Được hỏi về tin Hoa Kỳ sẽ đặt tòa đại sứ tại Iran, Obama trả lời, “Tôi không nói việc đó không xảy ra, tôi chỉ nói mỗi việc có thời điểm đúng cho nó.”
Chấm dứt thời gian nghỉ ngơi tại Hawaii vào ngày cuối cùng của năm 2014, Tổng Thống Obama bắt tay vào làm việc bằng cách tiếp phóng viên Steve Inskeep đài NPR (National Public Radio-Đài Phát Thanh Quốc Gia), và trả lời cuộc phỏng vấn của Inskeep.
Đề cập đến những khó khăn kinh tế của Nga, Obama nói tổng thống Nga, ông Vladimir Putin, đã vấp vào một sai lầm chiến lược trong việc thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine. Obama dùng 3 chữ “not so smart” (không lấy gì làm thông minh) để mô tả việc làm của Putin, và để chỉ trích những chính khách Hoa Kỳ từng ca ngợi việc Nga thôn tính lãnh thổ của lân quốc Ukraine là “genius” (tài tình).
Obama bảo Inskeep, “Vài tháng trước, nhiều người tại Hoa Thịnh Đốn tin tưởng là tổng thống Putin vô cùng tài tình, vì ông ta chiếm lãnh thổ của Ukraine, bành trướng uy tín của Nga trên khắp thế giới mà Hoa Kỳ không làm gì được. Giờ này tôi có cảm tưởng là bên ngoài lãnh thổ Nga, một số người đánh giá ông Putin không lấy gì làm thông minh.”
Obama giải thích những biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu đang đặt Nga vào tình trạng vô cùng khó khăn.
“Lợi thế lớn của Hoa Kỳ là chúng ta có một nền kinh tế vừa mạnh, vừa đa dạng,” Obama bảo Inskeep. “Nga chỉ có xăng dầu, họ ỉ lại vào xăng dầu; chúng ta cũng ỉ lại vào xăng dầu, nhưng chúng ta còn ỉ lại vào iPads, vào kỹ nghệ phim ảnh, và vào rất nhiều nguồn tài nguyên khác. Những biện pháp trừng phạt quốc tế đã khiến Nga chao đảo ngay vì xăng dầu mất giá.”
Được hỏi về tin Hoa Kỳ sẽ đặt tòa đại sứ tại Iran, Obama trả lời, “Tôi không nói việc đó không xảy ra, tôi chỉ nói mỗi việc có thời điểm đúng cho nó.”
Là một học giả, một người thận trọng trong việc dùng chữ, và cũng còn là một người biết tự trọng, nên việc Obama chê Putin thiếu thông minh là một điều quá đáng, nhưng cần thiết để đối phó với những tranh chấp vô cùng gay go sắp xảy ra giữa ông và Quốc Hội Cộng Hòa.
Cũng vào ngày cuối năm ngoái -ngày thứ Tư 31 tháng Chạp, 2014- Tổng Thống Vladimir Putin viết thư chúc tết nhiều chính khách thế giới và các quốc trưởng – trong số đó, dĩ nhiên có ông Obama. Putin viết là, năm nay -năm 2015- là năm nhắc thế giới nhớ đến năm 1945 -năm chấm dứt Thế Chiến Thứ Nhì – năm kỷ niệm việc 70 năm trước, toàn thế giới chung sức đánh gục một nhà độc tài – ông Adolf Hitler.
Putin viết, “Mốc lịch sử đó nhắc nhở chúng ta cái trách nhiệm chung của Nga và Mỹ là bảo vệ hòa bình và bảo vệ nền ổn định của thế giới; trọng trách đặc thù này đòi hỏi hai quốc gia đó phải cộng tác với nhau, chống lại mọi đe dọa và thách thức toàn cầu.”
Obama chê Putin đần, Putin kêu gọi Obama cộng tác.
Tường thuật chuyện này, bản tin AFP chỉ cho biết là hai ông tổng thống nói và viết trong cùng một ngày, nhưng không nói rõ là ông nào nói trước, hay viết trước; nếu Putin viết trước, thì có thể câu nhận xét của Obama có dụng ý “khích tướng”, chọc cho Putin tiếp tục nắm giữ bán đảo Crimea, để ông có cớ tiếp tục trừng phạt Nga về tội thôn tính lân quốc. Ngược lại, câu nói chỉ là lời giáo đầu cho những va chạm Dân Chủ và Cộng Hòa, sẽ xảy ra ngay vào ngày Quốc Hội Cộng Hòa nhậm chức.
Nhà bình luận người Nga lưu vong Leonid Bershidsky có thể đồng ý với ông Obama là Putin đần đến mức “hết thuốc chữa”; bốn ngày sau cuộc “trao đổi quan điểm” không trực tiếp giữa 2 nhà lãnh tụ đang trong thế đối lập, ông Bershidsky viết bài “Putin’s Russia will become a ‘besieged fortress’ as it moves towards a dictatorship”. (Nước Nga của ông Putin sẽ trở thành “một pháo đài bị vây khổn” trong lúc Nga tiến tới thể chế độc tài).
Bershidsky viết: “Tôi thù ghét những gì đã xảy ra cho đất nước Nga trong năm 2014, ghét đến mức tôi phải bỏ nước ra đi; tuy nhiên điều đáng lo là năm nay -2015- chắc chắn tình hình nước tôi còn tệ hơn năm ngoái.”
Bài nhận xét của Bershidsky tố cáo “giáo điều quân sự” vừa được tu chỉnh là dấu hiệu xấu, báo trước là chính quyền Nga sẽ thẳng tay đàn áp những phong trào phản đối trong nước Nga, hậu quả của nền kinh tế tồi tệ vì bị Hoa Kỳ và Liên Âu phong tỏa.
Bershidsky còn tiên đoán là trong lúc đàn áp người Nga bất mãn trong quốc nội, Putin sẽ không liên hệ với thế giới tự do nữa. Ông ta coi việc bành trướng của khối Liên Âu, thu nhận những nước trước kia là nước chư hầu của Nga vào làm thành viên Liên Âu, là một đe dọa cho nền an ninh quốc phòng của Nga, vì thiếu vai trò “trái độn” của những nước này, lãnh thổ Liên Âu sẽ nằm sát ngay biên giới Nga.
Lập trường thù nghịch Liên Âu vốn vẫn là lập trường cố hữu của Nga; tuy nhiên yếu tố mới -từ sau việc Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine- là thái độ Putin coi việc người Nga bất mãn trong nội bộ cũng là một nguy cơ quân sự.
So với tài liệu “giáo điều quân sự” 2010, ấn định việc chỉ sử dụng quân lực để đối phó với những nguy cơ đe dọa nền an toàn lãnh thổ, “giáo điều quân sự” vừa được tu chính ấn định thêm nhu cầu “đối phó bằng giải pháp quân sự” với những hành động “có tác dụng lật đổ guồng máy chính trị và tình hình xã hội trong nước” -nói cách khác, chính phủ Nga dự trù đối phó với những cuộc biểu tình phản đối chính phủ bằng những đơn vị quân đội.
Ngoài việc Nga thôn tính Crimea, có thể Obama coi việc Putin sử dụng quân đội đàn áp biểu tình chống chính phủ cũng là một hành động thiếu thông minh, vì không chấp nhận khác biệt chính kiến nữa. Giáo điều quân sự vừa tu chính còn liệt cả những tin tức gây ảnh hưởng không tốt cho truyền thống yêu nước và bảo vệ lãnh thổ quê hương là mưu cầu đảo chánh.
Cho đến giờ này, giáo điều quân sự mới, đang giúp Putin giữ tình hình chính trị trong nước không xáo trộn, mặc dù xăng, dầu, và đồng ruble mất một nửa trị giá; điều đáng sợ hơn nữa là uy tín của ông Putin vẫn ở mức được 85% người Nga tín nhiệm.
Cho đến giờ này, giáo điều quân sự mới, đang giúp Putin giữ tình hình chính trị trong nước không xáo trộn, mặc dù xăng, dầu, và đồng ruble mất một nửa trị giá; điều đáng sợ hơn nữa là uy tín của ông Putin vẫn ở mức được 85% người Nga tín nhiệm.
Bà dân biểu Canada, Chrystia Freeland -người từng là trưởng phòng tin tức của tờ Financial Times tại Moscow- nhận định, “Đừng tưởng nước Nga đang hưng thịnh, giầu có dưới sự lãnh đạo của Putin; nội tình Nga rất chia rẽ, và tinh thần Nga đang xuống dốc, giống như trong thập niên 1980, trước khi sụp đổ.”
Mặt khác, nhà khoa học chính trị uy tín của chính trường Nga, ông Gleb Olegovich Pavlovsky, nhận định, “Câu hỏi đang trở thành lỗi thời là câu ‘liệu Putin có còn tái đắc cử năm 2018 nữa hay không?’ vì Putin là một kỵ sĩ không bao giờ muốn xuống ngựa. Câu hỏi mới, hợp thời hơn là, ‘đến lúc nào con ngựa ông ta cưỡi sẽ gục xuống vì kiệt sức’.”
Con ngựa kiệt sức là nền kinh tế Nga, nền kinh tế đã một lần kiệt quệ trong cuộc thi đua võ trang với Hoa Kỳ, tạo phá sản cho liên bang Nga Sô Viết, giúp các nước chư hầu của liên bang trở lại địa vị những quốc gia độc lập.
Sau lần sụp đổ đó, nhiều lãnh tụ thay phiên nhau tìm mọi cách để xây dựng và duy trì Nga trong vị thế một cường quốc, nhưng Nga vẫn chỉ mạnh trên hai bình diện quân sự và khoa học, chứ không đạt được một tiến bộ nào đáng kể trên bình diện kinh tế.
Putin quy trách cho Hoa Kỳ và Tây Âu kềm chế những nỗ lực kinh tế của Nga, và khuyến khích các nước chư hầu cũ của Nga gia nhập khối Liên Âu. Nhưng tai họa đến với Nga do chính việc Putin vẫn còn thương tiếc dĩ vãng Liên Bang Nga Sô Viết, chiếu cố đến những “lãnh thổ cũ” như bán đảo Crimea -lợi địa mà họ đã đuổi những cư dân khác đi để tạo chỗ trống đưa công dân Nga “cấy” vào đó.
Putin tổ chức trưng cầu dân ý những cư dân Crimea gốc Nga để dễ dàng có kết quả là người Crimea muốn được bán đảo đó được sát nhập vào mẫu quốc để trở thành lãnh thổ Nga. Giờ này Crimea trở thành cục gân gà của Tào Tháo, và Putin bị chê là “không thông minh gì lắm.”
Tuy nhiên, ông Putin có thể tự an ủi là không phải vì ông đần mà Obama nhiếc ông là “thiếu thông minh,” ông bị nhiếc vì Obama muốn mắng xéo các chính khách Cộng Hòa, những người vài tháng trước ca tụng Putin là thần thánh, là thiên tài chiến lược, để chỉ trích Obama là cù lần.
Nói theo danh từ chiến tranh thì Putin bị lạc đạn, viên đạn “thiếu thông minh” nhắm bắn các chính khách Cộng Hòa, nhưng phải bắn vào ông trước, để dội ép phê qua mục tiêu chính.
Màn va chạm trên sân khấu chính trị nội bộ Hoa Kỳ sắp diễn ra để dọn đường cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Nguyễn Đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét