Buổi ra mắt tập Thơ Người Việt Ở Đức do nhà xuất bản Vipen Berlin tổ chức, diễn ra khá dài vào một chiều mùa hè 2014. Có lẽ, đã cảm thấy đói và mệt, nên giữa chừng Nguyễn Đăng Ga rủ vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Người Buôn Gió, Quốc Cường, nhà điêu khắc Thành Nghĩa-An Giang, nhà văn Võ Thị Hảo và tôi về quán của anh ở Alexanderplatz ngồi lai rai. Coi đây là bữa nhậu chia tay, để ngày mai nhà thơ Trần Mạnh Hảo sang Paris và trở về Việt Nam. Ăn uống trò chuyện đang rôm rả, tôi đành đứng dậy cáo lỗi vì đã quá nửa đêm và con đường 200 km về nhà còn khá xa…
Xe chạy một đoạn, chẳng hiểu sao Navi chỉ đường lại giở chứng tậm tịt, tôi buộc đi theo trí nhớ. Một lúc, trí nhớ cũng tậm tịt nốt. Lòng vòng khá lâu, xe lạc đúng vào cổng chùa Linh Thứu. Tôi phải dừng lại, để hỏi đường ra Autobahn Leipzig. Đường phố vắng và trong chùa tĩnh lặng. Tôi men theo hè phố, tìm một quán đêm để hỏi. Bất chợt tôi ngoái lại, dường như có bóng một ni cô thấp thoáng đang đi về hướng cổng chùa. Tôi quay lại, rảo bước. Đến cổng, thấy ni cô dừng lại, có lẽ chờ tôi. Tôi đang lúng túng, tìm cách xưng hô, chợt thấy ni cô hơi sững người, nhưng giọng lại chùng xuống: Cậu Trường, đội lò mổ Leipzig phải không? Tôi giật thót cả người, nhìn thẳng, nhưng vẫn còn mơ hồ. Một giây im lặng. Đến khi chiếc răng khểnh của ni cô lộ ra, sau nụ cười thoáng buồn, tôi mới chợt vuột ra: Chị Tuyên! Sao chị lại ở đây?
Tôi quen chị đã gần ba mươi năm trước, trong những lần chị dẫn các anh chị cựu diễn viên, ca sỹ ở cùng đội bóng đèn đến chỗ chúng tôi xin tiết canh lòng lợn. Sau ngày nước Đức thống nhất, người Việt vùng phía đông ly tán, số còn lại thường sống co cụm vào từng khu. Lúc này, chị trở thành hàng xóm của tôi. Cho đến ngày con trai chị vừa đón từ Việt Nam sang, bị chính những người đồng hương bắn chết ở gần Berlin, chị buồn và lặng lẽ bỏ đi. Có người đoán, chị đã về Việt Nam, kẻ lại nói, chị theo cô, theo cậu đang hầu đồng, hầu bóng ở Dresden…
Vậy là sau mười chín năm, tôi bất ngờ gặp lại chị. Chị đã thay đổi quá nhiều. Sự thay đổi ấy, nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhưng có lẽ, chỉ có tình cảm của chị với tôi không hề đổi thay. Chị vẫn thân mật xưng chị và gọi tôi bằng cậu, như mấy chục năm trước. Chị bảo, làm lễ cho một gia đình hàng xóm ở Dresden hơi bị muộn, nhưng chị vẫn phải đi tàu đêm lên Berlin, để sáng nay kịp đi theo lễ cùng thày. Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi và chị đã thuộc về cõi vô thường, nhưng tôi vẫn cảm thấy còn có một chút gì đó ưu tư trong đôi mắt chị. Khi tôi bước lên xe, chị còn dặn: Lúc nào rảnh qua Dresden, chị còn nhiều điều muốn nói với cậu.
Cuối tuần vừa rồi, chở mấy cô con gái đi thi đấu bóng bàn ở gần Dresden, tôi tạt vào thăm chị. Những biến cố, thăng trầm cuộc đời chị có chuyện tôi đã biết và có những chuyện đến nay tôi mới được nghe kể từ chính chị. Qủa thật, những nỗi đau ấy của chị chợt làm tôi nhớ đến chị Hà Giang, trong truyện ký Nghỉ Hè Ở Mallorca của nhà văn Phạm Tín An Ninh. Nhưng có lẽ từ những quyết định đầu đời sai lầm, dẫn đến số phận của chị còn đắng cay, nghiệt ngã hơn rất nhiều…
Chị sinh ra và lớn lên ở ngõ chợ Khâm Thiên Hà Nội. Những ngày cuối năm 1972 bom Mỹ đã cướp đi toàn bộ gia đình của chị. Chị còn sống, bởi cái đêm định mệnh ấy, chị đang ở nơi sơ tán. Tháng 4 năm 1973 trên đầu cuốn bốn khăn tang, dù đang là học sinh phổ thông năm cuối, chị vẫn xung phong vào bộ đội. Sau mấy tháng huấn luyện, chị hành quân vào chiến trường Quảng Đà…
Chiến tranh kết thúc, đơn vị chị được lệnh tiếp quản một số kho hàng và doanh trại, khu gia binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Thời gian sau, những doanh trại đã bị bom đạn cày nát này, được quây lại gọi là lán trại dành cho (tù) cải tạo, chủ yếu các sỹ quan cấp úy của quân đội VNCH. Chị vẫn ở lại làm thủ kho, cách đó không xa.
Khu nhà kho này được xây khá kiên cố, lưng tựa vào vách núi. Hai bên là hai dãy nhà mái trần, ngăn thành nhiều phòng. Hình như trước đây là nơi ở và phòng làm việc của một đơn vị quân nhu, tiếp vụ thuộc quân đội VNCH. Trước mặt có khoảnh sân khá rộng, bao quanh bởi những khóm hoa sim, đang thì nở rộ. Và tất cả được ẩn mình dưới những tán lá rừng xanh ngát, nếu từ xa hoặc trên cao nhìn xuống. Ở đây, chỉ có chị là nữ và mấy cảnh vệ đều ở tuổi hai mươi. Họ cũng là học sinh trước khi vào bộ đội như chị, nên cuộc sống rất hồn nhiên vui vẻ. Và có lẽ, tình yêu và khát vọng đang hồi sinh trong họ chăng? Nên ai cũng chuẩn bị lại sách vở, dành nhiều thời gian cho việc ôn luyện để năm tới xuất ngũ, thi vào đại học.
Lúc này, (tù) cải tạo vẫn còn thuộc sự quản lý của bộ đội. Nên chị vẫn thường qua lại đề nghị trưởng trại cử vài, ba người sang giúp sửa lại kho, hoặc bốc dỡ hàng hoá, khi cần. Và chị đã quen Chu Bá Trạc cải tạo viên, nguyên sĩ quan bộ binh, từng là thầy giáo dạy toán bậc trung học, trong một lần như vậy. Ngay lần đầu gặp, biết các cải tạo viên đều là thầy giáo, bác sỹ trí thức, chị và mấy cảnh vệ đã nghĩ ngay đến việc nhờ họ giảng dạy, hướng dẫn những môn khoa học tự nhiên.
Lúc này, (tù) cải tạo vẫn còn thuộc sự quản lý của bộ đội. Nên chị vẫn thường qua lại đề nghị trưởng trại cử vài, ba người sang giúp sửa lại kho, hoặc bốc dỡ hàng hoá, khi cần. Và chị đã quen Chu Bá Trạc cải tạo viên, nguyên sĩ quan bộ binh, từng là thầy giáo dạy toán bậc trung học, trong một lần như vậy. Ngay lần đầu gặp, biết các cải tạo viên đều là thầy giáo, bác sỹ trí thức, chị và mấy cảnh vệ đã nghĩ ngay đến việc nhờ họ giảng dạy, hướng dẫn những môn khoa học tự nhiên.
Là khu hoàn toàn biệt lập, do vậy bọn chị rất dễ dàng vẽ ra rất nhiều công việc ma, để đón nhóm của thày Chu Bá Trạc vào kho, mỗi tuần vài, ba lần. Được học trò nể trọng, đưa đón ra vào lán trại, cũng như chăm sóc nghỉ ngơi, ăn uống, nên các thày rất nhiệt tình chỉ dạy. Từ đó, tình thày trò ngày càng trở nên gắn bó, đồng cảm. Và sau mấy tháng như vậy, dường như tình cảm của chị dành cho Chu Bá Trạc không còn dừng lại ở mức thày trò, anh em nữa…
Trời chớm sang đông, trên triền đồi và lối mòn dẫn ra con suối trước mặt đã trải vàng một màu hoa dã quỳ. Mùa này, dòng suối cũng đã cạn dần con nước. Đứng trên bờ đôi khi nhìn thấy những cá con, cá mẹ bị mắc trong hốc đá, cắm đầu vào những cành lá ối mục mà nước không thể cuốn đi. Tuy mùa đông, nhưng về trưa, nắng ngoài kia vẫn kéo cái nóng dần lên. Sau giờ học, nấu nướng ăn uống xong, trời đã chếch bóng, chị và mấy cảnh vệ tay dao, tay súng cùng nhóm (tù) cải tạo Chu Bá Trạc ra rừng tre nhỏ ở bên kia con suối. Công việc chặt tre, đốn gỗ về làm giàn bầu, giàn bí để “ngụy trang“ cho việc dạy và học của họ lại được bắt đầu…
Chị kéo Trạc vòng ra sau, đi lên phía triền đồi. Nơi có sắc vàng của hoa và của nắng như đang tan chảy vào nhau. Một loáng thôi, bóng của họ đã chìm trong cái vàng óng hòa tan ấy của trời đất. Họ lặng đứng bên nhau. Dường như có một khoảng cách rất mong manh trong lòng mỗi người. Gió… và từng cơn gió rít lên, làm chị hơi lạnh, nhưng không phải cái lạnh buốt da, cắt thịt như gió bấc nơi quê nhà. Bất chợt, Trạc xoay người nắm lấy bàn tay chị. Như viên than hồng nhóm lửa, chị hơi co người lại, có luồng khí nóng chạy dọc cơ thể… và cháy bùng lên. Ôm chặt lấy Trạc, chị ngả người, làm cả hai đổ vật xuống…
Ngay sau tết âm lịch 1976, một nửa trại đột xuất bị chuyển đi, trong đó có Chu Bá Trạc. Chị hỏi trưởng trại, hắn bảo đi Daklak, nhưng địa chỉ cụ thể thì không rõ. Không biết, đây là câu trả lời thật hay đểu của hắn. Nhưng làm cho chị vô cùng buồn bã và cả mấy cảnh vệ gác kho cũng bỏ học cả tuần. Đã từng đi qua chiến tranh và những ngày tháng khốc liệt, nhưng chưa khi nào chị cảm thấy hẫng, buồn chán như lúc này.
Quân khu đã có văn bản chính thức, đồng ý cho những quân nhân như chị được phép thi đại học. Mọi người phấn khởi làm hồ sơ giấy tờ. Với chị dường như mất cảm giác, chỉ thấy nôn nao, chao đảo trong người. Thuấn cảnh vệ, người Sơn Tây, luôn gần gũi chăm sóc chị từ ngày cùng nhau nhập ngũ, đi lấy hồ sơ về. Thấy chị đang nằm bẹp, hắn bắt phải lên bệnh xá ngay. Đi được nửa đường, chị bảo hắn quay xe về, thay thường phục, bắt xe đò vào thành phố. Hắn ngơ ngác, chị bảo, rồi ông khắc biết. Chị đã có một linh cảm chẳng lành.
Thành phố lúc này vắng vẻ, tiêu điều nhưng đã có một số phòng mạch tư nhân mở cửa trở lại. Chị và Thuấn đến vào cuối giờ chiều, phòng đợi vắng người. Chị được mời vào khám ngay. Và tinh thần chị bị sụp đổ hoàn toàn, khi bác sỹ cho biết, chị đã có thai và thai nhi đã lớn. Phòng khám không thể nạo bỏ, như theo yêu cầu của chị. Nếu chị muốn, phòng khám chỉ có thể giới thiệu đến bệnh viện. Họ sẽ làm, nhưng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc có thể chị sẽ trở thành người vô sinh. Điều quan trọng, chị phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đoàn thể và chữ ký đồng ý của chồng.
Rời phòng khám, đầu chị quay cuồng, bước chân dường như vô định. Chị đã biết sợ, chiếc vòng kim cô muôn thuở kia, sẽ xiết chặt cuộc đời chị trong cái luẩn quẩn của sự hủ hóa suy đồi đạo đức, dẫn đến mang thai với một kẻ bên kia chiến tuyến, một cựu sỹ quan, một cải tạo viên. Gặp kẻ ngồi trên độc mồm, ác miệng gán cho cái tội theo địch, phản động chứ chẳng chơi. Đó là một điều không thể tưởng đối với một Đảng viên trẻ như chị. Tương lai của chị đang bước vào ngõ cụt. Có lẽ, đây là cái án tử hình không chỉ đối với chị mà cho cả cải tạo viên Chu Bá Trạc, tuy không bằng dao, bằng súng.
Thuấn lặng lẽ theo chị đến con phố cuối cùng. Trước mặt đã là biển và thành phố đã lên đèn. Biển cạn, ngoài kia xác mấy con tầu đắm chưa kịp cẩu đi, trồi lên, sóng vỗ, bọt tung lên trắng xóa. Bãi cát vắng người, dường như chỉ thấy rặt một màu áo của lực lượng tuần tra, kiểm soát.
Chị không khóc, nhưng hai con mắt đã đỏ hoe, nhìn về nơi có ngọn hải đăng đang cháy lên. Khi Thuấn khoác nhẹ tay lên vai, lúc đó chị mới gục đầu vào vai Thuấn bật khóc. Vỗ vỗ vào vai chị, Thuấn an ủi:
Chị không khóc, nhưng hai con mắt đã đỏ hoe, nhìn về nơi có ngọn hải đăng đang cháy lên. Khi Thuấn khoác nhẹ tay lên vai, lúc đó chị mới gục đầu vào vai Thuấn bật khóc. Vỗ vỗ vào vai chị, Thuấn an ủi:
-Tuyên hãy thật bình tĩnh, rồi chúng ta sẽ tìm ra cách giải quyết thôi.
Im lặng. Không biết nước mắt của chị hay cả nước mắt của mình đã chảy thấm vai áo, nhưng Thuấn vẫn để yên như vậy. Trăng lên cao. Gió thổi từng cơn. Lạnh và đói, Thuấn đỡ chị đứng dậy đi tìm mua đồ ăn. Giờ này, không còn xe về lại đơn vị, buộc chị và Thuấn phải tìm đến nhà khách quân khu.
Hôm sau, trên đường về Thuấn đột nhiên bảo, nếu như Thuyên đồng ý, ngay trong tuần này, chúng ta lên trung đoàn trình báo sự quan hệ và xin giấy giới thiệu đăng ký kết hôn làm đám cưới. Đây là cách duy nhất để hợp thức hóa việc này.
Tuy đã biết, từ lâu Thuấn đã có tình cảm với mình, nhưng do rụt rè chưa dám nói ra, nhưng với quyết định bao dung này của Thuấn làm chị bất ngờ và xúc động. Thật ra, từ ngày cả gia đình bị bom Mỹ, chị chẳng có ai là người thân để chăm sóc, giãi bày tâm sự, ngoài Thuấn ra. Tuy nhiên, với chị tình cảm dành cho Thuấn cho đến nay, chỉ là tình bạn thân thiết đặc biệt, chứ không hoặc chưa thể nói là tình yêu. Nhưng trong hoàn cảnh vô phương cứu chữa này, chị không thể không cảm ơn và làm theo sự sắp đặt của Thuấn.
Chị cũng không ngờ đám cưới chạy của mình và Thuấn diễn ra tưng bừng, nói như ngôn ngữ thời nay, sao nó lại “hoành tráng“ đến thế. Hội trường đơn vị chật ních người, đầy đủ ban bệ và các bác tai to mặt nhớn. Bởi, đây là đám cưới đầu tiên sau ngày thống nhất, của hai chiến sĩ trực tiếp chiến đấu nơi chiến trường, trong cùng đơn vị. Nó được nâng lên thành hình ảnh điển hình, mang ý nghĩa chính trị to lớn, không chỉ riêng của một đơn vị…
Không hiểu nguồn tin bị rò rỉ từ đâu, ngay sau đám cưới rất nhiều tiếng thì thầm to nhỏ với những nụ cười ruồi, rồi chỉ chỏ vào cái bụng của chị ngày càng phổng lên. Đã đến tai, nhưng các đồng chí ngồi trên cố nuốt, vờ như không biết, nên vẫn bình yên lắm. Rất may, mấy tháng sau Thuấn đỗ vào khoa hóa thực phẩm trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chị tuy không đủ điểm, nhưng được gọi vào trường trung cấp tài chính. Khi chị và Thuấn lên làm quyết định chuyển ngành và sinh hoạt Đảng, các đồng chí thủ trưởng và quân lực nhìn với ánh mắt lạ lắm và giải quyết rất nhanh. Cầm giấy tờ, bước chân ra khỏi phòng, chị vẫn còn nghe thấy tiếng thở phào, nhẹ như vừa cắt bỏ được miếng thịt thừa trên cơ thể của các đồng chí thủ trưởng, quân lực vậy…
“Người ăn ốc kẻ đổ vỏ mà lại đổ vỏ cho thứ ngụy quân ngụy quyền, thế mới đau chứ!“ Cái tin được rỉ tai nhau, truyền đi ở cái làng quê yên bình đậm lễ giáo này, đã làm sóng gió nổi lên đùng đùng trong gia đình, khi chị và Thuấn còn chưa về đến nhà. Thế này, có khác gì bôi tro trát trấu vào mặt gia đình, dòng họ. Mẹ Thuấn cứ ra vào lẩm bẩm như vậy.
Gặp chị, mẹ Thuấn đã có chút nguôi giận, có lẽ cảm thông hoàn cảnh và chị là người hiền lành lễ nghĩa. Nhưng bà vẫn buộc chị sau khi sinh, cho hoặc gửi ai đó nuôi một thời gian, sự việc nguôi ngoai, sẽ đón cháu về, vì Thuấn là con trưởng cũng là trưởng họ thay bố đã mất.
Chị bảo, khi con được mấy tháng, phải gửi vợ chồng bác hàng xóm cũ là bác sỹ nuôi, không hẳn vì sức ép của gia đình Thuấn. Bởi trong thời gian chị đi bộ đội, căn hộ tập thể của bố mẹ đã bị cơ quan cho một gia đình khác vào ở, khi trở về, chị không thể đòi lại được. Do vậy, chị và Thuấn đều phải ở tập thể sinh viên của trường, cuối tuần mọi người về nhà hoặc đi vắng, vợ chồng mới được ở với nhau. Vừa nhập học, chị sinh, nhưng hệ hô hấp có vấn đề, nên cháu hay ốm đau dặt dẹo. Mấy tháng sau chị lại mang thai. Việc phải bỏ học là điều khó tránh khỏi, nếu chị không được sự giúp đỡ của vợ chồng bác hàng xóm. Và nếu như họ không phải là bác sỹ và đưa cháu về phương nam nắng ấm ngay sau đó, thì có lẽ cháu không thể qua nổi những cơn bạo bệnh. Nói là như vậy, nhưng lúc nào chị cũng day dứt và ân hận, nhất là từ ngày cháu bị ung thư ruột. Không biết hậu quả này, có phải từ việc chị uống thuốc tây ngoài chợ giời cho đến thuốc lá của mấy bà dân tộc để cho sảy thai, hồi chị chửa cháu hay do nhiễm hóa chất từ nơi chiến trường? Mấy năm gần đây, cứ bòn góp đủ tiền là chị lại về Sài Gòn, dù bệnh đã ở giai đoạn cuối, nhưng với nó, chị vẫn chỉ là người xa lạ…
Tôi cắt ngang lời chị, có lẽ, lúc đó chị liên lạc với gia đình Chu Bá Trạc gửi cháu bé cho họ, tốt và hợp đạo lý hơn. Chị bảo, Trạc đã có vợ con từ trước 1975, nên chị không muốn tìm đến. Năm 1987 trước ngày chị sang Đức, vào thăm, nó vẫn nhất định không chịu gặp chị. Dù gia đình bố mẹ nuôi rất khá giả và thương cháu, nhưng chị vẫn tìm đến địa chỉ cũ của gia đình Chu Bá Trạc ở Biên Hòa, để nói cho anh ấy biết, nếu có thể, anh ấy qua lại chăm sóc cháu. Nhưng anh và cả gia đình đã bị đắm tàu chết trên đường vượt biển năm 1980, sau khi ra tù, do người hàng xóm kể lại.
Tôi buột miệng hỏi, ngày đó biết Trạc đã có vợ con và hai người ở trong hoàn cảnh vô vọng như vậy, sao anh chị vẫn… ? Chị cười buồn, không thể lý giải ở cái tuổi hai mươi ấy. Chỉ biết rằng, Trạc là người đầu đời của chị. Rồi giọng chị dường như có một chút phấn chấn hơn: Đời chị có Trạc để yêu và có Thuấn để trọng, như thế là đủ phải không em? Và bây giờ chị trở về cõi vô thường, tôi đùa như vậy, rồi hỏi chị xuống tóc từ khi nào? Hai chục năm nay rồi, chị tu tại gia, nhưng thường xuyên về chùa và theo các thày đi làm lễ.
Tôi buột miệng hỏi, ngày đó biết Trạc đã có vợ con và hai người ở trong hoàn cảnh vô vọng như vậy, sao anh chị vẫn… ? Chị cười buồn, không thể lý giải ở cái tuổi hai mươi ấy. Chỉ biết rằng, Trạc là người đầu đời của chị. Rồi giọng chị dường như có một chút phấn chấn hơn: Đời chị có Trạc để yêu và có Thuấn để trọng, như thế là đủ phải không em? Và bây giờ chị trở về cõi vô thường, tôi đùa như vậy, rồi hỏi chị xuống tóc từ khi nào? Hai chục năm nay rồi, chị tu tại gia, nhưng thường xuyên về chùa và theo các thày đi làm lễ.
Trưa. Chị nấu cơm chay khá ngon. Trong bữa ăn, hai chị em cứ rù rì trò chuyện. Chị bảo, nghiệp chướng của chị còn nặng lắm, nhưng không biết đó có phải của riêng chị hoặc của Trạc, của Thuấn hay của chung tất cả những người lính đã lao vào chém giết trong cuộc chiến vừa qua …
Học xong, chị về làm việc cho xưởng in bộ văn hóa. Thuấn về làm việc ở một nhà máy thuộc bộ công nghiệp thực phẩm. Mấy năm sau, bầu lên vật xuống, vợ chồng chị cùng thằng con nhỏ cũng nhận được căn phòng tập thể hơn chục thước vuông. Cuộc sống thời bao cấp quá khó khăn, chẳng riêng chị mà cái nghèo, cái nhục nó đến với tất cả mọi người.
Không thể chịu được sự cùng cuỗn ấy, năm 1987 để con lại cho chồng, người nữ lính chiến năm xưa lại khoác ba lô cùng với các văn nhân, nghệ sỹ, trí thức lên đường làm thuê, cuốc mướn nơi xứ người. Bức tường Berlin sụp đổ, từ trong nước dòng giống con Lạc cháu Hồng lại tìm đường ra đi. Thằng con chị vừa bước sang tuổi mười bảy, bỏ học đòi sang với mẹ. Sang được thời gian, chị bất lực không thể quản lý, bảo ban nó. Và vào đúng mùa hè 1995 nó bị những người cùng chung một dòng máu bắn chết, trong một ngôi nhà ở gần Berlin. Nghe nói, nó theo bọn bảo kê đi thu tiền chỗ bán thuốc lá lậu, bị băng đảng khác phục thù bắn chết. Chẳng biết đúng sai thế nào, nhưng hôm đi viếng, thấy trên cổ nó phải khâu rất nhiều mũi. Nhìn nó nằm đó, tôi cảm thấy lòng mình vô cùng trống rỗng. Chị không còn khóc được nữa, người cứng đơ, hai bà hàng xóm phải kè kè hai bên…
Tôi hỏi chị về Thuấn. Chị bảo, biết tin con chết, Thuấn cũng bị chao đảo mất mấy năm. Muốn giải phóng cho Thuấn, nên năm 1998 chị về nước làm đơn ly dị. Lúc đầu Thuấn không chịu, nhưng mọi người nói mãi, hắn miễn cưỡng đồng ý. Mấy năm sau bị áp lực của gia đình, Thuấn mới lấy vợ. Nhưng đẻ được hai đứa con, đứa nào cũng bị dị tật cả. Chị nghĩ, nhiều lúc thật có lỗi với Thuấn, không giữ được đứa con cho hắn. Bây giờ Thuấn đang là tổng giám đốc một công ty lớn lắm, giầu sang phú quí rồi. Tiền bệnh viện thuốc thang cho con gái chị, mấy năm nay đều do Thuấn trả, thông qua chồng cháu đấy. Có lần, chị bảo, đừng làm như vậy nữa, Thuấn khổ vì mẹ con chị nhiều rồi. Nhưng hắn nói, hắn làm vậy không hẳn chỉ vì chị, mà vì cả Chu Bá Trạc. Nếu không có Trạc dạy dỗ thì hắn không thể đỗ đại học và không được như bây giờ…
Chiều muộn, câu chuyện của chị đã đi vào đoạn kết. Tôi đứng dậy từ biệt chị cho kịp giờ đón mấy cô con gái nơi thi đấu bóng bàn.
Tiễn tôi ra xe, chị nhắc lại câu, hãy tin vào luật nhân quả. Thế hệ chị đã gây ra và lao vào cuộc chiến, nghiệp chướng còn nặng lắm, kiếp này không thể trả hết đâu em ạ…
Leipzig 29-1-2015
© Đỗ Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét