Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Biến cố Charlie Hebdo: tự do hay thảm họa?

Chúng tôi đồng ý thỉnh thoảng cũng phải cho những người Hồi giáo cực đoan thấy rằng họ không có quyền và không thể áp đặt luật lệ của tôn giáo họ lên toàn thế giới, nhưng dùng tự do ngôn luận để tạo ra những tại họa như Charlie Hebdo vừa làm là chuyện không thể chấp nhận được.

Vào khoảng 11 giờ 20 ngày 7/1/2015, hai tên khủng bố bịt mặt đã tấn công vào tòa soạn tờ báo biếm họa Charlie Hebdo ở quận 11 Paris làm 12 người chết và 11 người bị thương, miệng hô khẩu hiệu "Allah akbar !" (Thượng đế vĩ đại !). Trong số 12 người tử thương có 2 cảnh sát, 8 ký giả và 2 nhân viên của tòa báo.
Sau biến cố này, hai biến cố gay cấn khác đã phát sinh, đó là cuộc chiến giữa các thế lực chống Hồi giáo quá khích và nhóm bênh vực Hồi Giáo, và cuộc chiến giữa những người ủng hộ hành động của nhóm Charlie Hebdo và những người không đồng ý : Một bên hô to "Je suis Charlie" (Tôi là Charlie"), còn bên kia phủ nhận "Je ne suis pas Charlie" (Tôi không phải Charlie).
Trên chuyến đi từ Sri Lanka đến Philippines hôm 15/1/2015, Đức Giáo hoàng Francis đã đề cập đến vụ Charlie Hebdo. Ngài nói với người trợ lý của mình : "Nếu người bạn tốt của tôi, Doctor Gasparri nói xấu mẹ tôi, anh ta có thể bị trừng phạt", nói xong ông giơ một cú đấm hờ sang người trợ lý đứng bên cạnh. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh : "Bạn không thể kích động. Bạn không thể xúc phạm đức tin của người khác. Bạn không thể cười đùa trên đức tin của người khác. Có một giới hạn".
Trả lời câu hỏi của một phóng viên Pháp về quan điểm của ngài về quyền tự do ngôn luận, Đức Giáo Hoàng Francis nói : "Tự do ngôn luận và tự do tôn giáo là hai quyền cơ bản của con người, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc xúc phạm tôn giáo của nhau. Bất cứ ai nhân danh tôn giáo để tiến hành chiến tranh hoặc sỉ nhục người khác đều không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, giới hạn của quyền tự do ngôn luận vẫn đang được tranh luận.
Vài nét về tuần báo Charlie Hebdo
Tuần báo trào phúng Charlie Hebdo được thành lập năm 1970, nổi tiếng với những bức biếm họa táo bạo, diễu cợt bất cứ ai, từ giới cầm quyền cho đến tôn giáo. Tờ báo không lấy quảng cáo mà chỉ trông chờ vào sự ủng hộ của độc giả nên không đủ tài chánh sinh hoạt, phải đình bản nhiều lần. Số ấn bản năm 2014 là 60.000 mỗi tuần, được bán với giá 3 euro, nhưng tờ báo chỉ bán được có 30.000 bản, tức phân nửa số lượng phát hành, trong khi cần phải bán được 35.000 mới có thể cân bằng thu chi.
Sau hơn 40 năm hoạt động, Charlie Hebdo đã bị nhiều tổ chức tôn giáo, chính trị kiện ra tòa 13 lần, nhưng lần phải đối đầu gay cấn nhất là năm 2006 khi bị Đại Đền Hồi giáo ở Paris kiện vì đăng ảnh hí họa Mohamed. Đến tháng 3 năm 2007 tòa án Paris đã đưa nội vụ ra xử và may thay, tòa này đã tuyên bố tha bổng ông Philippe Val, chủ biên của Charlie Hebdo, vì cho rằng hình bị chế nhạo trong phim hoạt họa giống hình người theo chủ nghĩa trọng căn (fundamentalists) của Tin Lành hơn hình người Hồi giáo !
Năm 2011, khi số báo xuất bản được đặt tên là "Charia Hebdo" ("Charia" là tên luật Hồi giáo), tờ báo đã bị nhóm Hồi giáo cực đoan đốt cháy đêm mồng 1 rạng mồng 2/11/2011. Ban biên tập phải mượn tạm văn phòng của báo Libération để làm việc. Ngày 22/9/2012, một trang mạng thánh chiến Hồi giáo đã đăng lời kêu gọi chặt đầu nhóm lãnh đạo ban biên tập tờ báo. Các ký giả tờ này phải được cảnh sát bảo vệ. Charlie Hebdo đã kêu gọi đóng góp, nhưng chỉ thu được 60.000 euro vào cuối năm, so với kỳ vọng là một triệu euro.
Như vậy tờ Charlie Hebdo cũng đã có thành tích chống đối Hồi Giáo.
Tông tích và hành động của các tay súng
Báo Le Monde của Pháp cho biết trong quá trình đào tẩu, hai thủ phạm đã bỏ lại chiếc xe Citroen C3 màu đen mà chúng đã cướp để đi hạ sát, nhưng lại làm rơi một photocopy thẻ căn cước trong xe, nhờ vậy cảnh sát đã nhận ra ngay đó là hai anh em Said Kouachi 34 tuổi và Cherif Kouachi 32 tuổi.
Cuộc sưu tra cho biết hai anh em này có gốc Algeria, sinh ở Quận 10 Paris, vốn có thành tích về trộm cắp trước khi trở thành Hồi giáo cực đoan. Tháng 1/2005, trong cuộc truy quét mạng lưới thánh chiến Iraq ở quận 19, Paris, cả hai anh em đã bị bắt giữ. Lúc bấy giờ, Cherif Kouachi làm nghề giao bánh pizza kiếm sống, bị bắt vì tham gia đưa người sang Iraq. Said không có bằng chứng nên được thả ra. Tháng 5/2008, Cherif Kouachi bị kết án 3 năm tù. Sau khi được trả tự do, hắn bán cá trong siêu thị. Tháng 10/2010, cảnh sát nghi Cherif Kouachi giúp một số tên trong mạng lưới thánh chiến Iraq ở trong quận vượt ngục nên bắt. Vài tháng sau hắn được thả.
Tình báo Mỹ cho biết Cherif Kouachi đã đến Yemen năm 2011 bằng hộ chiếu của anh là Said Kouachi. Chúng thảo luận một số mục tiêu tấn công ở Pháp, trong đó có tạp chí Charlie Hebdo. Tổ chức AQAP (al-Qaeda in the Arabian Peninsula-al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập) huấn luyện sơ qua cho Cherif Kouachi, chỉ ra một số mục tiêu có thể tấn công và cho hắn về lại Pháp. Thủ lĩnh tối cao của al-Qaeda là Ayman al-Zawahri đã ra lệnh cho Cherif Kouachi thực hiện vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo. Cherif Kouachi đã nhận từ AQAP 20.000 USD để lên kế hoạch, mua vũ khí, tổ chức và thực hiện vụ tấn công. Cơ quan an ninh Mỹ đã lưu ý với Pháp rằng hai anh em Kouachi rất nguy hiểm. Nhưng một thời gian sau Pháp kết thúc theo dõi vì lý do tài chính cũng như nhân lực. Còn Pháp giải thích rằng sau 3 năm theo dõi họ thấy hai đối tượng này không hoạt động gì nguy hiểm nên đưa ra khỏi "danh sách đen".
Sau khi thanh toán xong mục tiêu, hai anh em Kouachi đã bỏ lại chiếc xe Citroen C3 màu đen và cướp xe của một phụ nữ khác chạy trốn. Ngày 9/1/2014, sau khi chạy về hướng đông cách Paris hơn 100 km, gần Reims, hai tên này đã bị phát hiện sau khi tấn công một trạm xăng trên xa lộ trên đường quay về Paris. Bị một lực lượng đông đảo cảnh sát và hiến binh ráo riết theo dõi, chúng vào ẩn nấp trong một tòa nhà cạnh phi trường quốc tế Roissy Charles de Gaulle. Nhưng Cherif đã phạm một lỗi lầm lớn là nhận một cú điện thoại từ phóng viên để hỏi xem thế giới có biết gì về vụ tấn công hay không. Nhờ vậy, cơ quan an ninh đã định vị được nơi chúng đang ẩn nấp trong một nhà in ở thị trấn Dammartin-en-Goele, phía đông bắc Paris. Có khoảng 1.500 hiến binh và cảnh sát đã mở cuộc bao vây. Một cuộc đàm phán đã được thực hiện, nhưng anh em Kouachi tuyên bố sẵn sàng "tử vì đạo". Lúc 17 giờ cả hai đã lao ra ngoài đấu súng với cảnh sát khiến một cảnh sát bị thương, nhưng cả hai đã bị hạ sát.
Hai nghi phạm khác là Amedy Coulibaly 32 tuổi và Hayat Boumeddiene 26 tuổi, được cho là làm theo lệnh của Cherif Kouachi để ám sát người Do Thái gây tiếng vang. Ngày 08/01, Coulibaly đã bắn chết một nữ cảnh sát viên tại Montrouge, một thành phố phía nam Paris, rồi sáng ngày 09/01 ập vào một cửa hàng rau Kosher của người Do Thái ở Porte de Vincennes, phía đông Paris, giết chết 4 người Do Thái và bắt giữ 6 con tin nhưng đã bị đội cảnh sát tiến vào giải cứu các con tin bắn chết lúc 17 giờ 15. Boumeddiene được cho là người tình đang chung sống với Coulibaly đã trốn sang Syria một ngày trước khi xảy ra vụ ám sát.
Cuộc chiến giữa Tây phương và Hồi giáo
Tối hôm 7 tháng 1 đã có hơn 3000 người đến thắp nến tưởng niệm trước tòa soạn Charlie Hebdo, mỗi người mang các biểu ngữ "Je suis Charlie, we are Charlie, 12 morts, 60 milions blessés" và giơ lên những cây bút… Cũng tối hôm đó, tại thành phố Port-La-Nouvelle (miền nam), hai phát súng được bắn về phía một phòng cầu nguyện của người Hồi giáo. Đến sáng sớm hôm sau, tại thành phố Villefranche-sur-Saône, miền trung, một vụ nổ khác xảy ra ở phía trước của một nhà hàng bán thịt nướng kebab kiểu ả rập, gần một đền thờ Hồi giáo... Các nhà quan sát cho rằng các biến cố kể trên rất có thể là hành vi trả đũa vụ thảm sát. Ông Marc Pierini, cựu Đại sứ Pháp đã nói : "Điều đáng lo ngại là vụ thảm sát như vậy ngay tại trung tâm Paris, sẽ kích động thêm tâm lý bài ngoại và bài Hồi giáo".
Hôm 11/1/2015 các cuộc biểu tình đã bùng nổ ở Pháp và trên toàn thế giới. Theo các con số của Bộ Nội Vụ Pháp, chỉ riêng tại Pháp đã có ít nhất 3,7 triệu người xuống đường "chống khủng bố " và để bảo vệ tự do. Những khẩu hiệu đã được đưa lên và hô to để bày tỏ tình đoàn kết như : "Je suis Charlie", "Charlie, Liberté", "Tôi là người Do Thái, là người Hồi giáo, là cảnh sát, là nền Cộng Hòa". Trên 40 nhà lãnh đạo trên thế giới cùng với Tổng thống Pháp François Hollande đến quảng trường République dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân. Báo Libération nói đó là "Một sức bật tuyệt vời". Còn tờ Le Figaro cho rằng "Sau nỗi xúc động là lòng can đảm". Riêng Tổng thống Obama không đến và cũng không gởi một viên chức cao cấp nào đến, chỉ có ông Đại sứ Mỹ ở Pháp có mặt.
Dĩ nhiên là khối Hồi giáo cũng đã phản ứng ngược lại. Tại Niger đám đông biểu tình đã tấn công Trung tâm Văn hóa Pháp và đốt các nhà thờ làm nhiều cảnh sát bị thương và 4 người chết. Tại Zinder ở Tây Phi, người biểu tình dùng bom xăng đốt cờ Pháp và tấn công các cửa hàng có chủ là người theo đạo Kitô. Khoảng 45 người khác bị thương. Tại Sudan hàng ngàn người tụ tập trước cổng đại sứ quán Pháp và đòi lập tức trục xuất Đại sứ Pháp về nước. Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố ở Pakistan như Lahore, Karachi và thủ đô Islamabad. Ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người biểu tình phản đối báo Cumhuriyet của nước này vì đã đăng lại 4 trang của tờ Charlie Hebdo. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép lăng mạ đấng tiên tri Hồi giáo Mohammed, đồng thời mô tả việc tuần báo Pháp Charlie Hebdo đăng tải tranh biếm họa nhà tiên tri này là hành động gây hấn. Tại thành phố Marawi ở Philippines, khoảng 1500 người Hồi giáo biểu tình và hô to các khẩu hiệu : "Nếu bạn là Charlie thì hãy tôn trọng đạo Hồi", "Bạn là Charlie, tôi tôn thờ nhà tiên tri Mohammed", "Nước Pháp phải đưa ra lời xin lỗi"... Các cuộc bạo động do hai bên thực hiện đã xảy ra tại nhiều nơi.
Ông Iyad Amin Madani, Tổng thư ký Tổ chức Hợp Tác Hồi Giáo, đã tuyên bố : "Là một tổ chức, chúng tôi đang thảo luận trên các diễn đàn quốc tế và các tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để giải thích tự do ngôn luận không phải kêu gọi sự hận thù và không được xúc phạm tôn giáo của người khác". Tổ chức Hồi giáo Ai Cập Dar al-Ifta cho rằng quyết định của tạp chí Charlie Hebdo là hành vi khiêu khích 1,5 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Tổng thống Ai Cập, Abdel-Fattah el-Sisi đã ký sắc lệnh trao quyền cho Thủ tướng Ibrahim Mahlab cấm mọi ấn phẩm nước ngoài có nội dung bài xích tôn giáo.
Je suis Charlie và Je ne suis pas Charlie
Cuộc chiến không chỉ xảy ra giữa Hồi giáo và Tây phương mà còn xảy ra ngay trong nội bộ của các quốc gia Tây phương.
Về việc không có viên chức lãnh đạo Mỹ đến tham dự cuộc diễn hành ngày 11.1.2015 tại Paris, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest cho biết Tổng thống Barack Obama rất muốn tham dự sự kiện trên nhưng công tác an ninh cho mỗi chuyến thăm của ông rất "nặng nề và phức tạp". Tòa Bạch Ốc chỉ nhận được thông báo trước 36 tiếng và khoảng thời gian này là không đủ để chuẩn bị. Ông nói thêm : "Tuy nhiên, công bằng mà nói, lẽ ra chúng tôi nên cử một người có chức vụ cao hơn".
Nhưng các nhà phân tích cho rằng sở dĩ Tổng thống Obama không đi và không cử nhân viên cao cấp đi vì có nhiều quan điểm không hoàn toàn đồng ý sự biểu hiện quyền tự do ngôn luận theo kiểu Charlie Hebdo, tức không đồng ý tuyên bố "Je suis Charlie".
Ngay tại nước Pháp cũng đã có sự không đồng ý đó. Trên báo Le Monde, trong bài "Là Charlie hay không là Charlie", ký giả Sylvie Kaufmann viết : "Có cần phải chứng tỏ rằng chúng ta có tự do bằng cách công bố các bức biếm họa mà các phần tử cực đoan đã sử dụng để biện minh cho vụ thảm sát ở tuần báo Charlie Hebdo hay không ?".
Tại Hoa Kỳ, Dean P. Baquet, trưởng ban điều hành biên tập của tờ báo New York Times, sau khi tham khảo ban biên tập, đã phát biểu như sau : "Đối với nhiều độc giả, vẽ hình nhà tiên tri Mohammed là báng bổ Hồi giáo. Quy tắc của chúng tôi đã có từ lâu đời và đã được chứng thực là phải biết phân biệt giữa châm biếm và phỉ báng vô tội vạ". Còn bình luận gia David Brooks thẳng thắn tuyên bố "Tôi không phải là Charlie" vì "kiểu hài hước cố tình xúc phạm" của Charlie Hebdo quá xa lạ với người Mỹ.
Ở Anh, trong khi nhà sử học người Timothy Garton Ash kêu gọi báo chí Châu Âu in lại các bức vẽ của Charlie Hebdo để cho thấy rằng "quyền phủ quyết của những kẻ sát nhân không thể thắng", thì tạp chí Financial Times cho biết độc giả của tờ báo này đã chỉ trích mạnh mẽ nhóm Charlie Hebdo và thậm chí còn cáo buộc Charlie Hebdo là đã có hành động "ngu xuẩn".
Khi Charlie Hebdo ra ấn bản mới, tờ New York Times viết : "Cùng với bìa báo mới của tạp chí Pháp là một loạt nỗi lo sợ mới", và nói thêm rằng sự việc này của Charlie Hebdo có thể tiếp tục kích động bạo lực.
Nói một cách tổng quát, nhiều nhân vật chính trị, tôn giáo và cơ quan truyền thông không đồng ý tự do ngôn luận có nghĩa là muốn viết gì thì viết và nói gì thì nói. Điều 17 Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị ngày 16/12/1966 của Liên Hiệp Quốc đã quy định :
"Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy".
Luật lệ các quốc gia trên thế giới đều trừng phạt những kẻ dùng quyền tự do ngôn luận để tiết lộ những tin tức phương hại đến an ninh quốc gia. Luật của Pháp và nhiều quốc gia như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Canada (một phần)… đã coi việc dùng quyền tự do ngôn luận để mạ lỵ phỉ báng (calomnie) là tội hình sự. Ở Mỹ, trong án lệ Schenck vs United States, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên bố rằng dùng quyền tự do ngôn luận để tạo ra sự nguy hiểm rõ ràng và đang xảy ra sẽ đưa tới những tai họa quan trọng (create a clear and present danger that they will bring about the substantive evils) không được Tu chính Án Thứ Nhất (về quyền tự do ngôn luận) bảo vệ.
Tuy nhiêm, trên tờ The Gardian ngày 16/1/2015, trong bài "On Charlie Hebdo Pope Francis is using the wife-beater’s defence" (Qua vụ Charlie Hebdo, Đức Giáo Hoàng Francis dùng lập luận của những tên vũ phu đánh vợ), nữ ký giả Polly Toynbee cho rằng phải có những kẻ mở đường lỗ mãng (scurrilous outriders) như Charlie Hebdo, quyền tự do ngôn luận mới không bị mất đi khi đụng đến nhà thờ hay đền Hồi Giáo. Chúng tôi đồng ý thỉnh thoảng cũng phải cho những người Hồi giáo cực đoan thấy rằng họ không có quyền và không thể áp đặt luật lệ của tôn giáo họ lên toàn thế giới, nhưng dùng tự do ngôn luận để tạo ra những tại họa như Charlie Hebdo vừa làm là chuyện không thể chấp nhận được. Đó cũng là quan điểm của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong án lệ vừa trích dẫn.
Ngày 23/1/2015
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét