Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Thông tin chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng : Ai bôi nhọ ai ?

sangtronghungdung01"...Ở Việt Nam, cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không được coi trọng, hơn nữa lĩnh vực thông tin luôn có các vùng cấm và sự thiếu minh bạch về thông tin, đặc biệt là các thông tin từ giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước…"


cap_lanhdao_vietnam01
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đăng trên Việt NamEXPRESS
Trong những ngày gần đây, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, truyền thông nhà nước và dư luận xã hội xôn xao rất đến nhiều về các thông tin trên mạng, được cho là nói xấu lãnh đạo nhằm chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng.
Các thông tin đó là của ai nhằm mục đích gì?
Thâm cung bí sử
So với thường lệ, Hội nghị Trung ương 10 - khóa XI của Đảng cộng sản Việt Nam đã khai mạc chậm khoảng hai tháng.
Đây là lần đầu tiên, Ban Chấp hành trung ương sẽ bỏ phiếu tín nhiệm cho các lãnh đạo cao cấp của Đảng, nhằm chuẩn bị nhân sự cao cấp cho Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016.
Gần đây, sự xuất hiện của một số trang website như Chân dung Quyền lực, Ai làm khánh kiệt đất nước…, với những bài viết bạch hóa các "thâm cung bí sử" trong nội bộ lãnh đạo cao cấp Đảng cộng sản Việt Nam đã gây xôn xao dư luận.
Nói về sự nguy hại của các thông tin này, theo VnEconomy trong bài "Tin xuyên tạc về lãnh đạo khiến dân mất niềm tin" cho biết: cả người đứng đầu Bộ Công an và Quốc phòng đẫ đề nghị tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng Internet...
Theo đó, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 của Chính phủ ngày 29/12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói rằng:
"Vừa qua có một số kẻ xấu tung thông tin nói xấu lãnh đạo cấp cao, kể cả tứ trụ cũng có. Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị thì chúng tôi có thể quản lý được nhưng khi họ ra ngoài đọc trên mạng thì không kiểm soát được, từ đó gây phân tâm, mất niềm tin trong nhân dân và ảnh hưởng đến cả những chiến sỹ ở ngoài biển đảo".
Đáng giá về vấn đề này, ông Bùi Thanh Hiếu - blogger Người Buôn Gió thấy rằng, trang Chân dung quyền lực đã tỏ ra chuyên nghiệp hơn trangQuan làm báo trước kia, với các bằng chứng tài liệu, hình ảnh… theo ông là rất đáng tin cậy.
Ông Bùi Thanh Hiếu nói với chúng tôi:
"Những bài viết ấy dựa trên cơ sở có thật và chính vì thế nó đã gây nên sự chú ý và quan tâm của dư luận rất cao. Căn cứ vào việc lãnh đạo Việt Nam không phản bác lại vấn đề số liệu hoặc những thông tin do các trang ấy đưa ra để mà giải thích những thông tin ấy là bịa đặt là cái thứ nhất. Cái thứ hai là họ nói đó là những tài liệu nội bộ bị tán phát, thì càng làm người ta tin thông tin từ trang Chân dung Quyền lực là có thực".
Ông Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội ở Sài gòn cho biết, trong những ngày này, ở Sài gòn ở đâu ông cũng thấy người ta xì xào về vấn đề này.
Ông Hoàng Dũng nói nhận xét của ông:
"Đây là họ dùng công cụ truyền thông để tự chia rẽ nội bộ của Đảng cộng sản với nhau, chứ không phải để chia rẽ nội bộ Đảng với nhân dân. Chúng ta nên phân biệt 2 cái đấy rõ ràng là như vậy. Nó là bằng chứng chứng minh cho thấy nội bộ Đảng cộng sản đang chia rẽ rất mạnh. Rất buồn cười là trang Chân dung Quyền lực nó chỉ là một cái blog thôi, nhưng mấy ngày hôm nay các báo đài lề phải phải chạy theo nó, phải đính chính thông tin. Chỉ vì vài dòng thông tin của nó khiến cho cả một hệ thống báo chí phải đính chính thì là điều rất nực cười"
Nói về xuất xứ của các thông tin độc hại, theo báo Báo Nhân dân cho biết: "Nhiều năm qua, cứ mỗi khi Việt Nam sắp diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng là một số tổ chức, cá nhân lại ráo riết triển khai chiến dịch bịa đặt, vu cáo, tung tin thất thiệt,... để làm tổn hại uy tín, hình ảnh của Ðảng, Nhà nước Việt Nam".
Thông tin của ai?
Trả lời câu hỏi các trang thông tin nói trên là của ai và nhằm mục đích gì?
Ông Đinh Quang Tuyến, một cư dân ở Quận 8 - Sài gòn thấy rằng đây là chuyện đấu đá nội bộ của lãnh đạo cao cấp, do nội bộ lãnh đạo Đảng làm ra.
Ông Đinh Quang Tuyến khẳng định:
"Thông tin có hệ thống như vậy thì chỉ có trong ruột mới biết thôi, làm sao bên ngoài làm sao biết được? Và dẫu có bịa ra thì cũng không thể có câu chuyện nhuần nhuyễn và logic như vậy được. Còn đối với dân chúng thì người ta cảm thấy mấy ông không còn gì để bôi thêm được nữa. Cho nên bôi nhọ thêm để làm gì? Một cái nồi để bán ve chai thì bôi nhọ thêm để làm gì, chỉ có vứt đi thôi. Còn giữa các ông ve chai đạp nhau thì là chuyện của các ông đúng không? Văn phong, câu từ đó là của tuyên huấn, không có lẽ dân lại có tuyên huấn?"
Ông Hoàng Dũng tiếp lời:
"Cách hành văn và văn phong của những web site này thì khó có thể là của những người thông thường. Nhưng có điều nó chỉ tập trung nói về những đối thủ nhất định chứ không nói tất cả những người trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là những bằng chứng về con số, hình ảnh những trang đó đưa ra thì chỉ những người trong nội bộ mới có thể có được, mà người ngoài không thể có. Cái thứ ba là, nếu trang đó là của người ngoài thì chắc chắn cái hệ thống kiểm soát của Đảng cộng sản vốn đã cực kỳ mạnh nó sẽ bằng mọi cách sẽ ngăn chặn sự phát tán ấy, như chặn tường lửa, thậm chí bắt chủ blog nếu người ấy ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế các trang đó không hề bị chặn tường lửa, thậm chí còn được quảng cáo".
Nói về nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này, ông Bùi Thanh Hiếu cho rằng đây là sự đấu tranh quyết liệt về quan điểm giữa các phe phái trong Đảng.
Ông Bùi Thanh Hiếu nhận định:
"Những nhân vật bị trang này nêu tên đều là những nhân vật có khuynh hướng thân Trung cộng muốn duy trì chế độ cộng sản bảo thủ ở Việt Nam và họ là những người đang có quyền lực hoặc sắp tới có quyền lực ở vị trí cao hơn. Do vậy tôi có kết luận của riêng cá nhân mình là đây thực sự là một cuộc đấu đá nội bộ, không những nó chỉ đấu đá về nội bộ nhân sự mà nó còn đấu tranh về vấn đề quan điểm. Và chính vì vấn đề đấu tranh quan điểm ấy nên trang web site này được một số bộ phận ở bên trong nội bộ Đảng họ che đỡ và bảo vệ cho".
Khi được hỏi ông có tin vào các thông tin đó hay không?
Ông Đinh Quang Tuyến cho biết suy nghĩ của ông:
"Tôi thì tôi tin, mà cái điều quan trọng đối với tôi đó là có sự mâu thuẫn và sự triệt hạ lẫn nhau giữa những người cộng sản".
Ông Hoàng Dũng tiếp lời:
"Cá nhân tôi đọc có tính chất tham khảo, nó như một bằng chứng để chứng minh cho thấy nội bộ Đảng cộng sản đang chia rẽ rất mạnh. Chứ tôi cũng không hẳn tin hay nghi ngờ những thông tin ấy".
Ở Việt Nam, cơ chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không được coi trọng, hơn nữa lĩnh vực thông tin luôn có các vùng cấm và sự thiếu minh bạch về thông tin, đặc biệt là các thông tin từ giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đây chính là nguyên nhân khiến cho dư luận xã hội luôn đón nhận các thông tin này một cách bất thường, cũng bởi vì đây là đất sống tốt cho các thông tin gây bất lợi cho nhà nước.
Anh Vũ, thông tín viên RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét