Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

“Việt Nam mà đa đảng thì sẽ loạn”

 Triết Học Đường Phố  (THĐP)
26-01-2015
H1THĐP: Bài viết này là tập hợp nhiều bài viết phản đối quan điểm của tựa đề, một trong những câu nói thường được nghe nhất từ những người phản đối ý tưởng đa đảng.

Luật sư Nguyễn Văn Đài – Đa đảng là loạn?

Khi tranh luận về vấn đề đa đảng ở VN, nhiều bạn sinh viên và dư luận viên cho rằng đa đảng sẽ loạn và bị khủng bố. Ví dụ mà họ đưa ra là những bất ổn chính trị đang sảy ra ở Thái Lan, Ukraine, Căm Bốt, Syria, Ai Cập.
Muốn biết được bản chất của những bất ổn chính trị đó là nguyên nhân có phải do chế độ đa đảng hay không? Chúng ta sẽ lần lượt đi qua từng vấn đề sau đây:

1/ Trên thế giới hiện nay, những nước có chế độ chính trị đa đảng chiếm tuyệt đại đa số

Chỉ còn 4 nước là Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn, Lào. Ngay cả Trung Quốc là chế độ CS, nhưng vẫn có 8 đảng chính trị được tồn tại và hoạt động, tất nhiên là không được bình đẳng với đảng CSTQ.
Nhưng những nước có chế độ đa đảng mà có bất ổn chính trị cũng chỉ bằng tổng số các nước có chế độ chính trị độc đảng.
Hầu hết các nước dân chủ đa đảng, họ duy trì sự ổn định xã hội bởi sự công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các từng lớp nhân dân, giữa các tôn giáo. Pháp luật luôn đứng trên các đảng phái chính trị và được thực thi một cách nghiêm minh.

2/ Nguyên nhân có bất ổn chính trị ở những nước có chế độ chính trị đa đảng

a) Một số nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài, độc đảng như Lybia, Ai Cập, Syria,… Bởi vậy chế độ dân chủ đa đảng vừa được thiết lập, văn hóa dân chủ chưa kịp thẩm thấu tới mỗi người dân. Trong khi đó những mâu thuẫn xã hội, những bất bình đẳng, xung đột tôn giáo bị kìm nén hàng thập kỷ trong chế độ độc tài, độc đảng. Những mâu thuẫn đó chưa được giải quyết, nay khi có tự do nên có dịp bùng phát. Trước đó các chế độ độc tài, độc đảng sử dụng bạo lực để trấn áp, kìm giữ các mâu thuẫn này. Bởi vậy nguyên do có bất ổn chính trị ngay sau khi các nước này thiết lập chế độ đa đảng là do chế độ độc tài, độc đảng để lại.
b) Một số nước đang có chế độ chính trị đa đảng mà có bất ổn chính trị như Thái Lan, Căm Bốt, Ukraine,…. Nguyên nhân có bất ổn là chính phủ và đảng cầm quyền ở các nước này quản lý và điều hành đất nước yếu kém, không đáp ứng và làm thiệt hại đến lợi ích của phần lớn người dân. Cung cách điều hành đất nước đôi khi mang bản chất độc đoán, làm mất lòng dân. Khi người dân xuống đường đòi chính phủ từ chức, bầu cử tự do thì không được đáp ứng. Nguyên nhân như vậy thì cho dù ở chế độ độc đảng hay đa đảng thì người dân đều không chấp nhận, nếu chính quyền không đáp ứng thì người dân ở đâu cũng xuống đường, và đó là những bất ổn xã hội.
Bởi vậy, nguyên nhân bất ổn chính trị ở các nước này, không phải lỗi do hệ thống chính trị đa đảng, mà đảng cầm quyền không đáp ứng được mong muốn của đa số người dân.
c) Mặc dù ở các nước có chế độ đảng có những bất ổn, nhưng nhân dân các nước này không bao giờ chấp nhận quay trở lại chế độ độc tài hay chế độ độc đảng: ĐÂY LÀ 1 CHÂN LÝ.

3/ Chế độ độc đảng CS có bảo đảm tuyệt đối không có bất ổn chính trị?

a) Chế độ độc đảng CS sinh ra quyền lực tuyệt đối, mà quyền lực tuyệt đối sinh ra sự tha hóa tuyệt đối. Bởi vậy mà các quan chức chính quyền từ trung ương đến địa phương mặc sức tham nhũng và vơ vét của cải, tài nguyên của đất nước. Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai đã làm thiệt hại đến quyền lợi của hàng triệu người dân. Mỗi năm có hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện tập thể trên cả nước. Người dân tập chung từ vài chục người đến vài nghìn người biểu tính trước các cơ quan công quyền. Nhiều nơi đã xảy ra bạo động.
b) Các chế độ độc đảng CS duy trì được sự ổn định xã hội là bởi họ sử dụng bạo lực và luật rừng để trấn áp và giải quyết các bất ổn xã hội. Họ lừa dối nhân dân và tạo nên sự sợ hãi trong nhân dân. Bởi vậy, các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn tôn giáo, các vấn đề bất bình đẳng, bất công xã hội vẫn còn nguyên, bị dồn nén và chờ dịp bùng phát.
c) Trong lĩnh vực tôn giáo, chế độ độc đảng CS cũng có sự phân biệt đối xử giữa các tôn giáo với nhau. Tước đoạt tài sản, cơ sở tôn giáo của các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo VN Thống Nhất,… Làm cho mâu thuẫn giữa các tôn giáo với chế độ CS vẫn âm ỉ trong suốt nhiều thập kỷ, chỉ chờ cơ hội bùng phát.
d) Chế độ độc đảng tước đoạt các quyền chính trị của người dân như quyền tự do ngôn luận, quyền làm báo chí tư nhân, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội, lập đảng, quyền biểu tình. Vấn đề này đang gây nên những bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Những mâu thẫn này đang được tiếp tục dồn nén, chờ dịp bùng phát.
e) Những yếu kém của chế độ độc đảng CS trong quản lý, điều hành đất nước về kinh tế, xã hội, chống tham nhũng, chống hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền quốc gia,… Đang gây ra bất bình, mất niềm tin trong đa số nhân dân.

Kết luận

Chế độ độc đảng CS đang gây ra những bất công, bất bình đẳng, mất niềm tin trong xã hội, trong mọi từng lớp nhân dân. Mâu thuẫn giữa các từng lớp người dân và chế độ độc đảng CS ngày một lớn. Hàng ngày, hàng giờ những mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân với chế độ CS đang được tích tụ, tích nạp. Trong một thời gian không lâu nữa, các mâu thuẫn, sự phẫn nộ của các từng lớp nhân dân sẽ bùng phát thành cuộc cách mạng xã hội để xóa bỏ vĩnh viễn chế độ độc đảng CS.
Bởi vậy, các chế độ độc đảng CS được tồn tại, được ổn định chỉ bởi sự cai trị bạo lực và luật rừng. Sự tồn tại của các chế độ độc đảng CS chỉ là tạm thời tương đối, sớm hay muộn các chế độ CS này cũng sẽ bị các từng lớp nhân dân thay thế bằng chế độ dân chủ đa đảng văn minh và tiến bộ.
Chỉ có 2% các nước dân chủ đa đảng là có bất ổn chính trị tạm thời. Còn 100% các nước độc đảng CS là tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu, xã hội đầy bất công.
*******

Thái Lan có “loạn” như chúng ta tưởng?

“Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái Lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, Bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt Nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái Lan mà hiểu rằng ở Việt Nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?”
H1Xếp hàng xin cho con học tại Trường Mầm non, Tây Hồ, Hà Nội
“Gần đây báo chí của Nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái Lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hỗn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái Lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy”.
Mùa hè năm nay ở tỉnh N quê tôi nóng quá, điện mất liên tục nhiều đêm không ngủ được, đã thế lại cộng với cái giải bóng đá World cup 2010 ở Nam Phi đó là cái niềm vui và nỗi buồn của hàng tỷ người trên hành tinh này. Vốn là kẻ đam mê bóng đá, đêm nào tôi cũng cố thức để theo dõi các trận đấu qua TV. Tức mỗi một điều là lúc đang căng thẳng nhất của trận đấu, mắt đang dán vào xem truyền hình trực tiếp, thì lại rụp một cái, quý ông Sở điên… nặng mang cái “cup” điện đến trao.
Không chỉ một ngày hay một lần mà là cắt điện liên tục vô tội vạ bất kể giờ giấc, buồn vì cái nóng, bực vì cái điện đóm chập chờn, lúc có lúc mất, căng thẳng quá nhiều lúc muốn phát điên.
Đúng lúc chán chường ấy thì tôi nhận được điện thoại của anh bạn người Thái Lan tên là Somsack sang Hà Nội công tác, nghe tôi kể nỗi cơ cực mà mình đang phải gánh chịu ở Việt Nam, anh Somsack liền rủ tôi qua Thái Lan trốn cái nóng và xem bóng đá cho thoải mái và lập tức chỉ sau đó hai hôm, sau khi anh Somsack họp xong chúng tôi đã cùng nhau lên đường sang Thái Lan, xứ sở của bất ổn và bạo loạn như báo chí của Đảng ở Việt nam thường tuyên truyền cho người dân với hàm ý mang tính dọa dẫm rằng đó là hậu quả của sự đa đảng và dân chủ.
Với vốn tiếng Thái Lan đủ dùng, tại Thái Lan tôi có thể đi lại một mình và giao thiệp với người dân Thái Lan một cách dễ dàng và thoải mái mà không cần bạn bè hướng dẫn. Với một chuyến đi miễn phí trong vòng hai tuần, tôi có suy nghĩ cần phải tìm hiểu đầy đủ đời sống và sinh hoạt mọi mặt của người dân Thái Lan, trong hoàn cảnh loạn lạc vô chính phủ như được biết qua sách báo của Nhà nước [ta]. Được biết tôi có ý định đó, vốn là bạn bè rất thân thiết anh Somsack đã ủng hộ suy nghĩ của tôi và nói rằng cũng muốn qua tôi để bạn bè Việt Nam hiểu về đất nước Thái Lan và cuộc sống của người dân nước họ hôm nay ra sao.
“Nó (Thái Lan) vẫn bình yên và ngày một tốt lên, những người biểu tình xuống đường tuy đôi lúc quá khích, nhưng đều có một cái đích chung là vì sự tiến bộ của đất nước Thái Lan chúng tôi. Thái Lan đã từng trải qua chế độ độc tài quân sự vài chục năm, cũng như Việt Nam của các anh hôm nay. Chắc sau này khi Việt Nam hết chế độ độc tài thì mọi người mới thấy và hiểu hết giá trị của nền dân chủ trong việc xây dựng và phát triển đất nước” anh Somsack giải thích cho tôi nghe.
Chúng tôi quyết định chỉ ở lại Bangkok hai ngày, sau đó quyết định đi về quê anh Somsack ở tỉnh Ayuthya vốn là cố đô cũ của Thái lan với lý do muốn cùng ăn, cùng ở và cùng sinh hoạt với người dân Thái Lan để tránh cảnh cưỡi ngựa xem hoa mà phải mắt thấy tay sờ để hiểu được sự thật.
Đã nhiều ngày nay, tuy bản thân tôi đang sống ở Thái lan nhưng tâm vẫn một nửa ở Việt Nam, hàng ngày tôi vẫn biết rõ mọi tin tức Việt Nam, qua trang Tin tức hàng ngày chuyên cập nhật tin tức Việt Nam liên tục 24/7. Hôm trước đọc tin xã hội ở Việt Nam thì tờ Vnexpress vừa đưa tin: “Một trong những nội dung bàn thảo ở kỳ họp HĐND giữa năm của Hà Nội vào tuần tới là nghị quyết thu, sử dụng học phí ở trường học phổ thông công lập. Trong đó, mức tăng đối với học sinh ở nội thành lên tới 4-5 lần…”. Đọc tin trên còn đang ngất ngây vì choáng, lại thêm cái cảnh trong tin Nhảy tường xin học cho con (trích) “Theo Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hoa Nguyễn Thị Báu, năm nay, phường Láng Hạ có 620 cháu sinh năm 2007, bước vào lớp mẫu giáo bé. Trong khi đó, Trường mầm non Tuổi Hoa, trường mầm non công lập duy nhất của phường chỉ tiếp nhận được 60 cháu vào học. Tỷ lệ chọi 1/10, còn cao hơn cả kỳ thi đại học!”
Hôm sau 11/7 thì trang Vitinfo đưa tin Viện phí sẽ tăng 7 – 10 lần?
“Bộ Y tế vừa công bố dự thảo Hướng dẫn thanh toán theo viện phí mới, tăng rất cao so với hiện nay, chẳng hạn tiền khám tăng 10 lần, tiền giường bệnh tăng 8 lần… Theo bảng viện phí mới, giá khám bệnh lâm sàng từ 3.000 đồng lên 30.000 đồng; giường bệnh (chưa tính sử dụng máy thở) tăng từ 12.000 đồng (tối thiểu), 18.000 đồng (tối đa) lên 100.000 – 120.000 đồng mỗi ngày.”
Chưa hết, báo Dân trí còn cho biết Tăng viện phí, đừng quên người nghèo (trích) “Thông tin dự kiến tăng viện phí đã khiến không ít bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (BV) lo lắng, bởi với họ, thêm chi phí là thêm gánh nặng, nhất là với người nghèo, mắc bệnh nặng, điều trị dài ngày.”
Những tin “tức” mình đó, đã làm tôi liên tưởng và so sánh về vấn đề giáo dục và y tế giữa một xứ sở loạn lạc và bất ổn như Thái Lan với Việt Nam của chúng ta. Về tình hình đời sống xã hội của người dân Thái Lan có được hôm nay mà ít người còn chưa biết rõ sự thật, nó không phải một xã hội loạn lạc, vô chính phủ như người ta tuyên truyền, thật ra đất nước Thái Lan của họ chưa thực sự hoàn hảo, nhưng những cái mà hôm nay người dân Thái Lan đang được hưởng đã là cái quá tốt nếu chúng ta so với Việt Nam. Những cái đó là những cái người Việt Nam làm ăn lương thiện mong muốn vì nó thực sự thiết thân với cuộc sống của họ, đặc biệt là những người lao động.
Chỉ một thời gian ngắn, qua tìm hiểu, trò chuyện và đi thực tế tôi mới biết rằng ở Thái Lan không như những thông tin mà báo chí nhà nước [chúng ta] tuyên truyền về sự loạn lạc và bất ổn chính trị. Mà ngược lại đất nước Thái Lan ngày nay là một nền kinh tế khá phát triển, hơn nữa họ đã có một chế độ an sinh xã hội mà khi nói đến có lẽ những người đang sống ở các nước tư bản phát triển cũng phải thèm muốn và mong ước có được. Hôm nay xin chỉ nói về hai vấn đề thiết thực nhất đó là Giáo dục và Y tế của Thái lan.

1. Về Giáo dục

Ở Thái Lan có chế độ giáo dục phổ cập miễn phí 100% áp dụng cho 15 năm học, trong đó có 12 năm học phổ thông và ba năm học nghề cho mọi đối tượng không phân biệt giàu nghèo. Học sinh tại các trường, ngoài việc miễn phí học phí, mỗi học kỳ nhà nước chi tiền cho mua sắm toàn bộ quần áo (4 bộ khác nhau cho 5 ngày học/tuần), giày tất đồng phục, cặp sách, sách vở học tập v.v. Chưa đủ, hàng ngày vào buổi sáng học trò được uống 150 ml sữa tươi trước khi vào lớp và ăn một bữa cơm trưa miễn phí. Chế độ này được áp dụng cho cả các đối tượng học sinh học trường dân lập nhưng nhà nước chỉ trả bằng 65 % so với học sinh trường công lập.
Ở Thái Lan, trẻ em từ lớp 1-6 gọi là Po 1 – Po 6, từ lớp 7-9 gọi là Mo 1-Mo 3 và 10-12 gọi là Mo 4-Mo 6. Học hết Mo 3, học trò không thích học cao hơn sẽ đi học tại các trường học nghề (trung cấp) kỹ thuật hoặc thương mại, sau ba năm có chứng chỉ để xin việc làm, Những học sinh học nghề nào có điều kiện kinh tế, sẽ chưa đi làm và muốn học tiếp thì sẽ học tiếp 3 năm và sẽ được cấp bằng tương đương với bằng đại học với điều kiện trong ba năm đó phải tự túc toàn bộ chi phí. Số học sinh không đi học nghề, mà muốn học tiếp sẽ tiếp tục học chương trình Mo4-Mo6 (như PTTH của Việt nam), sau khi học tốt nghiệp Mo6 sẽ thi vào đại học. Các trường học ở Thái Lan nhiều vô kể, của cả Nhà nước và tư nhân. Ở Thái Lan hiện nay đang có tình trạng thừa trường học và giáo viên. Các cơ sở giáo dục của Thái Lan được trang bị đầy đủ mọi phương tiện hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy, cái họ thiếu duy nhất là học sinh.
Điều đó thể hiện các trường tiểu học công lập ở cấp xã, các thầy cô giáo phải đến từng nhà xin phụ huynh cho con em đi học ở trường của họ, bởi vì nếu số học trò không đủ buộc Nhà nước sẽ phải giải thể, hoặc sát nhập. Chính vì lẽ đó theo quy định trẻ em tròn ba tuổi mới đủ tuổi đến đến lớp mẫu giáo, nhưng thực tế dù trẻ chưa đủ ba tuổi nhưng nhà trường vẫn tiếp nhận. Viết đến đây lại nhớ tới cảnh ở Việt Nam phụ huynh học sinh phải ăn chực nằm chờ qua đêm để xếp hàng đăng ký cho con đi học các trường mẫu giáo mầm non. Mẫu giáo mầm non còn thế còn nói gì tới thi vào đại học.
Chính vì trường học quá nhiều nên việc học sinh đi học rất thoải mái về tư tưởng, học giỏi học kém cũng không sợ vì đến hẹn lại lên lớp trên, hơn nữa thầy cô giáo rất có trách nhiệm với nghề nên buộc học sinh phải học. Tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học của học sinh tốt nghiệp phổ thông là 41-47%, nghĩa là tỷ lệ chỉ ở mức gần 2 chọi 1. Vì lý do đó học trò của họ đâu phải tranh giành thi thố, học đêm học ngày không đủ còn phải tranh thủ học thêm để đối phó với cảnh 1 chọi 10, 1 chọi 20 của con em chúng ta ở Việt Nam.

2. Về y tế

Ở Thái Lan chế độ y tế miễn phí 100% cho mọi chi phí khám và chữa bệnh phục vụ nhân dân tất cả mọi đối tượng. Không có sổ y bạ, không có giấy giới thiệu mà duy nhất chỉ cần giấy chứng minh thư nhân dân (smart card), trường hợp cấp cứu thì đặc biệt hơn nếu không có giấy CMT do mất hay quên chỉ cần bệnh nhân khai đúng tên tuổi đúng như hồ sơ lưu trong máy tính là ổn. Bệnh nhân đến bệnh viện của cấp Huyện hay Tỉnh được điều trị tương đương với cán bộ trung cấp ở Việt Nam, mỗi người một giường, nằm phòng máy lạnh.
Người bệnh đến bệnh viện với tay không và khỏi bệnh về cũng không mất một xu và thêm một túi với một lô thuốc men. Cũng như chuyện giáo dục, ở Thái Lan người ta quá nhiều bệnh viện và trạm y tế. Các bệnh viện và hay các bệnh xá ở cấp xã của Nhà nước được đầu tư đầy đủ trang thiết bị để phục vụ người bệnh ở mức tương đương với điều kiện phục vụ đối với cán bộ trung cấp ở Bệnh viện hữu nghi Việt xô hay Quân y viện 108 ở Việt Nam. Tuy vậy các cơ sở y tế của Nhà nước cũng không thu hút được người bệnh, bởi vì phần lớn dân có thu nhập cao và ổn định có mua bảo hiểm nhân mạng nên khi ốm đau họ có quyền chọn những bệnh viện tư nhân lớn hay bệnh viện danh tiếng chữa bệnh mất tiền, toàn bộ chi phí khám chữa bệnh đều được các công ty bảo hiểm trả toàn bộ tiền và ngoài ra người bệnh còn được nhận một khoản tiền bồi thường cho những ngày ốm đau (khoảng 30USSD/ngày). Đó là lý do vì sao các bệnh viện công rất ế, đối tượng phục vụ chỉ là những người nghèo ít có khả năng về tiền bạc.
Tôi thử ra một trạm xá y tế xã để khảo sát thực hư thì thấy các trạm y tế xã thiết kế chung một mẫu, đó là một tòa nhà 2 tầng với 16 phòng có kích thước 4x6m có đầy đủ thiết bị y tế cần thiết để sơ cứu và điều trị cho 10 giường bệnh có đủ Bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác phục vụ. Người dân trong khu vực bị ốm đau thì đến đây xin thuốc và khám bệnh, do bệnh nhân ít nên họ “chiều” người bệnh lắm cũng vì sợ ít người bệnh thì giải thể. Muốn thuốc gì cho thuốc đó, không cần hay không thích thì người bệnh có quyền đổi các thứ thuốc khác tốt hơn theo ý mình.
Chỉ qua hai vấn đề y tế và giáo dục mà người dân Thái Lan đang được hưởng, tôi nghĩ lại cảnh phải dùng phong bì lót tay cho thầy cô giáo, Bác sĩ, y tá và cả mấy nhân viên hộ lý nếu không muốn người ta gây khó dễ ở bệnh viện, trường học nói riêng hay ở các chốn quan quyền nói chung ở Việt Nam mà sợ khiếp người. Những khi ấy tôi tự thầm hỏi những người bạn Thái Lan mà hiểu rằng ở Việt Nam có cái thứ văn hóa “phong bì” kỳ quặc ấy lại là chuyện đương nhiên được cả xã hội chấp nhận như một thứ thông lệ “Vấn đề đầu tiên là tiền đâu?” thì họ sẽ nghĩ ra sao?
Ngoài ra , qua tìm hiểu tôi còn biết rằng còn rất nhiều vấn đề an sinh xã hội của Thái Lan mà người dân đang được hưởng đó là:
– Người trên 60 tuổi được Nhà nước hỗ trợ 500 baht/tháng
– Gia đình nghèo dùng điện dưới 90 số được miễn phí.
– Gia đình nghèo dùng nước máy dưới 15 m3 được miễn phí.
– Xe bus tại Bangkok không có máy lạnh được miễn phí cho mọi đối tượng
– Xe lửa ghế cứng hạng 3 (kể cả tàu tốc hành) được miễn phí cho mọi đối tượng.
v.v…
Qua đó để cho thấy chính quyền nhà nước ở Thái lan hôm nay thực sự là một Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân Thái lan đã và đang thực sự hưởng thành quả của một xã hội mà nhân dân thực sự làm chủ quyền lực nhà nước và được ăn những cái bánh thật chứ không phải là thứ bánh vẽ mà Đảng CSVN và chính quyền nhà nước của họ đang dùng để “dử” nhân dân trong mấy chục năm qua.
Những cái đó có được hôm nay chính là là kết quả của việc cạnh tranh quyết liệt của các đảng phái chính trị để lấy lòng dân chúng. Bởi một khi người dân là lực lượng duy nhất có quyền quyết định cho đảng chính trị nào lên nắm quyền lực thông qua các cuộc bầu cử dân chủ công bằng và đích thực.
Đó chính là lý do vì sao các đảng chính trị ở Thái lan luôn luôn phải dựa vào dân, mọi chủ trương đường lối và việc tổ chức thực hiện của các đảng chính trị đều phải xuất phát từ ý nguyện của đa số dân chúng và thực sự phải đảm bảo là vì nhân dân. Do đó từ sự cạnh tranh lành mạnh này đã mang lại quyền lợi cho dân chúng quá nhiều, giá như người dân Việt nam có một phần cũng thành tiên, nhất là những gia dình sống bằng đồng lương không có thu nhập “lậu”.
Điều này cũng cho thấy những nhà lãnh đạo chính quyền Việt nam đã quên trách nhiệm của họ là phải cải thiện đời sống nhân dân đặc biệt là vấn đề giáo dục và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà bất kỳ chính quyền nhà nước nào cũng phải có trách nhiệm cố gắng hướng tới. Hình như chính quyền hiện tại họ chỉ chuyên chú vào mấy chuyện làm ăn của cá nhân họ, thông qua các dự án trời ơi không thực tế với số vốn bạc tỷ đô la, bởi chỉ có những dự án ấy mới mang lại cho họ những món lại quả khổng lồ. Và buồn cười hơn là khi thấy hơn 80 triệu người Việt nam, là chủ nhân của đất nước lại im như thóc và quên bẵng đi cái quyền lợi phải có của mình.
Nếu bạn qua Thái lan, nếu bạn hỏi tất cả những người dân là đất nước họ đang đi theo chủ nghĩa gì thì ít có người biết, vì họ không hề quan tâm đến cái gọi là chủ nghĩa này nọ. Với họ điều quan tâm nhất chỉ đơn giản là sẽ dùng lá phiếu bầu của mình để ủng hộ chính quyền của nhà nước do đảng chính trị nào mang lại quyền lợi cho đất nước họ và bản thân họ nhiều nhất ở mức có thể.
Ở Việt nam, hàng chục năm nay kể cả từ khi nhà nước tiến hành sửa sai (gọi là đổi mới cho đỡ ngượng) từ năm 1986 thì xem ra vấn đề giáo dục và y tế có chiều hường thụt lùi. Ngày xưa thời bao cấp trẻ em đi học cũng phải đóng học phí gía trị rất ít và phần lớn là được nhà nước miễn giảm học phí đối với các gia đình đông con. Tương tự như vậy về y tế khi đó tuy còn thiếu thốn, nhưng người dân vẫn được khám chữa bệnh hầu như miễn phí.
Còn ngày nay thì sao? Dưới sự sáng suốt của đảng CSVN con em chúng ta hôm nay ngoài việc bắt buộc phải học thêm kể cả để thi vào lớp 1 (!?) và đóng vô số các khoản lệ phí ngoài tiền học phí. Thế cũng chưa đủ, còn cảnh phụ huynh học sinh phải dùng phong bì lót tay để chạy trường, chạy chỗ cho con em mình. Về y tế thì càng trầm trọng hơn, bệnh viện quá tải triền miên Tám bệnh nhân trên… một giường, nằm hành lang trong điều kiện vệ sinh rất kém. Những cái đó không khổ bằng thái độ phục vụ của các bác sỹ và nhân viên y tế mà y đức không còn. Ngoài tiền trả viện phí theo quy định người nhà bệnh nhân còn phải trả khoản phụ phí dưới dạng phong bì lót tay kiểu tiền trao cháo mới múc.
Dân tình thì được hưởng các thành quả ưu việt như thế, nhưng ngược lại các quan cách mạng lại có các bệnh viện đặc biệt dành riêng cho cán bộ trung cấp và cao cấp như BV Việt-Xô và các Quân y Viện, như vậy thử hỏi vì dân và do dân ở chỗ nào?
Gần đây báo chí của nhà nước vẫn hay dùng tình hình chính trị Thái lan để hù dọa nhân dân và cho rằng đó là sự hỗn loạn, mất ổn định xã hội nếu tiến hành dân chủ hóa đa nguyên đa đảng. Nhưng thực chất những cái gọi là hồn loạn ấy chỉ là các hành động bày tỏ nguyện vọng của người dân đối với chính quyền nhà nước để gây áp lực lên đảng cầm quyền mà luật pháp cho phép (tương tự như điều 69 của HP Việt nam). Bởi các áp lực đó của nhân dân mới chính là động lực buộc chính quyền nhà nước bằng mọi cách phải có sự cải thiện phù hợp với đòi hỏi của dân chúng để lấy lòng cử tri. Đó chính là lý do vì sao nhân dân Thái lan lại được hưởng một chế độ an sinh xã hội tốt đẹp như vậy.
Mọi kết quả của cuộc sống đều phải được trả giá, không có chính quyền nào tốt với dân chúng tới mức tự họ mang đến các điều kiện sống và các chế độ an sinh xã hội cho người dân mà không có sự đòi hỏi của dân chúng. Đừng quên rằng một chế độ dân chủ, với một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự chính là điều kiện duy nhất để nhân dân có được các lợi ích chính đáng phù hợp với nguyện vọng của mình.
Đất nước Thái lan không theo Chủ nghĩa xã hội, không theo Chủ nghĩa Marx-Lênin, không theo Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng họ đã và đang có một chế độ an sinh xã hội tuyệt vời cho người dân, nhân dân Thái lan có một cuộc sống được đảm bảo về mọi phương diện, mà giáo dục và y tế nêu trên chỉ là hai trong hàng chục hàng trăm vấn đề của cuộc sống của họ. Họ đạt được những cái đó bởi người dân Thái lan đã biết sử dụng quyền làm chủ của họ để buộc các đảng cầm quyền (đầy tớ của dân)phải thỏa mãn yêu cầu, chứ họ không bao giờ (dù chỉ là suy nghĩ) phải ơn đảng, ơn ai như chúng ta.
Việt nam ta cũng vậy, nếu bỏ đi mấy cái chủ nghĩa vớ vẩn, mấy cái tư tưởng linh tinh để đổi lại chúng ta có được đời sống nhân dân tốt hơn với giáo dục miễn phí 100%, y tế miễn phí 100% v.v.. thì mới là vì dân chứ? Biết thế tại sao chúng ta không vứt những cái đó vào sọt rác như hầu hết các quốc gia họ đã làm, hãy dũng cảm bước ra khỏi nhúm các nước cộng sản còn rơi rớt đếm không hết đầu ngón tay của một bàn tay như Trung quốc, Cu ba, Bắc Triều tiên và Lào.
Nếu có quyền được lựa chọn, bạn sẽ chọn cái gì cho mình? Hãy suy nghĩ cho thật kỹ để quyết định tương lai của bạn trong cuộc trưng cầu dân ý “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992″ sắp tới. Còn nếu như các bạn hỏi tôi giữa hai con đường ổn định của Việt nam và loạn của Thái lan, tôi sẽ chọn cái nào?
Câu trả lời của tôi là “Tôi sẽ chọn cái “loạn” mà làm cho dân sung sướng, chứ chọn cái ổn định mà dân khổ quá anh Pha chị Dậu thời thuộc Pháp thì chọn làm chi cho mệt.”
Tác giả: Kami
********

Đa đảng là loạn – Một luận điệu xảo trá

Ông Nguyễn Trung hoàn toàn sai khi nói việc chuyển hoá sang thể chế dân chủ của các nước Đông Âu là “thảm hoạ đen”.
Rất đáng tiếc, những người trong nước khó có cơ hội được đọc “Nhật ký Rồng rắn” của cố trung tướng Trần Độ, “Chia tay ý thức hệ” của tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sĩ Phu), 5 bài luận văn của kỹ sư Đỗ Nam Hải.
Ngoài ra là những bài khác của nhiều nhà trí thức như Phan Đình Diệu, Tương Lai, Lữ Phương, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Thanh Giang v.v. được đăng tải trên báo chí ngoài Việt Nam. Cũng cần nói thêm rằng, những bài viết này, nhiều tác giả cũng đã gửi trực tiếp tới các vị lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam (VN).
Nếu đã đọc những bài của các tác giả nêu trên, bạn đọc đang sôi nổi trao đổi trên báo Tuổi Trẻ hiện nay xung quanh một số ý kiến của ông Nguyễn Trung, sẽ thấy nội dung các bài viết này của ông thực ra không có gì quá mới hoặc mang tính đột phá đặc biệt.
Tuy nhiên, dưới góc độ khách quan, ông Nguyễn Trung, một cố vấn của chính phủ, qua các phân tích, đề nghị của mình đã cho bạn đọc nhìn nhận ông là người có nhiều suy tư, bức xúc với vận mệnh của quốc gia. Ở mức độ nào đó, đây là biểu hiện của lòng can đảm, thẳng thắn trước công luận của ông, (trong một hoàn cảnh: nói vừa phải để còn được… nói tiếp), với hy vọng chuyển tải được những điều bổ ích đóng góp cho Đại hội đảng X.
Tôi cũng thật sự phấn khởi trước việc báo Tuổi Trẻ, một tờ báo – dù nằm trong điều kiện hạn chế: các phóng viên là những cán bộ của nhà nước, của Đảng ăn lương – đã nhiều lần thể hiện bản lĩnh trong việc tạo cho bạn đọc tiếp cận và tranh luận những vấn đề bức thiết, nhiều khi được xem là “nhạy cảm”: dân chủ hoá xã hội Việt Nam ra sao trước xu thế của thời kỳ hội nhập và toàn cầu hoá.
Tôi rất tâm đắc với một số vấn đề được nêu ra hết sức chính đáng của ông Nguyễn Trung như sau:
-“Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tàu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tàu”.
– “Nếu mô hình XHCN mà chúng ta đang tìm cho thời đổi mới, và mãi cho đến nay mới chỉ tìm thấy “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì còn nhiều chuyện phải bàn lắm…”.
– “Sự cố thủ rõ nhất nằm trong cố thủ về ý thức hệ và trong tha hóa, nói cho đến cùng và thực chất thì vẫn chỉ là nằm trong tha hóa mà thôi! Rõ ràng đây là chuyện của hệ thống…”;
– “Đảng là đảng thật sự, nhà nước là nhà nước thật sự, không thể vừa là đảng vừa là nhà nước…” (Nguyễn Trung – Tuoitre Online ngày 9-10/02/2006)

Nhận thức sai lầm vì thiếu thực tế

Trong một bài viết ngắn tôi không thể mổ xẻ, phân tích hết những vấn đề nêu trên. Tôi chỉ muốn nói đến một kết luận sai lầm của ông mà tôi cho rằng do ông thiếu thực tế. Đó là nhận định của ông về sự chuyển hoá từ chế độ toàn trị cộng sản sang thế chế chính trị đa nguyên, dân chủ tại các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông cho nó là một “hiểm hoạ đen” là “tấm gương tày đình” cần cảnh báo… ( “Thời cơ vàng và hiểm hoạ đen”, Nguyễn Trung, Tuoitre Online 08/02/2006). Ở đây tôi chỉ giới hạn nói về Ba Lan, như một nhân chứng lịch sử.
Ông Nguyễn Trung và cũng như khá nhiều nhà trí thức, đảng viên hay các vị cách mạng lão thành trong những bài viết của mình thường cho rằng đảng cộng sản VN vẫn nên tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo, chỉ cần đảng sáng suốt thay đổi chính sách, cải cách hơn nữa để phù hợp với tình hình phát triển mới của đất nước, thế là mọi việc sẽ tốt đẹp. Điều này tự nó mâu thuẫn với ngay chính ý kiến ông nêu ra: vấn đề cơ bản là hệ thống và sau đó là khái niệm tách biệt giữa đảng và đất nước.
Phong trào tranh đấu liên tục với nhiềy hy sinh, tổn thất của công nhân toàn Ba Lan dưới sự lãnh đạo của Công đoàn Đoàn Kết, đã buộc nhà nước cộng sản Ba Lan phải ngồi vào bàn đàm phán. Công đoàn Đoàn Kết được hợp pháp hoá và phía cộng sản chấp nhận bầu cử tự do có giới hạn: 65 % số ghế trong quốc hội chuyển tiếp là của phe cộng sản, 35% còn lại sẽ thông qua bầu cử hoàn toàn tự do.
Tiến trình bầu cử được diễn ra trong hai giai đoạn, vào ngày 4 và 18/06/1989. Những người cộng sản vận động tranh cử trong trạng thái lúng túng, vụng về. Họ đã bị thất bại thảm hại. Ngoài số ghế được ấn định 65%, họ không giành thêm được một ghế nào. Với 100 chỗ thì Công Đoàn Đoàn Kết chiếm 99, một chỗ còn lại là của ứng viên độc lập. Một mô hình nhà nước do nhật báo Gazeta Wyborcza đề xướng: “Tổng thống của các anh (Đảng Cộng Sản), Thủ tướng của chúng tôi (CĐĐK)”, được thực hiện. Ngày 12/09/1989, chính phủ liên minh Cộng sản – Công đoàn Đoàn Kết được thành lập thông qua biểu quyết của quốc hội với số phiếu 402/415, do thủ tướng không cộng sản T. Mazowiecki đứng đầu. Phe cộng sản với tổng thống W. Jaruzelski, Bí thư thứ nhất (tổng bí thư) Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (PZPR) tức đảng CS Ba Lan, nắm hai bộ quan trọng nhất: Quốc phòng và Nội vụ.
Vào thời điểm nóng bỏng trên, tại Hà Nội đã có nhiều cuộc mít tinh của Việt Nam ủng hộ Ba Lan xã hội chủ nghĩa, chống lại lực lượng “phản cách mạng” Công đoàn Đoàn Kết.
Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cũng có ý định tổ chức một cuộc mít tinh với tinh thần tương tự.
Nhiều cán bộ đảng viên thầm thì: Ba Lan mất nước rồi!
Vào thời điểm đó tôi đang làm việc cho Tổng lãnh sự quán (TLSQ) Ba Lan tại thành phố HCM. Tôi đã thông báo cho Sở Ngoại Vụ TP HCM rằng, đại diện TLSQ Ba Lan sẽ không tham dự cuộc mít tinh ấy.
Ông lãnh sự M.Ch. đã rất ngạc nhiên với sáng kiến của chính quyền Việt Nam và nói với tôi: “Người Việt nghĩ Ba Lan mất nước là nghĩa thế nào? Đất nước Ba Lan luôn luôn là Ba Lan và Ba Lan là trường tồn. Chỉ có người lãnh đạo nó thay đổi mà thôi”.
Đánh đồng khái niệm Đảng hay ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa với khái niệm Tổ quốc/Đất nước là một hành vi không trong sáng nếu không nói là thiếu lương thiện, trí trá. Đúng như ông lãnh sự Ba Lan nhận xét. Và cũng vì vậy, TP HCM đã không có một cuộc mít tinh nào để “ủng hộ” Ba Lan!
Trong 16 năm xây dựng thể chế dân chủ, Ba Lan đã trở thành thành viên của NATO (Hiệp ước Quận sự Bắc Đại Tây dương) vào ngày 12/03/1999, về an ninh, thoát khỏi áp lực nhiều thế kỷ nay từ phía Nga. Từ năm 2004, Ba Lan là thành viên Liên hiệp Âu châu (EU), thực sự có tiếng nói chủ quyền và trọng lượng của một quốc gia độc lập, bình đẳng trước mọi đối tác. Trong kế hoạch tài khoá 2006 – 2013 của EU, Ba Lan đã đe doạ dùng quyền phủ quyết buộc EU phải nhân nhượng, Ba Lan được hưởng xấp xỉ 60 tỷ Euro cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tức là khoảng 9 tỷ đô la/năm – bằng tổng số đầu tư nước ngoài vào Ba Lan trong năm cao nhất! – (cho một nước với diện tích gần tương đương VN và dân số chỉ 38,1 triệu). Người dân Ba Lan đi lại 25 nước châu Âu không cần thị thực, có thể tự do học tập, làm việc không cần giấp phép và hưởng mọi quyền lợi an sinh xã hội tại Anh, Thụy Điển, Na Uy, Ai len và nhiều nước khác của EU trong thời gian tới. Đấy là chưa kể các chương trình viện trợ của Mỹ và NATO cho Ba Lan, đặc biệt trong lĩnh vực hiện đại hoá quân đội.
Theo tạp chí bình luận kinh tế nổi tiếng The Economist (số 1/2006), tổng thu nhập quốc dân (Gross National Product) của Ba Lan trong năm 2006 sẽ đạt 315 tỷ đô la (so với VN, 57 tỷ – cũng theo The Economist), tức là tăng gấp đôi trong vòng 16 năm.
Ba Lan đang đứng trước cơ hội thăng tiến chưa bao giờ có kể từ khi chuyển hoá chế độ. Kể từ năm nay, nếu được tận dụng hiệu quả toàn bộ số quỹ 9 tỷ USD/năm do EU cấp, trong vòng 10 – 15 năm nữa, Ba Lan sẽ tạo cho mình một bộ mặt mới với những bước phát triển đầy triển vọng tại châu Âu.

Đa đảng là loạn – Một luận điệu xảo trá

Như đã nói ở trên, trước tình hình mới, Đảng Cộng Sản Ba Lan (PZPR)) đại hội phiên cuối cùng vào ngày 27/01/1990 và tuyên bố giải tán.
Từ ngày 17/10/1997, Hiến pháp Ba Lan mới của Cộng Hoà Ba Lan ra đời, trong đó có điều khoản cấm các hoạt động và tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, đặt chủ nghĩa cộng sản ngang hàng với chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, từ bỏ ý thức hệ cộng sản, hoạt động theo xu hướng dân chủ xã hội (như nhiều đảng cánh tả khác đang cầm quyền tại Tây Âu), những người cựu cộng sản Ba Lan đã khôn ngoan nắm bắt cơ hội của chính thể chế dân chủ. Đồng thời với việc giải tán ĐCS, họ đã thành lập ngay đảng Xã hội Dân chủ Cộng hoà Ba Lan – SdRP (29/01/90) do A. Kwasniewski, đã từng giữ chức bộ trưởng Thanh niên và Thể thao thời Cộng sản, làm thủ lĩnh, ở tuổi xáp xỉ 40. Một thời gian sau đó, SdRP nhanh chóng thống nhất các lực lượng cánh tả để trở thành Liên minh Cánh tả Dân chủ (SLD) và tranh cử ngay vào quốc hội.
Sau 44 năm dưới chế độ cộng sản toàn trị, cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên được tiến hành: bầu tổng thống vào tháng 09/1990 và quốc hội vào ngày 27/10/1991. Lech Walesa, thủ lĩnh CĐĐK trúng cử tổng thống, lực lượng cánh hữu và Công đoàn Đoàn kết nắm đa số phiếu quốc hội.
Gánh nợ nước ngoài do chính quyền cộng sản để lại khoảng gần 45 tỷ đô la. Các tổ hợp tài chính – ngân hàng phương Tây thuộc Câu lạc bộ Paris và London đã xoá ngay cho Ba Lan dân chủ một nửa.
Trừ một vài người lãnh đạo cao cấp cộng sản phải ra toà để trả lời về trách nhiệm của họ đối với việc ra lệnh đàn áp công nhân, làm chết người trong một số cuộc biểu tình trước đây, đảng SLD, mà bao gồm chủ yếu những người cựu cộng sản, qua nhiều thăng trầm, lúc lên voi lúc xuống chó, vẫn là một lực lượng chính trị lớn trong xã hội Ba Lan hiện nay.
Trong 16 năm vừa qua, đảng Liên Minh Cánh tả Dân chủ – SLD đã hai lần vượt qua Công đoàn Đoàn Kết và các đảng cánh hữu khác, giành được số phiếu cao nhất (trên 40%). SLD đã liên minh với một vài đảng khác, cầm quyền trong hai nhiệm kỳ 1993 -1997 và 2001 – 2005. Còn ông A. Kwasniewski, chỉ 5 năm sau, ngày 19/11/1995, đã đánh bại huyền thoại Công đoàn Đoàn Kết Lech Walesa, nắm chức tổng thống Ba Lan suốt hai nhiệm kỳ, 10 năm, từ 1996 – 2005. Chính ông là người đã xin lỗi toàn dân Ba Lan về những sai lầm và tội ác mà chế độ cộng sản đã gây ra cho Ba Lan. Chính ông là người đã ký Hiến pháp năm 1997, loại bỏ chủ nghia cộng sản ra khỏi đời sống chính trị – xã hội của Ba Lan.
Cả nước Ba Lan hiện nay có hơn 80 đảng phái chính trị của mọi khuynh hướng, tuy nhiên thường chỉ từ 4 đến 5 đảng lọt vào quốc hội. Tranh chấp quyền lãnh đạo trên sân khấu chính trị giữa các đảng lúc nào cũng quyết liệt, thậm chí trong nội bộ các đảng (cả cánh Hữu lẫn cánh Tả) chia rẽ, đấu đá nhau gay gắt, nhưng đất nước luôn luôn ổn định và phát triển kinh tế nhịp nhàng.
Trong một thể chế mà thắng hay bại trong “cuộc chiến” giữa các đảng do lá phiếu của người dân quyết định thì chẳng bao giờ có một sự “loạn” nào như nhiều người vẫn nguỵ biện cho thể chế đa đảng (nếu có) ở VN. Khi có thông tin tự do, nhiều chiều và biết rằng lá phiếu của mình có hiệu lực, người dân sẽ có đủ cơ sở so sánh chương trình của các đảng và sáng suốt lựa chọn người lãnh đạo cho đất nước theo quan điểm của riêng mình.
Không hiểu rõ bản chất của thể chế dân chủ, có luận điệu cho rằng một thể chế đa nguyên chưa phù hợp với Việt Nam khi dân trí còn thấp. Đây chỉ là sự biện hộ xào trá cho tư duy ù lì, bảo thủ, cố tình cắn giữ quyền lực và đặc lợi của một thiểu số cầm quyền trong ĐCSVN. Giống như người ta nói: không xuống nước thì chẳng bao giờ biết bơi. Tại sao ĐCSVN bắt dân đứng mãi ở trên bờ? Nếu cho mình là “đỉnh cao của trí tuệ”, là “đội quân tiên phong của dân tộc” thì ĐCSVN hãy can đảm thử sức xem trời cao, đất thấp ra sao qua một cuộc bầu cử tự do. Đã hèn kém, sợ mất ngai vàng thì đừng bao giờ cao ngạo, trâng tráo coi thường trí tuệ quần chúng mà rêu rao rằng dân trí thấp. Chỉ có “quan trí” của tập lãnh đạo ĐCSVN Việt Nam là thấp kém và hủ lậu mà thôi.
Không là “một tấm gương tày đình”, ngược lại, Ba Lan cho ta một tấm gương sáng: những người cộng sản Ba Lan đã rất thức thời trước sự tranh đấu và đòi hỏi dân chủ của nhân dân. Họ biết đặt quyền lợi của dân tộc trên quyền lợi của đảng. Họ thật sự lột xác, chứ không thay đổi nửa vời theo kiểu đối phó, và đã góp phần đưa Ba Lan vào một tương lai tốt đẹp, dân tộc không bị đổ máu mà họ vẫn giữ được quyền lợi bình đẳng trong việc tranh quyền chấp chính.
Trong dự thảo một nghị quyết của quốc hội về vấn đề quá khứ, mới đây thôi, trong tháng 12/2005, những người cựu cộng sản Ba Lan trong đảng SLD đã viết: “Quốc hội Ba Lan tỏ lòng thương tiếc và tưởng nhớ đến những người Ba Lan – những nạn nhân của sự truy bức, đàn áp chỉ vì họ muốn thực hiện ước mơ cho một Ba lan dân chủ và tự do. (…) Kinh nghiệm của quá khứ là bài học cho những người cầm quyền và xã hội rằng, bằng bạo lực không những không hạn chế được nhân quyền, tự do của công dân, mà cũng không thể giải quyết được các vấn đề cơ bản của nhà nước”. (Nhật báo Ba Lan, Gazeta Wyborcza 16/12/2005).
Thưa ông Nguyễn Trung,
Phải chăng những sự kiện và con số trên đây là “gương tày đình”, là “thảm hoạ đen” của Ba Lan nói riêng và Đông Âu nói chung? Ông muốn chuyển thông tin đến bạn đọc một cách vô tư và khách quan? Có phải như chúng ta thấy: bằng chuyển hoá sang chế độ dân chủ, Ba Lan đã làm kinh tế hiệu quả nhất, nhanh nhất?
Hệ thống dân chủ, không phải không có những bất cập, nhưng cho đến nay loài người chưa tìm ra hệ thống nào hoàn hảo hơn. Đó chính là hệ thống, chẳng riêng cho Ba Lan, cho Việt Nam mà cho mọi quốc gia có nguyện vọng hướng tới tiến bộ và văn minh: mọi đảng phái, tổ chức chính trị – xã hội đều có quyền tham dự vào việc quản trị đất nước. Còn kết quả được hay không thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào tiềm lực, tài năng của các đảng trong chương trình hành động trình làng khi tranh cử.
Và chiến thắng của một đảng cầm quyền là đa số phiếu ủng hộ của người dân. Người dân quyết định tất cả chứ không phải một ai đó, một đảng nào đó nhân danh Tổ quốc, nhân danh Dân tộc, tự cho mình là người điều hành đất nước duy nhất và vĩnh viễn.
Trong bất kỳ địa hạt nào, nhất là chính trị, sự cạnh tranh là hình thức tốt nhất để con người phán quyết và lựa chọn sản phẩm tối ưu. Mọi sự độc quyền đều dẫn đến tai họa lạm quyền và lũng đoạn xã hội. Nạn tham nhũng khủng khiếp từ cao xuống thấp của bộ máy nhà nước cộng sản VN hiện nay là một hậu quả nhãn tiền từ sự độc quyền dẫn đến lạm quyền và tha hoá.
Ba Lan hay bất cứ quốc gia nào cũng đều không phải là khuôn mẫu để nhân dân Việt Nam bê nguyên xi áp dụng cho thực tế của mình. Nhưng cấu trúc của mọi thể chế cộng sản, công an trị đều hoàn toàn giốnng nhau. Khát vọng tự do và dân chủ của các dân tộc cũng giống nhau. Tự do sẽ không có nếu không tranh đấu và trả giá. Đừng bao giờ trông mong những người lãnh đạo cộng sản nhượng bộ. Họ chỉ thay đổi khi tình huống ép họ vào chân tường.
Dó đó, những bài học của Ba Lan, CH Czech, Hungary, Romania, Yugoslavia, Ukraine, Georgia… luôn là những bài học vô cùng thiết thực cho mọi người Việt Nam, cộng sản và cũng như không cộng sản, không chỉ trong tranh đấu giành quyền tự do dân chủ mà trong cả quá trình xây dựng dân chủ khi có nó.
Warszawa 19/02/2006
Tác giả: Lưu Vũ
*********

Đa đảng ở Việt Nam là loạn?

Lâu nay có ý kiến cho rằng đa đảng có thể phù hợp với một số nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam (VN) thì chắc chắn sẽ loạn. Lý do họ đưa ra luận điệu chủ yếu có mấy điểm sau đây:
– Dân trí của VN kém, tính cách người VN đoàn kết khi có chiến tranh nhưng chia rẽ, đố kỵ, đấu đá, tàn sát nhau trong thời bình.
– Đa đảng thì Trung Quốc (TQ) sẽ xâm lược VN ngay lập tức.
– Đa đảng sẽ bị Mỹ lôi kéo, bị lệ thuộc vào Mỹ.
Trong bài viết này sẽ lần lượt bác bỏ từng lý do trên để chứng minh rằng dân chủ, đa đảng là xu thế không thể đảo ngược.
Đầu tiên đối với quan điểm cho rằng dân trí Việt Nam kém, tính cách người Việt ưa tranh giành đấu đá nên khi đa đảng sẽ tạo điều kiện cho các đảng tranh giành quyền lực, lợi dụng người dân để tàn sát lẫn nhau. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ dân chủ là một quá trình chứ không phải là một việc làm trong chốc lát. Có thể thấy ở các quốc gia có truyền thống Khổng giáo thì việc thực hiện tiến trình dân chủ là một quá trình lâu dài có thể khái quát qua 3 giai đoạn :
– Đánh đổ sự thống trị của thực dân, đế quốc để giành độc lập tự chủ.
– Thiết lập chính quyền, xây dựng các thiết chế thực thi dân chủ, hướng dẫn nhân dân làm quen với chính trị dân chủ để ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Thời kì này thường phải áp dụng nguyên tắc độc đảng, tức là chỉ có một đảng chính trị lãnh đạo quốc gia đủ mạnh từng bước tiền đến dân chủ.
– Thời kì ba: thực thi dân chủ, đa nguyên đa đảng, bầu cử phổ thông đầu phiếu để thành lập nghị viện, ban hành hiến pháp.
Trường hợp này chúng ta nhìn thấy rất rõ ràng tại các nước Đài Loan, Nam Triều Tiên là những ví dụ điển hình.
Đặc điểm trên xuất phát từ đặc thù của các quốc gia truyền thống Khổng giáo là người dân quen với sự thống trị chuyên chế, chưa quen với cơ chế dân chủ, chưa ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước một xã hội tự do dân chủ, tức họ mới chỉ là “thần dân” mà chưa phải “công dân”. Cả Đài Loan và Hàn Quốc đều phải trải qua một giai đoạn độc đảng để trước khi tiến đến dân chủ. Mặc dù trên thực tế giới lãnh đạo ở 2 quốc gia này đều vốn chưa có ý thức thực hiện dân chủ cho dân chúng nhưng với sự tiến bộ của kinh tế là sự hiểu biết người dân được nâng cao, họ đã biết đến dân chủ, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân. Vì vậy họ đã đứng lên đấu tranh và đã đổ máu để giành được quyền lợi thiêng liêng mà họ xứng đáng được hưởng, đó là quyền được làm chủ thực sự chính vận mệnh của mình, được hưởng các quyền tự do dân chủ thực sự.
Trái lại, ở Việt Nam, đảng Cộng Sản (ĐCS) đã thống trị hơn nửa thế kỷ, họ là những người cộng sản đã không đem đến dân chủ cho người dân Việt Nam, cố bám lấy cơ chế độc tài toàn trị, duy trì bộ máy xập xệ thiếu năng lực, thống trị toàn diện quốc gia về mọi mặt cũng như họ không muốn dân chúng thực sự ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, không muốn dân chúng hiểu dân chủ thực sự là gì. Vậy thì có thể hy vọng họ sẽ thay đổi và đem đến dân chủ cho Việt Nam hay không?
Thế thì trách nhiệm đó chắc chắn sẽ thuộc về chính những người đang đấu tranh cho dân chủ, chúng ta phải tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được họ xứng đáng được hưởng bầu không khí tự do dân chủ thực sự, khi ý thức được quyền lợi và bổn phận của một công dân thì dân chúng mới dám đấu tranh để giành lấy tự do dân chủ, mà có tự do dân chủ mới có thể phát triển quốc gia giàu mạnh và phú cường.
Còn về việc cho rằng tính cách người Việt ưa đấu đá, chia rẽ, tranh giành, vụ lợi, tiêu biểu như mấy vụ hôi của, hôi bia, tranh giành nhau vì mấy miếng su shi, vì lợi mà sẵn sàng bán thực phẩm độc hại, thiếu vệ sinh. Thực ra đó cũng là vấn đề dân trí còn kém và đạo đức xã hội đi xuống. Chúng ta nên nhớ rằng nền chính trị tốt hay xấu thì cũng sẽ tạo dựng một xã hội lành mạnh hay đồi bại. Hãy xem dân ta qua nhận xét của người ngoại quốc cách đây mấy trăm năm: “người Đàng Trong lịch thiệp và dễ thương trong sự tiếp xúc với người Âu Tây, dẫu rằng họ tự đánh giá cao về mình. Họ cho rằng nổi giận là hạ thấp mình. Trong khi tất cả các nước khác ở phương Đông coi người Âu Tây như kẻ phàm tục, ghê tởm họ…Còn ở Đàng Trong hoàn toàn ngược lại, họ đến chen vai thích cánh với ta, hỏi ta cả ngàn chuyện, mời ta về nhà dùng cơm, nói tóm lại họ vận dùng đủ mọi thứ bặt thiệp, nghi thức, thân mật.” (Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa-Yoshiharu Tsuboi). Vậy sự xuống cấp của đạo đức xã hội đó là hậu quả của một nền giáo dục lạc đường, một nền chính trị độc tài thối nát mà trong đó bọn chóp bu cầm quyền cộng sản Việt Nam tha hoá, đồi bại, ăn cướp trắng trợn mà còn giở giọng đạo lý. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, nền cai trị tồi tệ thì sẽ sản sinh ra một xã hội tồi tệ đúng như người xưa có câu:”Kẻ cầm quyền thích bạo lực thì dân cũng thích bạo lực. Kẻ cầm quyền ham làm việc nhân thì dân cũng ham làm việc nghĩa”. Đó chẳng phải là minh chứng hùng hồn để chứng minh rằng cần phải thay đổi thể chế, chế độ thì mới có được một bầu không khí xã hội trong lành hay sao?
Lý do thứ hai mà những người cho rằng đa đảng là loạn, họ nghĩ vứt bỏ sự thống trị của ĐCS sẽ làm Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngay lập tức, họ nghĩ với sự tồn tại của nền thống trị CS sẽ làm cho Trung Quốc vì “tình hữu nghị anh em” mà rủ lòng thương không xâm lược Việt Nam. Nhưng ôi, cuộc đời đâu dễ dàng như thế!!! Trong sự giao thiệp giữa các quốc gia với nhau thì lợi ích luôn là tiêu chí hàng đầu. Trung Cộng đã nuôi ý định thôn tính Việt Nam từ ngay sau khi chúng chiếm được đại lục Trung Hoa, từ việc xâm chiếm một phần Hoàng Sa năm 1955, toàn bộ Hoàng Sa năm 1974, chiếm một phần Trường Sa năm 1988, gây chiến tranh biên giới năm 1979 rồi vừa qua là ngang nhiên đặt trái phép giàn khoán HD-981 trên vùng biển Việt Nam và hiện chúng đã xây xong đường bay trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), xây dựng đảo nhân tạo ở bãi Gạc Ma (Trường Sa) thì ý đồ chiến lược của chúng đã quá rõ ràng như ban ngày, chúng muốn độc chiếm biển Đông, buộc Việt Nam hoặc làm chư hầu hoặc sáp nhập hẳn vào chúng. Thử hỏi khi CSVN to mồm tuyên bố: “Đường bay trên đảo Phú Lâm của Trung Quốc là vô giá trị” thì Trung Cộng có vì niệm tình “anh em” mà phá đi cái đường bay đó không hay chính những lời nói của đảng CSVN mới là vô giá trị, và sự vô giá trị của những lời nói CSVN đã lặp đi lập lại thành nhàm chán. CSVN đã bất lực trong sự bảo vệ chủ quyền quốc gia, đó là một thực tế hiển hiện không thể chối cãi được. Vậy thì càng cần phải thay thế CS để đổi mới sinh khí cho đất nước mới mong bảo vệ được chủ quyền quốc gia, nếu không chúng ta sẽ rơi vào thảm cảnh mà nhạc sĩ trẻ Việt Khang hát trong bài Anh Là Ai:”dân tộc tôi sắp phải đắm chìm, một ngàn năm hay triền miên tăm tối…”
Lại nữa, đến lý do thứ ba mà người ta bảo không thể đa đảng là đa đảng sẽ lệ thuộc vào Mỹ, rồi sẽ như Hàn, Nhật, Philippin để cho Mỹ đóng quân, xây dựng căn cứ quân sự, rồi cứ việc gì cũng nhờ Mỹ giúp, cũng kêu Mỹ. Đừng quên rằng một nước nhược tiểu như Việt Nam thời điểm này (tôi nhấn mạnh là “thời điểm này” vì chúng ta vốn không hề nhược tiểu) thì không có cơ hội đứng trung lập, trung lập đồng nghĩa với tự sát. Hãy lấy kinh nghiệm của chính chúng ta khi tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cố giữ cho Việt Nam trung lập nhưng rồi ông cũng không ngăn được việc đó mà trút đại họa vào thân, hay như Sihanuk của Cambodia cũng vận dụng chính sách trung lập được khoảng gần 20 năm rồi cũng bị đổ bể. Bởi vì trong ván bài của các nước lớn, các nước nhỏ chỉ là quân cờ, anh không thể tự đứng một mình trung lập được, anh phải đứng về bên này hoặc bên kia, nếu không các cường quốc sẽ buộc anh phải làm vậy. Vậy thì muốn bảo về chủ quyền quốc gia phải có đồng minh và phải xây dựng được mối quan hệ đồng minh vững chắc. Trong hoàn cảnh hiện giờ, để đối trọng với Trung Quốc xâm lược chỉ có Mỹ và phương Tây làm được. Muốn bảo vệ quốc gia phải liên minh với Mỹ và phương Tây. Nhưng muốn không bị lệ thuộc thì còn tuỳ thuộc vào khả năng và cách ứng xử của chính chúng ta. Như chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng cay đắng nhận ra rằng dựa vào bạn là tốt nhưng lệ thuộc vào bạn là thảm hoạ. Chúng ta phải có một sách lược tổng thể và toàn diện với những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng quan hệ đồng minh, đó là bảo đảm sự độc lập của chúng ta trong mọi vấn đề nội bộ cũng như bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đương nhiên chúng ta sẽ giúp Hoa Kỳ bảo đảm ảnh hưởng và thế lực của họ ở châu Á-Thái Bình Dương, ưu đãi họ trong nhiều vấn đề, cùng hợp tác và cùng có lợi với họ trên Biển Đông. Nhưng ngược lại chúng ta sẽ nhận được nhiều bảo đảm và ưu đãi từ phía Mỹ, chỉ cần chúng ta chứng minh với họ là chúng ta có đủ tư cách và tư thế để làm đồng minh của họ và xứng đáng nhận được những gì mà chúng ta đòi hỏi ở họ. Đó là cách mà người Nhật, người Hàn đã làm và đã thành công để không chỉ bảo vệ quốc gia mà còn phát triển mạnh mẽ đất nước thành những cường quốc hiện nay.
Viết từ Việt Nam 15/10/2014
*********
Edit: Triết Học Đường Phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét