Tôi hân hạnh được hầu chuyện với Anh, chung quanh đề tài “Niềm Cay Đắng”. Khi tiếp xúc cử tri tại TP HCM, Anh nói ”Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay đắng”. Anh có nhớ chính Hồ Chí Minh đã nói rất sâu sắc vấn đề này trong Nhật ký trong tù: Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do. Hồ Chí Minh còn có một câu khác cũng rất hay, nếu độc lập, thông nhất rồi mà dân không hưởng được hạnh phúc tự do, thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Câu này chính là học được từ ý của hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, khi hai cụ bàn với nhau, tranh được độc lập rồi mà không có dân quyền thì cũng vô nghĩa.
Hồ Chí Minh còn có một câu nói hay nữa là, làm sao cho dân ta dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Câu đó được nói vào năm 1967. Như thế là đã gần một nửa thế kỷ. Những quyền dân chủ ở Việt Nam vẫn là chắp vá, những thứ mà nhân loại tiến bộ sáng tạo ra nhân dân nhiều nước đã dùng được, hưởng được, thì Việt Nam ta lại tìm các ngăn cấm. Thật là cay đắng. Cho nên cụ Hồ trước khi mất đã phải di chúc, ”cần một cuộc chiến tranh để chống lại những hư hỏng cũ kỹ.” Sau cụ thấy dùng chữ “chiến tranh” có thể bị hiểu lầm, không lợi, nên cụ xóa chữ tranh và thay bằng chữ đấu. (Ai muốn biết thấu đáo cứ giở Di chúc do NXB ST in).
Điều cay đắng là, khi nhân dân ta đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám với ước vọng Độc lập Tự do, Hạnh phúc với bản Hiến Pháp 1946, thì lần hồi sau đó, từng bước đảng CSViệt Nam đã đỏi thay, bội ước, bỏ con đường Dân tộc, Dân chủ, Dân quyền để đi theo con đường tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội (rồi khi thất bại đã đánh tráo khái niệm mà đỗ tội cho cái gọi là chủ nghĩa bao cấp. Thật ra bao cấp là một phương thức mà nhân loại hiện nay vẫn sử dụng trong những nhà nước phúc lợi. Các nước phương Tây bao cấp rất hay gấp cả vạn lần Việt Nam ta.) Từ 1959, khi xóa bỏ Hiến Pháp 1946 để đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô viết lạc hậu (nay đã phá sản chính trên quê hương của nó), thì Việt Nam ta có cùng một trình độ phát triển, có mặt còn nhỉnh hơn nhiều nước trong khu vực. Nay hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi Dân tộc ta trao vào tay lãnh đạo của đảng cộng sản, thì Việt Nam ngày càng trì trệ, lạc hậu. (Xin xem công trình của một nhóm chuyên gia của Harvard, Việt Nam Phát triển theo hướng rồng bay). Có nhũng nghiên cứu trong nước khẳng định rằng để bước vào giai đoạn hiện đại, Hàn Quốc chỉ đi trong vòng 40 năm, và chỉ chi phí bằng già nửa tiêu phí của Việt Nam.. Có nghĩa là chỉ bằng một nữa đầu tư như chúng ta, mà họ thì mọi mặt bằng của một đất nước hiện đại đã hoàn chỉnh. Giao thông vận tải, trên bộ. trên biển, trên không tiên tiến, hiện đại. Các ngành sản xuất hiện đại với công nghệ cao, sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, làm nền cho một nền kinh tế tri thức hình thành. Khoa học và giáo dục (dẫu còn những tiêu cực) vẫn là một nền khoa học và giáo dục tiên tiến hiện đại, chẳng kém gì quốc tế. Vốn xã hội, mặt bằng pháp lý, nhân cách con người phát triển, văn minh (cứ xem cách ứng xử xã hội sau vụ chìm phà Sewoon thì rõ). Có người bảo, Hàn Quôc họ lợi dụng được kỹ thuật và tài chính Mỹ. Thế thì tại sao Việt Nam không biết đàng lợi dụng. Có nhiều người nói với tôi một cách hài hước rằng, vì Hàn quốc không có được đảng cộng sản lãnh đạo!
Còn chúng ta, cũng chừng ấy thời gian, lại đầu tư gấp đôi người ta, mà chưa có bất cứ lĩnh vực nào hình thành được mặt bằng của một quốc gia phát triển. Cả giao thông, cả nhũng ngành kinh tế mũi nhọn, cả khoa học và giáo dục, cả vốn xã hội, chất lượng con người, cả luật pháp, thể chế (đến nỗi 40, 50 năm vẫn ỳ ạch trong quốc nạn tham nhũng, gần như vô kế khả thi!). Một nước nông nghiệp, vốn là chủ nhân của nền văn minh lúa nước, cũng chỉ bán nông sản thô, nông dân vẫn sống nghèo nàn, không thể vươn lên làm chủ xây dựng được một nền nông nghiêp hiện đại. Mọi lĩnh vực đều nham nhỡ, không hình thành cho được những mặt bằng cho sự phát triển tương xứng của dân tộc trong thời đại mới.
Trong các cuộc họp vừa rồi, các cử tri đã nói với anh vấn nạn tham nhũng. Nhưng thử hỏi có ba công cụ lớn để chống tham nhũng, là tư pháp, cảnh sát, và báo chí, thì cả ba đều yếu ớt lại cũng tham nhũng thì dẫu cái ủy ban phòng chống tham nhũng có ba đầu sáu tay nữa, cũng đành bó tay mà thôi. Cái cay đắng là người ta chỉ quan tâm đến giải pháp quan liêu hành chính, lập ban nọ ban kia, mà không biết coi trọng xây dựng cho bằng được công cụ văn minh, hữu hiệu.
Một quốc gia phát triển được trong thời hiện đại, có bốn yếu tố. Một là tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên của chúng ta tuy không giàu, nhưng nhiều ưu thế. Chỉ tính riêng vị trí địa lý thôi, thì đây quả là một thế mạnh của Việt Nam. Hai là truyền thống văn hóa. Rất nhiều điều là vốn xã hội cho phát triển. Ba là tố chất của con người. Tố chất con người Việt có những ưu trội rất phù hợp cho tiến trình hiện đại. Bước vào thời văn minh tin học, chính một kỹ sư Việt là người sáng chế chiếc máy tính điện tử vào 1953, trước đó là máy tính cơ học. Nhiều trí thức, chuyên gia, nghệ sỹ ở tầm quốc tế. Nhiều người thợ Việt có bàn tay vàng. Thứ tư là những quan hệ xã hội hiện hữu. Phải thừa nhận rằng mọi quan hệ xã hội hiện hữu của chúng ta từ chính trị, chính sách, luật lệ, thể chế, tư duy đều tiêu cực, không thích ứng cho một xã hội phát triển. Chúng ta bị cầm tù trong một thể chế vừa lỗi vừa lầm, khiến cho mọi ưu thế của đất nước không phát huy được. Cả ba điều ưu trội của xã hội Việt đều không thể phát triển trong thể chế và thiết chế chính trị xã hội hiên nay.
Chỉ tính 40 năm qua, kể từ khi thống nhất đất nước đến nay, dưới sự lãnh đạo của các đời Bộ Chính Trị, đất nước ta vẫn như con gà mắc tóc, loanh quanh luẫn quẫn, không vùng thoát ra được một tình thế hiểm nguy. Nguy cơ mất đất, mất biển trời, mất chủ quyền vào tay Trung Hoa bá quyền Đại Hán, ngày càng hiểm nguy hơn. Thế mà đường lối đối ngoại vẫn là nhất biên đảo, vẫn tiếp tục lệ thuộc Trung Quốc. Chúng tôi từng cảnh báo “Giàn khoan 981 là chuyện nhỏ, Gạc Ma mới là chuyện lớn. Quả nhiên họ đã lấp đỗ đất đá biến Gạc Ma, Bãi Chữ Thập thành quân cảng, thành sân bay quân sự, đặt gươm kề cổ chúng ta. Thế mà Chủ tịch nước, Quốc Hội, Chính phủ đều không có động thái đủ sự cần thiết, lui tới cũng chỉ là mấy câu tuyên bố của người phát ngôn của Bộ ngoại giao, việc trước nghiêm trọng, việc sau nghiêm trọng hơn, cũng chỉ mấy luận điệu nhàm chán quen thuộc khiến “Tàu” chỉ cười khẩy mà thôi. Phải tính lại đường lối đối ngoại căn cơ hơn, đúng đắn, hợp lý hơn.
Thời đại này, nhân loại, tất yếu không loại trừ Việt Nam, có ba hiểm họa toàn cầu. Một là hiểm họa biến đổi khí hậu,và dịch bệnh nguy hiểm đều do con người đã làm đảo lộn sinh thái gây ra. Hai là những bùng nổ xã hội do phân hóa giàu nghèo, do tích tụ hậu quả của những chính sách chính trị, kinh tế, văn hóa phi nhân tính gây ra. Và ba là hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố và khuynh hướng đế quốc bá đạo tiêu biểu là cái gọi là nhà nước Hồi giáo cực đoan IS, và Trung Hoa đang hưng phát và quyết tâm đi theo vết xe đỗ của chủ nghĩa đế quốc. Cho nên đường lối biến mình thành chú ngựa lẽo đẽo chạy theo cổ xe của chủ là không thể chấp nhận.Trung Hoa chẳng mong gì hơn là tình hình cứ nhẹ nhàng, nước chảy bèo trôi như chúng ta đang làm.
Về đối nội, điều cay đắng là:
a. Cho đến nay, trải qua 11 Đại hội, thời gian là 84 năm, nhung đảng không biến mình thành một đảng văn minh, đạo đức. Học thuyết đầy mâu thuẫn, ngụy luận và đánh tráo khái niệm. Đường lối sai lầm (chính các kỳ đại hội cũng phải thừa nhận) đã dẫn đến khủng hoảng chính trị xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục…lạc hậu kéo dài. Tổ chức và phương thức hoạt động của đảng tồn tại nhiều nghịch lý. Rõ ràng mọi thiết ché xã hội đều tồn tại và hoạt động với hai điều: Hiến định và Luật định. Duy chỉ đảng là đang hoạt động không có luật định để điều tiết. Xã hội và Nhà nước không thể kiểm soát, giám sát được. Đảng đang trở thành tổ chức chính trị hoạt động ngoài luật pháp. Để cho tình hình Việt Nam suy thoái và trì trệ suốt trong mấy chục năm qua không thể bỏ ra ngoài trách nhiệm và năng lực của các đời ban lãnh đạo của Nhà nước và của Đảng. Đặc biệt là Nhà nước khi đã được Dân ủy nhiệm, trước hết nó phải làm tròn nghĩa vụ với Dân, nó phải kiểm soạt và điều tiết được hoạt động của đảng cầm quyền. Điều cay đắng là chúng ta không làm được sự cần thiết, văn minh như vậy.
b. Một hệ thống công chức xây dựng từ 1946, ngày càng phình to, hiệu quả kém, tham nhũng nặng nề, quan liêu, hành dân. Về nguyên tắc và đạo lý, đội ngũ này phải là lực lượng cầm trịch cho công cuộc kiến tạo một quốc gia dân tộc phục hưng, phát triển. Họ không đóng được vai trò đó, trở thành vừa là tội đồ, vừa là nạn nhân.
c. Một nền kinh tế lạc hậu kéo dài, gia công, lệ thuộc, tiêu phí nhiều thời gian, đầu tư cao mà hiệu quả thấp. không có một ngành mũi nhọn nào làm được nhiệm vụ đầu tàu cho sự phát triển.
d. Khoa học, giáo dục, văn hóa trì trệ, lạc hậu, không tạo ra được chất lượng con người để có khả năng đổi mới mình và đổi mới xã hội. Có hai ví dụ cay đắng. Một là, như anh Vũ Ngọc Hoàng, Ủy Viên Trung Ương, Phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã ngậm ngùi nói, người ta sang mình làm ăn thì đều là ông chủ, nhà quản lý, còn dân mình đi sang họ thì chỉ là ô sin, đầy tớ. Thứ hai là một ông nông dân giỏi cơ khí, phát minh sáng tạo không có đất dụng võ trong nước, lại được nước láng giềng sử dụng rất trọng vọng. Ở các nước văn minh tiên tiến hiện nay, họ đã có một phương thức sử dụng trí thức rất hay. Đó là mọi việc, mọi lĩnh vực của Đất nước, thì giới trí thức phải là người đầu tiên “bàn cho nát nước” (phải đến độ nước mà cũng phải nát). Rồi nhà chính trị, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý mới tiếp thu để ứng dụng vào chủ trương, chính sách của minh. Chúng ta đang làm ngược lại. Vì thế trì trệ, lạc hậu kéo dài không đáng có. Trong một khóa trước, tôi từng thưa với Bộ Chính trị, với ban khoa giáo do GS Nguyễn Đình Tứ làm trưởng rằng “Chính sách trí thức hàng đầu phải là “Bái trí vi sư”, nghĩa là phải biết tôn trí thức làm thầy”. Anh Tứ nói với tôi, anh nói đúng nhưng họ không làm được.
e. Một nền chính trị dân tộc, thân dân, dân chủ, văn minh tiên tiến, tất yếu phải phát triển Xã Hội Dân Sự. Xã hội dân sự chính là môi trường, là chỗ tựa nương của mọi người, mọi thiết chế xã hội. Kể cả chính đảng cũng phải tựa nương vào xã hôi dân sự mà đàng hoàng, tử tế, văn minh đạo đức lên. Xã hội dân sự chính lai môi sinh nuôi dưởng mọi cá thể và cộng đồng của xã hội. Chúng ta xưng là đảng tiên phong, nhà nước văn minh, nhưng không tô bồi vun xới cho xã hôi dân sự hình thành và phát triển, lại còn mắng nhiếc nó như một số bài đăng trên báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân. Một trăm năm trước Đông Kinh Nghĩa Thục từng dạy: Chính phủ chẳng qua chỉ là người dân nắm chính quyền. Mọi người cầm quyền, đều không phải thánh nhân, nếu không có xã hội dân sự điều tiết, giám sát và giáo dục chắc chắn họ sẽ tự biến mình thành vua chúa phong kiến, như Anh Nguyễn Văn An từng cay đắng thừa nhận Bộ Chính Trị là vua tập thể! Trong khi Các Mác khẳng định “Nhà nước chính trị có cơ sở tự nhiên là gia đình, cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự” (cũng thuật ngữ ấy, chúng ta dịch là xã hội công dân). Còn chúng ta hiện nay thì trên báo Nhân Dân lại có bài coi xã hội dân sự như thù như địch! Nghe nói BBT còn chỉ thị không được nói, không được bàn về xã hôi dân sự! Chính Các Mác còn khẳng định: ”Dân chủ nghĩa là Chính Phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội.”
Điều cay đắng là những tư tưởng hợp lý tiến bộ của Mác thì chúng ta không nghiên cứu, không áp dụng, lại đi áp dụng những tư tưởng lỗi thời và sai lầm mà chính Mác đã phủ định.
Tôi xin nêu một ví dụ cay đắng nữa là cuối đời, khi Mác trò chuyện với Bakounin,ông nói: ”Một khi giai cấp công nhân giành được chình quyền, họ sẽ thực hiện một chế độ ủy trị, dể cho mọt số người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một Nhà nước kiểu mới, họ sẽ lập tức tỉnh ngộ, thấy mình là con rối, là nô lệ, là con mồi cho những tham vọng mới”. Dự báo này là một quả đắng vì nó là hiện thực trong tất cả các nước theo Lê nin, theo Mao Trạch Đông, lập kiểu nhà nước xô viết tiến lên chủ nghĩa xã hội! Ngày nay giai cấp công nhân ở nước ta là giai cấp cùng khổ nghèo hèn, thất học vô quyền.
Gần đây, anh em tuyên huấn gay gắt phê phán những người có tư tưởng muốn đa đảng. Nhưng chính Mác và Ăng nghen trong Tuyên ngôn Cộng sản lại tuyên bố khẳng định “các đảng cộng sản của các dân tộc phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ”. Mác nói phải phấn đấu để đoàn kết và hợp tác, chúng ta đã phấn đấu ngược lại! Thành ra, chính chúng ta chống lại Mác, chống lại cương lĩnh gốc của mình!
Tôi xin chia sẻ với Anh vài suy tư của mình. Rõ ràng khác với những kẻ khác, Anh sẵn sàng lắng nghe ý kiến cay đắng. Dân mình có câu thuốc đắng đã tật. Nhiều triết gia hiện đại cũng khẳng định tiếp nhận ý kiến khác mình thì nhân đôi được kiến thức. Hồ Chí Minh từng nói “ tự do tư tưởng hóa ra là tự do phục tùng chân lý. Như thế phản đề của cụ là tự do tư tưởng là tự do không phục tùng ngụy lý! Còn Mác thì nói “tự do báo chí” (tôi thêm tự do tư tưởng) là sự sám hối của nhân dân trước bản thân mình, mà lời sám hối thật tâm thì có cơ cứu rỗi.”
Liệu chúng ta có thật tâm sám hối đặng cứu rỗi đất nước thoát khỏi tình thế hiểm nguy trước một Trung Hoa đế quốc, bá quyền nước lớn (mà Tập Cận Bình vùa tuyên bố), liệu có nhanh chóng thoát ra sự suy đồi, trì trệ, bảo thủ, lạc hậu hiện nay hay không. Mác từng nói khi lịch sử đã đặt ra vấn nạn của nó, nhất định sẽ có câu trả lời.
Kính chúc Anh thân tâm an tịnh.
Nguyễn Khắc Mai
15-12-2014
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 15-12-14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét