ĐẠI HỘI HAY HỘI NGHỊ VẪN LÀ CHUYỆN RIÊNG CỦA ĐCSVN
Bản tin chính thức (chứ chẳng còn là tin đồn) về việc Cục trưởng Nguyễn Hữu Thắng bị thắt cổ chết ngay tại văn phòng (chứ không phải "tự treo cổ trong tư thế ngồi tại các đồn công an") làm mùi tử khí càng thêm nồng nặc dù còn cả năm nữa mới đến Đại Hội Đảng XII.
Từ nay đến giờ phút khai mạc Đại Hội đó còn bao nhiêu Hội nghị Trung ương nữa để quyết định nhân sự vào các ghế ở thượng tầng, tức phân chia lại các lãnh thổ quyền lực? Và mỗi lần như vậy sẽ còn bao nhiêu đối thủ chết nhanh kiểu Nguyễn Hữu Thắng và chết chậm kiểu Nguyễn Bá Thanh nữa?
Có trường hợp họ chết vì trực tiếp tranh ghế nhưng cũng có trường hợp họ chết chỉ vì có thể liên lụy đến những người đang tranh các ghế cực lớn. Cụ thể như Thượng tướng công an Phạm Quý Ngọ. Ông Ngọ chết rất nhanh khi đường dây chạy án của ông bị phanh phui và bắt đầu hướng vào Bộ trưởng công an Trần Đại Quang và một vài ủy viên Bộ chính trị khác. Ngắn gọn là mức liên lụy càng lớn, cái chết đến càng nhanh.
(Cũng chính vì thế mà một dấu hỏi lớn đang lan nhanh: ông Nguyễn Hữu Thắng đang hăm dọa phanh phui cấp trên cỡ nào, hay đang bị các đối thủ phanh phui và có thể liên lụy đến cấp trên cỡ nào mà phải chết ngay như thế?)
Và nếu ở hàng Thượng tướng công an, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, Cục trưởng, ... mà còn không giữ nổi mạng sống, chả trách hàng cán bộ trung và cao cấp đều đang dặn vợ bảo con chặt chẽ chuyện thực phẩm hàng ngày. Họ cũng nhốn nháo dò tìm cửa nào có quyền lực mạnh nhất để chạy sang đầu quân cho yên tâm. Vấn đề là nếu đổi cửa quá sớm và nhất là nếu chọn sai cửa, thì đòn trả thù của các chủ tướng cũ cũng tàn bạo không kém. Hồ sơ tham nhũng bao năm rất "ổn định" của gia đình họ bỗng xuất hiện giữa chợ Internet, rồi kéo theo đủ loại điều tra, kỷ luật, tù tội. Tài sản của họ được chia cho những quan chức "trung thành" còn lại. Đây quả là thời điểm "sai một ly, đi một dặm ... vào cõi âm".
Giữa không khí u ám, chết chóc bao trùm đó, hiển nhiên đội ngũ cán bộ cũng xôn xao bàn tán ai sẽ lên ngôi thượng đỉnh, và ai sẽ theo "Phù Đổng Nguyễn Minh Triết" về vui thú điền viên ... (vui thú điền viên trong hồi hộp, không biết ngày nào cái núi gia sản của mình bị các đồng chí đương quyền "cưỡng chế" như kiểu ông Trần Văn Truyền). Trong cuộc chạy đua hiện nay, người ta thấy:
· Có những ngôi sao "vừa lên đã vụt tắt" như PTT Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc bỏ cửa quyền lực Nguyễn Tấn Dũng và đầu quân nơi khác quá sớm và bị trừng phạt nặng nề trên bàn giải phẫu của trang Chân Dung Quyền Lực (CDQL). Xác suất ông Phúc giữ được ghế ủy viên Bộ Chính trị tại Đại Hội XII gần như số không. Việc mất thêm các chức tước khác hay bị điều tra, mất tài sản, thêm tù tội ... còn tùy thuộc vào cán cân quyền lực giữa các phe nhóm trong những ngày tới, cũng như tùy thuộc thái độ ngoan ngoãn chịu trận, không phản đòn của ông Phúc.
· Có những ngôi sao "mát da mát thịt và mát cả đầu" như Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Ông Thanh cứ tự bắn vào chân mình với những tuyên bố đầy lo âu cho Bắc Kinh khi thấy người Việt Nam ghét giặc xâm lược quá. Tuy vậy, vẫn có nguồn tin từ nội bộ cho biết ông Thanh nay đã nắm chắc ghế Chủ tịch nước vì ông được nằm trong danh sách mà Du Chính Thanh, Ủy viên bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Chính hiệp Trung quốc, cầm từ Bắc Kinh sang ban cho Hà Nội vào tháng trước.
· Có những ngôi sao "vừa có mưu vừa có tiền" như TT Nguyễn Tấn Dũng. Ông đang dùng vũ khí CDQL để chỉ cần đánh vài đòn chí mạng vào mấy con dê tế thần, đã đủ để hăm dọa được toàn bộ giàn lãnh đạo còn lại đến xanh máu mặt. Chỉ có điều ông Dũng hơi tham lam. Nay ông lại dùng ngay trang CDQL để ca ngợi chính mình, tức là thú nhận một cách lộ liễu đây chính là vũ khí của ông. Liệu ông Dũng đã mạnh đến mức không cần che đậy nữa hay đã có thể bất chấp các phe cánh khác hợp sức lại đối đầu với ông?
· Và có những ngôi sao "càng được sơn phết càng mất giá" như ông Phạm Quang Nghị. Ông Nghị bị thiệt hại vì người thợ sơn phết cho ông lại là ông Nguyễn Phú Trọng - một người cứ liên tục chứng minh mình rất xứng đáng với danh hiệu "Trọng lú". Người ta đánh giá một kẻ đi đầu quân dưới trướng ông Trọng thì còn phải "lú" đến mức nào nữa.
Nếu đây chỉ là chuyện giữa các siêu sao "có ăn có chịu" với nhau thì chắc chẳng mấy ai quan tâm. Nhưng khổ nỗi, người dân Việt Nam chẳng được sơ múi gì mà cứ bị khổ lây. Khi các đấu đá trong nội bộ đảng càng kịch liệt, thì giới lãnh đạo càng lo xa rằng "các thế lực thù địch trong dân chúng" sẽ lợi dụng tình hình. Thế là họ càng ra lệnh cho công an đánh dân TRƯỚC và đánh HÀNG LOẠT để gia tăng "ổn định xã hội". Không chỉ các tiếng nói dân chủ bị đánh tới tấp, bị bỏ tù, bị bao vây quanh nhà 24/7, bị xiết kinh tế, mà toàn dân trên cả nước đều bị xiết ốc chặt hơn nữa. Lực lượng công an dưới đường lẫn trên mạng, lực lượng dân phòng, lực lượng côn đồ, và cả lực lượng dư luận viên đều đồng loạt hung hãn hẳn lên. Cả xã hội đang sống và sẽ phải sống trong không khí căng thẳng và ngột ngạt này trong suốt những ngày tháng tiền Đại Hội trước mặt. Do đó, khi có người nói "cả nước đang ngóng chờ chóng đến ngày đại hội đảng" thì không hẳn họ nói ngoa đâu. Một câu vừa hỏi vừa trả lời đang trở nên phổ biến: "Ai mà không muốn chóng thoát cái 'đại hội của nợ' này!?"
Nhưng tất cả cơn ác mộng cứ 5 năm một lần bao trùm cả nước ấy lại chẳng phải đem lại lợi ích gì cho quốc gia. Có thể nói đó chỉ là chuyện của khoảng 20 VÕ SĨ NHAM HIỂM đánh nhau chí chết ở thượng tầng. Dù võ đài có sôi nổi đến đâu thì các Hội nghị Trung ương hay ngay cả Đại hội đảng đều vẫn chỉ là chuyện nội bộ của đảng CSVN mà thôi, vì những lý do sau đây:
Trước hết, người dân hoàn toàn không có một chút tiếng nói nào, chứ đừng nói gì đến lá phiếu, trong việc chọn những người lãnh đạo đảng. Ngay cả những tiếng nói phê bình lãnh tụ nào quá thiếu khả năng, quá tham nhũng đều lập tức bị đảng dùng đủ loại điều luật và tù đày để bịt miệng. Thậm chí kết quả bỏ phiếu tín nhiệm các lãnh tụ thôi cũng được xem là chuyện nội bộ của đảng. Dân không có phận sự gì để biết. Nhưng điều oái oăm là những người vừa được các đảng viên CSVN chọn làm lãnh đạo riêng của đảng lại lập tức cũng xem quyền cai trị toàn dân đương nhiên là quyền của họ.
Nhưng quan trọng hơn nữa, là võ sĩ nào chiến thắng thì chính sách của giàn lãnh đạo vẫn không có gì khác biệt. Họ vẫn không có chọn lựa nào khác ngoài việc:
· Coi ưu tiên sống còn của Đảng là cao nhất, mọi thứ khác chỉ là chuyện phụ, kể cả quyền lợi của quốc gia. Đảng vẫn quyết giữ chặt độc quyền cai trị dù biết đang tiếp tục dìm dân tộc trong lạc hậu, đói nghèo; dù biết đang tiếp tục dìm các thế hệ kế tiếp sống dưới tiêu chuẩn giá trị con người; và dù biết đang đánh mất từng phần chủ quyền đất nước cho ngoại bang.
· Tiếp tục làm dáng “chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu” nhưng bên trong đã bảo nhau không đánh tham nhũng nữa vì "đập chuột sẽ vỡ bình". Hay nói cách khác, kẻ đánh tham nhũng và kẻ bị đánh giờ đây quá giống nhau và đều đang ngồi trên những núi của cải đã bòn rút được.
· Tiếp tục làm dáng nhà nước pháp quyền nhưng thực chất chỉ còn biết sử dụng công an và côn đồ làm phương tiện cai trị. Lý do đơn giản vì lẽ đảng đã bí lối, từ lý luận đến tuyên truyền, trong việc biện minh cho một chế độ độc tài ở thế kỷ 21.
· Tiếp tục làm dáng phản đối các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông nhưng tiếp tục bán thêm đủ loại chủ quyền đất nước ngay trên đất liền và tại khắp mọi miền đất nước. Lãnh đạo nào cũng đã nhận quá nhiều ân huệ và biết các đòn trả thù hiểm độc của Bắc Kinh. Nên nay chẳng ai dám "phản chủ".
Đi sớm như các ông Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Hữu Thắng, hay Nguyễn Bá Thanh... có khi lại là sự giải thoát.
Phạm Nhật Bình
DienDanCTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét