Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Trái cây Trung Quốc trên đất Việt

trai-cay-tq.jpg
Một sạp bán trái cây Trung Quốc ở Lào Cai.
 RFA



Sau vụ giàn khoan HD 981 không lâu, những tưởng trái cây Trung Quốc đã hết đất sống ở Việt Nam bởi tinh thần bài Trung của người Việt đã lên cao. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, hàng loạt trái cây xứ Bắc Việt Nam lại rơi vào
khủng hoảng thừa bởi những trận bão trái cây từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam theo nhiều đường và có giá rẻ mạt.

Lo ngại độc hại?

Điều đáng sợ nhất đồi với người Việt Nam là trái cây Trung Quốc đã làm tê liệt thị trường Việt Nam trên mọi nghĩa, trong đó, tính độc hại của loại trái cây này đang ở mức báo động đỏ.
Một nhà buôn chuyên đưa trái cây từ Trung Quốc về Việt Nam, tên Thi, chia sẻ:
TQ chỉ có hàng cao cấp, cam cũng có của TQ nhưng ít, đa số là hàng cao cấp, bom, lê, táo, nho… khó mà biết được, nhiều khi nó đóng nhãn mác VN.
-Anh Thi
“Trái cây Trung Quốc thì nó có những loại sang sang, còn hàng thường thường như ổi, cam, nhãn, vải... là hàng mình. Trung Quốc chỉ có hàng cao cấp, cam cũng có của Trung Quốc nhưng ít, đa số là hàng cao cấp, bom, lê, táo, nho… khó mà biết được, nhiều khi nó đóng nhãn mác Việt Nam khó mà biết được, như nho là của Trung Quốc nhiều, chủ yếu là Trung Quốc chứ Mỹ gì, người sành là họ biết hết ấy, lựu cũng là của Trung Quốc đó chứ.”
Theo ông Thi, chuyện trái cây Trung Quốc không có mặt ở Việt Nam là một chuyện hy hữu, bởi vì từ rất lâu, người Việt Nam đã chịu một thói quen sử dụng hàng Trung Quốc và không còn suy nghĩ, cân nhắc về giá trị hay chất lượng của nó nữa. Một phần vì hàng Trung Quốc rẻ bèo, trong khi hơn hai phần ba dân số có mức thu nhập vô cùng thấp, chính vì thu nhập thấp nên người ta không cần quan tâm đến ăn cái gì, ăn ra sao, ăn như thế nào… mà người ta chỉ cần biết ăn thứ gì cho rẻ và mau no bụng, cũng có đủ thứ như người ta. Và với tâm lý này, người Việt dễ dàng rơi vào cái bẫy hàng gía rẻ của Trung Quốc.
Song song với chuyện này, đa phần nông dân và người buôn trái cây Việt Nam đều có tâm lý ham làm giàu một cách mau chóng, đây lại là cái bẫy mà người Việt tự đặt ra để sập chính mình. Về phía người nông dân, bởi việc sản xuất luôn gặp khó khăn vì giá cả thị trường bấp bênh, giá phân bón luôn tăng, trong khi đó giá thành trái cây Việt Nam luôn bị xếp ngang ngửa với giá trái cây Trung Quốc. Điều này khiến cho nông dân Việt Nam không bao giờ ngóc đầu lên được.
trai-cay-tq-400.jpg
Một sạp bán trái cây ở Chợ Lào Cai. RFA PHOTO.
Trong khi đó, đáng buồn nhất là đa phần các công ty cung cấp phân bón trên thị trường Việt Nam đều là các công ty do người Trung Quốc làm chủ. Ông Thi nói rằng ông hoài nghi về một chiến lược chung giữa nhà cung cấp phân bón với nhà buôn trái cây Trung Quốc nhằm đánh gục người nông dân Việt Nam. Đặc biệt là sau vụ giàn khoan HD 981, chiến thuật đánh nông dân Việt Nam có thay đổi và người Việt Nam nằm gọn trong cái bẫy của người Trung Quốc.
Giải thích rõ hơn về cái bẫy này, ông Thi nói rằng sau vụ giàn khoan HD 981, người Việt chính thức khước từ trái cây Trung Quốc, và đây cũng là lúc trái cây Việt Nam không thể xuất khẩu sang Trung Quốc được, buộc lòng phải bán thị trường nội địa bằng giá bán cho Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc xuất sang Việt Nam những loại trái cây trồng bằng công nghệ hóa học, chỉ cần vài tháng đã hoàn tất chu trình trồng cây và cho ra trái cây chín, có mẫu mã giống hệt trái cây Việt Nam nhưng lại có giá thành rẻ bằng 10% giá trái cây Việt. Sau đó đưa sang Việt Nam tiêu thụ, ngược lại, trái cây ngon và ít độc của người Việt Nam lại đưa sang phục vụ người Trung Quốc.

Hàng Việt đắt đỏ?

Một khi có sự ngưng trệ thông thương hàng hóa, người nông dân cũng như nhà buôn trái cây Việt Nam dễ bị nhầm tưởng rằng trái cây Việt sẽ độc quyền trên thị trường Việt và bắt đầu hét giá một cách không bình thường khiến cho người mua nản lòng. Trong tình trạng này, thay vì người tiêu thụ Việt Nam vui mừng vì mình không chạm đến hàng Trung Quốc thì lại phải buồn vì hàng Việt đắt đỏ nhưng có mẫu mã không đẹp và chất lượng cũng chưa hẳn đã bảo đảm không độc. Và đây cũng là thời điểm trái cây Trung Quốc quay lại hoành hành ở Việt Nam.
Một người dân Lào Cai, tên Nguyên, chia sẻ:
Sợ chứ, cũng sợ sợ vì giờ nó hay bỏ thuốc kích thích nên giờ cũng hạn chế ăn. Ảnh hưởng thế nào mình chưa biết nhưng thấy sợ nên cũng ít ăn.
-Cô Nguyên
“Sợ chứ, cũng sợ sợ vì giờ nó hay bỏ thuốc kích thích nên giờ cũng hạn chế ăn. Ảnh hưởng thế nào mình chưa biết nhưng thấy sợ nên cũng ít ăn, hồi trước hay ăn nhưng giờ ăn hơi sợ, thỉnh thoảng thích lắm mới ăn. Hay dùng chuối, cam, hồng… các loại trái cây, nhưng giờ hạn chế lắm, nhất là cam, cắt ra nước trắng bệch, sợ lắm, giờ ăn uống thứ gì cũng sợ, trái cây cũng sợ…”
Theo ông Nguyên, trái cây Trung Quốc đi sang Việt Nam theo cả một ngàn lẻ một đường chứ không còn đi theo những đường của khẩu như trước đây. Không hiểu chính sách nhà nước bảo vệ cho người nông dân như thế nào và bảo vệ sức khỏe cho người dân như thế nào chứ riêng ở tỉnh Lào Cai, ông nhận thấy trái cây, thực phẩm Trung Quốc chưa bao giờ ngưng chuyển sang Việt Nam, kể cả trong giai đoạn giàn khoan HD 981 còn nóng hổi dư luận.
Nều như trước đó họ chuyển theo đường chính ngạch thì trong thời gian giàn khoan HD 981 cắm trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cho đến bây giờ, hàng hóa, trái cây, thực phẩm Trung Quốc đã chuyển sang Lào Cai theo nhiều đường, từ kí gởi cho đến chở bằng ghe máy từ bờ phía Trung Quốc sang bờ Việt Nam sông Nậm Thi rồi từ đây, tư thương Việt Nam ra nhận hàng đưa đi phân phối khắp nơi.
Đặc biệt, theo chỗ ông Nguyên nhận thấy thì hàng Trung Quốc có vẻ như mạnh lên trong giai đoạn khủng hoảng giàn khoan HD 981 bởi hàng Việt Nam đột ngột tăng giá khiến cho người tiêu dùng thất vọng. Và một khi chính người Việt Nam cảm thấy nản chí với hàng Việt Nam thì hàng Trung Quốc mãi mãi có chỗ đứng trên đất Việt.
Hơn nữa, nói cho cùng thì chuyện các loại trái cây Trung Quốc như bưởi Quang Minh, hồng, lê, táo, lựu, ổi, nhãn, đào, nho… tràn ngập thị trường Việt Nam hiện nay cũng là chuyện bình thường. Sở dĩ nói rằng đó là chuyện bình thường bởi vì nó đã thâm nhập vào tâm lý tiêu dùng của người Việt quá lâu, chẳng khác nào tư tưởng Khổng Nho đã ăn sâu vào tâm tính người Việt. Và điều này không phải tự dưng mà có, nó đã được điều chỉnh, cấy ghép trong một chương trình mang tính vĩ mô.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét