Hơn 10 ngày qua, dư luận trong và ngoài nước đưa tin và quan tâm đến việc nhà văn Nguyễn Quang Lập (Bọ Lập), bị tạm giam và điều tra về hành vi liên quan đến tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – theo điều 88 Bộ luật hình sự. Việc tạm giam Bọ Lập dựa theo căn cứ nào?
Nhà văn Nguyễn Quang Lập trong một lần xuống đường cùng mọi người phản đối Trung Quốc có hành vi xâm lấn lãnh thổ Việt Nam.
Bọ Lập là một nhà văn nổi tiếng và được hàng triệu người yêu mến, trong đó có tôi. Thậm chí đối với tôi, còn là sự QUÝ TRỌNG.
Bọ Lập là chủ trang blog Quechoa rất nổi tiếng, với hàng trăm ngàn lượt đọc mỗi ngày. Theo thông tin trên báo chí, được biết mấy ngày trước ông đã bị Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can để điều tra, truy tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” – theo điều 88 của Bộ luật Hình sự (BLHS). Cùng đó là quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 4 tháng của Viện kiểm sát đối với ông.
Trong bài viết ngắn này, tôi không bàn tới chuyện tình cảm, hay lòng quý trọng đối với Bọ Lập, mà muốn chia sẻ thông tin về mặt pháp luật, về thủ tục tố tụng hình sự, xung quanh việc tạm giam Bọ Lập.
Trước hết, tạm giam là một trong những “biện pháp ngăn chặn” trong tố tụng hình sự, không chỉ Việt Nam mà hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có quy định. Tạm giam không phải là hình phạt và chỉ áp dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết và phải đúng với quy định của pháp luật hình sự.
Theo Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) về các biện pháp và căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn thì:
“Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi thẩm quyền tố tụng của mình hoặc người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật này có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn sau đây: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”.
Thông thường, trước khi bị tạm giam, người có dấu hiệu phạm tội có thể bị tạm giữ. Về thời hạn tạm giữ, điều 87 BLTTHS quy định như sau:
“Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày”.
Như vậy, có thể thấy thời hạn tạm giữ cao nhất (đã được gia hạn) là không quá 9 ngày. Chính vì vậy, mà có tin nói Bọ Lập khi bị công an dẫn đi đã dặn vợ rằng: “Nếu sau 9 ngày mà không về thì 3 năm”. Tức là ông đã “nghiên cứu” và hình dung ra phần nào tình huống của mình.
Điều 88 BLTTHS quy định về tạm giam như sau:
1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;
b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:
a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Như vậy, theo lẽ thông thường thì do đang có nhiều bệnh tật, Bọ Lập không thể bị tạm giam. Tuy nhiên, vì cơ quan điều tra cho rằng Bọ lập có hành vi “phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia” – nên họ đã đề nghị tạm giam Bọ Lập.
Thời gian vừa qua, tại Việt Nam đã có nhiều người bị truy tố và kết án về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” – theo điều 258 BLHS.
Điều đáng nói là “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” được xếp vào nhóm “Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính” – nhìn chung được xác định là ít nghiêm trọng, ít “nguy hiểm” hơn (đối với Nhà nước CHXHCNVN) so với nhóm tội Xâm phạm an ninh quốc gia.
Theo Điều 88 Bộ luật hình sự, tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thuộc nhóm “Các tội xâm phạm an ninh Quốc Gia” – và đây là trường hợp của Bọ Lập.
Nói tóm lại, nếu căn cứ theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, thì việc Bọ Lập bị bắt tạm giam là có căn cứ, chứ không hẳn là bắt bừa, bắt ẩu.
Tất nhiên, chúng ta cần biết là về nguyên tắc, thì hiện nay nhà văn Nguyễn Quang Lập chưa/không có tội. Chưa có bản án nào của tòa án có thẩm quyền phán quyết ông phạm tội. Điều này được quy định trong Hiến Pháp.
Liệu Bọ Lập có phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không – chúng ta cần phải chờ và mong mỏi một phiên tòa xét xử công khai, khách quan và công bằng.
Ps. Xin nói thêm là trước đây khi còn là phóng viên ở báo Pháp luật TP.HCM, tôi từng có bài viết “Tạm giam đang bị lạm dụng”.
———————
Quy định tại Bộ luật hình sự:
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét