Thỉnh thoảng báo chí thuộc quyền đảng CSVN đưa ra các bài ủng hộ bộ trưởng Đinh La Thăng: người ra thực tế nhiều nhất, người vi hành nhiều nhất, người quyết đoán và quyết liệt với sai trái bằng các quyết định “Trảm Tướng” ngay tại công trường. Gần đây hơn là tuyên bố của ông rằng: “không thể đánh đổi quyền lợi, tình mạng của người Việt Nam để lấy vốn vay” được nhiều báo, trong đó có báo Tuổi Trẻ, đăng tin trong chiều hướng ủng hộ hay có phần tung hô.
Thực sự, nhìn từ góc độ quản lý, và rộng hơn một chút, góc độ tôn trọng con người, một giá trị sống rất quan trọng, tôi thấy ông Đinh La Thăng đáng bị chê trách chứ không phải được ủng hộ.
Tại sao ông Đinh La Thăng đáng bị chê trách?
Ông nắm quyền bộ trưởng từ nửa đầu năm 2011. Trong thời gian gần 4 năm đã trôi qua đó, nếu là người có trách nhiệm và có khả năng làm việc, ông đã phải chú tâm xác định một danh sách các việc cần làm ngay của Bộ Giao Thông Vận Tải. Ông sẽ lập các ban chuyên trách, tìm ra nguyên nhân gốc của từng việc, vạch ra chương trình làm việc khắc phục nguyên nhân gốc đó. Tôi nghĩ rằng bộ trưởng cần xắn tay áo vào vài chuyện quan trọng như dưới đây:
1) Giảm Tai Nạn Giao Thông
2) Lập Kế Hoạch và Chương Trình Xây Hệ Thống Giao Thông đáp ứng nhu cầu xã hội, đất nước
3) Xem Xét Công Tác Đấu Thầu Xây Dựng các Công Trình Giao Thông Trọng Điểm, trong đó có 2 việc: a) Xem Lại và Hoàn Thiện Qui Chế Đấu Thầu nhằm bít các kẽ hở, và b) Xem Lại và Kiểm Tra các công trình lớn đã trúng thầu
4) Rà Soát Hệ Thống Nhân Sự Bộ Giao Thông
5) và một số khác nữa…
Thời gian từ khi bộ trưởng Thăng nắm quyền tới nay đã khá lâu, đủ cho người dân thấy một số thành quả của các cải tiến nếu ông Thăng thất sự xốc vác, có tinh thần trách nhiệm và có năng lực.
Tiếc thay, người dân chưa thấy các thành quả đó, trái lại họ còn thấy tình hình thực tế xuống cấp hàng năm. Ta có thể xem các điển hình của nhận định trên:
1) Số vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn không hề được cải thiện vững chắc một cách có ý nghĩa.
2) Việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, nguyên Tổng Giám Đốc Vinalines, hiện là tử tù với các sai phạm to lớn, tiếp nối nhau trong một thời gian rất dàì, vào chức vụ Cục trưởng Cục Hàng Hải, là điển hình của thất bại về chính sách, kế hoạch và qui trình bổ nhiệm nhân sự.
3) Các công trình giao thông mới xây xong, đã nghiệm thu hay chưa được nghiệm thu, hay thậm chí đang thi công, phơi bày ra những khiếm khuyết hay hư hỏng trầm trọng (thí dụ về những trường hợp này không thiếu, dù trong mội trường mà toàn bộ báo chí thuộc về nhà nước) là các điển hình của thất bại trong việc quản lý chất lượng xây dựng các công trình giao thông.
4) Trung Quốc đang là nước duy nhất trên thế giới không giấu diếm dã tâm xâm lấn hay xâm lược Việt Nam, và có sức mạnh quân sự, kinh tế tiến hành điều này. Trung Quốc là đối tác mà Việt Nam phải rất đề phòng. Vậy mà các công trình trọng điểm giao thông Việt Nam hầu hết lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc (dù rằng chất lượng nhiều công trình đã thi công xong đang gây ra nhiều bàn tán và nghi ngờ). Đây là điển hình của thất bại về chính sách, kế hoạch, qui trình và thực hiện công tác gọi thầu và xét thầu các công trình giao thông trọng điểm.
Các tiến bộ, cải thiện nền móng làm việc chưa ai thấy, do đó số tại nạn và sự cố cứ xảy ra, ngày càng nhiều hơn. Mỗi lần có tai nạn, sự cố là ông bay ngay đến hiện trường, vung tay chỉ đạo và tuyên bố cách chức.
Những con đường đang xây dựng, dân kêu lên kêu xuống, địa phương, báo chí phản ánh, sao ông không biết để tới khi cầu sập, đường lún rồi ông mới chạy tới?
Tai nạn tại công trường xây tuyến đường sắt trên cao do nhà thầu Trung Quốc xây dựng đã làm chết người. Đây là tai nạn thứ hai sau tai nạn thứ nhất trước đó không lâu. Tuyên bố của ông Thăng với phía Trung Quốc (“không thể đánh đổi quyền lợi, tình mạng của người Việt Nam để lấy vốn vay”) thực ra cũng lả tuyên bố bình thường của một người có trách nhiệm. Có gì đâu mà phải tung hô hay hoan nghênh đến thế? Lẽ ra báo chí phải nêu lên sự thiếu trách nhiệm của bộ Giao Thông Vận Tải:
Chất lượng các công trình do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm đã có tai tiếng từ lâu. Sao ông bộ trưởng không kiểm tra, rà soát những nhà thầu Trung Quốc, ít nhất tại các công trình trọng điểm, những công trình cực kì quan trọng cho quốc gia và rất hao tốn tiền của của nhân dân? Công trình xây tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam không phải là cực kì quan trọng hay sao? Khi có sự cố lần đầu, ông vẫn thờ ơ. Dù tai nạn lần đầu chưa có người chết, nhưng tiềm năng giết người, và giết một con số lớn người dân, của loại tai nạn đó, là rất lớn. Lẽ ra ông bộ trưởng phải rất quan tâm tới sự an toàn của dân chúng và công nhân trên các công trường như vậy, vì đó là trách nhiệm của ông.
Tại sao báo chí Việt Nam không vạch được những điều nói trên ra trước công luận?
Hãy nghĩ xem, với các sự cố và tai nạn nhiều như vậy và lớn như vậy, ở một nước có nền Dân Chủ thực sự, với người dân có các quyền Tự Do thực sự, ông bộ trưởng có phải từ chức hay không?
Cung cách Trảm Tướng và Các Tuyên Bố Của Ông Bộ Trưởng Thể Hiện Điều Gì?
Cung cách xử lí sự việc của ông, trong đó nổi bật là Trảm Tướng và Tuyên Bố thật kêu, được báo chí của đảng CSVN hoan nghênh, sao thật tình tôi thấy có điều rất không ổn.
Không biết ông Đinh La Thăng thực sự muốn gì, nghĩ gì qua cung cách thể hiện đó của ông, nhưng qua cách mà báo chí phản ánh, tôi thấy cảm nhận nhưa sau:
1) Ông đổ lỗi cho cấp dưới. Dù cấp dưới có lỗi đi nữa thì cũng không nên lấy đó để che đậy lỗi của cấp trên. Trong các công trường lớn xây dựng hệ thống giao thông chậm như rùa bò hay công trình bị lún sụp, chỉ thấy cấp dưới có lỗi và bị cách chức. Trong tai nạn của công trường xây dựng đường sắt trên cao, sau các tuyên bố thật kêu của ông thì ông không có trách nhiệm gì cả!
2) Trình độ văn minh thấp trong quản lí và lãnh đạo:
a) Hung hăng, thể hiện quyền lực thô bạo: Cách chức ngay tại chỗ, hay đe dọa nhân viên trước mặt mọi người bằng câu nói như: “cái ghế của anh lung lay rồi đó”… đều không phải là cung cách lãnh đạo. Đó là cung cách của người nắm quyền lực nhưng không nắm các phương pháp làm việc văn minh như thảo luận, thuyết phục, đào tạo… do đó chỉ biết đàn áp người bằng cách thể hiện quyền lực thô bạo.
Nếu nhân viên này là cấp dưới trực tiếp của bộ trưởng thì ông Thăng cũng phải chịu trách nhiệm điều hành, quản lí! Nếu nhân viên này là cấp dưới trực tiếp của cấp dưới của bộ trưởng thì ông phải để cho cấp dưới của ông, tức người người quản lí trực tiếp nhân viên này, xử lí. Ông không nên “nhảy qua đầu” người khác.
b) Làm việc độc đoán, thiếu dân chủ, không theo qui trình: Việc cách chức một nhân viên vì có lỗi, vi phạm nguyên tắc, phương pháp làm việc… cần được xem xét, thảo luận về nguyên nhân vi phạm, hậu quả vi phạm… theo đúng qui định của cơ quan, có sự tham dự của cấp trên và của đương sự. Sau đó bộ phận Nhân Sự (tức Tổ Chức Hành Chánh) tiến hành thủ tục… Đâu phải muốn cách chức ai thì cách ngay tại chỗ như vậy?
c) Thiếu tôn trọng con người: cấp dưới có khuyết điểm, vi phạm nguyên tắc làm việc… thì cấp trên mời làm việc riêng, bàn thảo về sự vi phạm, về tác hại tới chiến lược phát triển hay mức độ hoàn thành chỉ tiêu… Người lãnh đạo có tầm nhìn rộng và sắc bén sẽ thuyết phục cấp dưới của mình nhận ra tai hại của sự việc và chấp nhận kĩ luật trong tinh thần làm việc tập thể. Như vậy, cấp trên sẽ hoàn thành vai trò lãnh đạo, cấp dưới sẽ tìm cơ hội sửa chữa sai lầm để thăng tiến trong tương lai. Hai bên vẫn giữ lòng tương kính, tương thân.
Khi có sự cố hay tai nạn, cần ra hiện trường ngay để khắc phục và kiểm soát tác hại. Nhưng không nên khiển trách, quát nạt, đe dọa nhân viên cấp dưới. Không nên làm mất thể diện bất kì ai trước công chúng.
KẾT LUẬN:
Thật ra, nói chuyện về cách thể hiện của bộ trưởng Đinh La Thăng không chỉ nói về ông. Cung cách này cũng là mẫu số chung của cung cách thể hiện trước công chúng của đa số các nhà lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền Việt Nam hiện nay. Đó là sự coi thường công chúng. Sự không có trách nhiệm trong lời tuyên bố của mình. Không có trách nhiệm về tính xác thực lẫn về tính khả thi của các tuyên bố. Phải chăng tất cả bắt nguồn từ sự chậm tiến của các nhà lãnh đạo đảng CSVN so với mặt bằng văn hóa và tri thức của giới trí thức Việt Nam nói chung?
Và phải chăng, sâu xa hơn nhưng cũng không kém phần trực tiếp hơn, tất cả bắt nguồn từ chế độ độc tài, độc đảng và toàn trị?
Trần Quí Cao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét