Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Năm bậc thang của nghệ thuật lãnh đạo

John C. Maxwell được cả thế giới biết đến như là bậc thầy trong việc đào tạo các nhà lãnh đạo. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, công ty EQUIP and The John Maxwell của ông đã đi khắp nơi huấn luyện cho hơn 5 triệu nhà lãnh đạo xuất sắc trên toàn thế giới. Mỗi năm, ông chỉ dẫn cho hơn 500 công ty, các nhà lãnh đạo chính phủ, các tổ chức của quốc tế như Học Viên Quân Sự West Point – Hoa Kỳ, Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia, Liên Hiệp Quốc, tập đoàn Microsoft… Ông là tác giả của hơn 19 triệu ấn bản sách được phát hành. Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: 21 Nguyên Tắc Vàng Của Nghệ Thuật Lãnh Đạo (The 21 Irrefutable Laws of Leadership) và 21 Phẩm Chất Vàng Của Nhà Lãnh Đạo (The 21 Indispensable Qualities of a Leader), Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo (Developing the Leader Within You)
Trong buổi nói chuyện tại The Chick-Fil-A Leadercast, John Maxwell đã có một bài nói hấp dẫn về 5 bậc thang khác nhau của nghệ thuật lãnh đạo. Maxwell giải thích rằng “lãnh đạo không đơn giản là một vị trí, nó là cả một tiến trình phấn đấu”. Khi bạn nâng được cấp độ lãnh đạo của mình, thì bạn sẽ có tạo khả năng ảnh hưởng tới người khác nhiều hơn, và công việc của bạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Ở bậc thang đầu tiên, Maxwell gọi đó là “có vị trí” (position level). Đây là cấp độ đầu tiên mà tất cả những ai đã, đang và sẽ trở thành lãnh đạo đều bắt đầu từ đây. “Có vị trí” tức là bạn bắt đầu được công ty giao cho một vị trí lãnh đạo, và dưới bạn bắt đầu có các nhân viên. Ở cấp độ này, từ khóa quan trọng là “quyền hành”. Ở cấp độ đầu tiên này, người lãnh đạo thường sử dụng quyền hành của mình để bắt cấp dưới tuân theo, làm theo lời cấp trên. Nhưng John chỉ ra rằng “có vị trí cao không khiến bạn trở thành nhà lãnh đạo”. Thường thì con người không bao giờ muốn phải tuân theo ai đó chỉ vì họ buộc phải làm thế. Chính vì vậy nếu duy trì ở cấp độ thứ nhất này thì người lãnh đạo không khiến cấp dưới nể phục, thì họ sẽ không có được sự tận tụy, khả năng cũng như trách nhiệm với công việc của nhân viên.
Bậc thang thứ hai là “được chấp nhận” (permission level). Từ khóa của cấp độ này là “quan hệ”. Người lãnh đạo phải tạo được quan hệ tốt với mọi người, với cấp dưới của mình. Để làm được điều đó thì người lãnh đạo phải biết lắng nghe nhân viên, tìm hiểu xem họ cần gì cũng như không hài lòng với điều gì. Tiếp đó hãy quan sát mọi người để nắm được thông tin họ đang ở đâu, đang làm gì cũng như có cần giúp đỡ gì hay không. Và cuối cùng, điều không thể thiếu là hãy luyện tập để luôn có thái độ sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng “phục vụ”.
Đến lúc này thì mọi người đã bắt đầu nghe theo bạn bởi vì họ muốn thế chứ không phải vì bắt buộc nữa, bởi bạn đã kết nối mọi người với nhau, bạn đã hòa nhập với cấp dưới của mình. Phải luôn luôn nhớ rằng các mối quan hệ (relationships) là nền tảng của cương vị lãnh đạo. Không có một nhà lãnh đạo thực thụ nào lại muốn làm mọi công việc một mình cả. Như Darlene Price đã từng nói trên CNN trong bài viết ‘Mười điều nhà lãnh đạo tài ba không bao giờ nói’: “Càng mở rộng quy mô của công ty, bạn sẽ càng làm mọi thứ với tư cách cá nhân ít đi mà những việc bạn làm sẽ càng phải thông qua những người khác.”
Đối với cấp độ thứ ba – “làm gương” (production level) thì những nhà lãnh đạo cần chứng tỏ thực lực của bản thân. Đến lúc này nhà lãnh đạo phải trở thành hình mẫu là người làm việc hiệu quả và đạt năng suất cao nhất. Người lãnh đạo trong thời điểm này chính là điều mà những cấp dưới muốn được nhìn vào. Họ là người luôn tạo ra động lực làm việc cho những người khác. Theo Maxwell, động lực chính là người bạn tốt nhất của mọi nhà lãnh đạo. Nó giúp giải quyết đến 80% những rắc rối gặp phải.
Vẫn ở cấp độ thứ ba, nhà lãnh đạo bắt đầu thu hút những người xung quanh, đặc biệt là những cấp dưới có đặc điểm giống họ. Khi ông chủ của một công ty yêu cầu Maxwell chỉ dẫn làm thế nào để thuê được những nhân viên mẫn cán, Maxwell đã yêu cầu ông ta “vẽ” bức chân dung bao gồm những tính cách mà ông ta muốn nhân viên của mình sở hữu. Và quả thật rất nhiều tính cách trong số đó mà ông chủ ông ty này sở hữu.
Tiếp theo là cấp độ thứ tư – “phát triển nhân lực” (developing people). John Maxwell cho rằng một người lãnh đạo thực thụ là người biết sắp xếp các vị trí nhân sự một cách hợp lý để tăng khả năng đạt được thành công trong công việc của mỗi cá nhân . “Một người thành công là người khám phá ra được khả năng của bản thân, còn một nhà lãnh đạo thành công là người khám phá ra được khả năng của cấp dưới,” Maxwell đã nói như vậy trong buổi diễn thuyết.
Bên cạnh đó ông cũng đề cao việc nhà lãnh đạo nên đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp theo dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của bản thân theo các bước sau. Đầu tiên, hãy để cấp dưới theo sát bạn. Tiếp đến hai bên cùng quan sát để học hỏi lẫn nhau. Sau đó hãy để cấp dưới tự làm còn nhà lãnh đạo chỉ quan tâm chỉ dẫn. Cuối cùng, để cấp dưới tự giải quyết công việc và lặp lại đúng như những gì bạn đã từng làm. Sau khi đã hoàn thành được bước bốn là lúc các nhà lãnh đạo nên cố gắng chạm đến mức thứ năm.
Cấp độ thứ năm là “đỉnh cao” (pinnacle level) mà không phải ai cũng có thể chạm tới được. Điều quan trọng nhất ở cấp độ này chính là “sự tôn trọng” (respect). Lúc này cấp dưới nghe theo lãnh đạo bởi những điều tốt đẹp mà người lãnh đạo đã làm trong suốt thời gian dài, bởi tư cách mà người lãnh đạo có hay chỉ đơn giản là bởi chính bản thân người lãnh đạo.
Cũng chính thời điểm này bạn bắt đầu tự hỏi bản thân rằng mình đang ở cấp độ nào, thứ nhất, thứ hai hay thứ ba? Câu trả lời theo Maxwell là đối với mỗi nhân viên khác nhau thì nhà lãnh đạo lại cấp độ khác nhau. Đối với nhân viên đã làm việc lâu năm thì người lãnh đạo có thể ở cấp độ thứ tư nhưng đối với người mới vào làm thì rất có thể người lãnh đạo chỉ ở cấp độ đầu tiên. Vì vậy, nhà lãnh đạo thực thụ là người khám phá được bản thân mình đang ở cấp độ nào đối với mỗi nhân viên để từ đó tìm ra cách dẫn dắt họ phù hợp nhất.
Và bởi vì cương vị lãnh đạo luôn có sức ảnh hưởng nhất định nên hãy cố gắng học hỏi mọi điều xung quanh bởi bạn chính là người nắm trong tay sức mạnh làm gia tăng sự ảnh hưởng ấy.
Bài viết có sự dụng tư liệu từ http://www.sponsell.com và clip “The 5 levels of leadership” đăng tải trên Youtube.

Athena, cộng tác viên Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét