"...Hong Kong đã chứng kiến cả một thế hệ trẻ cống hiến năng lượng, đam mê và hy sinh cho một giấc mơ đầy cạnh tranh. Đây chính là những người mà ông ta cần bên mình. Tập Cận Bình có thể đã không để mất Hong Kong, nhưng ông ta vẫn cần phải làm nhiều, nhiều nữa, nếu muốn giành chiến thắng..."
Một số người cho rằng ông Tập Cận Bình đã thắng lợi ở Hong Kong. Tôi không cho là ông ta nghĩ vậy.
Trong lúc nhìn ngắm dòng xe cộ lưu thông trở lại ở trung tâm khu vực Admiralty hôm nay, ông chắc chắn thở phào nhẹ nhõm là mình đã không thua. Nhưng ông ta đang giao tranh với cuộc chơi nhiều cấp độ với nhiều đối thủ. Ông vừa mới chỉ vượt qua được một cấp.
Nói như thế cũng không có nghĩa là ông đã kém phần khéo léo.
Bằng cách để các cuộc biểu tình tự giải tán trong bối cảnh có phân hóa nội bộ cộng với nỗi mệt mỏi lan rộng của dân chúng Hong Kong, ông đã tắt bình oxy của phong trào dù vàng và chứng tỏ cách đối phó của Bắc Kinh với thách thức của công dân không chỉ có xe tăng và dùi cui.
Hơn nữa, ông không nhượng bộ. Bài học về việc Bắc Kinh không hạ mình trước các áp lực được chứng tỏ không chỉ với Hong Kong mà cho cả thế giới.
Nhưng chiến thắng thực sự duy nhất mà Bắc Kinh có thể tự nhận trong toàn bộ vụ việc này không phải là Hong Kong mà là ở đại lục, nơi chỉ có một số ít người dám lên tiếng ủng hộ dân chủ Hong Kong, cũng chẳng khuấy động được gì.
Đây là chiến thắng quan trọng đối với bộ máy tuyên truyền, đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh người biểu tình là tập hợp của đám trẻ ranh được nuông chiều, chỉ một mực làm theo sở thích của mình dù làm ảnh hưởng tới lợi ích chung và những kẻ thù của chế độ liên kết với lực lượng bên ngoài.
"Bất kỳ ai quan tâm tới Hong Kong và người dân Hong Kong phải nói ‘Không’ đối với những kẻ vì mục tiêu cá nhân mà cướp đi mong muốn chung của người dân", tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản, Nhân dân Nhật báo viết.
Các nhà hoạt động dân chủ ở khắp nơi nhận thấy cảm hứng từ những người biểu tình Hong Kong trẻ tuổi không vọng tới được những người đồng chí hướng ở đại lục.
Mặc dù được hưởng nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa và mặc dù có mối quan hệ rộng lớn hơn với phương Tây qua giáo dục đại học và du lịch nước ngoài, rất nhiều thanh niên Trung Quốc vẫn nghi ngờ các thông điệp lý tưởng chính trị.
Từ khi còn nhỏ, họ đã được học những câu chuyện lịch sử chỉ toàn kể về việc nỗi nhục của Trung Quốc dưới bàn tay ngoại bang.
Ngày nay rất nhiều người phản ánh sự nghi ngờ của những người xuống đường biểu tình, rối loạn xã hội và tư tưởng ngoại lai được rao giảng bởi những người có mưu đồ chia rẽ và lật đổ Trung Quốc.
Theo binh pháp gia nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Tôn Tử (viết sách từ cách đây hai ngàn năm rưỡi), thắng lợi tốt nhất là thắng mà không cần phải đánh.
Chứng kiến Hoa lục vẫn ổn định trong suốt hai tháng rưỡi biểu tình trên đường phố Hong Kong chính là thắng lợi kiểu này.
Nhưng khiêu khích hàng ngàn công dân đổ ra đường phố, cũng theo thước đo này, thì lại không vẻ vang chút nào. Chính Bắc Kinh đã tạo ra phong trào dù vàng.
Với Sách Trắng được đưa ra hồi tháng Sáu và kế hoạch bầu cử vào tháng Tám, Trung Quốc tỏ rõ rằng họ không chỉ đưa ra thế chính trị hẹp hơn ở Hong Kong mà còn muốn kiểm soát tất cả quân tướng của họ.
Công dân Hong Kong vốn đã bất bình trước qui mô du lịch và nhập cư ngày càng lớn và người trẻ thì bị gạt sang bên do một danh sách dài những khó khăn và chán nản, trong đó có giá bất động sản cao không tưởng.
Với đám đông đã sẵn nóng giận này, thông báo của Bắc Kinh châm ngòi làm bùng lên ngọn lửa.
Tôn tử có lẽ sẽ gọi vụ việc này là tự mình làm tổn thương mình. Việc chỉ định các ứng viên tranh cử nhằm tránh bị lãnh đạo tương lai của Hong Kong thách thức. Nhưng thay vào đó họ lại khơi dậy thách thức từ ít nhất 100.000 công dân.
Trong vở kịch chính trị, đối với một chính quyền vẫn muốn củng cố ấn tượng rằng vai của họ không chỉ biểu diễn mà còn cả viết kịch bản, mà trong đó Hong Kong là loại diễn viên rất khó chịu bỗng nhiên nổi dậy, không nghe lời.
Kể từ khi cú thử nghiệm lý tưởng Chủ tịch Mao vốn gây ra cái chết của hàng triệu người vào những năm 50, 60, các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn khẳng định rằng họ tin vào tinh thần "thật sự cầu thị", chân thành mong muốn tìm ra sự thật.
Sự thật liên quan đến Phong trào Dù vàng là thế hệ trẻ ở Hong Kong ngày càng chính trị hóa và tách biệt khỏi Trung Quốc.
Với những yêu cầu về quyền dân chủ, các thành viên của phong trào đã tự tạo thương hiệu của mình thành "không phải Trung Quốc".
Điều tương tự cũng xảy ra ở Đài Loan.
Mặc cho mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lôi kéo hợp nhất, thông điệp từ cuộc bầu cử gần đây cũng như Phong trào hoa Hướng dương cho thấy dân chúng Đài Loan và đặc biệt là những người trẻ, đang đi theo hướng ngược lại.
Thay vì dễ dàng bị đồng hóa với một Trung Quốc ngày càng giàu mạnh, Hong Kong và Đài Loan lại ngày càng thách thức hơn. Và thêm vào danh sách những điều phiền toái là dân chúng ở vùng này không thể đáng tin được bằng những người Trung Quốc yêu nước thực sự, đó là còn chưa tính đến Tân Cương.
Thế nên trong lúc Tập Cận Bình đang thực hiện Giấc mơ Trung Hoa của mình và thúc giục thanh niên Trung Quốc đoàn kết, có lẽ giờ ông đã nhận ra rằng thông điệp này rất khó đến được tai những người mà ông ta muốn họ cần phải nghe.
Hong Kong đã chứng kiến cả một thế hệ trẻ cống hiến năng lượng, đam mê và hy sinh cho một giấc mơ đầy cạnh tranh. Đây chính là những người mà ông ta cần bên mình. Tập Cận Bình có thể đã không để mất Hong Kong, nhưng ông ta vẫn cần phải làm nhiều, nhiều nữa, nếu muốn giành chiến thắng.
Trong suốt nhiều tuần ở khu cắm trại của những người thuộc phong trào dù vàng, một tấm bìa to bằng người thật mang hình ông Tập Cận Bình giơ cao chiếc ô vàng. Thật tiếc là ông ta đã không tới xem.
Hãy hy vọng rằng có ai đó đã báo cáo với ông những gì thực sự đã diễn ra trên đường phố Hong Kong.
Carrie Gracie
Theo BBC
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét