Dân Luận: Cạnh tranh - hay "đấu đá" - là động lực của phát triển. Với điều kiện nó phải công khai và minh bạch. Trong bóng tối, sự đấu đá không giúp cho phát triển mà trái lại, nó có thể khiến kẻ thủ đoạn nhất, vô đạo đức nhất, tham nhũng nhất chiến thắng (ví dụ thay vì nghĩ ra một chiến lược phát triển kinh tế tốt hơn đối thủ, họ rải tiền tạo phe cánh để được bầu lên và bòn rút tài sản quốc gia để bù đắp lại). Cái cách đấu đá của nội bộ Đảng CSVN vì thế không biến thành động lực phát triển của xã hội, vì nó hoàn toàn thiếu vắng tính minh bạch.
A: "Anh ơi, em nghe nói các nước đa đảng thì thường đấu đá và ít ổn định phải không anh?"
B: "Hì hì, thế nào là 'đấu đá', họ 'đấu đá' cụ thể ra làm sao và thế nào là 'ít ổn định' hở em?"
A: "Thì suốt ngày họ cứ ngồi đó mà tranh giành quyền lực, bỏ bê đất nước đó anh."
B: "Cái này em biết rõ hay em tưởng tượng?"
A: "he he, em nghĩ là vậy."
B: "Em có biết là 99% quốc gia trên thế giới là những quốc gia đa đảng không? Em có thấy 99% ấy có ít ổn định do 'thường đấu đá" không?"
A: "Dạ, họ có đấu đá thì làm sao mình biết được anh?"
B: "Hì hì, nếu 'họ có đấu đá thì làm sao mình biết' thì lấy cái gì mà xác định rằng 'các nước đa đảng thì thường đấu đá và ít ổn định' như câu hỏi đầu tiên em đặt ra?"
A: "Thì em đoán là vậy."
B: "Việc em đoán chẳng có một tí cơ sở và căn cứ nào hết. Anh đang sống ở một quốc gia đa đảng, có nhiều kênh truyền hình trực tiếp phát hình những gì xảy ra ở quốc hội. Họ cãi nhau hàng ngày, hàng giờ về những chính sách, những quyết định, những phương án ..v..v... nhưng quốc gia anh đang sống vẫn là một trong những quốc gia giàu có và ổn định nhất trên thế giới. Anh chẳng thấy họ 'tranh giành' cái gì hết và cũng chẳng thấy quốc gia này 'ít ổn định' chỗ nào cả."
A: "Vậy thì đa đảng trực tiếp ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế, giáo dục và xã hội vậy anh?"
B: "Đa đảng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội. Lý do:
1) Các đảng đối lập phải vắt óc ra hình thành những chính sách làm sao mà được người dân ưa thích hơn, ích lợi hơn, ưu việt hơn chính sách của đối thủ.
2) Các đảng đối lập không ngừng dò xét và chỉ trích những thứ tệ hại của đối thủ bởi vì họ muốn cho người dân thấy đảng của họ tốt hơn.
3) Chính vì hai điểm trên, sự tồn tại của các chính đảng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt và điều ấy mang lại sự phát triển của các chính sách, của những cải tổ và nâng cao, dẫn đến sự phát triển kinh tế, giáo dục và xã hội."
A: "Nếu vậy, các đảng họ giở thủ đoạn ra và triệt nhau thì sao anh? vậy không tạo ra sự rối loạn hay sao?"
B: "Tuỳ cái gọi là 'triệt' nằm trong giới hạn và mức độ nào. Họ có thể phê bình, chỉ trích đối thủ nhưng phải có bằng chứng và phân tích khoa học, họ phải đưa ra vấn đề rạch ròi và cụ thể. Nếu họ tấn công cá nhân, họ có thể bị đưa ra toà. Nếu họ tấn công thể xác, họ có thể bị truy tố. Nói chung, cái gọi là 'đấu đá' ở đây là những tranh cãi duy lý và khoa học được diễn ra một cách văn hoá trong khuôn khổ pháp luật chớ chẳng phải là một cái chợ với một đám đầu gấu."
A: "Em thấy đảng cộng sản ở VN cũng đấu đá ghê lắm mà anh? Vậy cũng là cạnh tranh chớ?"
B: "Những thứ đấu đá của các nhóm 'lợi ích' ở VN là những đấu đá mang tính cục bộ và cho quyền lợi của chính họ chớ chẳng phải đấu đá cho quyền lợi của quốc gia và cho người dân. Hơn nữa, sự đấu đá của họ không bao giờ vượt quá chính sách của chính họ. Bởi vậy, có đấu đá mấy thì cũng... vũ như cẩn. Bộ em không thấy kinh tế, giáo dục, xã hội ở VN càng lúc càng đi xuống hay sao? Người ta 'đấu' thì càng lúc quốc gia người ta càng lên, còn mình càng 'đấu' càng tệ. Mấy ông đảng đấu sao mà cả đất nước càng lúc càng xuống thì đấu làm chi?"
A: "Em đang cố hình dung những gì anh nói."
B: "Em nên suy nghĩ về 3 điểm anh đưa ra ở trên rồi mình trò chuyện tiếp."
A: "Dạ, cảm ơn anh."
Hoàng Ngọc Diêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét