Vợ chồng bà T làm trong một cơ quan công an, có một thằng
con to cao, khá đẹp trai, nhưng chả học hành đến nơi đến chốn, nên chả có nghề
ngỗng gì. Bố mẹ xin cơ quan cho thằng con một chân bảo vệ. Nhưng cậu chàng thấy
tù túng, lương lại thấp, thế là bỏ việc. Một thời gian sau, bố mẹ cậu khoe với
bạn thân ở cơ quan, cậu con giờ làm ở vũ trường, các bác muốn khiêu vũ sau giờ
làm việc, cứ đến thoải mái, cháu nó sẽ bố trí người dẫn.
Một lần, một cậu nhóc đến cơ quan này tìm bố. Trong lúc ông
bố bận, bèn dí thằng con cho cậu kia dẫn đi chơi. Khi về, cậu nhóc mặt tái mét,
kể cho bố nghe, rằng anh T (tên cậu kia) hình như là xã hội đen. Đang ngồi uống
nước với mấy người, một người trong bọn cãi anh T, thế là anh ấy rút dao ra xọc
cho một nhát. Thế mà cả bọn im re, chỉ lẳng lặng đưa người kia đi (chắc là đến
bệnh viện). Bố thằng nhóc cũng khiếp vía, lần sau tiệt không cho con bén mảng đến
cơ quan.
Cho đến một ngày, anh em trong cơ quan bàng hoàng hay tin,
thằng con bà T bị bắn chết, khi đang tổ chức sinh nhật trong một quán ở Hồ Tây.
Hóa ra nó là xã hội đen thật, có vai vế hẳn hoi, lừng lẫy trong giới xã hội đen
một vùng. Anh em trong cơ quan chả hiểu tại sao một thằng chả lấy làm giỏi
giang gì, lại có tới cả mấy trăm thằng đàn em dưới trướng nó. Cũng chỉ đoán vì
nó có máu liều. Sẵn sàng thí mạng. Có lần băng nhóm của nó thanh toán lẫn nhau,
bị công an bắt. Bố mẹ nó cậy cục chạy vạy, xin cho nó ra. Ra được vài tháng thì
nó bị đối thủ bắn chết.
Báo chí ngày đó cũng đăng tin về vụ bắn chết người này. Gọi
nó là “Anh” T. Người ngoài đọc chỉ biết đó là “Anh” T, chứ chẳng biết đó là một
trùm xã hội đen. Anh em trong cơ quan thì thương bố mẹ nó, nhưng không dám đi
đưa tang, chỉ đến dấm dúi chia buồn từ tối hôm trước. Hôm sau có người tò mò,
bí mật đi xem, về kể đám tang của thằng con bà T, tuy quy mô không hoàng tráng
bằng đám tang của trùm đất cảng Dung Hà, nhưng nó mang đậm chất xã hội đen.
Hàng phố và người đi đường nem nép, đứng dạt sang hai bên đường, xem đàn em của
T phô trương lực lượng (vì không phô trương, sẽ bị băng nhóm khác áp đảo?).
So sánh với các vụ việc xảy ra trong nhiều năm qua, dựa trên
cách đưa tin của báo chí nhà nước, và thái độ của công an ứng phó với các vụ việc
đó, tôi đúc kết lại như thế này: thời buổi này, muốn yên thân, thì đừng làm người
tử tế!
- Một trùm xã hội đen bị đối thủ thanh toán bằng súng, được
báo chí lịch sự gọi bằng “Anh”, chứ không phải bằng “Gã” hay “Tên”, hay đồng bọn.
Đám tang của trùm xã hội đen không có kẻ nào vào giật băng tang trên vòng hoa.
Đàn em diễu hành phô trương thanh thế rất hoàng tráng, bắt xe cộ dẹp đường, mà
không gặp phải bất cứ sự ngăn cản nào từ phía quần chúng, cũng như chính quyền.
- Người bất đồng chính kiến, hay chỉ là người thân của người
bất đồng chính kiến, khi mất thì có kẻ cấm không cho viết băng tang. Có bằng
tang thì xông vào giật rồi bỏ chạy. Người đi dự đám tang thì bị đuổi theo, ném
đá vào ô tô. Nếu người nào phản ứng lại, thì rất dễ bị rơi vào bẫy gây rối trật
tự công cộng.
- Trong tất cả các cuộc thắp hương tưởng niệm những người
lính, hay dân thường chết bởi các cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược, mọi
hành động ngăn cản như cướp giật băng rôn, giẫm đạp hoa viếng, hay gây hấn với
người đi thắp hương đều diễn ra công khai, mà không hề có sự can thiệp nào của
nhà chức trách. Thậm chí, nhà chức trách còn ngăn cản, đánh tháo cho kẻ gây hấn.
- Trong vụ bạo loạn ở Bình Dương, Đồng Nai, nhạc sĩ Tuấn
Khanh cũng đến tìm hiểu sự việc và viết bài, đưa tin. Ông phải hành động như một
thám tử, mới có thể thoát thân. Nhưng công an đã bắt 3 người khác cũng đi tìm
hiểu sự kiện, để viết bài, đưa tin, với lý do ban đầu được cho là họ kích động
người biểu tình bạo động. Nhưng trong bản cáo trạng mới được đưa ra trước phiên
xét xử (sau hơn 8 tháng giam giữ), mới lòi ra nguyên nhân chính, là bấy lâu nay
3 người này thường xuyên viết bài nói xấu lãnh đạo và nhà nước xã hội chủ
nghĩa, làm mất uy tín và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo và nhà
nước xã hội chủ nghĩa.
Tôi không biết học vấn của 2 nam thanh niên trong vụ án này
cao siêu đến đâu, nhưng Lê Thị Phương Anh thì chỉ là một phụ nữ lao động, ít học
(theo lời của chồng cô ấy). Nếu tiếng nói của 3 người này, có thể làm giảm được
uy tín của lãnh đạo và nhà nước xã hội chủ nghĩa, thì hoặc là họ rất giỏi, hoặc
là uy tín của lãnh đạo và nhà nước xã hội chủ nghĩa rất mong manh, nên mới dễ mất
thế.
Mọi người có thể nhớ lại, trong vụ cưỡng chế Văn Giang, 2
nhà báo VOV đã bị các lực lượng cưỡng chế đánh cho bầm dập thế nào.
Trong vụ chứng kiến cảnh công an đánh đập người đi thăm tù
nhân Trần Anh Kim ở Thái Bình, một phóng viên dừng lại chụp ảnh cũng bị công an
đánh bầm dập ra sao.
Tất cả những sự việc đó nói lên điều gì?
LÀ MUỐN YÊN THÂN THÌ ĐỪNG CÓ TỬ TẾ!
Đặng Bích Phượng
https://www.facebook.com/phuong.dangbich/posts/602451139856693
Đặng Bích Phượng
https://www.facebook.com/phuong.dangbich/posts/602451139856693
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét