Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Nguyễn Văn Chưởng phải chết vì chức PGĐ CA TP Hải Phòng của Dương Tự Trọng?

Em Nguyễn Thị Thanh Hải, con gái anh Chưởng, năm nay 8 tuổi. Tám năm nay, em chưa một lần cảm nhận vòng tay của cha. Ngày cha mình bị bắt đi, em đang nằm trong bụng mẹ. Ba tháng sau ngày ấy, em chào đời. Hai tuổi, người mẹ đã không thể chịu nổi khi phải sống dưới thân phận vợ một người tử tù, đã bỏ em lại cho ông bà và ra đi. Đã mấy năm rồi, em không còn tin tức gì của người mẹ nữa. Mỗi tháng, em lại nghỉ học một vài buổi để cùng ông bà đi kêu oan cho cha. Cô giáo dạy em trên lớp biết điều ấy, và chỉ nói với gia đình đừng cho em nghỉ nhiều quá, sẽ theo không kịp bạn mà thôi...


Từ chiếc xe Dream cà tàng…
Hà Nội một ngày đông rét mướt, co cóng. Tôi có cuộc hẹn với ông Chinh vào một buổi sáng chủ nhật. Mới 6 giờ 20 phút, điện thoại đổ chuông:
- Chú đến rồi cháu à.
Đánh răng rửa mặt xong, tôi tức tốc chạy ra.
- Chú đến sớm quá vậy?
- Chú đi từ 2 rưỡi sáng, đến đây khoảng 30 phút rồi mới gọi cháu, vì sớm quá để cháu ngủ.

Tôi nhìn ra chiếc xe ông sử dụng, một chiếc Dream Trung Quốc cũ kỹ, lại gắn thêm cái khung để thồ hàng. Bằng chiếc xe máy này, 8 năm nay, đã không biết ông và vợ đã đi lên đi về từ xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương tới Hà Nội cả hơn trăm cây số bao nhiêu lần. Chiếc Dream cà tàng ấy chắc cũng như ông, một cựu lính bộ Nam Lào – Trường Sơn hồi 1972, năm nay 70 tuổi, đã quá mệt mỏi, chỉ chờ đến lúc nằm gục lại. Dẫu vậy, cho đến khi thực sự gục ngã, ông vẫn quyết tâm đi đến cùng để cứu con trai mình. Con trai ông, anh Nguyễn Văn Chưởng, năm nay 31 tuổi, bị kết án tử hình trong vụ án giết hại thiếu tá CA Nguyễn Văn Sinh tại phường Đông Hải 2, Q. Hải An, TP Hải Phòng 8 năm trước. Tuy qua cả 3 phiên tòa, sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, án tử hình của anh vẫn được giữ nguyên, nhưng gia đình ông Chinh vẫn một mực tin tưởng rằng con mình bị kết án oan, vì hôm xảy ra vụ án ở Hải Phòng, 14/07/2007, Chưởng cùng một người bạn từ chỗ làm việc ở Hải Phòng, có về quê chơi. Thời điểm xảy ra vụ án, 21 giờ tối, anh cùng người bạn đó đang ở nhà một người quen trong xã. Nhiều người quen biết trong xã xác nhận rằng, tối hôm xảy ra vụ án đó, đã gặp anh Chưởng ở quê, xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương, cách địa điểm xảy ra vụ án chừng 35km. Vì thế, anh không thể nào là kẻ giết người được.
Đã 7 năm qua từ khi bản án tuyên cho đến tận bây giờ khi gia đình được tin chuẩn bị hành hình, ông Chinh và vợ đã đi khắp các nơi có thể trên Hà Nội để kêu cứu cho con trai mình. Ông đã từng viết thư bằng chính máu của mình để kêu oan cho con. Nhưng những gì ông nhận được là những đợi chờ không hồi đáp hoặc những câu trả lời rằng “đã đúng người, đúng tội”. Dẫu vậy, ông vẫn cứ đi, cứ đi và vẫn cứ đi. Với chiếc xe máy cà tàng đã quá già nua và mệt mỏi y như đôi vợ chồng già này, vợ chồng ông sẽ đi đến khi nào họ không còn chịu đựng nổi, hoặc một tai nạn nào đó trên quốc lộ 5 khiến vợ chồng ông nằm lại. Và sẽ vĩnh viễn chôn vùi niềm tin sắt đá của họ, rằng con mình vô tội.




Đến manh áo người tử tù
Tôi gặp Nguyễn Trọng Đoàn, em trai Chưởng và cũng là một bị cáo trong vụ án ấy. Anh bị kết án 2 năm vì “che giấu tội phạm”. Anh kể rằng anh không ngờ rằng mình cũng bị đi tù. Hôm xảy ra vụ án, hai anh em hẹn nhau ở quán Internet gần nhà ở quê. Vợ chồng người chủ quán Internet này hiện vẫn xác nhận rằng hôm đó họ thấy Chưởng vào quán gọi em về. Khi Chưởng bị bắt, Đoàn đã đi gặp các nhân chứng để nhờ họ xác nhận rằng tối hôm 14/07/2007, họ thấy anh Chưởng ở quê. Ngày 10/08, anh lên trụ sở Công an để nộp bằng chứng, thì bị họ bắt lại, đánh đập, tra tấn tàn bạo và ghép vào tội “Cố ý che giấu tội phạm”.

Ghê gớm hơn nữa, những người làm chứng rằng tối hôm xảy ra vụ án họ thấy Chưởng ở quê, cách địa điểm xảy ra vụ án đến 35km, cũng được gọi lên và nhận những lời hăm dọa, những trận tra tấn kinh hoàng của CA Hải Phòng mà đến tận bây giờ, họ còn kinh hãi. Công an còn dọa sẽ bắt cả làng, nếu cả làng làm chứng. Người dân Bình Dân còn kể rằng, Dương Tự Trọng, lúc đó là Thượng tá, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, cầm ve áo và tuyên bố: “Tao, thượng tá Dương Tự Trọng, thề sẽ làm cho thằng chủ tịch xã Bình Dân mất chức!”, chỉ vì ông chủ tịch xã lỡ xác nhận rằng những người nhân chứng đó là người thuộc địa phương ông.

Ngày lên tòa nhận bản án tử hình, Chưởng gửi lại một chiếc áo đông xuân cũ cho gia đình. Chiếc áo ấy Chưởng đã rút từng sợ chỉ rồi dùng tăm thêu. Dòng chữ trên chiếc áo kể về nỗi oan khuất của mình:
"Án oan ôm hận nhờ Chính phủ
Giải oan hận này cho dân đen
Tấm lòng trong sạch thiên địa biết
Trả lại công bằng cho dân thường
Sao để quan sai hành hạ dân
Luật pháp Việt Nam là rất đúng
Đừng để oan sai giáng hạ cho dân lành".

Đã gần 8 năm trôi qua, anh Chưởng vẫn nằm trong ngục tử tù với những lời kêu oan của mình. Phía tòa án Hải Phòng đã đến báo với gia đình, tháng 12 này sẽ đem anh ra xử tử.

Em Nguyễn Thị Thanh Hải (áo màu vàng) cùng ông bà kêu oan cho cha

Và em Hải…
Em Nguyễn Thị Thanh Hải, con gái anh Chưởng, năm nay 8 tuổi. Tám năm nay, em chưa một lần cảm nhận vòng tay của cha. Ngày cha mình bị bắt đi, em đang nằm trong bụng mẹ. Ba tháng sau ngày ấy, em chào đời. Hai tuổi, người mẹ đã không thể chịu nổi khi phải sống dưới thân phận vợ một người tử tù, đã bỏ em lại cho ông bà và ra đi. Đã mấy năm rồi, em không còn tin tức gì của người mẹ nữa. Mỗi tháng, em lại nghỉ học một vài buổi để cùng ông bà đi kêu oan cho cha. Cô giáo dạy em trên lớp biết điều ấy, và chỉ nói với gia đình đừng cho em nghỉ nhiều quá, sẽ theo không kịp bạn mà thôi.

Tôi đã từng dự định ghi lại hình ảnh của em khi em đi kêu oan cho cha. Nhưng rồi lại thôi. Tuổi của em, phải được cắp sách đến trường tự nhiên như bao bạn bè khác. Tuổi của em, phải được sự chăm sóc, yêu thương của cha và mẹ. Tuổi của em, phải được hồn nhiên vui cười nũng nịu. Tuổi của em, phải được nhiều thứ lắm. Tuổi của em không phải nghỉ học để đi kêu oan cho cha mình. Tuổi của em, phải được mặc ánh trắng tinh khôi chứ không phải mặc những bộ quần áo với dòng chữ oan ức. Tuổi của em, không phải sống trong một gia đình mà nỗi oan khiên đè lên từng nhịp thở. Nếu cuộc đời này công bằng như người ta thường nói, em sẽ không phải như vậy.

Giá mà cuộc sống công bằng hơn một chút. Để những ân huệ cuối cùng còn sót lại của cuộc đời này, xin hãy dành cho em.
Hà Nội, 28/12/2014

Textbox:
Vụ án giết người xảy ra vào lúc 21h ngày 14/07/2007 tại Cảng Đình Vũ, P Đông Hải 2, Quận Hải An, TP Hải Phòng. Nạn nhân là thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, cán bộ CAP Đông Hải 2.
Vào tối ngày 01/08, CA TP Hải Phòng đã bắt Nguyễn Văn Chưởng, Vũ Toàn Trung và Nguyễn Văn Hoàng, được cho là hung thủ của vụ án này.

Qua 3 phiên xét xử, sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tòa án đã tuyên Nguyễn Văn Chưởng tử hình, Đỗ Văn Hoàng tù chung thân , Vũ Toàn Trung 23 năm tù giam vì các tội danh giết người và cướp tài sản; Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) 2 năm tù giam vì che dấu tội phạm; Nguyễn Thị Lan Phương 1 năm tù treo vì không tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, bản án có nhiều điều cần đặt nghi vấn:
-Lời khai của các bị cáo trong vụ án có nhiều điều mẫu thuẫn với nhau và không đúng với bản khám nghiệm hiện trường, có rất nhiều bản khai đi khai lại nhiều lần.
- Người bị cho là cầm đầu vụ án là Nguyễn Văn Chưởng có bằng chứng ngoại phạm là thời điểm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Chưởng đang ở quê nhà là xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương; cách địa điểm xảy ra vụ án chừng 35km. Có rất nhiều người dân trong xã đã làm nhân chứng cho việc này.
- Nhân chứng trong vụ án này, cụ thể là anh Trần Quang Tuất, xã Bình Dân, Kim Thành, Hải Dương đã bị ép cung, nhục hình dã man. Các nhân chứng khác do gia đình và luật sư mang đến phiên tòa đều không được chấp nhận.
- Quá trình điều tra xét hỏi có dấu hiệu việc ép cung, nhục hình. Các bị cáo liên tục kêu oan và trả lời rằng “ khai theo lời đọc của điều tra viên”. Anh Nguyễn Trọng Đoàn, em trai Chưởng khi đến giao nộp bằng chứng ngoại phạm của Chưởng đã bị bắt và khép tội “ cố ý che dấu tội phạm”. Anh hiện đã thi hành án xong và tố cáo rằng mình bị ép cung, nhục hình dã man.

Theo lời ông Nguyễn Trường Chinh, bố đẻ của Nguyễn Văn Chưởng, sau khi hoàn thành vụ án này, thượng tá Dương Tự Trọng,phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng, người trực tiếp thụ lý vụ án đã lên ngay chức Phó Giám đốc CATP Hải Phòng. Liệu có phải Nguyễn Văn Chưởng phải chết vì chức Phó Giám đốc CATP Hải Phòng của Dương Tự Trọng?

Gió Lang Thang 
(Trịnh Anh Tuấn)


P/S: Khi bài viết này được hoàn thành, chiếc Dream cũ nát ấy đã hư hỏng hoàn toàn. Một chủ nhà trọ tốt bụng ở Hà Nội, nơi ông bà Chinh thường nghỉ qua đêm đã cho ông bà mượn 2,5 triệu để mua cho ông bà một chiếc xe khác để ông bà đi lại. Hôm nay, cũng là ngày thứ 11 liên tục ông bà tọa kháng để kêu oan cho con tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.


Tướng Đỗ Hữu Ka kể chuyện phá án và 

ngày ăn 1 gói mì




(ĐSPL) - Sau cái đêm Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, cảnh sát hình sự Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An bị sát hại trong khi làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến đường Đình Vũ, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka (khi ấy là Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng) đã tự hứa như đinh đóng cột rằng: Chỉ trong 45 ngày, sẽ đưa được hung thủ ra ánh sáng.

Những vụ phá án kinh điển
Ròng rã gần một tháng trời sau lời tự hứa đó, phòng làm việc của tướng Ka đêm nào cũng sáng đèn. Dù đã trôi qua gần 7 năm, nhưng Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka vẫn nhớ như in từng tình tiết của vụ trọng án có một không hai này. ông kể: "Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh trước làm cán bộ ở Đội trọng án thuộc PC45, sau đó được phân công công tác tại Công an huyện Cát Hải rồi về Công an phường Đông Hải 2 và được giao nhiệm vụ cùng 8 chiến sỹ khác đảm bảo mục tiêu tại trạm cảng Đình Vũ. Đêm đó vừa đi công tác về đến cơ quan, tôi nghe báo cáo Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị sát hại trong lúc đang làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến đường Đình Vũ, không kịp thay đồ, tôi vội vàng lên xe xuống hiện trường.
Tướng Đỗ Hữu Ka kể chuyện phá án và ngày ăn 1 gói mì - Ảnh 1

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka tại một buổi tiếp xúc cử tri.

Hôm đó, trời tối đen như mực, dọc con đường ra Đình Vũ nước mênh mông, từ xa nhìn chỉ thấy thấp thoáng vài nhân viên bảo vệ của một vài Doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện trườngVụ án gần như đã bị nước mưa xóa sạch. Chỉ còn vài vết chân mờ mờ cùng máu và nước. Nhân chứng duy nhất kể lại, bị một nhóm người quây đánh, anh Sinh rút súng ra bắn mấy phát thì ngã xuống, sau đó được đưa vào bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu".
Quan sát hiện trường, tướng Ka không giấu nổi nỗi thất vọng, bởi ngoài lời khai của ông bảo vệ, ông không tìm thấy bất kỳ manh mối nào của hung thủ. Bất chấp trời mưa, ông vẫn yêu cầu phong tỏa, hướng dẫn khám nghiệm hiện trường rất kỹ để thu thập dấu vết. "Sau đó, tôi chạy về viện, lúc đó đồng chí Sinh chưa mất, nhưng yếu lắm. Vài tiếng sau, tôi bàng hoàng nghe tin Sinh đã không qua khỏi. Ngay lập tức, tôi yêu cầu khám nghiệm kỹ tử thi và được biết, riêng ở lưng Sinh có 4 vết chém, ở thái dương có một vết chém sâu", Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka kể.
Ngay lập tức, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka triệu tập các phòng liên quan lập chuyên án và giao cho Trưởng phòng Hình sự làm Trưởng ban chuyên án. ông kể: "Ban đầu, ban chuyên án rất bí, bởi tại hiện trường chỉ thu được duy nhất một mảnh giấy xi măng và nghi là vỏ bọc của một con dao dài do hung thủ dùng để chém Thiếu tá Sinh. Cùng thời gian đó, xuất hiện nhiều tin đồn như: Anh Sinh đi làm về gặp cướp; Bị giang hồ sát hại; Anh Sinh chỉ có hai con gái nên tìm cách có con trai rồi bị đánh ghen. Thậm chí còn có thông tin do anh Sinh làm ăn bất chính trong thời gian công tác ở huyện Cát Hải nên xảy ra mâu thuẫn và bị kẻ thù sát hại...".
Chín mũi điều tra được chỉ đạo rà soát tất cả các tình huống có thể xảy ra. Tướng Ka yêu cầu cán bộ khám nghiệm tử thi mang ảnh lên phòng mình, để ông trực tiếp hỏi về từng vết thương và quá trình hình thành vết thương. Điều làm bản thân ông cũng như các trinh sát trong chuyên án cảm thấy khó hiểu là bị chém những bốn vết thương trên lưng, nhưng áo của Thiếu tá Sinh lại không hề hấn gì.
Khi xảy ra vụ án, Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh mặc sắc phục, bên ngoài trùm một áo mưa đen nên rất có thể hung thủ không biết anh là công an. "Từ giả thuyết này, tôi cho anh em kiếm một con dao dài tại chợ Sắt (tra vừa cái bao bằng giấy xi măng thu được tại hiện trường) và chọn một người có chiều cao trung bình, chém vào cây chuối trùm áo cảnh sát. Thực hiện nhiều lần, quả nhiên, kết quả khớp với những gì chúng tôi dự đoán. Thân cây chuối vẫn bị chém đứt, tạo ra những vết thương như thế mà chiếc áo ngoài không hề bị rách. Từ đó, tôi đi đến nhận định, đây không phải là vụ truy sát đến cùng, các vết chém ở lưng chỉ là đe dọa. Thiếu tá Sinh chết do nhát chém sâu vào thái dương, đúng động mạch chủ", Thiếu tướng Ka phân tích.
Cũng từ kết quả thu được, ban chuyên án loại bỏ những phương án: Thiếu tá Sinh bị trả thù, bị đánh ghen, tập trung vào một phương án duy nhất là Sinh bị cướp.
Cuộc thẩm vấn đặc biệt
Những dấu chân lạ xuất hiện tại hiện trường càng củng cố niềm tin, đây là một vụ cướp táo tợn, có nhiều đối tượng tham gia. Đặc biệt, Thiếu tá Sinh nổ súng sau khi đã bị chém. Từ những suy luận đó, tướng Ka chỉ đạo tất cả các mũi trinh sát tập trung vào việc truy tìm các băng nhóm cướp giật.
Khi đang gấp rút điều tra, ban chuyên án được đồng chí Phạm Đình Hưng, Trưởng Công an huyện Kiến Thụy báo tin có hai đối tượng bán một con dao tại địa bàn với giá 200.000 đồng. Ngay lập tức, tướng Ka chỉ đạo thu con dao đó và bắt hai đối tượng.
ông kể: "Khi hai đối tượng được đưa về trụ sở, tôi sang ngay. Mở cửa bước vào tôi hỏi lớn: "Mày dùng cái gì chém?". Đối tượng khai: "Cháu dùng dao". Tôi hỏi tiếp: "Mày dùng bao gì bọc dao?". Trả lời: "Giấy xi măng". Lúc đó thì mọi lo lắng trong lòng đã được giải tỏa, đây chính là chìa khóa để "mở" vụ trọng án. Lời khai của đối tượng trùng khớp với tang vật thu được tại hiện trường".
Tiếp tục khai thác thông tin từ lời khai của hai đối tượng trên, các trinh sát đã tìm ra kẻ đứng đằng sau vụ trọng án này là Nguyễn Văn Chưởng (25 tuổi, đăng ký hộ khẩu tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, tạm trú phường Đông Hải 2, quận Hải An, là công nhân công ty TNHH Đại Phát). Tuy nhiên, trước khi thừa nhận toàn bộ tội ác do mình và đồng bọn gây ra, Chưởng đã có màn dàn dựng chứng cứ giả hết sức tinh vi.
Tướng Ka cho biết: "Ngay sau khi gây án, Chưởng cố tình bố trí gấp cho vợ hờ, cùng em trai ruột tên là Đoàn về quê thăm họ hàng, bạn bè để tạo bằng chứng ngoại phạm giả. Hắn làm thế để đề phòng khi bị bắt, hắn sẽ nhờ mọi người xác nhận là vào thời điểm xảy ra vụ án, hắn đang có mặt tại quê hương. âm mưu này được một số người hưởng ứng. Tuy nhiên, trước những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng, Chưởng đã phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Chúng tôi đã phá vụ án thành công".
Nhìn lại vụ án trên, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka tâm sự: "Sau ngày xảy ra vụ án, tôi mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm. Cả tháng trời, tôi nhốt mình trong phòng làm việc, không về nhà. Đó không còn là ý thức điều tra tội phạm, mà là tình anh em. Nếu không tìm ra hung thủ thì đó là một món nợ với chính cấp dưới của mình".
“Anh tầng ba”
Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng phòng PC45 (Công an TP.Hải Phòng) kể: "Sau ngày Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh bị sát hại, điện trong phòng anh Ka không bao giờ tắt, suốt ngày anh nhốt mình trong phòng. Vì quá quen với cảnh đó, nên anh em gọi anh với cái tên thân mật là "Anh tầng ba"".
Tử hình kẻ cầm đầu vụ sát hại Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh
Nguyễn Văn Chưởng cùng đồng bọn đã bị truy tố, xét xử về các tội giết người, cướp tài sản, không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm.
Trong đó, Chưởng bị xác định là đầu vụ, phải lĩnh án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản; Bị cáo Vũ Toàn Trung (Đoàn Xá, Kiến Thụy, Hải Phòng) bị phạt 23 năm tù cho hai tội giết người và cướp tài sản; Đỗ Văn Hoàng (Đắc Lộc, Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng) bị tù chung thân về hai tội giết người, cướp tài sản; Nguyễn Thị Lan Phương (còn gọi là Hằng Tây, Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng) bị phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và 24 tháng thử thách về tội không tố giác tội phạm; Nguyễn Trọng Đoàn (em ruột Nguyễn Văn Chưởng) bị phạt 2 năm tù về tội che giấu tội phạm.
NHÓM PVCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét