Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Sự thật đằng sau các vụ tự sát đau đớn của 4 tướng Nga


dam-tang-nga_
Đám tang một sĩ quan hải quân Nga (ảnh minh họa)

4 vụ tự tử của những nhân vật có tiếng trong giới quân sự Nga chỉ trong vòng một năm trở lại đây hoàn toàn không phải trùng hợp ngẫu nhiên.

Theo thông tin từ tờ Newsweek (Mỹ), trung tướng Anatoly Kudryavtsev, người từng có nhiều thập kỉ tham chiến trong Không quân Nga, đã tự tử tại nhà riêng ở Moscow hôm thứ ba (6/1) vừa qua.
Trường hợp của tướng Kudryavtsev là vụ tự tử thứ tư trong chưa đầy một năm vừa qua trong hàng ngũ các cựu tướng lĩnh cấp cao của Nga.
Trước đó, nguyên trưởng cơ quan mật vụ Viktor Gudkov, Thiếu tướng Boris Saplin, và Thiếu tướng Hải quân Vyacheslav Apanasenko cũng đã dùng súng tự kết liễu đời mình.
Ngoài sự trùng hợp về địa điểm - cả bốn vụ đều xảy ra tại thủ đô Moscow - cái chết của các vị lão tướng này đều có một điểm tương đồng khác.
Trước khi tự sát, cả bốn đều mắc phải căn bệnh ung thư. Tệ hơn, họ phải chiến đấu với nó mà không có sự trợ giúp từ các liều thuốc giảm đau.
Cái chết đau đớn
Tháng hai năm ngoái, Thiếu tướng Apanasenko trước khi tự kết liễu đời mình đã để lại một bức thư tuyệt mệnh. Trong đó vị tướng này viết rằng, "tôi không đổ lỗi cái chết của mình cho ai cả, trừ chính phủ và hệ thống y tế nước nhà".
Theo thông tin của Russia Today (RT), ông Apanasenko đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư dạ dày trong hai năm trước khi chết. Để được dùng thuốc giảm đau, gia đình ông phải làm mới đơn thuốc mỗi tuần, với những thủ tục nhiêu khê cần đến nhiều chữ kí các cấp.
Con gái ông kể lại với RT, một ngày trước khi vị tướng này tự sát, vợ ông đã không thể xin được chữ kí của một phòng khám ở Moscow. Đã có quá đông người xếp hàng trước bà, và khi đến lượt mình thì phòng khám đã đóng cửa.
Việc thiếu một chữ kí đã khiến gia đình tướng Apanasenko không thể mua thuốc giảm đau một cách hợp pháp. Trước viễn cảnh phải chịu những cơn đau quằn quại trong nhiều ngày tới, ông đã quyết định tìm đến cái chết để "giải thoát cho bản thân và gia đình".
Trớ trêu thay, phát đạn ông nhắm vào đầu mình không đủ để khiến vị tướng này chết tại chỗ. Ông tiếp tục phải sống với những vết thương ở đầu cộng thêm những cơn đau dạ dày quằn quại thêm 3 ngày nữa mới có thể ra đi.
su-that-dang-sau-cac-vu-tu-sat-dau-don-cua-4-tuong-nga
Thiếu tướng Anapasenko: "Tôi không đổ lỗi cái chết của mình cho ai, trừ chính phủ và hệ thống y tế". Ảnh: Moscow Times
Cái chết trong sự đau đớn tột cùng của ông Apanasenko đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Nga.
Theo đó, Ủy ban Kiểm soát Dược phẩm Liên bang Nga (FDCS) đã kêu gọi các bác sĩ phải "tăng cường cung cấp" thuốc giảm đau cho bệnh nhân.
Trong một thông cáo báo chí, Ủy ban này nói rằng họ "chưa bao giờ phản đối việc sử dụng thuốc giảm đau".
"Về mặt pháp lý, dù chúng tôi đã có những biện pháp nới lỏng quy định, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa cải tiến mô hình xin chứng nhận để người dân được sử dụng thuốc".
Vấn đề không mới
Theo RT, Nga là một trong những nước áp đặt quy tắc nghiêm ngặt nhất trong việc lưu hành và sử dụng thuốc giảm đau.
Về phía các bác sĩ, họ phải có giấy chứng nhận của cấp trên quản lý trực tiếp trước khi có thể kê đơn. Họ cũng chỉ được phép kê một loại thuốc duy nhất, và bất cứ loại nào khác, dù chỉ một lượng nhỏ, cũng có thể dẫn tới rắc rối với FDCS.
morphine_
Morphine, loại thuốc giảm đau thông dụng ở nhiều nước phương Tây nhưng được kiểm soát rất nghiêm ngặt ở Nga.
Trong khi đó, bệnh nhân phải trả lại tất cả các lọ thuốc đã được sử dụng, và phải trải qua một quá trình xem xét trước khi được cho phép nhận thêm thuốc.
Có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn cuối vẫn phải định kì đến trạm xá chỉ để xin giấy chứng nhận lấy thuốc. Với những người bệnh ở vùng quê hẻo lánh, di chuyển cả trăm cây số đến bệnh viện xin thuốc là chuyện thường tình.
Hệ quả là nhiều bệnh nhân phải chống chọi với những cơn đau trong quá trình điều trị mà không có bất kì một sự trợ giúp nào của thuốc giảm đau.
Theo số liệu ước tính của RT, trung bình bệnh nhân điều trị ở các nước phương Tây sử dụng thuốc giảm đau nhiều gấp 10 lần người bệnh Nga.
"Ở bất kì quốc gia nào, việc cung cấp đầy đủ thuốc giảm đau cho bệnh nhân trong quá trình điều trị luôn được xem là một trách nhiệm cơ bản của ngành y tế nước đó", Hội trưởng Hiệp hội bệnh nhân Nga Yuri Zhulev phát biểu.
"Trên phương diện các nhà chức trách, lo ngại các loại thuốc này được bày bán tràn lan trên thị trường là có cơ sở. Nhưng điều đó cũng không thể là cái cớ để giải thích cho việc liên tiếp khiến người bệnh phải chịu đau như vậy".
Đức Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét