Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Người Trung Quốc đổ sang Nga, tỷ phú Mỹ nói EU tự sát

Nền kinh tế cho đến từng người dân Trung Quốc đang hưởng lợi đơn lợi kép từ việc trừng phạt kinh tế Nga của Mỹ và EU.
Nga - thiên đường mua sắm và du lịch của người Trung
Việc đồng Rúp giảm kéo giá cả thị trường giảm theo đã biến Nga thành thiên đường mua sắm và du lịch hấp dẫn nhất đối với người dân Trung Quốc vào thời điểm này, vượt qua cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Mỹ.
Theo tính toán của công ty du lịch Ctrip của Trung Quốc, giá cả hàng hóa của Nga đã giảm ít nhất 30% so với trước. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, các đại lý du lịch ở Quảng Châu, thủ phủ của miền nam Quảng Đông Trung Quốc, đã thông báo rằng tất cả các tour du lịch đến Nga trong tháng Giêng này hầu như đã chật kín.
Người Quảng Châu vốn chưa bao giờ được nhìn thấy tuyết ở nơi mình sinh sống thì nay kéo đến Nga với mục đích được tận hưởng "mùa đông trắng" kỳ diệu ở nơi này và tất nhiên, không thể quên mục đích thứ hai đó là mua sắm.
Trong khi trước đây điều ngược lại đang xảy ra, khi người Nga tranh thủ du lịch Trung Quốc để mua quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng công nghệ... của các thương hiệu bán tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, người Trung Quốc sang Nga không phải để mua sắm đồ made in Russia mà họ mua hàng xa xỉ phẩm của Châu Âu được bày bán ở Nga nhưng được tính theo đồng Ruble.
Khách du lịch Trung Quốc giờ đây có thể tiết kiệm được nhiều tiền từ việc đặt tour trong những tháng mùa đông, theo Tân Hoa Xã đưa tin.
Kể từ khi đồng tiền Nga mất giá đến đáy vào tháng trước, du khách Trung Quốc bắt đầu lũ lượt kéo đến các thành phố của Nga, cả ở những khu vực biên giới và cả phần Châu Âu của nước này để tận dụng sự chênh lệch cao về tỷ giá hối đoái, mua sắm với giá hời.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy rất nhiều người Trung Quốc ở Moscow đến thế. Nhiều lúc đi mua sắm có cảm giác như tôi đang đi mua sắm ở nhà vậy", một du học sinh Trung Quốc chia sẻ với tờ báo China Business News vào cuối tháng trước.
Những người Trung Quốc đến mua sắm tại các thành phố như Moscow được cho là chủ yếu tập trung mua các sản phẩm có thương hiệu cao cấp như Gucci, Louis Vuitton, Chanel và Cartier bởi họ vừa được mua với giá rẻ lại vừa tránh được thuế nhập khẩu đang được áp dụng đối với các mặt hàng xa xỉ tại Trung Quốc.
Trung Quốc ung dung đắc lợi
Việc những người Trung Quốc đổ xô tới Nga du lịch cũng góp phần kích thích mảng du lịch dịch vụ của Nga phát triển, tuy nhiên, cũng theo thăm dò của Ctrip, người Trung Quốc chủ yếu đi du lịch giá rẻ và họ tập trung vào yếu tố mua sắm, vãn cảnh nhiều hơn là sử dụng những dịch vụ tốn kém của Nga.
Điều đó có thể nhìn nhận rằng Trung Quốc hiểu đâu là mối lợi. Những biểu hiện này chỉ liên quan đến dân sinh, đời sống, còn về kinh tế vĩ mô, chính quyền Bắc Kinh cũng đang có lợi ích từ những tình thế của nước Nga.
Việc Nga tuyên bố trả đũa EU bằng cách cấm nhập khẩu nông sản đã mở ra nhiều lợi ích to lớn cho ngành nông nghiệp Trung Quốc.
Năm 2013, giao dịch của các công ty nông sản Trung Quốc sang Nga có tổng trị giá hơn 2 tỷ USD, và con số đó của năm 2014 dù chưa có báo cáo cụ thể, nhưng dự tính cao gấp khoảng 5 lần.
Đặc biệt, một số mặt hàng thiết yếu được Trung Quốc xuất sang Nga như thịt bò, lợn có những thời điểm được đội giá tới hơn 30%, trùng với đỉnh điểm của cuộc trừng phạt - trả đũa lẫn nhau hồi tháng 8, tháng 9/2014, theo thông tin từ tờ Business Insider.
Cũng từ những biện pháp trừng phạt Nga của EU, Moscow đã buộc phải mở rộng tìm kiếm các nguồn đầu tư mới, và Trung Quốc nhanh chóng dùng nguồn tiền khổng lồ của mình để cứu giúp nước Nga. Ngược lại, Bắc Kinh cũng đạt được những sự nhượng bộ từ phía Nga trong các bản hợp đồng bị đình trệ nhiều năm nay, tiêu biểu trong đó có vấn đề về năng lượng, vũ khí.
Lấy ví dụ bản hợp đồng năng lượng khổng lồ 400 tỷ USD giữa Nga và Trung Quốc. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc dầu khí trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, Gazprom của Nga sẽ phải đầu tư xây dựng đường ống dẫn dầu tương đương 50 tỷ USD, và bán khí đốt với giá thấp từ 350-380 USD/1.000m3.
Ông Oleg Maximov, nhà phân tích tại Sberbank CIB cho biết: “Cho dù 350 USD hay 380 USD thì đều không thực sự quan trọng. Mức giá này cho thấy Gazprom sẽ có lợi nhuận rất thấp.”
Và một vấn đề khác, khi EU trừng phạt kinh tế Nga, đã trùng vào thời điểm giá dầu trên thế giới tụt dốc chóng mặt, dự kiến sẽ còn xuống tới 40USD/thùng trong thời điểm tới. Với các quốc gia bán dầu để sống như Nga, đây mới là nguy cơ nguy hiểm nhất chứ không phải các lệnh trừng phạt, cấm vận.
Tuy nhiên, không cần biết có bàn tay của Mỹ hay phương Tây trong việc giá dầu thấp hay không, nhưng Trung Quốc - cường quốc nhập dầu lớn nhất thế giới hiện nay đang ung dung hưởng lợi từ việc giá dầu thấp này.
"Châu Âu đang tự giết mình"
Trong khi phương Tây đang đẩy Nga vào tay Trung Quốc, và Bắc Kinh ung dung hưởng lợi đủ đường, thì Châu Âu đang tự sát hại chính mình, theo như lời mà tỉ phú George Soros người Mỹ phân tích trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times.
Nhà tỉ phú người Mỹ phàn nàn rằng, các nhà lãnh đạo Châu Âu đang đánh giá không đúng mức nguy hiểm của khủng hoảng Ukraine đối với nền kinh tế Châu Âu.
Ông Soros cho biết lệnh cấm vận với Moscow đã có một ảnh hưởng sâu xa hơn với những gì các nhà lãnh đạo phương Tây từng tưởng tượng.
"Trừng phạt Nga sẽ gây áp lực với giảm phát và suy thoái ở Châu Âu là điều đã được cảnh báo, nhưng họ đều đã bỏ qua và bây giờ nguy cơ đã trở thành hiện thực. Nó là một cú sốc lớn cho các ngân hàng Châu Âu làm ăn với nước Nga", ông nói.
Những điều mà vị tỉ phú Mỹ nói đã được chứng minh trên thực tế. Lấy ví dụ rõ nhất là Đức.
Kể từ năm 1992, có hơn 6.000 công ty Đức thiết lập hoạt động ở Nga, nơi đã trở thành thị trường lớn cho xe ô tô, dược phẩm và máy móc của Đức. Đức là đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ 3 của Nga chỉ sau Trung Quốc và Hà Lan.
Chỉ vì lệnh trừng phạt Nga mà theo thăm dò của Phòng Thương mại Đức, 36% doanh nghiệp làm ăn với Nga dự kiến sẽ hủy bỏ các dự án do tình hình ở Nga. Và 58% nói rằng họ đã bị tổn thương bởi các biện pháp trừng phạt được phương Tây áp đặt lên Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Chính điều này đã khiến báo chí Đức phải đặt câu hỏi Mỹ và Anh mượn khủng hoảng Ukraine để trừng phạt Nga nhưng mục đích sâu xa khác là phá hoại nền kinh tế Đức. Chính vì vậy, Đức đang là nước sốt sắng tìm cách giúp Nga phá vòng vây kinh tế vì đó cũng là tự giúp họ.
Ông Soros là người gốc Hungary, từng đầu tư làm ăn tại cả Ukraine và Nga trong thập niên 1990. Có lẽ tỉ phú Soros hiểu về kinh tế và tâm lý của người Nga, Ukraine hơn cả các lãnh đạo phương Tây.
Theo vị tỉ phú này, cách tốt nhất mà phương Tây nên làm là bỏ tiền ra giúp chính quyền Ukraine phục hồi nền kinh tế, ít nhất là 50 tỉ USD trong quý đầu năm nay.
Tuy nhiên, khó mong Mỹ bỏ nhiều tiền như vậy để giúp đỡ Ukraine khi nước này không phải mỏ dầu mà dầu bây giờ cũng tụt giá thảm hại.
Đỗ Phong (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét