Điếu Cày bên các bạn cùng chí hướng trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc - Courtesy of caulacbonhabaotudo.multiply.com
Tưng bừng, xúc động
Người tù lương tâm nổi tiếng của Việt Nam, blogger Điếu Cây Nguyễn Văn Hải, đã đặt chân lên đất Mỹ hồi 9 giờ tối thứ ba, giờ Los Angeles, California. Trong không khí mừng vui sôi nổi với hơn 200 đồng bào người Việt ra đón ông trong một rừng hoa, cờ, biểu ngữ, blogger Điếu Cày tuyên bố: ông thấy chính phủ Hoa Kỳ mong muốn ông trở thành 1 công dân của Hoa Kỳ, ông không hiểu tại sao chính phủ Việt Nam lại trục xuất ông sang Mỹ, những việc ông làm chỉ để mang lại những lợi ích cho dân tộc, Việt Nam, tổ quốc Việt Nam. Việc này đáng để chính phủ Việt Nam phải suy nghĩ.
Như vậy blogger Điếu Cày đi Mỹ có trái với ý muốn của ông hay không?
Ưng thuận hay bất bình?
Trước hết, người ta thấy cách mà nhà cầm quyền Việt Nam đưa ông Điếu Cày đi Mỹ lần này rất kỳ lạ. Tại sao họ không thông báo cho gia đình được biết? Bà Dương Thị Tân gọi cách thức đưa người ra đi như vậy là bất nhẫn. Nhưng ngoài sự bất nhẫn, còn thấy được sự vội vã như dấu diếm một việc mà trước sau gì cả thế giới cũng phải biết, mà quả nhiên thế giới đã biết rất nhanh. Thêm nữa, Điếu Cày lên máy bay vượt nửa vòng trái đất mà chỉ mang đôi dép, y như không kịp mang giày, hay là nhà nước không kịp cả sắm cho ông đôi giày mang cho tươm tất! Vì thế câu tuyên bố của ông dường như ông có hàm ý là phải ra đi không đúng theo ý muốn của mình.
Hải ngoại đồng hành tuyệt thực đòi tự do cho Điếu Cày - Internet file
Trong khi đó, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố là ông đã ưng thuận đi Mỹ nên Hoa Kỳ đã sắp xếp chuyến ra đi này; tuy nhiên nhưng bà Dương Thị Tân, vợ cũ và là người bảo trợ pháp lý cho blogger Điếu Cày, nói là cả chính quyền Việt Nam lẫn tòa đại sứ đều không hề thông báo cho gia đình. Lý do vì đâu?
Đầu tiên, lần ra đi này khác với lần ra đi của ông Cù Huy Hà Vũ, là lúc mà cả hai bên Việt Mỹ đều chuẩn bị tươm tất hơn, và gia đình của người bị trục xuất lưu vong cũng được thông báo trước. Nhưng dù sao lần này ông Điếu Cày có ưng thuận ra đi thì người Mỹ mới tiến hành các thủ tục tiếp theo. Đó là một nguyên tắc về luật pháp cũng như về nhân quyền của Hoa Kỳ, không thể khác được. Vì thế nên ông Điếu Cày mới nghĩ là chính phủ Hoa Kỳ muốn ông trở thành một công dân Mỹ và nói không hiểu sao chính phủ Việt Nam lại trục xuất ông. Câu nói này hàm ý ông đã phải ưng thuận ra đi một cách miễn cưỡng, ngoài ý muốn, nhưng không còn con đường nào khác cho bản thân và gia đình.
Vì vậy Điếu Cày mới tuyên bố là đã quyết định một chương trình hoạt động trước khi đi Mỹ; điều đó có nghĩa là ở Việt Nam anh sẽ không làm gì được, giống như các blogger và nhà bất đồng chính kiến vào tù và được thả ra như ngày nay, mà chỉ ở Mỹ mới làm được việc. Như vậy chuyến đi này có sự ưng thuận nhưng là một sự ưng thuận miễn cưỡng, nghĩa là ngoài ý muốn của blogger Điếu Cày như đã nói.
Vội vã, vì sao?
Nhưng tại sao Việt Nam phải đưa ông đi một cách vội vàng gần như lén lút như vậy?
Trước hết, ngày 22 tháng 10 là ngày Việt Nam tiếp đón Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ, nhân quyền, Lao động đến cuộc đối thoại nhân quyền tại Hà Nội. Hà Nội có thể muốn tặng một món quà ra mắt người Mỹ trước cuộc đối thoại này. Nhưng dù đó là lý do thì một chính phủ mà tổ chức một cuộc tống xuất đầy vội vã luộm thuộm như vậy thì cũng khó biện minh được cho khả năng tổ chức, hay tính cách nhất trí của chính phủ trong mọi chính sách.
Việt Nam làm như thế còn có thể là để tránh một cuộc tập trung đưa tiễn rầm rộ của giới bất đồng chính kiến, nhất là các blogger, báo chí lề trái, trong nước. Để cho cuộc đưa tiễn như thế diễn ra chẳng khác nào chiếu rọi sáng ngời cuộc đấu tranh kiên cường của người blogger bất khuất, từng tuyệt thực dài ngày để phản đối chế độ tư pháp Việt Nam.
Ý nghĩa
Ở Mỹ chưa từng thấy một cuộc tiếp đón người Việt nào mà đông đảo, sôi nổi và đầy tình thân cùng với sự ngưỡng mộ của đồng bào Việt Nam ở Nam California, không phân biệt chính kiến, phe phái nào. Lại còn có mặt hầu hết các vị dân cử Hoa Kỳ ở địa phương, như nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa, Giám sát viên quận Cam Janet Nguyễn... là hai người được thấy trong đám đông, trong số nhiều người khác.
Nhà tranh đấu Điếu Cày bên Nghị sĩ Tiểu bang Lou Correa ra đón anh
ở phi trường L.A., 21 tháng 10, 2014
Cuộc đón rước chứng tỏ tất cả mọi người Việt hải ngoại đều ủng hộ nhà báo Điếu Cày, một người bộ đội từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội miền Bắc, nhưng gương dũng cảm của anh trong nhà tù của chế độ độc tài toàn trị Việt Nam đã làm rung động tấm lòng người Việt dù ở trong hay ngoài nước. Sự có mặt của các vị dân cử người Mỹ đang cạnh tranh để chiếm phiếu của khối cử tri người Việt ở Nam California cũng cho thấy sức mạnh của lá phiếu của người Việt Nam ở tại nơi này, là nơi người Việt hải ngoại cư ngụ đông đảo nhất trên thế giới.
Những hình ảnh tương hợp ấy cho thấy hoạt động đấu tranh vì dân chủ cho người Việt Nam của người yêu nước Điếu Cày sẽ không thiếu sự ủng hộ, yểm trợ của đồng bào Việt Nam hải ngoại bên cạnh giới dân cử Hoa Kỳ ở địa phương cũng như giới dân cử liên bang.
Bang giao Việt Mỹ
Hôm nay là ngày Phụ tá ngoại trưởng Mỹ Tom Malinowski, đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, Lao động bắt đầu cuộc đối thoại nhân quyền tại Hà Nội. Hai tuần trước khi đi Việt Nam, ông hội họp với 1 số nhà hoạt động người Việt hải ngoại. Được biết, khi ông được hỏi về mục đích chuyến đối thoại này, ông nói bộ ngoại giao "nghe nói" Việt Nam sẽ thả một vài nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng hiện đang ở tù. Rồi ông được hỏi có phải Điếu Cày hay Lê Quốc Quân không, ông Malinowsky nói nguyên văn :"Đoán như thế là rất gần rồi đấy, nhưng tôi không được phép nói ra"
Đầy mỉa mai
Điếu Cày trong những ngày đấu tranh chống Trung Quốc - Internet file
Và rồi khi Điếu Cày ra khỏi nhà tù để đi Mỹ, dư luận Mỹ tỏ ra hân hoan, bộ ngoại giao ngỏ lời ca ngợi Việt Nam về việc này. Những người quan tâm có thể nhận thấy chút mỉa mai trong những vụ thả tù như thế.
Cuộc thảo luận Thế giới Trong tuần hôm 24 tháng 9, 2014 đã nói Việt Nam sẽ có một ít nhượng bộ về nhân quyền sau khi tướng Martin Dempsey đi Hà Nội. Và thực ra đó cũng chẳng phải một sự nhượng bộ nào hết.
Lúc nào Hà Nội cũng có sẵn những lá bài nhân quyền trong túi để ra tay trong canh bạc nhân quyền với Mỹ. Đó là những con tin tù nhân lương tâm bị giam nhốt để đem neo giá và Mỹ phải kèo nài. Khi Việt Nam cần đòi hỏi Hoa Kỳ một việc nào đó, thì Washington lại đòi Hà Nội phải "tôn trọng nhân quyền" để làm hài lòng dư luận Mỹ và tạo thuận lợi, thì một vài "con tin" này lại được thả nhỏ giọt. Rồi một số khác lại bị bắt hay đã bị bắt giam trước đó để đem vào "kho dự trữ".
Như thế có thể nói Việt Nam "đạt tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền" hay chăng? Hay chỉ là những hành động "điểm trang" để Hoa Kỳ có cớ hầu thỏa mãn cho Việt Nam những yêu cầu về quân sự, kinh tế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét