Cà phê Saigon
Những buổi sáng cafe ở Sài Gòn 10 năm trước cho đến nay dường
như vẫn không có gì thay đổi. Vẫn ly cafe nhạt đó, những câu chuyện hỏi han
nhau lệ thường, những cuộc tranh cãi vu vơ giữa người với người để chứng minh sự
tồn tại như lẽ thật trên trần gian. Khác chăng là những đứa trẻ đánh giày nhiều
hơn, những người già bán vé số tuyệt vọng hơn. Và đặc biệt lượng người trầm
ngâm với điện thoại hay máy tính bảng ở mọi góc, ở mỗi giờ.
Thế giới đã khác, những tờ báo giấy mòn mỏi và chậm chập như
những chuyến xe liên tỉnh không đến kịp thời gian. Con người Sài Gòn hôm nay ngồi
chạm lướt vào hiện tại tức thì để nói về cuộc sống của mình, buồn phiền hay vui
cười những tin tức chớp tắt từng giờ. Sài Gòn ngồi một chỗ có thể nhìn mọi nơi,
nghe những chuyển động của người Việt, có thể cười cợt với những vận may hạnh
phúc và cũng có thể chết lặng với những đảo điên của giống nòi.
Lại một buổi sáng như mọi buổi sáng ở Sài Gòn, anh bạn làm
trong ngành toà án nói rằng từ internet, tin tức liên quan về luật pháp có thể
những người quan tâm đến stress nặng. Anh bạn làm báo thì kể có lúc anh đọc
tin, thấy những trái ngang đến mức bị trầm uất, ngồi hàng giờ ở nhà mà không
nói tiếng nào, đến mức gia đình lo sợ.
Là người, chắc không ai quên được vụ thảm sát công dân Ngô
Thanh Kiều ở Phú Yên (2014), mà thủ phạm lại là 5 công an viên do bức cung, nhục
hình, bất chấp nạn nhân kêu oan. Tin tức về sự kiện này thoạt đầu, báo chí
không đưa nhiều, thậm chí nương nhẹ, giấu bớt phần tội ác của các công an viên.
Thế nhưng tin tức trên internet bùng nổ lên tiếng, mang đi hình ảnh những đứa
trẻ đeo khăn tang, người vợ mang bức hình thi thể dập nát của chồng mình kêu
oan trước những ánh mắt nhân viên an ninh trừng trừng vô hồn đe doạ. Có một bức
ảnh được truyền đi trên mạng, cho thấy đứa trẻ đang hôn vào di ảnh của cha
mình. Nhiều người đã bật khóc vì khoảnh khắc đó. Nhiều người như anh bạn làm ở
ngành toà án hay nhà báo của tôi, và cả tôi đã nhưng nghẹt thở khi nhìn thấy.
Tíc tắc của hình ảnh đó có thể theo tôi đến tận cuối đời như một lời nhắc nhở rằng
xứ sở mình, người Việt mình đã oan khiên như thế nào, và may mắn thay, nếu
không có internet, những điều như thế này sẽ không bao giờ chạm được vào đời
thường để được sẻ chia công lý.
Tin tức trên internet như một cuộc cách mạng thầm lặng và vĩ
đại đã thay đổi đất nước này, dù không phải ai cũng hân hoan đón chào nó. Trước
khi có internet, mọi thứ bị kềm hãm trong truyền hình và báo giấy, trở thành một
lá bài ma thuật muôn mặt với công chúng.
Những người bạn ngồi cafe gợi nhớ ngày tháng mọi thứ lệ thuộc
vào các bản tin nhanh. Từ bóng đá cho đến các sự kiện thế giới như Đông Âu và
Liên Xô sụp đổ, chiến tranh Vùng Vịnh... Dòng người nôn nao đứng trước Thông Tấn
Xã Việt Nam chờ mua vào lúc 4g chiều - những ngày tháng đó đã nói hết mọi điều.
Những bản tin một chiều, bị kiểm duyệt và thậm chí bóp méo đã được nâng niu,
bàn tán từng ngày. Cuộc sống trong một cái nồi đậy nắp kín vẫn luôn đau đáu
ngóng chờ một giây phút nào đó để nhìn thấy bầu trời bên ngoài. Hôm nay thì mọi
thứ đã thay đổi, dù cá mập có xuất hiện từng đàn theo ước hẹn trước để cắn các
dây cáp quang dưới lòng biển, internet xoay tròn tìm kiếm, người ta vẫn tìm thấy
đủ cách để tiếp nhận thông tin quanh mình.
Không thể nào dừng được thông tin đến với mọi người, và càng
không thể che đậy hay ngăn chận. Vụ thảm sát ở Phú Yên lộ dần bộ mặt của các ác
và sự thống trị như cát cứ của chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành công
an ở đó. Và cũng nhờ đó, mà người ta biết đến chân dung của một người luật sư
trẻ đáng kính trọng, Võ An Đôn.
Hãy hình dung vào 10 năm trước, nếu vụ án oan này xảy ra mà
không có internet, có lẽ số phận gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều sẽ nguy
nan biết mấy trước sự bao che, cấu kết lộ rõ ở vùng đất đó. Và luật sư Võ An
Đôn chắc cũng sẽ bị xô vào một góc tối khác, nơi công lý chỉ còn một hình hài
rách rưới và cam chịu.
Có thể anh Võ An Đôn cũng có một trái tim bình thường như mọi
con người khác. Anh cũng biết sợ hãi và biết mình đang đối diện với điều gì.
Khi bị cáo công an Lê Minh Phát nổi giận, đạp ghế và chửi bới trước toà khi
nghe án tù 6 năm của mình cho tội giết người, nhiều người đã lo sợ. Và chắc anh
Võ An Đôn cũng có một tíc tắc bất an nào đó. Ai cũng hiểu hành động của viên
công an giới thiệu một bộ mặt khác của Phú Yên, nơi công an là trời, là núi
cao, là cát cứ trong sự sợ hãi của dân chúng. Cú đạp của viên công an chỉ là sự
bày tỏ rằng vì sao có một loại công lý nào đó có thể chạm được đến họ.
Vụ án kết thúc, nhưng đến năm 2015, cuộc trả thù đánh với vẫn
dai dẳng, khi đoàn luật sư tỉnh Phú Yên loay hoay tìm cách rút thẻ hành nghề của
luật sư Võ An Đôn. Thậm chí đòi thanh tra nơi làm việc của luật sư Đôn để
"quét nhà ra rác". Nhưng may sao, câu chuyện này với các mặt phải-trái
của nó đã nhiều đến mức mọi người đứng về vị luật sư cô đơn ngay trên quê mẹ của
mình. Bộ mặt quyền lực cát cứ và dẫm đạp lên cả đồng loại mình bị xé toạc ra, lộ
ra giòi bọ nhun nhúc trong đó. Nhưng cũng từ đó, những người biết chuyện lại
thêm sự lo ngại, rằng cuộc chiến đó chưa yên, quyền lực đó vẫn sẽ âm mưu phục
kích công dân tử tế của mình một ngày nào đó để kiểm soát mọi thứ.
Tôi chưa một lần gặp mặt luật sư Đôn, chỉ thấy anh qua hình ảnh.
Trong sự rắn rỏi và quyết liệt của anh, dường như tôi còn nhìn thấy sự liều chết
của một kẻ đánh bom, muốn phá tan các bức tường che đậy tội ác, bứt đứt những
bàn tay đang nắm chặt với nhau vượt qua các giá trị luân lý và nhân tính. Hôm
nay, một phần bóng tối đó bị đẩy lùi không chỉ bằng sự cao quý trong trái tim
luật sư Đôn, mà còn cả truyền thông nhà nước lẫn tự do cũng lên tiếng. Internet
mang đi xa câu chuyện nhức nhối đó, các câu chuyện cafe chia sẻ mạnh mẽ hơn.
Sài Gòn xa Phú Yên hàng trăm cây số, nhưng gần bởi cùng sự căm giận cho số phận
con người.
Những buổi sáng trôi qua chầm chậm, giật mình lại thấy đã cuối
năm. Những câu chuyện từ internet thì dồn dập đến mức khó mà nhớ hết được, nhất
là khi mảnh đất Việt Nam này sáng nào mà không đọc thấy một chuyện đáng ngậm
ngùi. Trong tập cuối bộ phim Rurouni Kenshin, thầy của tay lãng khách sát thủ
đã nói rằng "sao nhìn con như đang mang giùm nỗi đau cho cả đất nước này vậy".
Nhìn mặt của nhiều người tiếp nhận tin tức buổi sáng cafe hôm qua và hôm nay, vẫn
có thể thấy được những điều u uất đó lởn vởn chung quanh. Nhưng nếu không là vậy,
hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?
Tôi chép lại câu chuyện này như một thứ nhật ký, bằng một niềm
hy vọng nhen nhúm. Những ghi chép này như một thứ nhật ký internet ghi lại sức
mạnh của chính nó, ghi lại con người đã ra sao từ đó, và ghi lại một phần những
câu chuyện không bao giờ được quên lãng trên đất nước này.
Đây là một lời cảm ơn thầm lặng của tôi đến luật sư Võ An
Đôn và chia sẻ đến gia đình của nạn nhân Ngô Thanh Kiều. Và đây cũng là lời cảm
ơn đến những ai đã từng chia sẻ câu chuyện này và biến nó thành một sức mạnh
công lý của chúng ta.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh,
viết từ Sài Gòn
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét