinh tế Xô Viết.
Trong buôn bán với Liên Xô, các công ty kinh tế đối ngoại Trung Quốc được quyền mua hàng hóa trực tiếp từ các tổ chức Liên Xô. Những đơn hàng như vậy rất có lợi cho nền kinh tế Xô Viết sau chiến tranh, và việc bỏ qua khâu trung gian và đầu cơ trong giao dịch thương mại với Liên Xô cũng rất có lợi cho Trung Quốc.
Theo tính toán của các nhà kinh tế Trung Quốc hiện đại thì trong năm 1951, máy móc và trang thiết bị công nghiệp của Liên Xô rẻ hơn so các chủng loại tương tự của các nước tư bản từ 20% trở lên.
"Hình thành hai thị trường thế giới song song và đối đầu nhau"
Để có cái nhìn toàn diện hơn thì phải nói rằng, sự phát triển bùng nổ trong quan hệ hợp tác kinh tế Xô-Trung đầu những năm 50 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mất hầu như toàn bộ quan hệ thương mại với các nước hàng đầu của Phương Tây.
Trước hết là Mỹ, - do bực tức (dĩ nhiên là còn vì những tính toán địa - chính trị khác-ND) vì mất ảnh hưởng chính trị và các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Thiên triều nên ngay từ năm 1951 nước này đã cấm vận thương mại với Trung Quốc.
Dưới sức ép của Mỹ, một số nước khác như Nhật Bản, Úc và gần như tất cả các nước Mỹ La Tinh cũng tham gia chiến dịch cấm vận kinh tế Trung Quốc.
Cùng thời gian đó, quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Anh và Pháp cũng bị suy giảm rõ rệt vì ngoài những lý do khác, hai nước này cũng đang gặp những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do những hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới vừa kết thúc cộng với việc hệ thống thuộc địa của họ bắt đầu sụp đổ. 
Nếu như vào năm 1948, Liên Xô chỉ chiếm vị trí thứ 9 trong xuất khẩu của Trung Quốc, thì ngay trong năm sau - vị trí thứ ba, và đến cuối năm 1950 - vị trí thứ nhất.
Bắt đầu từ năm 1949, tỷ trọng hàng Liên Xô trong nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng tăng : từ 5% năm 1949 (vị trí thứ năm) lên 20% trong nửa đầu năm 1950 (thứ hai) .
Đến năm 1951, Liên Xô chiếm gần 40 % kim ngạch thương mại đối ngoại của Trung Quốc, năm 1952 - tỷ lệ trên 53,4%. Toàn bộ nước Trung Hoa rộng lớn với tiềm lực dân số và kinh tế tiềm tàng đã thoát ly khỏi hệ thống kinh tế tư bản và gắn chặt với hệ thống kinh tế Xô Viết.
Năm 1953, Bộ Ngoại thương Liên Xô đã "tự hào" cho công bố bản báo cáo phân tích cho rằng sau khi thành lập nước Trung Hoa cộng sản : "đã hình thành hai thị trường thế giới song song và đối đầu nhau".
Chính Stalin và những người dưới quyền đã kiên trì và cực tài giỏi trong việc tạo ra một thị trường kinh tế thế giới mới cùng tồn tại với thị trường tư bản Phương Tây.
huunghi_trungxo01
Các poster trên đường phố Bắc Kinh, 1946 (dòng chữ tiếng Nga:
Tình hữu nghị giữa các dân tộc Liên Xô và Trung Quốc muôn năm)
Nền kinh tế của nước Trung Hoa rộng lớn không chỉ gắn chặt với kinh tế Liên Xô mà còn với kinh tế của các nước Đông Âu đồng minh của Moskva. 
Nhân đây cũng xin nhấn mạnh là tỷ trọng của công nghiệp Tiệp Khắc, Ba Lan và Đông Đức tại Châu Âu trong những năm sau chiến tranh lớn hơn nhiều so với hiện nay.
Còn trong cả các vấn đề về chính trị lẫn kinh tế thì các nước này dưới thời Stalin bị Liên Xô kiểm soát chặt hơn nhiều so với thời kỳ Khrushev và Breznhev. 
Tháng 3/1950, Ba Lan và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại đầu tiên. Năm sau đó, hai bên thành lập Công ty liên doanh tàu biển Trung Quốc-Ba Lan chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa giữa các cảng Trung Quốc và Ba Lan. Các tàu của Công ty này cũng vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc với nước Châu Âu khối Xô Viết.
Thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Tiệp Khắc được ký tại Bắc Kinh ngày 14/6/1950. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc xuất sang Tiệp Khắc volfram, thủy ngân, tơ lụa, cây gai dầu, trà, da và các nguyên liệu khác.
Về phần mình, Tiệp Khắc đưa sang Trung Quốc các trang bị cho công nghiệp chế tạo máy và luyện kim, xe ô tô vận tải và xe con, các sản phẩm cao su, hóa chất và hàng dược phẩm.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Tiệp Khắc năm 1953 chiếm vị trí số một trong tổng kim ngạch thương mại với các nước Châu Âu khối Liên Xô.
Thỏa thuận tương tự đầu tiên giữa Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Đức được ký ngày 10/10/1950.
Vào đầu những năm 50, Đông Đức cạnh tranh với Tiệp Khắc để giữ vị trí số một trong cán cân thương mại giữa Trung Quốc với các nước xã hội chủ nghĩa Châu Âu.
Trung Quốc cung cấp cho Đông Đức kim loại màu, gạo, trà, tơ lụa, thuốc lá và nhập từ Đông Đức các thiết bị máy chính xác, máy ảnh, máy quay phim và các mặt hàng công nghệ cao theo tiêu chuẩn thời bấy giờ.
Đến năm 1953, nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô, nước Trung Hoa cộng sản đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với Hungary, Rumani, Bulgary, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên.
Theo con số thống kê của Trung Quốc, nếu như trong năm 1950 thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chỉ chiếm 3,9% tổng kim ngạch kinh tế đối ngoại của Trung Quốc, thì đến năm 1952, tỷ lệ trên là 19%.
Như vậy, có tới hai phần ba hoạt động kinh tế đối ngoại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được tiến hành với các nước khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu.
Quả thực là trong một khoảng thời gian rất ngắn, một thị trường quy mô lớn tồn tại song song với thị trường của các cường quốc tư bản chủ nghĩa đã được hình thành.
Đây là thị trường xã hội chủ nghĩa - từ Berlin đến Bắc Kinh - đến giữa những năm 50 thị trường này đã chiếm gần 1/2 dân số thế giới và nếu tính nguồn lực dân số, tài nguyên và kỹ thuật (đặc biệt là tiềm lực khoa học của Liên Xô lúc đó) thì nó hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với "Chủ nghĩa tư bản quốc tế".
huunghi_trungxo02
Chuyên gia Xô Viết và các công nhân Trung Quốc tại nhà máy điện
ở tỉnh Hắc Long Giang : Ảnh phục chế : RIA Novosti
Dự án cao su của Stalin
Để có thể đánh giá một cách chính xác hệ thống (thị trường) mới được thành lập, nơi mà chính trị gắn kết chặt chẽ và thành công với kinh tế, có thể dẫn ra một câu chuyện rất đáng ngẫm sau đây.
Mặc dù khoa học và công nghiệp hóa chất thời gian đó đã có những tiến bộ vượt bậc nhưng trong thời gian sau chiến tranh thì cao su tự nhiên vẫn là một mặt hàng có nhu cầu cao và mang tính chiến lược.
Nhà sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới lúc đó - Malaysia đang là thuộc địa của Anh. Trên khu vực lãnh thổ rộng lớn mà Moskva kiểm soát - từ Đông Đức đến Trung Quốc chỉ duy nhất có một khu vực có điều kiện tự nhiên tương đối thích hợp để trồng cao su. Đấy là đảo Hải Nam cận nhiệt đới. 
Mùa xuân năm 1950, các tập đoàn quân PLA đã đổ bộ lên đảo Hải Nam lần thứ hai và lần này thì đã chiếm được đảo, Hải Nam trở thành một bộ phận mới của "thị trường khối xã hội chủ nghĩa".
Một năm sau đó, Liên Xô cấp cho Trung Quốc một khoản tín dụng mục tiêu 8,55 triệu rúp dành riêng cho việc triển khai các vùng trồng cao su trên đảo này. Công nghiệp Liên Xô lúc này đang cực kỳ cần cao su tự nhiên.
Đây thực sự là một chiến dịch được tính toán rất kỹ và tinh vi. Khoản tín dụng Xô Viết trên thực chất chỉ là "chất mồi" để triển khai nghiên cứu và bắt đầu trồng cây cao su trên đảo Hải Nam.
Để tiếp tục mở rộng diện tích và tăng sản lượng, trong kế hoạch chiến dịch có tính đến không chỉ khả năng thu hút vốn đầu tư từ các cộng đồng Hoa kiều đông đúc ở các nước Đông Nam Á mà còn tính đến cả cuộc chiến tranh du kích chống Thực dân Anh tại Malaysia.
Lý do là thuộc địa Malaysia của Anh lúc này không chỉ là một trong những nguồn cung cấp cao su tự nhiên chủ yếu cho Mỹ và Tây Âu mà là nơi tập trung đông Hoa Kiều nhất.
Những người Trung Quốc cộng sản (Hoa kiều) ở Malaysia lúc này đang chiếm vị thế áp đảo trong phong trào du kích thân Xô Viết - một trong những nhiệm vụ của họ là tìm cách phá hoại công nghiệp sản xuất cao su tự nhiên của Malaysia.
Vũ khí dành cho các chiến binh khởi nghĩa để triệt hạ đối thủ cạnh tranh cao su tự nhiên với khối Xô Viết (trong tương lai) - được tuồn qua tay những người cộng sản Trung Quốc và một nước khác.
Bành trướng văn hóa vào Trung Quốc
Trong 3 năm đầu tồn tại của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Xô đã giúp dịch từ tiếng Nga sang tiếng Trung và xuất bản ở Trung Quốc hơn 3.000 đầu sách về các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Trên thực tế điều đó có nghĩa là gần như toàn bộ các đầu sách khoa học của Trung Quốc trong thời kỳ đó đều là các bản dịch từ tiếng Nga.
Từ mùa thu năm 1952, Trung Quốc bắt đầu chỉnh sửa tất cả các chương trình và kế hoạch học tập theo mẫu của các trường đại học Xô Viết, bắt đầu dịch các giáo trình, sách giáo khoa đang được sử dụng tại các trường đại học tổng hợp Liên Xô.
Một ví dụ, các giảng viên của Trường Đại học nông nghiệp Đông - Bắc Trung Quốc trong năm 1952 đã dịch sang tiếng Trung và cung cấp cho tất cả các trường đại học nông nghiệp toàn Trung Quốc toàn bộ chương trình của 141 môn học.
Lần đầu tiên tại Trung Quốc, một phong trào học tiếng Nga rộng khắp được phát động. Chỉ trong 2 năm đầu tiên dưới chế độ mới, tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã có 12 trường đại học tiếng Nga được thành lập. Tất cả các trường đại học tại Trung Quốc đều có các khoa, bộ môn và các khóa học tiếng Nga.
Thậm chí, trong các trường phổ thông ở Đông Bắc Trung Quốc (Mãn Châu Lý, khu vực từng được gọi một cách bán chính thức là "Nga vàng" đầu thế kỷ XX dưới thời Đế Quốc Nga), chính quyền địa phương quy định tiếng Nga là một môn bắt buộc trong chương trình phổ thông.
Mối quan hệ văn hóa Xô-Trung cũng phát triển bùng nổ. Ví dụ, tháng 11/1952 Trung Quốc đã tổ chức "Tháng hữu nghị Xô-Trung". Chỉ trong một tháng đã có hơn 2 triệu người Trung Quốc xem các chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ Xô Viết.
Bắt đầu từ năm 1949, phim ảnh Xô Viết được giới thiệu rộng rãi tại Trung Quốc. Trong 7 năm đầu của chính quyền mới đã có 747 bộ phim Xô Viết được chiếu tại Trung Quốc với gần 2 tỷ lượt người xem.
Trong phần lớn các nước Châu Á và Châu Phi lúc bấy giờ thì phim ảnh đang còn là một của hiếm đối với dân chúng, chính vì thế mà con số người xem như trên là cực kỳ ấn tượng.
Và đây không chỉ là một sự kiện thú vị trong lĩnh vực nghệ thuật, nó còn là một minh chứng cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng văn hóa của Liên Xô đối với Trung Quốc.
Nếu tính rằng, nghệ thuật điện ảnh Trung Quốc lúc ấy chưa phát triển, điện ảnh Phương Tây thì chưa thể tiếp cận được thì có thể nói rằng gần như mọi người dân thành phố Trung Quốc trong những năm 50 của thế kỷ trước lớn lên cùng điện ảnh Xô Viết (hoặc là chịu ảnh hưởng của văn hóa Xô Viết-ND).
Lấy ví dụ từ tác động của "Hollywood" hiện nay, chúng ta bây giờ có thể hiểu được tất cả những điều đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào.
"Học tập Liên Xô"
Vào đầu những năm 50, Chính phủ Trung Quốc chính thức đưa ra khẩu hiệu" Học tập Liên Xô".
Ở đây cần phải nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Xô-Trung - đó là Liên Xô chuyển giao cho Trung Quốc các kinh nghiệm công tác hành chính và quản lý cùng các công nghệ quản lý hành chính liên quan.
Ví dụ, đại bộ phận các bộ trong chính phủ Trung Quốc đều có cơ cấu tổ chức tương tự như các bộ tương đương tại Liên Xô. Phương án đầu tiên về cơ cấu tổ chức của Ủy ban kế hoạch nhà nước của Trung Quốc là bản sao mô hình Ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô (có rút gọn hơn). 
(Còn tiếp)
Lê Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét