Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Khi phụ nữ nhân dân được quản lý

Người phụ nữ Việt Nam hình như có một định mệnh cay nghiệt mà dù ở thời nào thì thân phận của họ cũng thấp kém và hèn mọn dưới cái nhìn của xã hội. Mọi nỗ lực vươn dậy từ bản thân người phụ nữ hầu như chỉ nhận được tiếng vỗ tay từ…đám đông mà đám đông thường là nơi thiếu trách nhiệm với tiếng vỗ tay của họ nhất.
Đàn ông thì trong cách nhìn nào đó phụ nữ vốn là …vợ tao. Vì là vợ nên thứ hạng trong gia đình đã rõ ràng kể từ thời Adam và Eva, với câu chuyện chiếc xương sườn của người nam biến thành người nữ trong Cựu ước thì chuyện lệ thuộc là hẳn nhiên và mọi tranh cãi đều nhận được những cái gật đầu đồng tình nhưng trong lòng của người đồng tình ấy thì rẻ rung, dè bỉu không cách nào tẩy xóa.
Có lẽ từ bức xúc ấy mà bà Nguyễn Thị Kim ngân, Phó chủ tịch Quốc hội đã lên tiếng “khẩn thiết” yêu cầu thành lập Bộ phụ nữ, vì theo bà trên thế giới rất nhiều nước có bộ này thì Việt Nam phải có. Bà “khẩn thiết” vì biết rằng trong cái lề thói của đất nước cái gì cũng xin thì bố thí cho Quốc hội hai chữ “khẩn thiết” cũng chả có gì mất mát.
Ngay sau khi đọc được bài phát biểu của bà xã hội đã cùng ồ lên một tiếng rộn ràng. Trong tiếng ồ tập thể ấy có đủ mọi trạng thái cảm xúc. Phụ nữ trung lưu thì ngạc nhiên khi phát hiện trong Quốc hội cũng có người thuộc phe nước mắt. Các chị nông dân thì tự hỏi không biết cái bộ này sẽ làm gì người phụ nữ nữa đây vì trong tâm trí của họ luôn nghĩ ngược lại những gì nhà nước nói. Đàn ông thì bỉu môi thanh niên thì thích thú…
Nhưng dè bỉu đến nhiều nhất từ công dân mạng, với những comment lý thú cho thấy sự đa dạng khi người dân có một không gian công cộng để phát biểu ý kiến của mình. Đa số cho rằng Bộ phụ nữ chỉ là câu chuyện phiếm xem ra chỉ tốn thêm công quỹ mà chằng có gì thiết thực. Người thì cười mỉm rồi đây sẽ có thêm nhiều chị em bị chiếc gông vô hình trùm lên chiếc cổ vốn bé nhỏ và dễ vỡ của phụ nữ nước nhà. Và cái quan trọng nhất làm cho xã hội dị ứng dẫn tới chống đối đề nghị của bà Ngân là danh từ “quản lý”.
Đối với người dân hai chữ quản lý luôn có nội dung khác với định nghĩa thông thường. Quản lý tiềm ẩn sự trói buộc, ngăn chặn và ép đối tượng bị quản lý vào khuôn khổ. Quản lý dùng theo định nghĩa của nhà nước là điều hành, trong đó chức năng kỷ luật để hướng đối tượng vào mục tiêu là không thể thiếu. Cái chức năng luật lệ ấy bị người dân phản đối vì bản chất của người trách nhiệm cao nhất thường…vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm trong điểu hành có nghĩa là biến chữ quản lý thành kềm kẹp, thắt chặt và trong đầu óc người dân quản lý chính là chiếc còng số 8.
Hãy xem họ quản lý chế độ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Họ đem các bà ra làm những tượng đài hoành tráng mà nếu ngẫm nghĩ kỹ những tượng đài ấy tâng bốc cho chính họ hơn là cho các bà mẹ rất đỗi “hư vô” ấy. Hư vô vì các bà không có tên trong danh bạ của người sống. Các bà xem như đã chết theo con, theo chồng và tượng đài ấy là mộ bia chung cho chính các bà. Thử xem mỗi tháng các bà được giúp bao nhiêu và bao nhiêu trong các bà mẹ thực sự neo đơn ấy thấu hiểu cặn kẽ nỗi đau của hai từ quản lý?
Quản lý là một con dao thủy tinh, nó trong vắt và nó bén ngọt.
Hãy xem Bộ Văn hóa-Truyền thông- Du lịch quản lý ..nhân dân, đặc biệt là nhân dân nữ.
Nhan sắc là báu vật đối với phụ nữ và báu vật ấy không phải là tài sản của bất cứ ai ngoại trừ người sở hữu nó. Người ta chỉ có thể chiếm hữu nhan sắc bằng sức mạnh vũ phu, bằng đồng tiền và quyền lực nhưng chiếm hữu nó bằng nội dung “quản lý” là một điều khá hài hước nếu không muốn nói là ngu xuẩn. Quản lý nhan sắc chỉ có thể có tại Việt Nam, ngay cả một bộ tộc rừng rú nhất cũng không có khái niệm này.
Có nhan sắc thì khoe, thì sử dụng nó vào cuộc đời mình. Khoe trong thời đại ngày nay không gì tốt hơn các cuộc thi công khai có tên hoa hậu hay người mẫu. Việt Nam tỏ ra rất nhạy bén trong các cuộc thi hoa hậu và có lẽ do nhạy bén quá nên cuộc thi nào cũng có vấn đề, điều tiếng. Các scandal trong ban giám khảo, đơn vị tổ chức đã gây mất lòng tin vào người xem và nhất là gây phản ứng từ người tranh giải. Sự mất niềm tin vào ban tổ chức hay ban giám khảo đã khiến nhiểu người đẹp ra nước ngoài dự thí và không ít người đã vượt qua giới hạn ngôn ngữ để chiến thắng.
Người chiến thắng mới nhất là người mẫu Cao Thùy Linh, cô lọt vào tốp 20 thí sinh có trang phục dân tộc đẹp nhất trong cuộc thi “Miss Grand International 2014” tại Thái Lan.
Cô chưa phải là hoa hậu nhưng chiến thắng này cho thấy hai điều: Cô dám vượt qua tâm lý bám váy mẹ để đến các cuộc thi trong nước. Cô đã tư duy đúng khi chọn chiếc áo để khoác trên mình và ra sân khấu với mẫu mực phụ nữ Việt Nam bất kể sức ép từ khán giả và giám khảo hoàn toàn xa lạ.
Vậy mà cô ấy khi về nước bị cấm trình diễn trên sân khấu toàn quốc dưới tư cách là một người mẫu.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ VH-TT&DL trả lời báo chí cho biết ở trong nước hiện nay có hai cuộc thi quốc gia, một cuộc thi quốc tế, ba cuộc thi vùng miền và ở các đoàn thể trung ương. Còn ở cấp tỉnh, mỗi tỉnh có quyền tổ chức cuộc thi mỗi năm một lần. Theo ông với số lượng thi như vậy thì ra nước ngoài dự thi là chuyện phạm pháp.
Vâng chỉ có phạm pháp mới vượt cái quy định mà Bộ VH-TT&DL đề ra nếu không làm sao một ông Cục trưởng lại có thẩm quyền cấm một công dân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp?
Ông Cục trưởng giải thích việc ngăn cấm: “Tôi cứ tạm dùng từ như thế này, đơn cử ở đất nước chúng ta có bao nhiêu triệu cô gái đẹp, cứ mỗi khi nước ngoài họ mở cuộc thi lại đi thi mà không theo quy định của pháp luật thì sẽ loạn mất.”
Ông giải thích thế nào là “loạn” thưa ông Cục trưởng?
Loạn chỉ đến từ mầm mống phản kháng, từ sự bất mãn triền miên của một xã hội bị kềm kẹp. Loạn không đến từ khát khao được chiến thắng và nhất là chiến thắng ấy có tên hoa hậu. Thế giới này chỉ có những gã điên nhân danh đủ thứ để làm loạn, kể cả ngăn cấm dự thi sắc đẹp, lịch sử chưa có một cuộc nổi loạn nào phát sinh từ các cuộc thi sắc đẹp cả thưa ông.
Rồi ông đánh giá những giải thưởng từ nước ngoài, theo ông là hoàn toàn vô giá trị. Ông cho phóng viên biết: “Tôi nghĩ những người đẹp được tôn vinh ở những cuộc thi như thế khi về Việt Nam không có giá trị gì cả. Điều này xét trên hai góc độ, một là không được Nhà nước và pháp luật công nhận, hai là các cuộc thi không có thương hiệu.”
Khi đi thi những người đẹp ấy có cần nhà nước công nhận không nhỉ, và tại sao lại dính tới pháp luật ở đây khi mà bản thân các cô ấy xuất cảnh hợp pháp, dự thi hợp pháp với đất nước tổ chức và nhận danh hiệu hay giải thưởng hợp pháp không phải mua chuộc hay thí thân cho giám khảo, vậy cô ta vi phạm luật pháp chỗ nào thưa ông?
Còn thương hiệu? Xin ông chỉ cho tại Việt Nam hiện nay có thương hiệu nào về cuộc thi sắc đẹp khả dĩ làm cho quốc tế liếc mắt để ý?
Bậy giờ thì công luận đòi ông giải thích thái độ đàn áp nhân dân, nhất là phụ nữ nhân dân qua công bố của ông.
Ông cho biết sắp tới đây, “Bộ VH-TT&DL sẽ rà soát lại các cá nhân đi thi chui, nếu không chấp hành các quy định của pháp luật thì sẽ có văn bản gửi sang Bộ Công an và tạm dừng xuất nhập cảnh đối với đối tượng này. Chúng ta phải ngăn chặn kịp thời chứ không để tình trạng như thế tiếp tục diễn ra.”
Ha ha! ông đã lòi đuôi phản động, diễn biến hòa bình mất rồi ông ạ.
Bọn phản động thường nói “Việt Nam là một nhà tù lớn bất cứ ai cũng có thể vào tù bất cứ lúc nào”. Lúc ấy tôi cho là lập luận của bọn chống đối nhà nước nhưng khi nghe ông cho biết Bộ VH-TT&DL sẽ làm cái công việc mời công an ban cho họ chiếc còng để cấm phụ nữ xuất cảnh dự thi sắc đẹp thì rõ ràng là tất cả các Bộ của Việt Nam đều có quyền đặt mông ngồi lên Hiến pháp của đất nước.
Cái quyền tự do đi lại của người dân đang bị các ông “quản lý” một cách bất hợp pháp khi ngăn cấm họ bằng những lý do tùy tiện. Cách chứng minh hết sức cẩu thả và áp đặt khiến người ta có quyền nghĩ rằng chìa khóa căn nhà Việt Nam, mở cửa hay không mở cửa, đang nằm trong túi quần các ông, mà rất tiếc đa số trong các ông lại không chịu tắm.
Và còn nữa, phụ nữ nhân dân rất sợ khi ông có nhã ý móc khóa ra để giải phóng cho họ thì ông lại mất nhầm cái “tự do” thì khổ.
Canhco

28-01-2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét