Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Tiểu Tử “Chuyện Thuở giao thời” (Huỳnh Tâm tường thuật)

chuyen_thuo_giaothoi00"...nhà thơ Đỗ Bình phát biểu cảm tưởng cũng nhìn nhận buổi lễ hôm ấy thành công ngoạn mục. Theo ông, người có nhiều kinh nghiệm về « Ra mắt sách », đã không dám tổ chức ở Paris, mà phải qua tận Thủ đô Tỵ nạn ở Cali, Huê kỳ, để tổ chức ra mắt sách của ông và Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên..."


chuyen_thuo_giaothoi01
Tác phẩm mới " Chuyện Thuở Giao Thời " của nhà văn Tiểu Tử được trình làng vào lúc 13 giờ 30 ngày mùng 3 tháng 1 năm 2015 tại Nhà thờ Choisy, như tên gọi quen thuộc của phần đông Người Việt Nam ở Pháp và Paris, tên chánh thức là Eglise Sainte Hippolyte (Salle de la Roulotte), số 27, Avenue de Choisy, 75013 PARIS.
Không ai ngờ hình ảnh của buổi chiều mùa Đông Paris hôm ấy lại tuyệt đẹp đến như vậy. Người ta chợt có cảm tưởng như nay là mùa Xuân giá lạnh. Buổi giới thiệu « Chuyện Thuở Giao Thời » của Tiểu Tử được các Hội Ái hữu ỏ Paris cùng đứng chung tổ chức, như Đại học Sư phạm Sài Gòn, Ái hữu Gia Long Paris, Ái hữu Petrus Ký Pháp, Ái hữu Petrus Ký Âu Châu, Ái hữu Hải Quân-Hàng Hải VNCH, Câu lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do, và Gia đình KH Cao Niên. Phải nói buổi sanh hoạt « chữ nghĩa » hôm ấy được tổ chức bởi một Ban Tổ chức rất hùng hậu. Một việc rất hiếm ở Paris từ khá lâu. Và một điều vô cùng quan trọng nữa, rất đáng ghi nhận như một biến cố đã phá mất đi cái tập quán kiên cố của của bà con ta xưa nay « Không đi trể, không phải Vìệt nam », buổi hôm ấy khai mạc đúng 1giờ 30 như ghi trong Thư Mời . Về mọi liên quan đến buổi giới thiêu tác phẩm của Tiều Tử, Thư mời ghi rõ liên lạc với Nguyễn Thị Mỹ, Phạm Hữu Thành, Trần Thị Thanh Hương.
Một thành công ngoài mong đợi
Thời tiết mùa đông, trời mưa, mới mùng 3 Tết Tây, phần lớn bà con còn thiếm xực Tết vì Tềt  chỉ vừa mới qua, vậy mà phòng Salle de la Roulotte của Nhà thờ Choisy khá rộng mà chật cứng người. Trên trăm người tham dự. Số người đi trễ theo thói quen, mời 1 giờ 30, tới 2 giờ là vừa, phải đứng và đứng cả ngoài hành lang. Nhưng tất cả đều vui vẻ và ở lại cho tới bế mạc. Đây cũng lại là một hiện tượng không bình thường của bà con ta nữa vì, xưa nay, không ít người tới cho có mặt, rồi đi sớm. Người ta hỏi phải chăng vì ngưỡng mộ nhà văn, đã đọc qua các tác phẩm trước như « Những Mảnh Vụn », « Bài Ca Vọng Cổ », « Chị Tư Ù » của Tiểu Tử? Hay vì cảm tình sâu đậm với Ban Tổ chức vì những Hội Ái hữu này có một quá trình sanh hoạt chung với nhau lâu đời ở Paris? Hay vì chương trình Văn nghệ hấp dẫn do nghệ sĩ của « Hội Cao niên » Paris trình diển? Cừ nhìn tên các Hội, thì biết hội viên phải sinh trưởng trước 30/04/1975. Tính ra có phải hội viên nào cũng đã ăn lễ Lục tuần rồi nếu không đã qua tuổi « Thất thập cổ lai hi »?
Thật tình phải thừa nhận buổi giới thiệu sách của Tiểu Tử hôm ấy thành công ngoài sự mong đợi. Chính Ban tổ chức đã không dám chủ quan mướn phòng lớn hơn.
Trước khi bế mạc, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu cảm tưởng cũng nhìn nhận buổi lễ hôm ấy thành công ngoạn mục. Theo ông, người có nhiều kinh nghiệm về « Ra mắt sách », đã không dám tổ chức ở Paris, mà phải qua tận Thủ đô Tỵ nạn ở Cali, Huê kỳ, để tổ chức ra mắt sách của ông và Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Ông còn nhấn mạnh ở Mỹ, nới có đông đảo người Việt như vậy, mà có khi « Ra mắt sách » có không quá mươi người tham dự. Người ta sợ thất bại nên phải đưa vào tiệm cà-phê tổ chức với nhau!
Một buổi chiều mùng 3 Tết Tây
Tất cả mọi người tới tham dự đều cảm thấy hài lòng. Có cả độc giả trẻ đến từ vài quốc gia lân cận của Âu Châu bằng xe nhà. Xin mời bạn đọc xem photo dưới đây để hình dung được không khí đầy ấp tình cảm nồng nàng của mọi người dành cho nhà văn Tiểu Tử. Và đồng thời hưởng ứng Thư mời của Ban Tổ chức.
Đặc biệt có nhiều diễn giả quen thuộc trong Cộng đồng Người Viêt Paris được Ban Tổ chức mời phát bìểu về tác giả và tác phẩm.
chuyen_thuo_giaothoi02
Quan cảnh Hội trường buổi giới thiệu sách của Tiểu Tử
Vài hàng về Nhà văn Tiểu Tử
Nhà văn Tiểu Tử tên thật làVõ Hoài Nam. Từ lâu nay, ông vốn là người bạn thân của đông đảo độc giả, không riêng của người Việt Nam tại Paris, mà cả trên khắp thế giới. Cả ở Việt nam nhờ hệ thống internet. Khi đã đọc qua Tiểu Tử, người đọc thường khó quên văn của ông, nhứt là những câu chuyện của ông. Đó là những mẫu chuyện thật trong đời sống của ngưòi dân Việt nam sau ngày mất nước. Nó thấm sâu vào tâm tư của mọi độc giả, mãi mãi ở lại với độc gìả. Như « Thằng Jean, Con Mén, Made in Việt nam, Chị Tư Ù, Con Rạch quê mình, …».
Từ đó, có thể khẳng định tên Tiểu Tử được đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi quen biết, thân tình hơn là tên của người thật.
Ông Võ Hoài Nam năm nay đương hưởng lộc trời 84 năm.Thọ nhưng chưa tới Thượng Thọ theo thang tuổi Thọ ngày nay. Thượng Thọ phải từ 120 tuổi. Huỳnh Tâm kính chúc ông ung dung hưởng Thượng Thọ. Để viết thêm nhiều chuyện nữa.
Ông tốt nghiệp kỹ sư Điện ở Marseille và về nước vào giữa thập niên 50. Những năm đầu, ông dạy Lý Hóa ở Trường P.Ký. Sau đó làm việc cho hảng xăng Shell.
Ông viết nhiều và có sách xuất bản từ mươi năm nay, sau khi ông nghỉ hưu. Trước 1975, ở Sài gòn, ông có viết chuyện biếm cho vài nhựt báo bạn. Giờ rảnh, ông học vẽ và ông có khá nhiều tranh. Gần đây, ở Pháp, ông có đem tranh tham dự nhiều triển lãm. Trong giới mê tranh, không ít người yêu tranh của ông.
chuyen_thuo_giaothoi03
Chúng tôi bước vào phòng họp đúng lúc Chương trình vừa bắt đầu.
Bà Thanh Hương, Chủ Trang Web Đại Học Sư Phạm Sài gòn, thay mặt Ban Tổ chức, vắn tắt tuyên bố khai mạc buổi lễ.
Dược sĩ Joseph Huỳnh nói tại sao ông không phải nhà văn, không phải nhà xuất bản mà lại nhận in sách « Chuyện Thuở Giao Thời » cho Tiểu Tử. Ông nêu lên ý rất tế nhị và vô cùng đẹp, tuy mới nghe qua như nó không rõ nghĩa lắm « Ông chọn làm việc này mà thật ra không phải chọn lựa ». Ông cắt nghĩa « chọn lựa » là làm vìệc bằng cái đầu. Nhận lãnh làm mà không chọn lựa vì hành động theo con tim của mình. Ông đảm nhận việc in ấn chỉ vì muốn sách của Tiểu Tử phải được phổ biến. Tuy số luợng ít nhưng nó sẽ được lưu lại với thời gian. Một ngày kia, có người bắt được đọc qua, sẽ rung động theo nhịp tim của tác giả, sẽ thấy văn chương của Việt nam không phải như thứ văn chương của Việt nam ngày nay ở Việt nam, tức thứ văn chương xã hội chủ nghĩa.
Tiếp theo, các ông Nguyễn văn Trần, Từ Thức, Phạm Hữu Thành và Trần Thanh Hiệp lần lược nhận xét và đánh già tác phẩm và văn chương của Tiểu Tử. Ai cũng nhìn nhận văn và truyện của Tiểu Tử rất đặc biệt, nó dành cho Tìểu Tử một chỗ đứng nhứt định trong văn học việt nam. Ông viết về đời sống thực tế của Nam kỳ, nhơn vật đặc sệt Nam kỳ, khung cảnh xã hội cũng Nam kỳ. Nhứt là lời văn hoàn toàn không ảnh hưởng Tự Lực Văn Đoàn, mà không quá Sài gòn, nó như mang hơi hướng một Sơn Nam, một Bình Nguyên Lộc, một Lê Xuyên …
… « Văn của Tiểu Tử bình dị, mộc mạc của người miền Nam, dù độc giả chai đá tới đâu, khi đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong xã hội đảo lộn, vẫn còn tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghĩa đồng bào và thấy đời còn đáng sống. Văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của tiểu tử, sự xúc động hầu như thường trực" (Từ Thức).
… Những truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử hầu hết là những chuyện thật thương tâm, đầy nước mắt của người dân miền Nam sau ngày "cách mạng thành công" với bao cảnh đọa đày, bất công, áp bức... khi đọc truyện Tiểu Tử tôi như sống lại những hình ảnh làng quê của một thuở thanh bình êm ấm, thuở mà người dân còn biết lấy đạo đức, lễ nghĩa để cư xử với nhau....tất cả lại hiện ra rõ ràng trong tâm trí tôi, khiến tôi bồi hồi xúc động (Phạm Hữu Thành).
tranthanhhiep01
Cụ Trần Thanh Hiệp, một trong những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo của thập niên 1950/1960 ở Sài gòn, nguyên Chủ tịch sáng lập Văn-Bút Việt-Nam Hải Ngoại, phát biểu:
Những diễn giả vừa phát biểu đã lấy hết suy tư của tôi, mỗi người mỗi ý quá phong phú, riêng tôi muốn đề cập một khung cửa Văn học, sử học và hiện tượng sống qua ngôn ngữ, rung cảm trong một tác phẩm văn học quốc ngữ Việt Nam, từ văn viết đến văn nói, … và đọc sách mua sách cũng là một hành động văn học. Hiện nay trên thế giới có 5000 ngôn ngữ, trong tương lai chỉ còn 2500 ngôn ngữ, tôi tin rằng ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn tồn tại bởi trong ngôn ngữ Việt có sự tiếp nối và gắn sâu liền cuộc sống như sự trưởng thành của cây Bần, cây Đước bám sâu vào đất (Tiểu Tử).
Tổng hợp những tác phẩm của Tiểu Tử kể chuyện văn biếm đời, văn biếm trong hội họa về những bối cảnh của quê nhà, sau ngày miền Nam Việt Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm. Quả thực lịch sử hiện nay do những người vô danh làm nên cách mạng và văn chương cũng thế.
chuyen_thuo_giaothoi04
Tốp hợp ca KH Cao Niên Paris, Nhạc phẩm "Cả Nước Đấu Tranh"
của Nhạc sĩ Anh Bằng.
chuyen_thuo_giaothoi05
Tác giả « Chuyện Thuở Giao Thời » nói với thân hữu:
Trước hết chào quý anh chị em và ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được hiện diện nơi đây và sự gặp nhau trong lòng chân thành, tình này, kính xin đa tạ. Thưa quý anh chị em, những gì tôi muốn trình bày ở đây đều đã có những diễn giả trình bày đầy đủ suy tư và cô đọng trong những tác phẩm của tôi.
Nhân dịp này tôi xin kể chuyện đời của tôi vừa trải qua 84 năm. Tôi bị bệnh tim, sau đó thay « van » động mạch chủ, phải giải phẩu mổ lòng ngực, cũng may tôi qua khỏi bệnh,rời giường bệnh về nhà. Nhớ lại thuở ấu thơ, tôi bật tiếng cười... khi mình còn nhỏ cha mẹ dìu dắt từng bước một, tập đi chập chững, mỗi bước đi cả nhà đều vui mừng, vỗ tay khuyến khích. Và sau 84 năm, tôi cũng bắt đầu tập đi từng bước một như thời thơ ấu, lần này vợ con tôi dìu dắt tập tôi đi từng bước một, cho đến nay đi khá vững và ngồi được lâu, trong ngày giới thiệu sách « Chuyện Thuở Giao Thời ». Như vậy tôi đã có hai lần tập đi trong đời, rất lý thú.
Các bà tranh nhau tới đứng gần tác giả « Chuyện Thuở Giao Thời » chụp hình kỷ niệm ngày vui hôm nay. Rất cảm động. Một buổi chiểu mùa Đông mà ấm áp như mùa Xuân. Thật đúng.
Ban Van Nghệ Hội Cao niên Paris tiếp tục trình diễn tân nhạc, có múa, cả vọng cổ.
Sau cùng, các bà biết Tiểu Tử biết ca vọng cổ, yêu cầu ông ca cho hội trường nghe một câu mà thôi.
Hôm nay là lần đầu tiên, từ trước khi mổ tim, ông ngồi suốt bốn giờ liền mà chưa thấy mệt. Bịnh tim thường do ảnh hưởng ngoại cảnh. Tiểu Tử cất tiếng đờn miệng để bắt nhịp vô vọng cổ. Ông ca “Đường về quê ngoại”. Tuy sức còn yếu nhưng ngoại cảnh giúp sức, ông xuống câu cũng mùi tận mạng.
Cả hội trường, nhứt là các bà, ai cũng nhiệt liệt vổ tay tán thưởng. Muồn yêu cầu ca tiếp câu nữa, nhưng bà con không dám …
Văn nghệ cho tới bế mạc để trả lại phòng họp vào 17 giờ.
Huỳnh Tâm*
(Hình ảnh của Huỳnh Tâm)
* Huỳnh Tâm là tác giả của loạt bài biên khảo về Hồ chí Minh / Hồ Tập Chương và sự xâm lăng của Tàu
Ph lc:

Bài ca vọng cổ (Tiểu Tử)
Tôi vượt biên một mình rồi định cư ở Pháp. Năm đó tôi mới 49 tuổi, vậy mà đi tìm việc làm, đến đâu người ta cũng chê là tôi già! Vì vậy, một hôm, khi chải tóc, tôi nhìn kỹ tôi trong gương. Tôi bỗng thấy ở đó có một người có vẻ quen nhưng thật ra thì rất lạ: mắt sâu, má hóp, mặt đầy nếp nhăn trên trán, ở đuôi mắt, ở khóe môi, mái tóc đã ngà bạc cắt tỉa thô sơ như tự tay cắt lấy. Từ bao lâu nay tôi không để ý, bây giờ soi gương vì bị chê già, tôi mới thấy rằng tôi của hồi trước “Cách mạng thành công” và tôi của bây giờ thật không giống nhau chút nào hết. Tôi già thiệt, già trước tuổi. Cho nên, tôi nhìn tôi không ra. Từ đó, mỗi ngày tôi… tập nhìn tôi một lần, nhìn kỹ, cho quen mắt!

Một người bạn làm việc lâu năm ở Côte d’Ivoire (Phi châu) hay tin tôi đã qua Pháp và vẫn còn thất nghiệp, bèn giới thiệu cho tôi Công ty Đường Mía của Nhà nước. Không biết anh ta nói thế nào mà họ nhận tôi ngay, còn gửi cho tôi vé máy bay nữa!

Xưa nay, tôi chưa từng quen một người da đen gốc Phi Châu nào hết. Và chỉ có vài khái nhiệm thô sơ về vùng Phi châu da đen như là: Ở đó nóng lắm, đất đai còn nhiều nơi hoang vu, dân chúng thì da đen thùi lùi, tối ngày chỉ thích vỗ trống, thích nhảy tưng tưng v…v…  Vì vậy, tôi hơi … ngán. Nhưng cuối cùng rồi tôi quyết định qua xứ da đen để làm việc, danh dự hơn là ở lại Pháp để tháng tháng vác mặt Việt Nam đi xin trợ cấp đầu nọ, đầu kia.

Nơi tôi làm việc tên là Borotou, một cái làng nằm cách thủ đô Abidjan gần 800km! Vùng này toàn là rừng là rừng. Không phải rừng rậm rì cây cao chớn chở như ở Việt Nam. Rừng ở đây cây thấp lưa thưa, thấp thấp cỡ mười, mười lăm thước… coi khô khốc. Không có núi non, chỉ có một vài đồi trũng nhưng đồi không cao và trũng, không sâu…

Nhà nước phá rừng trồng mía… Ruộng mía ngút ngàn! Nằm ở trung tâm là khu nhà máy, khu cơ giới, khu hành chánh, khu cư xá v…v… nằm cách nhau cỡ vài cây số. Muốn về thủ đổ Abidjan, phải lái xe hơi chạy theo đường mòn xuyên rừng gần ba chục cây số mới ra tới đường cái tráng nhựa.  Từ đó, chạy đi Touba, một quận nhỏ với đông đảo dân cư. Từ đây, lấy máy bay Air Afrique về Abidjan, mỗi ngày chỉ có một chuyến. Phi trường Touba nhỏ xíu, chỉ có một nhà ga xây cất sơ sài và một phi đạo làm bằng đá đỏ, mỗi lần máy bay đáp lên đáp xuống là bụi bay … đỏ trời!

Tôi hơi dài dòng ở đây để thấy tôi đi “đi làm lại cuộc đời” ở một nơi hoang vu hẻo lánh mà cảnh trí thì chẳng có gì hấp dẫn hết! Thêm vào đó, tôi là người Á Đông duy nhất làm việc chung với Tây trắng (chỉ có năm người) và Tây đen (đông vô số kể).

Ở đây, thiên hạ gọi tôi là “le chinois” – thằng Tàu. Suốt ngày, suốt tháng tôi chỉ nói có tiếng Pháp. Cho nên, lâu lâu thèm quá, tôi soi gương rồi… nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt, trông giống như thằng khùng! Chưa bao giờ tôi thấy tôi cô đơn bằng những lúc tôi đối diện tôi trong gương như vậy.

… Một hôm, sau hơn tám tháng “ở rừng”, tôi được gọi về Abidjan để họp (đây là lần đầu tiên được về thủ đô!).  Anh tài xế đen đưa tôi ra Touba. Chúng tôi đến phi trường lối một giờ trưa. Sau khi phụ tôi gởi hành lý, anh tài xế nói:

- Tôi ra ngủ trưa ở trong xe. Chừng Patron (ông chủ) đi được rồi, tôi mới về.

Ở xứ đen, họ dùng từ “Patron” để gọi ông chủ, ông xếp, người có địa vị, có tiền, người mà họ nể nang v…v.. Nghe quen rồi, chẳng có gì chói lỗ tai hết! Tôi nói:

- Về đi! Đâu cần phải đợi!

Hắn nhăn răng cười, đưa hàm răng trắng tốt:

- Tại Patron không biết chớ ở đây, lâu lâu họ lại hủy chuyến bay vào giờ chót, nói tại máy bay ăn-banh (en panne) ở đâu đó. Máy bay cũng như xe hơi vậy, ai biết lúc nào nó nằm đường.

Rồi hắn đi ra xe.

Tôi ngồi xuống một phô-tơi, nhìn quanh, hành khách khá đông. Nhiều người ngồi với một số hành lý như thùng cạc-tông, bao bị, va-ly v…v.. Không phải họ không biết gửi hành lý, nhưng vì những gì họ đã gửi đã đủ số ký-lô dành cho mỗi hành khách, nên số còn lại họ… xách tay, cho dầu là vừa nhiều món vừa nặng, vừa cồng kềnh!

Không khí nóng bức. Mấy cái quạt trần quay vù vù, cộng thêm mấy cây quạt đứng xoay qua xoay lại, vậy mà cũng không đủ mát. Thiên hạ ngủ gà ngủ gật, tôi cũng ngã người trên lưng ghế, lim dim…

Trong lúc tôi thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe có ai ca vọng cổ. Tôi mở mắt nhìn quanh rồi thở dài, nghĩ: “Tại mình nhớ quê hương xứ sở quá nên trong đầu nghe ca như vậy”.  Rồi lại nhắm mắt lim dim… Lại nghe vọng cổ nữa. Mà lần này nghe rõ câu ngân nga trước khi “xuống hò”:

“Mấy nếp nhà tranh ẩn mình sau hàng tre rũ bóng… đang vươn lên ngọn khói… á… lam… à… chiều….”

Đúng rồi! Không phải ở trong đầu tôi, mà rõ ràng có ai ca vọng cổ ngồi kia. Tôi nhìn ra hướng đó, thấy xa xa dưới lùm cây dại có một người đen nằm võng. Và chỉ có người đó thôi. Lạ quá! Người đen đâu có nằm võng. Tập quán của họ là nằm một loại ghế dài bằng gỗ cong cong. Ngay như loại ghế bố thường thấy nằm dưới mấy cây dù to ở bãi biển… họ cũng ít dùng nữa.

Tò mò, tôi bước ra đi về hướng đó để xem là ai vừa ca vọng cổ lại vừa nằm võng đong đưa. Thì ra là một anh đen còn trẻ, còn cái võng là cái võng nhà binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hồi xưa. Tôi nói bằng tiếng Pháp:

- Bonjour!

Anh ngừng ca, ngồi dậy nhìn tôi mỉm cười, rồi cũng nói “Bonjour”. Tôi hỏi, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Anh hát cái gì vậy?

Hắn đứng lên, vừa bước về phía tôi vừa trả lời bằng tiếng Pháp:

- Một bài ca của Việt Nam. Còn ông? Có phải ông là “le chinois” làm việc cho hãng đường ở Borotou không ?

Tôi trả lời, vẫn bằng tiếng Pháp:

- Đúng và sai! Đúng là tôi làm việc ở Borotou. Còn sai là vì tôi không phải là người Tàu. Tôi là người Việt Nam.

Bỗng hắn trợn mắt có vẻ vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, rồi bật ra bằng tiếng Việt, giọng đặc sệt miền Nam, chẳng có một chút lơ lớ:

- Trời ơi! …. Bác là người Việt Nam hả ?

Rồi hắn vỗ lên ngực:

- Con cũng là người Việt Nam nè!

Thiếu chút nữa là tôi bật cười. Nhưng tôi kiềm lại kịp, khi tôi nhìn gương mặt rạng rỡ vì sung sướng của hắn. Rồi tôi bỗng nghe một xúc động dâng tràn lên cổ. Thân đã lưu vong, lại “trôi sông lạc chợ” đến cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà gặp được một người biết nói tiếng Việt Nam và biết nhận mình là người Việt Nam, dù là một người đen, sao thấy quý vô cùng. Hình ảnh của quê hương như đang ngời lên trước mặt.

Tôi bước tới bắt tay hắn. Hắn bắt tay tôi bằng cả hai bàn tay, vừa lắc vừa nói huyên thuyên:

- Trời ơi! … Con mừng quá! Mừng quá! Trời ơi!... Bác biết không? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng “hết lớn” bác à!

Rồi hắn kéo tôi lại võng:

- Bác nằm đi! Nằm đi!

Hắn lại đống gạch “bờ-lốc” gần đấy lấy hai ba viên kê bên cạnh võng rồi ngồi lên đó, miệng vẫn không ngừng nói:

- Con nghe thiên hạ nói ở Borotou có một người Tàu. Con đâu dè là bác. Nếu biết vậy, con đã phóng Honda vô trỏng kiếm bác rồi! Đâu được tới bây giờ.

Hắn móc gói thuốc, rồi mời tôi:

- Mời bác hút với con một điếu.

Hắn đưa gói thuốc về phía tôi, mời bằng hai tay. Một cử chỉ mà từ lâu tôi không còn nhìn thấy. Một cử chỉ nói lên sự kính trọng người trưởng thượng. Tôi thấy ở đó một “cái gì” rất Việt Nam.

Tôi rút điếu thuốc để lên môi. Hắn chẹt quẹt máy, đưa ngọn lửa lên đầu điếu thuốc, một tay che che như trời đang có gió. Tôi bập thuốc rồi ngạc nhiên nhìn xuống cái quẹt máy. Hắn nhăn răng cười:

- Bộ bác nhìn ra nó rồi hả?

Tôi vừa nhả khói thuốc vừa gật đầu. Đó là loại quẹt máy Việt Nam, nho nhỏ, dẹp lép, đầu đít có nét cong cong. Muốn quẹt phải lấy hẳn cái nắp ra chớ nó không dính vào thân ống quẹt bằng một bản lề nhỏ như những quẹt máy ngoại quốc. Hắn cầm ống quẹt, vừa lật qua lật lại vừa nhìn một cách trìu mến:

- Của ông ngoại con cho đó! Ông cho hồi ổng còn sống lận.

Rồi hắn bật cười:

- Hồi đó ông gọi con bằng “Thằng Lọ Nồi”.

Ngừng một chút rồi tiếp:

- Vậy mà ổng thương con lắm à bác!

Hắn đốt điếu thuốc, hít một hơi dài rồi nhả khói ra từ từ. Nhìn cách nhả khói của hắn, tôi biết hắn đang sống lại bằng nhiều kỷ niệm. Tôi nói:

- Vậy là cháu lai Việt Nam à?

- Dạ. Má con quê ở Nha Trang.

- Rồi má cháu bây giờ ở đâu?

Giọng của hắn như nghẹn lại:

- Má con chết rồi. Chết ở Nha Trang hồi năm 1975.

- Còn ba của cháu?

- Ổng hiện ở Paris. Tụi này nhờ có dân Tây nên sau 1975 được hồi hương. Con đi quân dịch cho Pháp xong rồi, về đây ở với bà nội. Con sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, về đây, buồn thúi ruột thúi gan luôn!

Tôi nhìn hắn một lúc, cố tìm ra một nét Việt Nam trên con người hắn. Thật tình, hắn không có nét gì lai hết. Hắn lớn con, nước da không đến nỗi đen thùi lùi như phần đông dân chúng ở xứ này, nhưng vẫn không có được cái màu cà phê lợt lợt để thấy có chút gì khác. Tóc xoắn sát da đầu, mắt lồi, môi dầy. Tôi chợt nói, nói một cách máy móc:

- Thấy cháu chẳng có lai chút nào hết!

Hắn nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nghiêm trang:

- Có chớ bác. Con có lai chớ bác.

Hắn xòe hai bàn tay đưa ra phía trước, lật qua lật lại:

- Bên nội của con là nằm ở bên ngoài này đây nè.

Rồi hắn để một tay lên ngực, vỗ nhè nhẹ về phía trái tim: Còn bên ngoại nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác.

Bỗng giọng hắn nghẹn lại:

- Con lai Việt Nam chớ bác !

Trong khoảnh khắc, tôi xúc động đến quên mất màu da đen của hắn, mà chỉ thấy trước mặt một thanh niên Việt Nam, Việt Nam từ cử chỉ tới lời lẽ nói năng. Tôi vỗ nhẹ lên vai hắn mấy cái, gật đầu nói:

- Ờ… Bác thấy. Bây giờ thì bác thấy.

Hắn mỉm cười:

- Ở đây, người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động cư xử, nói năng không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không?

Rồi nó nhìn tôi, một chút trìu mến dâng lên trong ánh mắt:

- Bây giờ con gặp bác rồi, con thấy không còn cô đơn nữa. Gặp một người mình, ở cái xó xa xôi hẻo lánh này, thiệt là trời còn thương con quá!

Tôi im lặng nghe hắn nói, nhìn hắn nói mà có cảm tưởng như hắn đang nói cho cả hai: cho hắn và cho tôi. Bởi vì cả hai cùng một tâm trạng.

Hắn vẫn nói, như hắn thèm nói từ lâu:

- Nhớ Sài Gòn quá nên con hay ca vọng cổ cho đỡ buồn. Hồi nãy bác lại đây là lúc con đang ca bài “Đường Về Quê Ngoại” đó bác.

- Bác không biết ca, nhưng bác rất thích nghe vọng cổ.

Giọng nói hắn bỗng như hăng lên:

- Vọng cổ là cái chất của miền Nam mà bác. Nó không có lai Âu, lai Á gì hết. Nó có cái hồn Việt Nam cũng như cá kho tộ, tô canh chua. Bác thấy không? Bởi vậy, không có gì nhắc cho con nhớ Việt Nam bằng bài ca vọng cổ hết.

- Bác cũng vậy.

Tôi nói mà thầm phục sự hiểu biết của hắn. Và tôi thấy rất vui mừng có một người như vậy để chuyện trò từ đây về sau.

Có tiếng máy bay đang đánh một vòng trên trời. Chúng tôi cùng đứng lên, hắn nói:

- Nó tới rồi đó. Con phải sửa soạn xe trắc-tơ và rờ-mọt để lấy hành lý. Con làm việc cho hãng Air Afrique, bác à.

Rồi hắn nắm tay tôi lắc mạnh:

- Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết “Jean le Vietnamien” hết. Chừng về bác ghé con chơi, nghen.

Bỗng, hắn ôm chầm lấy tôi siết nhẹ rồi giữ như vậy không biết bao nhiêu lâu. Tôi nghe giọng hắn lạc đi:

- Ghé con nghe bác…. Ghé con…!

Tôi không còn nói được gì hết. Chỉ vừa gật đầu vừa vỗ vỗ vào lưng hắn như vỗ lưng một người con.

Khi hắn buông tôi ra, tôi thấy hai má của hắn ướt nước mắt. Tôi quay đi, lầm lũi bước nhanh nhanh về nhà ga mà nghĩ thương cho “thằng Jean le Vietnamien”. Hồi nãy nó ôm tôi, có lẽ nó đã tưởng tượng như là nó đang ôm lại được một góc trời quê mẹ.

Trên máy bay, tôi miên man nghĩ đến “thằng Jean”, rồi tự hứa sẽ gặp lại nó thường. Để cho nó bớt cô đơn. Và cũng để cho tôi bớt cô đơn nữa!

Bây giờ, viết lại chuyện “thằng Jean” mà tôi tự hỏi: “Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương vẫn nhận ra mình là người Việt Nam? Và có được bao nhiêu người còn mang trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nguyên trong đó?”
Tiểu Tử
(Tạp chí Đi Tới 79, tháng 7 -8 & 9 - 2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét