27 December 2014
Tôi có thói quen hay ghi lại những gì đang lộn xộn
trong đầu óc khi chợt thức giữa đêm. Noel 2014 đã qua và New Year 2015 sắp đến,
không biết sao tôi lại nhớ đến câu nói này của 2 danh nhân;” Suy tư thường dễ
dàng, hành động thường khó khăn, và điều khó khăn nhất thế giới là biến suy tư
thành hành động – Thinking is easy, acting is difficult, and to put one’s
thought into action is the most difficult thing in the world – J. W. von
Goethe.” Rồi ,” Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu – Discipline is
the bridge between goals and accomplishment – Jim Rohn” .
Bao nhiêu câu hỏi từ các phóng viên, từ các emails riêng tư
của bạn đọc…đều quay quanh chủ đề là theo góc nhìn của Alan, trong năm 2015 và
xa hơn, những gì sẽ đến với Việt Nam và các thành phần trong xã hội. Doanh nghiệp
nào hay ngành nghề nào hay kênh đầu tư nào sẽ chịu thiệt và ai sẽ hưởng lợi. Hệ
thống ngân hàng hay bất động sản có vỡ trận? Kinh tế thế giới sẽ tác động thế
nào vào Việt Nam? Vì tôi đã im lặng khá lâu về các vấn đề trên, nên các bạn
khuyên là phải “xả bầu tâm sự” vào dịp cuối năm này.
Như thường lệ, xin cảnh báo cùng bạn đọc đây chỉ là một phân
tích cá nhân nhiều chủ quan của một nhà kinh doanh và đầu tư, không phải là một
nghiên khảo gì sâu sắc theo chuẩn của giới hàn lâm. Tôi hy vọng nếu có sai lầm
thì chỉ mình ông già Alan phải trả giá.
Trước hết là xu thế toàn cầu. Vụ giá dầu thô giảm kỷ lục vì
đồng Mỹ kim lên giá, vì vài tác nhân địa chính trị cũng như vì luật cung cầu là
một thiên nga đen khá bất ngờ trong dự đoán kinh tế cho 2014. Tôi nghĩ rằng
tình hình bất ổn từ sự kiện này sẽ tiếp tục diễn biến trong vài năm tới. Dù gây
thâm thụt cho ngân sách các quốc gia xuất khẩu dầu, giá dầu thô rẻ sẽ kích
thích thêm mãi lực của người tiêu dùng và giữ lạm phát toàn cầu ở mức rất thấp.
Tuy nhiên, với những món nợ công và tư thanh toán bằng Mỹ kim, gánh nặng gia
tăng trên vốn và lãi có thể cao hơn những lợi ích thu lại từ tiêu dùng.
Về địa chính trị, Mỹ và Tây Âu đang thắng thế trong những
tranh chấp với các cường quốc cũ từ khối Cộng Sản. Nga và Trung Quốc dầu có
liên minh chặt chẽ cũng không đủ lực để xoay trở thế cờ. Tuy nhiên, với lòng sĩ
diện cao độ của 2 ông Putin và Tập Cận Bình, Nga và Trung Quốc có thể khuấy lên
những phá rối địa phương, cũng như họp với nhóm Hồi giáo cực đoan để gây thêm bất
ổn cho những thăng bằng về quyền lực và đồng Mỹ kim. Mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ
vào năm 2016 sẽ tuỳ thuộc nhiều vào các biến động này.
Quay lại Việt Nam, mối đe doạ lớn nhất cho chính quyền
là những thành tựu hay thất bại về kinh tế, nhất là việc nâng cao mức thu nhập
của đa số người dân. Việc thay đổi cơ chế và tái cấu trúc toàn diện tuy
cần thiết nhưng sẽ tiếp tục nằm trên bàn giấy của các quan chức; lý do là có
quá nhiều dây mơ rễ má và mâu thuẫn của các thế lực lợi ích, để thay đổi sâu rộng
trong việc thực thi bất cứ giải pháp gì về nền kinh tế. Dù được nhiều nhóm tư bản
đỏ ủng hộ (hy vọng một chuyển giao tài sản lớn lao như Nga 20 năm trước), việc
cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước sẽ vẫn trì trệ vì các phe nhóm đảng không chịu
buông.
Do đó, mức thu nhập thực sự của đa số người dân sẽ không thể
gia tăng nếu tính theo PPP (parity purchasing power) với tỷ giá đô la sẽ tăng
cao ở thị trường tự do. Ngoài ra, vì sự thiếu hụt ngân sách trầm trọng hơn,
chính phủ sẽ truy thu tận mức mọi loại thuế phí, tạo thêm gánh nặng đã quá tải
cho các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, giới cầm quyền sẽ yên tâm vì hai cột
trụ FDI và kiều hối vẫn tăng đều đặn và tiếp tục yểm trợ cho các hoạt động kinh
tế chính yếu, nhất là tăng trưởng GDP và dự trữ ngoại hối, ít nhất trên thống
kê của chính phủ.
Ngoài ra, mặc cho bao bơm thổi từ PR công và tư, chứng
khoán, bất động sản và những hoạt động kinh doanh tư nhân vẫn èo uột và không
thể đột phá. Bài toán nợ xấu sẽ phải đợi vài năm tới khi kinh tế khả quan
hơn và chính phủ có đủ phương tiện thanh toán.
Trong khi đó, một thiểu số người giàu và những thành phần hưởng
lợi từ FDI và kiều hối sẽ an hưởng nhiều phúc lợi hơn từ thu nhập cao cùng việc
giảm phát. Họ gồm các quan chức, những nhân viên và đối tác làm cho doanh nghiệp
FDI và các hộ dân có tiếp tế từ nước ngoài. Nhóm quản lý trẻ Việt kiều sẽ tăng
nhân số vì các công ty đa quốc thích sử dụng họ tại những địa phương bản xứ.
Phần còn lại, đa số người dân sẽ hứng chịu một tình huống tệ
hơn vì thu nhập không tăng, làm ăn khó khăn vì cạnh tranh của toàn cầu và sưu
cao thuế nặng của Việt Nam. Họ vẫn phải tiếp tục đối đầu với ô nhiễm môi trường
do các nhà máy FDI mới; với tệ nạn quản lý giáo dục và y tế công cộng; với thực
phẩm độc hại và thói quen ăn nhậu, thuốc lá…bừa bãi; với nạn giao thông hỗn loạn;
với tham nhũng phong bì khắp nơi và trên hết là sự thiếu hụt một mạng lưới an
ninh xã hội cho người nghèo. Một yếu tố mới có thể gây bất ổn xã hội là sự du
nhập những công dân hạng nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc… trong bối cảnh một một nền
chính trị tư pháp “vũ như cẩn”.
Chất xám và tư bản “đen” tiếp tục “di cư” và tinh hoa của đất
nước càng ngày càng biến dạng. Sự tạm bợ thành căn bản trong văn hoá và tư duy
nên phong cách sống không còn chiều sâu. Mọi người thi nhau tranh giành, chụp
giựt nên tội phạm sẽ gia tăng và chủ nghĩa mackeno sẽ thăng hoa trên nhiều khía
cạnh.
Tuy nhiên, ngoài những tranh chấp quyền lực vẫn thường xẩy
ra ở thượng tầng lãnh đạo, không một nội lực nào có đủ khả năng để tạo thay đổi
về chính trị. Trong lịch sử cận đại, mọi thay đổi của Việt Nam đều đến từ những
tác nhân “nước ngoài”. Hiện nay, mọi cường quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam đều
chấp nhận nguyên tắc “live and let live”. Không ai muốn quấy rối một “status
quo”, dù sự ổn định đó là thực hay ảo, phi lý hay theo thời .
Trong những nước tôi đã đi qua, Nigeria tạo cho tôi nhiều ấn
tượng đặc biệt. Đây là quốc gia đông dân nhất của châu Phi, với tài nguyên “tiền
rừng bạc biển” nhờ dầu khí và khoáng sản. Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất trù phú
nông nghiệp, thuận lợi cho kỹ nghệ du lịch, và địa chính trị cạnh biển tạo một
nền thương mại khá phồn thịnh cách đây vài trăm năm.
Trong lịch sử, Nigeria bị đô hộ bởi thực dân Anh hơn 15 thập
niên, dành độc lập ít lâu thì lâm vào cuộc nội chiến tàn khốc, giữa nhóm dân
Hausa và Yoruba, có liên quan đến chủ nghĩa, truyền thống bộ lạc và yếu tố
Thiên Chúa giáo-Hồi giáo. Vài lãnh tụ cũng tập tễnh theo chủ nghĩa Mác Lê,
nhưng chỉ sau vài năm, họ vái dài CNXH và quay lại với tư bản hoang dã.
Dân Nigeria thông minh, khôn vặt, năng động và quỷ quái nhất
châu Phi. Họ phiêu lưu khắp thế giới “xuất khẩu lao động” và đóng góp số tiền
kiều hối khoảng 22 tỷ đô la mỗi năm. Với GDP chừng 500 tỷ, chia ra cho 175 triệu
dân, thu nhập hàng năm của mỗi người dân khoảng 2,800 đô la. Chính phủ Nigeria
nổi tiếng về tham nhũng, lãng phí, có quá nhiều “đầy tớ nhân dân” cùng luật rừng,
một nhóm đại gia siêu giàu và kinh tế gần như tuỳ thuộc hoàn toàn vào FDI và kiều
hối. Dân Nigeria cũng say mê bóng đá, sex và scams (lừa bịp).
Khác với Việt Nam, Nigeria có một nền dân chủ đa nguyên (ít
nhất là trên giấy tờ); và thống kê của chính phủ có vẻ chân thật: tỷ lệ thất
nghiệp là 24%…và không lãnh đạo nào tuyên bố dân họ…hạnh phúc nhất nhì thế giới.
Về văn hoá, nhà văn Wole Soyinka của Nigeria đã từng đoạt giải Nobel về văn học:
ông Chinua Achebe tạo tiếng vang thế giới với tác phẩm Things Fall Apart (Mọi
Thứ Gẫy Đổ).
Một anh bạn người Nigeria cùng học với tôi ở Penn State 51
năm về trước vẫn giữ liên lạc. Anh về nước khoảng 1970, năng động trên trường
chính trị Nigerian, leo đến chức Bộ Trưởng vài năm dưới một chánh quyền quân sự
nào đó thời 90’s. Trong một cuộc đảo chánh, vợ con bị giết, anh chạy thoát qua
Mỹ tỵ nạn và giữ một chân giảng viên đại học ở Mid-west cho đến nay. Anh vẫn
trăn trở với quê hương đất nước và đợi chờ mỏi mòn cho một đổi mới, anh gọi là
new dawn (bình minh mới). Cách đây 2 tháng, tôi cùng anh chuyện trò vớ vẩn qua
điện thoại. Sau 20 phút, anh kết luận, “Yes, I’m still waiting…but I‘m
no longer knowing what to expect…What’s about Vietnam?” (Vâng, tôi vẫn chờ…nhưng
tôi không còn biết phải mong đợi điều gì?..Còn Việt Nam thì sao? “)
Tôi im lặng và nói goodbye.
Alan Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét