Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Flappy Bird : Đừng vội trách người Việt

flappybird001"...Nếu chàng trai sinh năm 1985 này làm được một việc thật sự tốt mà vẫn bị người dân quay lưng, dân tộc đó quả thật có vấn đề. Nhưng nếu người dân nước đó bảo vệ một hành động sai trái chỉ vì là đồng hương, dân tộc đó còn "có vấn đề" hơn nữa..."


flappybird05
Flappy Bird là một trong những trò chơi
tạo cơn sốt toàn cầu trong năm 2014
Hiện giờ ở Việt Nam, cứ ai nhắc đến Flappy Bird là người ta lại nghĩ đến thói "ghen ăn tức ở" của người Việt và Hà Đông trở thành biểu tượng của một nhân tài không được trọng dụng tại Việt Nam. Sự thực có phải như vậy?
Tại sao Flappy lại bị "ghét"?
Có người nước ngoài dẫn chứng việc của Hà Đông cho tính sính ngoại hay "bụt chùa nhà không thiêng" của người Việt, nhưng họ quên rằng chính các trang tin nước ngoài là những người đầu tiên nghi ngờ Hà Đông.
IGN - một website chuyên đánh giá về trò chơi điện tử, phim, âm nhạc cho trò chơi này 5.4 điểm trên 10 (tức ở mức độ xoàng xĩnh), cho rằng "tuy nó gây nghiện nhưng cũng nông cạn, cực kỳ đơn điệu, thiếu sáng tạo, không có sự tiến triển, và chỉ là thứ để giết thời gian".
Kotaku - một blog chuyên về video game nhấn mạnh rằng chẳng có gì trong trò chơi này là nguyên bản, và cáo buộc Flappy Bird đã nhái Super Mario từ cảnh vật trong trò chơi, những ống cống màu xanh, đến tạo hình con chim.
Còn theo đánh giá của Patrick O'Rourke, biên tập viên chuyên về công nghệ và các trò chơi của Canada.com thì Flappy Bird là một trò chơi "tồi tệ và thuộc loại dở nhất" mà anh ta từng chơi.
Biên tập viên này còn cáo buộc Flappy Bird đã bắt chước gần như giống hệt trò chơi tên Piou Piou vs. Cactus (phát hành vào năm 2011).
Pocket Gamer còn cho rằng có lẽ đủ chứng cứ để khẳng định Flappy Bird là game nhái, nhưng Kek - tác giả của trò chơi Piou Piou vs. Cactus nói anh ta sẽ không kiện ra tòa mà sẽ dùng số tiền và thời gian đi thưa kiện để đầu tư làm game mới.
flappybird06
Bản thân tôi cũng chưa dám đưa ra đánh giá khi chỉ nghe thông tin qua báo chí, nhưng khi chơi thử thì cũng thấy như vậy thật.
Một người "cổ điển" như tôi không khỏi bức xúc: tại sao người ta không thích những trò thú vị, nhiều tình huống đa dạng như Mario mà lại hâm mộ những game giản đơn chẳng có gì sinh động như Flappy Bird?
Đặc biệt với những người đã từng mê "Húc Nấm" (tên gọi dân gian của Super Mario) thì việc trò chơi dường như là nhái mà lại thành công quá mức tưởng tượng là một điều khó chấp nhận.
Nhiều người nghĩ rằng việc không ủng hộ Hà Đông là do người Việt ghen tị.
Nhưng nếu ai thành công, nhất là thành công tại nước ngoài cũng bị ghen tị thì tại sao giáo sư Ngô Bảo Châu lại không bị như vậy?
Có sự khác biệt nào ở đây?
Nguồn gốc của sự ghen tị
Khi nhìn thành công của người khác, mỗi người trong chúng ta, dù tấm lòng rộng lớn đến đâu đều ít nhiều ghen tị.
Các fan của Arsenal-khi thấy Nguyễn Xuân Tiến được Arsenal-ưu ái chỉ bằng hành động chạy theo xe buýt chở đội chắc hẳn cũng đôi chút ghen tị, nhưng rồi chẳng ai thấy ghét anh chàng Running Man vì sự vô tư và tình yêu bóng đá của chàng trai này cả.
Trường hợp của Giáo sư Ngô Bảo Châu, sự ngưỡng mộ và lòng tự hào xâm chiếm tất cả. Ông đã đoạt được giải thưởng cao quý của thế giới - điều không thể nhờ may mắn hay gian lận mang lại.
Còn về Hà Đông, tôi thật sự tin chắc rằng nếu anh sáng tác ra một Game kinh điển như Super Mario, không có người Việt Nam nào đố kị với anh đâu.
chunhan_flappybird
"Đông còn có một câu nói đáng để suy nghĩ: 'Mọi người vẫn thích những thứ không hoàn hảo'".
Sự không ủng hộ với Flappy Bird có nguyên nhân, trò chơi này không có được sự tin tưởng về một hình ảnh "trong sáng" như chàng Running Man, lại càng không có được sự vĩ đại như giải Fields của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Sự nghi ngờ và không thán phục về một thành quả vượt quá giá trị làm cho sự ghen tị vốn có sẵn trong mỗi con người nổi lên lấn át, đó chính là nguyên nhân của mối không thiện cảm dành cho Hà Đông.
Người ta có quyền nghĩ thế này chứ: Một việc làm đơn giản (thậm chí là sao chép không biết chừng) không xứng đáng có được kết quả như vậy. Nếu chỉ có thế, tại sao mình không thể thành công?
Đây rõ ràng là suy nghĩ của những nhà lập trình Game nước ngoài, cứ nhìn phản ứng của họ thì thấy.
Nhưng cũng đừng vì thế mà mong người Việt Nam bảo vệ Hà Đông - một người dân của nước mình bằng mọi giá.
Nếu chàng trai sinh năm 1985 này làm được một việc thật sự tốt mà vẫn bị người dân quay lưng, dân tộc đó quả thật có vấn đề.
Nhưng nếu người dân nước đó bảo vệ một hành động sai trái chỉ vì là đồng hương, dân tộc đó còn "có vấn đề" hơn nữa.
Phải nói rằng người Việt Nam chưa đoàn kết, nhưng trong trường hợp của Hà Đông, tôi không cho rằng như vậy.
Hà Đông có sai
Ác cảm của nhiều người Việt bắt đầu dịu dần sau khi hãng Nintendo tuyên bố không đưa ra phản ứng nào về những sự tương đồng của Super Mario và Flappy Bird. Như vậy có nghĩa là sự giống nhau giữa hai trò chơi vẫn ở mức độ cho phép.
Đông còn có một câu nói đáng để suy nghĩ: "Mọi người vẫn thích những thứ không hoàn hảo".
Như vậy Hà Đông biết rõ giá trị sản phẩm của mình, nó không tuyệt vời, nhưng rất nhiều thứ không tuyệt vời trên đời này lại thành công vượt quá sự mong đợi trong khi nhiều sản phẩm được coi là hoàn hảo lại chẳng được công chúng đón nhận.
Nếu ngôi sao may mắn rơi trúng ai, người đó đâu có lỗi?
Sự chỉ trích đối với cá nhân Đông đã chấm dứt, nhưng sự tức giận dành cho người Việt Nam vẫn chưa nguôi. Như chúng ta đã thấy: Đông không đáng trách, và bây giờ cũng đừng trách người Việt Nam.
Flappy Bird dù có gây ra cảm xúc nào, cho đến giờ phút này có lẽ đều mang lại những tác động tích cực cho Việt Nam: Đông đã giàu có, các lập trình Game Việt Nam có thêm niềm tin và động lực...
Thế cho nên, hãy bỏ qua quá khứ ở phía sau và mong rằng Việt Nam sẽ lại có thêm những Flappy Bird trong năm mới.
Trần Công Hưng
Gửi cho BBC từ Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét