Vũ Thư Hiên - Đây là một chút kỷ niệm với nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Nó được viết ra khi anh còn sống, không rõ đã được in ở đâu, vào năm nào (tôi quên rồi). Nay tình cờ tìm thấy nó trong đống lộn xộn những bài viết cũ, bèn đưa lên đây để chia sẻ cùng bè bạn Facebook trong niềm đau thương tiếc một người đáng quý vừa chia tay chúng ta.
Ở miền Bắc Việt Nam trong thập niên 60, mọi thứ tin tức đều chậm. Trong tù, tin ở ngoài lọt vào còn chậm lắm lắm. Tin Bùi Ngọc Tấn bị bắt đến với tôi chậm tới bốn năm.
Năm 1971, tôi ở nhà tù có tên Trại cải tạo Tân Lập. Trại này nằm trong vùng đồi núi tỉnh Phú Thọ. Nó gồm vài phân trại, phân trại này cách phân trại kia năm bẩy cây số, tù chính trị ở lẫn với tù hình sự trong những phòng giam khác nhau. Thỉnh thoảng người ta lại xây thêm một phân trại mới cho tù từ các trại tạm giam các địa phương chuyển đến. Không biết mọi năm thế nào, chứ hồi ấy được mùa tù, trại giam mọc lên như nấm. Ngoài các trại Trung ương trên vùng rừng núi, tỉnh nào cũng có trại cả. Tỉnh nào chưa có trại riêng, phải gửi tù qua trại khác ở nhờ thì xấu hổ.
Ở trại nào cũng thế, cứ mỗi lần có tù mới là một lần cả trại náo nức. Tù mới đến là sứ giả của cuộc sống bên ngoài. Không có tù mới thì tù cũ mù tịt, không có cách nào biết ở bên kia những bức tường trại có chuyện gì xảy ra. Mà khốn nạn, những tin tức tù mới mang theo thường cũng chẳng mới là bao. Bởi vì trước khi bị hoặc được chuyển lên trại Trung ương họ có thể nằm trại tạm giam hoặc trại địa phương từ một đến hai năm. Tin một người chồng chết khi đến chỗ chúng tôi thì vợ đã kịp tái giá.
Trong một buổi buổi uống trà lậu với ấm là ca men, chén là đốt nứa, bếp là bát sắt men rách, một anh tù hình sự đất cảng đang lúc vui chuyện bỗng dưng nhắc tới một người tù ở trại Thủy Nguyên. Rằng ông này rất chi là đặc biệt, bướng lắm, cứ ngang xương mà tay đôi với cán bộ. Không cãi to, cứ nhỏ nhẹ, rì rầm, nhưng là cãi. Mà cán bộ chịu đấy. Không hiểu họ không dám trấn áp, hay vì nể cái gì mà không trấn áp, chỉ biết họ mặc, muốn cãi sao cũng mặc. Ai đã ở từng ở tù đều biết: ăn nói với cán bộ không phải thế nào cũng xong, lơ mơ đi cùm liền. Tôi hỏi hình dáng ông bạn tù ra sao, thì anh tù hình sự nói ông này không cao to cho lắm,nhưng đậm người, tóc rễ tre, trước kia đâu như là nhà báo hay nhà văn thì phải. Tôi lại hỏi: vậy cái ông nhà văn hay nhà báo nọ số chẵn hay số lẻ thì anh tù bảo ông ta số chẵn, nhưng mọi người đều biết đích thực là tội chính trị. Hỏi tên thì người kể chuyện bb1 anh ta không biết. Tôi đồ rằng đó là Bùi Ngọc Tấn. Nhà báo, tóc rễ tre thì đúng rồi, nhưng cao to thì không phải – Tấn người tầm thước, mập mạp. Ra tù rồi tôi mới biết mình luận không sai. Tuấn bị bắt sau tôi mấy tháng, vào đầu năm 1968.
Thời bấy giờ xã hội miền Bắc Việt Nam giống như một tu viện, với những tôn ti trật tự không giống ai do một vị chưởng quản khắc nghiệt đặt ra. Trong tu viện này bướng là một cái tội, mà tội lớn. Người dân chỉ được một cái quyền: ấy là ngoan. Người ngoan được coi là công dân tốt. Những người bị bắt vì tội bướng bỉnh nhiều lắm. Tức là, không có một tội tên là như thế trong luật hình sự của nhà nước, tất nhiên, nhưng người đi tù bắt đầu chỉ bằng sự cãi lại bề trên, là người được coi như đại diện cho Ðảng và Nhà nước, thì ngay lập tức bị ghi vào sổ đen, bị báo cáo, bị lập hồ sơ, sau rốt đi tù suốt. Chuyện như thế chẳng còn làm ai ngạc nhiên.
Ðiều tôi không hiểu được là Bùi Ngọc Tấn của chúng tôi đâu có được xếp đầu bảng đám cư dân bướng bỉnh để đến nỗi bị bắt. Anh hiền lành, nho nhã, sống củ mỉ cù mì, không châm chọc chính quyền, ăn nói cẩn trọng, viết văn thuận chiều, cũng chẳng ho he nói xấu lãnh tụ hay là bới móc chế độ. Trong những câu chuyện anh em bàn nhăng bàn cuội anh chỉ gật gù với thái độ tán thưởng, được hiểu là chúng ta như nhau cả, không có gì khác. Vì thế, ở ngoài nhìn vào Bùi Ngọc Tấn là một công dân không những bình thường, mà còn là công dân ngoan. Tấn mà cũng rơi vào tù thì chắc còn khối người phải theo chân anh. Ðiểm mặt các bạn đồng nghiệp không ngoan với chế độ thì thấy số có khả năng vào tù không phải là ít. Ðó là những nhà văn nhà báo nếu không giữ được để thốt ra miệng sự bất đồng với mọi thứ đường lối của Ðảng, thì cũng là loại người hấm hứ quay lưng lại với những đường lối ấy. Bất đồng về đường lối văn nghệ không thôi thì còn thể tha, chứ với đường lối chung, với chủ trương lớn của Ðảng mà cũng tỏ ý không bằng lòng thì Ðảng không tha. Không cần phải có hành động chống đối, chỉ cần có ý nghĩ chống đối thôi đã đủ để Ðảng trừng trị rồi. Mà ý nghĩ của con người ta khó giữ lắm, giấu mấy thì giấu, cẩn thận mấy thì cẩn thận, rồi cũng lộ ra, không ở chỗ này thì chỗ kia, không với người này thì người khác.
Sau này, qua những tin tức lọt vào tôi mới biết đúng là Bùi Ngọc Tấn đã bị bắt. Những người ngang cành bứa hơn anh nhiều lại không bị, mới kỳ. Những người ngang ngạnh không bị bắt có thể là vì họ vừa bị mắng đã nước mắt nước mũi giàn giụa xin tha. Mà cũng có thể các nhà lãnh đạo toàn năng và toàn quyền thấy bắt thế đủ rồi, không cần bắt thêm nữa. Lại cũng có thể các vị e ngại làn sóng công phẫn ngấm ngầm nhưng mạnh mẽ bắt đầu làm xáo động xã hội mà phải bắt, nhưng bắt nhiều quá cũng không phải đắc sách , mới ngừng. Thôi thì cứ đổ mọi sự không giải thích được cho cái số. Cho tiện.
Lại nữa, cũng có thể luận rằng Tấn bị bắt là do chơi thân với Hồng Sĩ, trung tá Công an, có quan hệ mật thiết với tôi, mà cả tôi lẫn Hồng Sĩ đều là “phần tử xét lại chống Ðảng”, đều đã bị bắt. Cũng như thế, Hồng Sĩ bị bắt là do chơi thân với Kỳ Vân. Kỳ Vân bị bắt vì chơi thân với Hoàng Minh Chính. Huy Vân bị bắt vì chơi thân với Lê Liêm. Vân vân. Dưới triều Lê Duẩn, cái sự giao du thường tình ở mọi xã hội khác được coi là thứ tiềm ẩn những tai họa cho chế độ. Tôi còn nhớ hồi ấy nhiều người không dám khai bất cứ ai vào mục bạn bè thân thiết trong lý lịch (trong bản khai lịch có mục đó). Cứ khai không có bạn thân thiết nào hết là chắc ăn.
Tôi kể đầu đuôi câu chuyện chúng tôi bị bắt nó là như thế nào, để giải nghĩa cái xã hội trong đó chúng tôi sống nó là như thế, ở đó người chẳng có tội tình gì cũng có thể bị bắt. Chứ tôi không có định kêu oan với ai. Càng không định kêu oan với mấy ông con giời “có ăn tìm đến, đánh nhau bỏ đi” quen đứng trên đầu nhân quần để đóng vai phán xét.
Thế là Bùi Ngọc Tấn của tôi trở thành nhà văn phản động chống chế độ. Không phải bằng văn chương (chắc chắn là như thế), mà bởi những mối quan hệ bè bạn (nhiều phần là như thế).
Không phải thế thì còn do cái gì?
Không phải thế thì còn do cái gì?
Chúng tôi quen nhau vào đầu thập niên 60, cái thập niên đầy biến động sau cuộc tấn công vào tệ sùng bái cá nhân của Nikita Khrushev trong Ðại hội lần thứ XX Ðảng cộng sản Liên Xô, mà hậu quả của nó là làm rung lay tận gốc các quốc gia có đảng cộng sản cầm quyền. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chống sùng bái cá nhân chưa hẳn là chống chế độ toàn trị, nhưng cũng là đòn nặng đánh vào nó. Những nhà lãnh đạo ruột rà với chế độ này hiểu ra hiểm hoạ đó bèn huy động mọi lực lượng có trong tay để chống lại. Nếu như ở bên Tầu người ta làm đại cách mạng văn hóa vô sản, thì ở Việt Nam cũng có một cái tương tự, nhưng bớt ồn ào hơn, chúng tôi gọi nó là “tiểu cách mạng văn hóa vô sản”. Mục tiêu chính của cái việc làm mang bản chất vô văn hóa này là phản công lại làn sóng yếu ớt đòi dân chủ hóa xã hội. Nó nhằm vào lớp đảng viên cứng đầu và đám trí thức, xưa nay vốn bị đảng nghi kỵ (các nhà lãnh đạo thất học bao giờ cũng đinh ninh bị trí thức khinh khi). Trong cuộc truy lùng phù thuỷ do Lê Duẩn – Lê Ðức Thọ lãnh đạo, chúng tôi, những người cầm bút do chính đảng cộng sản đào tạo, cũng trở thành con mồi của chúng.
Không biết khi Bùi Ngọc Tấn trở thành kẻ thù của nhân dân thì anh nghĩ sao, chứ tôi thì tôi ngao ngán lắm. Tôi tiếc mình đã không làm một cái gì hơn những lời phát biểu ngang ngược làm đảng lãnh đạo bực mình, để rồi bị bắt một cách lãng nhách. Thật uổng.
- Mình cũng nghĩ như thế. – Bùi Ngọc Tấn nói với tôi khi chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn năm 1985 – Nhưng nếu làm, thì hồi ấy chúng mình làm được cái gì ?
Chúng tôi chẳng làm được cái gì hết, trừ những lời nói. Ðành tự an ủi rằng dù sao chúng tôi cũng đã gióng được một tiếng chuông nho nhỏ, để cho những nhà lãnh đạo tự thị biết rằng cái sự ngoan ngoãn đi theo đảng không còn như trước nữa, rằng cái sự đoàn kết dưới cờ đảng trong khối thống nhất không gì phá vỡ nổi chỉ có giá trị huyền thoại. Và để nhân dân hiểu rằng cần phải tỉnh táo nghĩ bằng cái đầu của mình, chứ không thể nhất nhất vâng theo đám đầu mục thời hiện đại.
Ðiều làm tôi mừng là tinh thần Bùi Ngọc Tấn vẫn như xưa, khi anh chưa phải chịu đựng sáu năm tù không có xét xử. Mái tóc nhiều sợi bạc, mặt nhiều nếp nhăn hằn sâu – đó là tất cả những gì mà Ðảng anh minh có thể thay đổi trong con người anh.
- Chúng mình sẽ phải viết về những gì chúng mình thấy. – Tấn nói – Trách nhiệm đấy, ông ạ.
– Hoặc đừng cầm bút nữa. – tôi đồng ý với anh.
– Hoặc đừng cầm bút nữa. – tôi đồng ý với anh.
Tôi cặm cụi sưu tầm tài liệu cho cuốn sách của tôi. Nó sẽ phải ra đời, một lúc nào đó.
Tấn kể cho tôi nghe chuyện đời tù, nói anh ghi chép được khá nhiều cho những sáng tác tương lai, bây giờ anh đang sắp xếp lại để viết. Nhưng anh than phiền rằng anh viết chậm, chậm lắm. Và cảm thấy mình bất lực – sự thật ngồn ngộn trước mắt mà ngòi bút thì ẻo lả, không sinh khí.
Tôi suy tôi ra thì hiểu tâm trạng Tấn. Bất cứ công việc nào cứ bỏ bễ một thời gian thì cũng thế cả, bắt đầu lại lóng ngóng lắm. Trong chuyện viết văn còn tồn tại một cái ngáng trở ngòi bút nữa. Là cái sợ. Nó là con đỉa sống dai, bám chắc. Hồi ấy, năm 1985, chưa có gì hứa hẹn cái chết của nó.
Tôi suy tôi ra thì hiểu tâm trạng Tấn. Bất cứ công việc nào cứ bỏ bễ một thời gian thì cũng thế cả, bắt đầu lại lóng ngóng lắm. Trong chuyện viết văn còn tồn tại một cái ngáng trở ngòi bút nữa. Là cái sợ. Nó là con đỉa sống dai, bám chắc. Hồi ấy, năm 1985, chưa có gì hứa hẹn cái chết của nó.
Tôi hình dung ra phòng văn của Tấn. Một căn phòng không quá hai chục thước vuông, nơi vừa là phòng ăn, vừa là phòng ngủ của cả gia đình – vợ chồng anh và các cháu. Nơi từ nhiều năm thường xuyên diễn ra những cuộc gặp gỡ ồn ào giữa mấy thế hệ cầm bút, những cuộc tranh cãi nghệ thuật khi vui vẻ khi khùng điên bên cạnh giường ngủ của vợ con Tấn, màn đã buông. Nơi Nguyên Hồng lui tới nhiều nhất mỗi khi trở về vùng đất sinh thành của những nhân vật Bỉ Vỏ, Qua Những Màn Tối, Những Ngày Thơ Ấu… Nguyên Hồng nhận xét về Tấn :”Thằng này nó viết dí dỏm ra phết. Cái nhìn của nó cũng thế, tưởng là lờ đờ mà hoay hoáy, hoay hoáy, phát hiện ra những cái mà người khác bỏ qua, hoặc là không thấy được. Mình mà có cái chất của nó hồi trẻ thì phải biết!”
Những kỷ niệm này được Tấn ghi lại một phần không nhiều trong Một Thời Ðể Mất.
Tấn bắt đầu văn nghiệp bằng nghề phóng viên. Anh làm ở tờ Tiền Phong, một tờ báo của Ðoàn thanh niên lao động (sau thay đổi tên thành Ðoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Anh đi nhiều, viết nhiều. Những bài báo tầm phơ, tất nhiên. Nhưng những chuyến đi liên miên ấy cho anh chất liệu để viết cái khác – những truyện ngắn, bút ký. Bạn đọc bắt đầu chú ý tới anh bởi cái nhìn độc đáo, sắc sảo. Anh viết cần cù, không nhiều, nhưng không nịnh bợ, không tô hồng, cũng không bôi đen, biết tránh né. Có nghĩa không hoàn toàn là cách viết thời thượng, cũng không phải cách viết để được khen là tiến bộ, chóng được lên lương, lên chức. Có những tác phẩm anh viết để đấy, chỉ vài người bạn thân được biết. Mà chúng nào có phải tác phẩm chửi đảng hoặc bôi đen chế độ đâu, chúng chỉ thực, hoặc quá thực mà thôi. Không biết anh có bị mất những bản thảo ấy vào tay Công an không? Nếu là thế, tội anh sẽ nặng thêm.
Bùi Ngọc Tấn không bỏ bút, đúng như anh nói. Anh cặm cụi viết, và kết quả là hai cuốn sách đã ra đời: Một Thời Ðể Mất, Những Người Rách Việc… Lần này cũng vậy, những đề tài vẫn cứ là hiền lành, không chính trị chính em, chỉ là chuyện đời thường, là những suy ngẫm về số phận và những quan hệ giữa người và người. Tuy vậy, những cuốn sách hiền lành ấy cũng không thể được xuất bản ba mươi năm trước, khi Bùi Ngọc Tấn bước chân vào nhà tù. Thời đã khác.
Tôi sẽ không nói về nội dung những chuyện được ghi lại trong sáng tác của Bùi Ngọc Tấn. Tự những câu chuyện bình dị được kể bằng giọng la đà, không có ý thuyết phục ai, chẳng dám dạy bảo ai, nói lên cái nhìn nhân bản, xót xa đối với con người của tác giả. Sáng tác của Bùi Ngọc Tấn lần đầu tiên đến với bạn đọc hải ngoại là Người Chăn Kiến, được đăng trong một số tạp chí Diễn Ðàn ở Paris. Số phận của người giám đốc bị bỏ tù oan được miêu tả một cách dửng dưng có sức mạnh của tiếng thét bất bình. Anh giám đốc cuối cùng được trả lại tự do, được phục chức, lẽ công bằng có vẻ như đã được lập lại cho anh ta, nhưng ở lúc lẽ ra anh ta phải vui nhất, sướng nhất, thì anh lại lẳng lặng chui vào phòng riêng để làm cái công việc khổ sai kỳ cục mà những tên anh chị lưu manh trong tù bắt anh phải làm, để hạ nhục anh, là đi bắt mấy con kiến và … chăn chúng. Mặc cho ở ngoài kia người ta liên hoan tưng bừng, anh kiên nhẫn dùng những tấm danh thiếp chặn đường đi của những con kiến trong cái trò chơi vô nghĩa của mình. Than ôi, con người bị chà đạp đến đánh mất mình đến như thế đấy. Ngay cả trong vô thức anh ta không nhận ra anh ta nữa. Người Chăn Kiến là tiếng kêu cứu cho con người bé nhỏ, con người tội nghiệp, con người dân đen, là lời nguyền rủa cái quyền lực bất nhân không đếm xỉa đến số phận thần dân nằm dưới quyền cai trị của nó.
Ðược viết mấy dòng về bạn mình, trong lúc bạn còn sống, là một niềm vui.
Bùi Ngọc Tấn gặp rủi, nhưng vượt qua nỗi bất hạnh của mình, anh may mắn được sống tới hôm nay, để còn có dịp gửi tới các bạn tiếng lòng anh.
Mong rằng chúng ta sẽ còn nhiều dịp được gặp anh trong những cuốn sách khác, bởi vì những gì mà thế hệ chúng tôi chứng kiến và nếm trải đáng được viết ra trong không phải một vài, mà nhiều cuốn sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét