Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

SONY đi về đâu?

sony091
Một thời gắn liền với những thương hiệu hàng hóa điện tử, và chúng ta cứ ngỡ cái tên Sony sẽ tồn tại mãi với thời gian, công ty Sony sẽ mãi mãi vững như bàn thạch. Nhưng rồi những gì đang diễn ra đã đặt ra câu hỏi tương lai cây đại thụ của kỹ nghệ sản xuất đồ điện tử này sẽ đi về đâu?
Sony trình làng những sản phẩm điện tử của mình từ năm 1958. Tính tới nay Sony gắn bó với người tiêu dùng bởi phẩm chất trứ danh của hàng hóa do Sony sản xuất đã được 56 năm. Vậy mà báo cáo tài chánh gần đây nhất của Sony khiến cho người ta quan ngại.
Lần đầu, thương hiệu nổi tiếng toàn cầu này đã công bố thua lỗ ở mức kỷ lục là 2.14 tỉ đô-la. Đây cũng là lần đầu tiên Sony không thể trả tiền lời (dividend) cho các cổ đông của mình. Điều ai cũng biết, với nhiều cổ đông, họ thường thích những cổ phần (stocks) của những công ty làm ăn phát đạt sẽ chia một phần lợi nhuận định kỳ cho cổ đông, gọi là dividend payment. Nhưng Sony đã tới bờ sụp đổ vì không thể trả tiền lời cho cổ đông.
Tại sao Sony lại thua lỗ nhiều như vậy? Do quản lý lỏng lẻo? Do thị trường biến động quá bất ngờ khiến Sony trở tay không kịp? Hay đơn giản đến một lúc nào đó, Sony sẽ phải đồng chung số phận với tất cả những tên tuổi khác. Tiếng tăm một thời chỉ còn lại những dư âm trong lòng người hoài cổ. Theo Reuters đánh đi từ Tokyo, lý do thua lỗ của Sony do phân bộ sản xuất smartphone (smartphone division) của Sony đang thua lỗ xiểng niểng.
Cái tên Sony gắn liền với đồ điện tử, từ radio, máy hát băng cassettes, đĩa nhạc, tivi, cho tới máy chụp ảnh… và những cuốn phim nhựa sản xuất tại Hollywood lừng danh. Nhưng Sony không thể đứng yên một chỗ với những sản phẩm thế mạnh đó mãi được. Thị trường của các sản phẩm một thời tung hoành ngang dọc của Sony không ổn định mà bị giựt dây bởi technology, mỗi ngày một thu hẹp lại. Và ta biết, technology, đặc biệt là digital technology, từ khi xuất hiện đã liên tục phá vỡ nhiều thành lũy, tuyên án tử hình ất nhiều kỹ thuật trước đó. Hiển nhiên, Sony không thể bó gối đứng nhìn những sản phẩm cũ mất dần vị trí. Cuối cùng là thời đại của thông tin và thị trường smartphone bỗng nhiên trở thành bãi chiến trường tàn khốc nhất. Sony khi quyết định tham gia cuộc chơi bắt buộc phải tuân thủ những quy luật gắt gao nhất.
Khi Kazuo Hirai nhận nhiệm vụ CEO của Sony năm 2012; ông đã hứa sẽ lèo lái vực lại con tàu đang chao đảo Sony trên đại dương, giành lại những gì đã mất. Ông mạnh dạn chú trọng nhiều hơn vào các lĩnh vực mới như thiết bị di động, game, và thiết bị hình ảnh; dĩ nhiên trong đó có cả smartphone. Giờ phải đứng trước một quyết định khá cay đắng; buộc phải ngưng gởi những tấm séc dividend tới các cổ đông, Kazuo Hirai ngậm ngùi tuyên bố: Sony sẽ làm hết khả năng duy trì việc gởi những tấm ngân phiếu chia lời tới các cổ đông trong thời gian sớm nhất.
Tính đến ngày 31 tháng 03 năm 2014, Sony đã lỗ mất 230 tỉ Yên (tương đương 2.14 tỉ đô-la). Mặc dù trước đó Sony đã dự trù sẽ lỗ 50 tỉ Yên cho năm tài khóa 2013, song doanh thu chung của Sony quá thấp đã khiến con số thất thoát lên tới 230 tỉ Yên. Riêng khoản tổn thất trong quản lý ước tính chiếm 40 tỉ Yên, trên thực tế lại là 140 tỉ Yên. Điều này cho thấy dẫu Sony có lắm tiền để xoay xở đến đâu vẫn không thể bỏ ra một khoản tiền trả dividend cho cổ đông với mục tiêu trấn an họ rằng tình hình tài chánh của Sony hiện vẫn đang vững chãi như bàn thạch. Khá buồn, và cũng là một thực tế phũ phàng, sức cạnh tranh của smartphone của Sony không thể mạnh mẽ như các đối thủ khác, nên khu vực này đã khiến Sony lỗ tới 180 tỉ Yên (1.7 tỉ đô-la).
Biết không thể kéo dài tình trạng thất thoát tiền mãi được, Kazuo Hirai không dám mạo hiểm vung tiền nhiều vào khu vực smartphone nữa. Phải chỉnh đốn lại. Ông đã cho biết như vậy. Nhưng chỉnh đốn bằng cách nào? Tất nhiên là cắt giảm nhân lực tại khu vực mobile phone. Cụ thể, Sony dự trù tính tới cuối tháng 03 năm 2015 sẽ cắt bớt 15% số nhân lực nhằm biến các con số trong sổ sách (balance sheet) từ thua lỗ thành có lời. Đây là một quyết định khá đau đầu, và Kazuo Hirai biết rằng Sony không thể bước hẳn ra khỏi địa hạt mobile phone, nên điện thoại thông minh sẽ vẫn là một trong số ba sản phẩm trụ cột của Sony.
Không chỉ có Kazuo Hirai choáng váng trước những thất thoát tài chánh của Sony. Ngay cả giám đốc tài chánh CFO (Chief Financial Officer) của Sony là Kenichiro Yoshida cũng đã lúng túng, bất ngờ. Ông này nhậm chức hồi tháng 04 năm 2014 và hứa khá mạnh miệng rằng tình hình tài chánh của Sony sẽ luôn vững mạnh. Khi gặp phải rắc rối từ bộ phận smartphone, Sony buộc phải điều chỉnh mức phỏng đoán lượng hàng bán ra sẽ tăng 10% trong năm 2014 tại khu vực mobile phone (khoảng 50 triệu điện thoại) mà phải hạ xuống còn 43 triệu phones hồi tháng 07 năm 2014 này.
Có ý kiến cho rằng sở dĩ khu vực mobile phone của Sony hiện đang gặp rắc rối vì hai thị trường smartphone lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không phải đất dụng võ của Sony. Tại Trung Quốc, Sony không thể vùng vẫy được vì tại đây sức cạnh tranh về mặt giá cả của các công ty nội địa rất tàn khốc. Còn ở Hoa Kỳ, các đối tác của Sony không có nhiều, chỉ có mỗi T-Mobile US với package No.4 cho phép sản phẩm điện thoại thông minh của Sony (Xperia) có thể sử dụng được. Vì thế chiếc điện thoại Xperia được coi là khá ấn tượng của Sony đã không bán được nhiều, kết quả là thua lỗ (như đã thấy). Hậu quả là sau công bố sẽ ngưng gởi những tấm séc dividend tới các cổ đông, giá cổ phiếu của Sony (SNE) tại thị trường chứng khoán NYSE giảm mất 1.8%.
Hai đối thủ lớn của Sony trên chiến trường điện thoại di động là Samsung và Apple, và ai cũng biết sức cạnh tranh trên thị trường này tàn khốc đến dường nào! Hai chữ “harsh competition” được coi là một thực tế hiển nhiên. Sony không còn lựa chọn nào khác là giữ vững uy tín thương hiệu không bị sứt mẻ để khỏi bị đào thải. Nhưng đã không thành công.
Sony sẽ đi về đâu trong tương lai? Vẫn biết thua lỗ hay chiến thắng là chuyện bình thường của thương trường tàn khốc, nhưng liệu Sony có thể vượt qua được những khó khăn vừa gặp phải? Giả sử Sony không thể giành được thế mạnh tại thị trường điện thoại thông minh, liệu Sony có mất dần vị trí lừng danh một thời của mình? Rồi cái tên Sony sẽ dần dần mai một, như trường hợp của Blackberry, chỉ vì những thế hệ điện thoại màn hình cảm ứng (touch screen) ra sau nó mà chiếc điện thoại blackberry một thời cứ ngỡ sẽ thống trị thêm một thập niên nữa mới về hưu. Ai dè…
Lịch sử chứng minh rằng không có nền văn minh nào tồn tại vĩnh viễn. Từ Ai Cập cho tới Babylon. Rồi Hy Lạp, La Mã. Hay như một dạo Thành Cát Tư Hãn gần như nuốt trọn hết trái đất; Lãnh thổ của Anh Quốc một thời rộng đến nỗi mặt trời không hề lặn. Pháp. Đức… Những tên tuổi vang danh một thời. Để rồi lịch sử lặng lẽ sang trang…
Liệu Sony có thể nào sẽ là một ngoại lệ? Hay nó cũng chỉ là một thực thể (như bao thực thể khác) phải chịu ảnh hưởng chi phối của thời gian và tuân theo những định luật phát triển tự nhiên: Có khởi là có diệt. Để rồi vấn đề còn lại là trụ lại được bao lâu với thời gian, vốn là một thước đo vĩnh viễn không thể bị bẻ cong. Chắc chắn nay mai Sony sẽ thay đổi CEO? Liệu người thay thế Kazuo Hirai có thể lật ngược lại thế cờ? Hay cũng chỉ như Kazuo Hirai; thay thế vị CEO tiền nhiệm là Howard Stringer (nguyên quán xứ Welsh) giữ vị trí CEO của SONY từ năm 2005 đến năm 2012, sau đó vẫn không thể làm gì khác hơn được (?)
Tính đến cuối tháng 03 năm 2014, Sony có tới 140.900 nhân viên trên khắp thế giới. Tài sản của Sony gộp lại lên tới hơn 27 tỉ Mỹ kim. Cồng kềnh như thế, liệu ta có thể coi đây là một con tàu Titanic được không? Liệu Sony sẽ vượt qua được những khó khăn hiện tại, hay thua lỗ sẽ trở thành một căn bệnh kinh niên. Để rồi khi nói đến Sony, người ta sẽ nghĩ tới những cái tên khác như JCPenny, RadioShack, K-Mart, Sears, Blockbusters, USPS… một thời làm mưa làm gió nhưng nay đã lu mờ đến tiêu tan…
Nguyễn Thơ Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét