Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Sai lầm về đối ngoại, Obama gây rắc rối cho cả Hoa Kỳ lẫn thế giới


obama11"...Thay vì coi các nhóm Hồi Giáo quá khích như là một thảm họa chung của nhân loại, cần phải phối hợp với Nga, Trung Quốc và các nước đồng minh để thanh toán, ông lại dùng thế lực của một cường quốc hàng đầu để thực hiện chiến lược này một cách độc đoán, bất chấp quyền lợi của các thế lực khác… và gây nhiều phiền hà cho các đồng minh của Mỹ..."


obama_tapcanbinh_putin
Bộ ba Tập Cận Bình, Obama và Putin tại Hội nghị APEC 2014, Bắc Kinh
Kể từ hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức trong 2 ngày 10 và 11/11/2014 tại Bắc Kinh, sự thất bại của Tổng thống Obama trong chính sách đối ngoại ngày càng trở nên rõ nét, một phần do di sản của Tổng thống Bush để lại, phần chính là do mặc cảm bị coi thường, tính độc đoán và thiếu kinh nghiệm đối ngoại của ông. Đây là những kinh nghiệm lịch sử mà chúng ta cần biết vì nếu không nắm vững, rất khó biết được những chuyện gì đang xảy ra.
Khái quát về đường lối của Obama
Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, sau biến cố ngày 11/9/2001, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại là "đè bẹp" (crush) hay "hủy diệt" (eradicate) các nhóm Hồi Giáo quá khích. Khởi đầu là đánh chiếm Afghanistan và Iraq, sau đó đưa ra một chiến lược để bình định khối Hồi Giáo Trung Đông, được gọi là kế hoạch một "Trung Đông Lớn Hơn" (Greater Middle East) hay một "Trung Đông Mới" (New Middle East), bao gồm cả Afghanistan. Nội dung của chiến lược này là thực hiện ba mục tiêu chính sau đây : (1) Tiêu diệt tất cả các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương hình thành một đế chế Hồi Giáo như dưới thời Ottoman (2), phân chia một số nước Hồi Giáo hay gây biến động ra thành nhiều nước nhỏ (5 nước thành 14) và (3) thành lập thế quân bình giữa hai khối Hồi Giáo Sunni và Shia để hai khối này kiềm chế nhau. Đây là một chiến lược rất thâm độc và được hoạch định rất tinh vi. Tuy nhiên, phải thi hành một cách khéo léo mới thành công. Ông Obama đã không làm được chuyện đó.
Tổng thống Bush mới thực hiện phần đầu, ông Obama là người nối tiếp, nhưng vì thiếu kinh nghiệm đối ngoại, ông đang làm hỏng : Thay vì coi các nhóm Hồi Giáo quá khích như là một thảm họa chung của nhân loại, cần phải phối hợp với Nga, Trung Quốc và các nước đồng minh để thanh toán, ông lại dùng thế lực của một cường quốc hàng đầu để thực hiện chiến lược này một cách độc đoán, bất chấp quyền lợi của các thế lực khác, gây ra những biến động phức tạp, đưa thế giới trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh và gây nhiều phiền hà cho các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, trong cuộc họp tại Brussels hôm 3/12/2014, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng cuộc chiến chống IS của liên minh quốc tế mà Mỹ dẫn đầu có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm liền! 
Thủ đoạn của Obama
Một số người cho rắng ông Obama quá nhát nên bị cả Trung Quốc lẫn Nga bắt nạt, nhưng nghĩ như thế là lầm. Ông Obama tin tưởng rằng nước Mỹ vẫn đang còn ở trong thời kỳ lãnh đạo thế giới, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, nên về đối ngoại ông đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, gây ra một thế giới đầy rối loạn và khủng hoảng như ngày hôm nay.
Mở đầu, ông đã cho thực hiện đúng các phương pháp mà CIA thường xử dụng để làm thay đổi hay lật đổ một chế độ, đó là gây bạo loạn. Trước tiên cuộc "Cách Mạng Hoa Lài" nổi lên ở Tunisia vào cuối năm 2010 lật đổ Tổng thống Ben Ali, đến năm 2011 lan qua Ai Cập lật đổ Tổng thống Mubarak. Nhưng đây là hai cuộc nổi dậy ở trong nước, Mỹ chỉ yểm trợ. Khi muốn đưa cuộc nổi dậy đến Libya, Mỹ phải trực tiếp nhúng tay vào, vì tại đây chế độ Gaddafi còn vững mạnh. Ngày 26/1/2011, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng nổ ở nhiều nơi, nhưng bị đàn áp mạnh. Đó là điều Mỹ đang chờ. Cho đến khi các cơ quan truyền thông Mỹ loan tin đã có từ 10.000 tới 25.000 người chết và bị thương, Mỹ mới có lý do để can thiệp. Như chúng ta đã biết, trước đó cuộc nội chiến ở Sudan đã đưa tới nữa triệu người chết, nhưng Mỹ chẳng đếm xỉa gì, vì ở đó không có quyền lợi của Mỹ. Với Libya hay Syria, chỉ cần chừng đó người nằm xuống là đủ để Mỹ nhảy vào.
Tháng 3 năm 2011, Mỹ đã đưa vụ Libya ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, xin áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế và quân sự để trừng phạt Libya. Ngày 17/3/2011, Hội đồng bảo an đã thông qua Nghị quyết số 1973 cho phép cấm vận và thiết lập vùng cấm bay đối với Libya với mục tiêu được ghi rõ là "bảo vệ người dân Libya" (to protect the Libyan population), với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng của Trung Quốc, Nga, Brazil, Đức và Ấn Độ. Như vậy Nga và Trung Quốc đã không phủ quyết nghị quyết này. Người ta tin rằng cả 5 nước bỏ phiếu trắng đã đoán trước rằng Mỹ và NATO sẽ tấn công và chiếm Libya nên họ đã làm như vậy.
Lúc đó, Trung Quốc có nhiều công ty đang hoạt động tại Libya như tập đoàn Gezhouba, Công ty xây dựng đường sắt và luyện kim… Nhưng các công ty này đã được lệnh thu hồi các hoạt động và rút ra khỏi Libya với khoảng 96.000 công dân. Ngày 14/4/2011 Trung Quốc gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo trong biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và các vùng nước kế cận. Rõ ràng là Trung Quốc bị đẩy ra khỏi Trung Đông đã chính thức tuyên bố Biển Đông như vùng đặc quyền khai thác của họ.
Để giúp Tổng thống Pháp Sarkozy thành công trong cuộc tái tranh cử sắp đến, Tổng thống Obama đã giao cho Pháp lãnh đạo cuộc oanh kích quân của Gaddafi, còn Mỹ chỉ yểm trợ. Kết quả, Gaddafi đã bị hạ sát ngày 20/10/2011 và chế độ Gaddafi tan rã. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói : Không lực NATO ném bom xuống đoàn xe của Đại tá Gaddafi là vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc. Còn Tổng thống Nga Medvedev công khai tuyên bố : "Nói một cách đơn giản, Phương Tây đã lừa gạt nước Nga".
Nhưng tình hình Libya không thể ổn định được. Libya đã bị chia thành nhiều "lãnh địa" đặt dưới quyền cai quản của hàng trăm nhóm vũ trang thuộc nhiều bộ tộc và nhiều vùng khác nhau. Hiện có ít nhất 4 lực lượng chính đang đối đầu với nhau và với chính phủ do Mỹ lập. Lực lượng Fajr Libya (Libya Rạng đông) đã chiếm Tòa Đại Sứ Mỹ, sân bay Tripoli và loan báo thành lập một chính phủ song song ở Tripoli. Chính phủ lâm thời do Mỹ lập đã chuyển trụ sở đến miền Đông để tránh áp lực của các lực lượng dân quân. Phức tạp hơn nữa, Ai Cập, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc ả rập thống nhất (UAE) đã yểm trợ một bên, còn Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ bên kia. Hoa Kỳ, Canada, Pháp và các quốc gia khác đã ra lệnh cho các công dân họ rời Libya.
Nga và Trung Quốc chặn đầu Obama
Mặc dầu tình trạng của Libya như trên, Obama coi việc đánh chiếm Libya đã hoàn tất và tiến tới mục tiêu thứ ba là Syria, vì nếu không chiếm Syria, không thể thực hiện kế hoạch "Một Trung Đông Mới" được. Theo kế hoạch này, phải lấy một phần đất của Iraq và Syria đang do nhóm Shia cai trị và giao cho nhóm Sunni chiếm đóng, để hai nhóm này đối kháng và kiềm chế nhau.
Kế hoạch chiếm Syria cũng giống như kế hoạch chiếm Libya, trước hết là tạo biến loạn và thành lập các toán nổi dậy để bắt buộc Syria phải dùng vũ lực chống lại, sau đó Mỹ và NATO sẽ dựa vào đó can thiệp để "bảo vệ người dân". Tuy nhiên, vì Nga và Trung Quốc cho rằng họ đã bị Mỹ đánh lừa trong vụ Libya nên cương quyết chống lại.
Ngày 4/10/2011 Hoa Kỳ đưa ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết lên án Chính phủ Syria trấn áp những người biểu tình phản đối ở nước này. Nghị quyết đã nhận được 9 phiếu thuận trong tổng số 15 thành viên của Hội đồng bảo an. Brazil, Ấn Độ, Lebanon và Nam Phi bỏ phiếu trắng, còn Nga và Trung Quốc phủ quyết.
Ngày 4/2/2012, Hoa Kỳ lại đưa ra dự thảo nghị quyết lên án tình trạng bạo lực tại Syria và tuyên bố rằng phiếu phủ quyết là "ô nhục", còn Anh cho rằng phủ quyết là đẩy người Syria vào đường cùng. Nhưng Nga và Trung Quốc vẫn phủ quyết.
Ngày 22/5/2014 Hoa Kỳ thay đổi chiến thuật, đưa ra dự thảo nghị quyết yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chiến tranh ở Syria. Nga và Trung Quốc phủ quyết ngay.
Với sự phủ quyết của Nga và Trung Quốc, Mỹ và NATO không thể can thiệp bằng quân sự vào Syria được, trong khi đó không quân của Syria đã đánh bại Đạo Binh Syria Tự Do do Mỹ lập ra. Trước tình trạng này, Saudi Arabia, Kuwait và Qatar đã yểm trợ cho phong trào Nhà Nước Hồi Giáo Iraq và Syria (ISIS) đánh chiếm 25% lãnh thổ Syria và 40% lãnh thổ Iraq để hình thành một vùng tự trị của khối Hồi Giáo Sunni, có thể đối kháng với khối Shia trong vùng là Iran, Iraq và Syria. Nhưng sau khi thành công rồi, lãnh tụ nhóm ISIS là Abu Bakr al Baghdadi tự xưng là người kế vị tiên tri Muhammad, tuyên chiến với cả Tây Phương lẫn khối Shia. Một thảm họa mới phát sinh.
Obama chơi trò trả đũa
Bị cả Nga lẫn Trung Quốc ngăn chận kế hoạch một "Trung Đông Mới", Obama quyết định áp dụng các biện pháp của kẻ mạnh để bắt Nga và Trung Quốc phải khuất phục, đưa tới những biến cố mới.
Ngày 17/11/2011, trong một bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Úc, ông Obama tuyên bố sẽ xoay trục từ Trung Đông về Á Châu Thái Bình Dương (để bao vây Trung Quốc cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự). Ông nói : "Tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 21, nước Mỹ sẽ tòan tâm tòan lực nhập cuộc".
Nói thì nghe ngon lành, nhưng sau 3 năm ông chẳng làm được gì. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Tập Cẩm Bình đã dùng kế hoạch thành lập "Vùng Tự Do Mậu Dịch Á Châu - Thái Bình Dương" (FTAAP) được 21 quốc gia trong vùng yểm trợ để đánh bại Hiệp Định TPP của Obama. Hôm 29/11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố đã đến giai đoạn Trung Quốc phải thực hiện "Loại Mới về Quan Hệ Nước Lớn" (New Type of Major Power Relations) mang tính đặc thù của Trung Quốc, có nghĩa là từ nay Trung Quốc không còn tùy thuộc vào đường lối của nước lớn là Nga hay Mỹ nữa. Trung Quốc cũng cho biết sẽ khai thác một mỏ dầu lớn có khả năng cung cấp 6 triệu thùng/năm trên Biển Đông. Hôm 5/12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông là mơ hồ và không phù hợp với luật pháp quốc. Hôm 9/12/2014, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả ngay rằng "Mỹ đã cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông" và yêu cầu Mỹ "Nghiêm túc giữ đúng cam kết, thận trọng trong lời nói và hành động, cũng như tiếp cận và xử lý vấn đề có liên quan một cách khách quan và vô tư".
Với Nga, Obama chơi trò "xúi con nít ăn cứt gà". Ông cho Phụ tá Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là Victoria Nuland và Thượng nghị sĩ John McCain đến thủ đô Ukraine kích động các cuộc nổi dậy đòi lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych và đòi gia nhập NATO và Liên Hiệp Âu Châu (EU). Nga đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ đường cho ông Viktor Yanukovych bỏ chạy, rồi cho chiếm bản đảo Crimea và tổ chức trưng cầu dân ý sát nhập vào Nga. Hiện nay, Nga đã yểm trợ dân chúng vùng đông nam Ukraine, nơi có đa số người Nga, thành lập vùng tự trị và tuyên bố nếu Ukraine xin gia nhập NATO, Ukraine sẽ bị bể làm hai gióng Cruzia năm 2008.
Lấy lý do Nga xâm chiếm Ukraine, Hoa Kỳ và các nước EU đã áp dụng các biện pháp chế tài đối với Nga. Các biện pháp này không những chỉ gây thiệt hại cho Nga mà còn cho nhiều nước EU. Ukraine bị "xúi ăn cứt gà" đã đi vào chiến tranh, trở thành con bài thí của Mỹ.
Obama mở "cuộc chiến dầu lửa"
Nước Mỹ tuy lớn nhưng có trữ lượng dầu lửa còn thua nhiều nước trên thế giới (tính cả dầu đá phiếm) như Saudi Arabia, Venezula, Iran, Iraq, Canada, Nga... nên từ trước đến nay Mỹ vẫn chủ trương mua dầu của các nước khác để xài, chứ không xài dầu Mỹ, vì thế Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, sau đó mới tới Trung Quốc. Nhưng nay vì cay cú với Nga, ông Obama quyết định giảm số dầu nhập cảng và bơm dầu của Mỹ lên xài khiến giá dầu trên thế giới giảm xuống.
Số tiền bán dầu của Nga mỗi năm bằng 40% tổng số trị giá hàng xuất khẩu. Nếu Mỹ giảm giá kiểu này, Nga sẽ mất khoảng 100 tỷ USD mỗi năm. Nhưng không phải chỉ Nga bị thiệt hại mà các nước xuất cảng dầu lửa trên thế giới, nhất là ở Trung Đông và Nam Mỹ, đều bị thiệt hại. Số dầu bán ra đã đem về đến 96% ngoại tệ cho Venezuela, nên nước này phải cắt giảm ngân sách rất lớn. Tổ Chức Các Nước Sản Xuất Dầu Lửa (Organization of Petroleum Exporting Countries, gọi tắt là OPEC) đều là những nước giàu có, nên họ tìm cách đối phó với Mỹ.
Hiện nay OPEC sản xuất 30,56 triệu thùng/ngày trong khi Mỹ chỉ sản xuất được 9,08 triệu thùng/ngày. Hôm 27/11/2014 OPEC đã đưa ra quyết định giữ nguyên sản lượng đó khiến giá dầu giảm xuống nhanh hơn. Sau đó Saudi Arabia tuyên bố đầu tháng 1/2015 họ sẽ giảm giá dầu thô bán cho Á Châu thấp hơn giá dầu của Mỹ 2 USD/thùng để cạnh tranh với Mỹ. Dĩ nhiên Trung Quốc hưởng lợi. Họ cũng sẽ bán dầu vào Mỹ thấp hơn giá Mỹ sản xuất. Theo chuyên gia Yergin, Saudi Arabia đang có khoảng 800 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nên có thể tiếp tục cuộc cạnh tranh này với Mỹ.
Trong khi đó, trong tháng 6/2014, Nga đã thỏa thuận cung cấp 270 tỷ USD dầu cho Trung Quốc, tức tăng gấp đôi số lượng cũ. Nga mới tăng thêm 100 triệu thùng nữa cho Trung Quốc trong vòng 10 năm với giá khoảng 85 tỷ USD.
Tờ Financial Times của Anh cho biết các ngân hàng, trong đó có Barclays và Wells Fargo, đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng vì khoản cho vay 850 triệu USD đối với hai công ty dầu khí lớn có trụ sở ở Mỹ là Sabine Oil & Gas và Forest Oil. Như vậy Mỹ đang tự cắn vào thịt mình.
Nhìn ra thì đã quá muộn!
Cũng như trong thời chiến tranh lạnh, hiện nay Hoa Kỳ cũng không thể khuất phục Nga và Trung Quốc được. Hôm 18/11/2014, Tổng thống Putin đã cảnh báo Mỹ không nên có ý định chinh phục Nga vì chưa từng và sẽ không bao giờ có ai thành công trong việc này. Vì thế, trong hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vừa qua, Tổng thống Obama phải tuyên bố : "Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc thịnh vượng, hòa bình và ổn định. Nếu Trung Quốc và Mỹ có thể làm việc với nhau, điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả thế giới".
Hôm 15/10/2014, sau cuộc họp kéo dài 3 tiếng đồng hồ tại Paris giữa Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Nga, ông John Kerry cho biết Mỹ và Nga đã nhất trí "tăng cường hợp tác tình báo liên quan đến ISIL và thách thức chống khủng bố khác trong khu vực". Còn ông Sergei Lavrov nói: "Ông Kerry và tôi không đại diện cho các bên tham chiến. Hai nước đều có ‘vai trò đặc biệt’ trên thế giới. Chúng ta có thể hợp tác với nhau tốt hơn để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề lớn hơn. Mối quan tâm đặc biệt của chúng ta là cuộc chiến chống khủng bố hiện đang là mối đe dọa chính đối với tòan Trung Đông".
Tuy nhiên, hôm 25/10/2014, ông Lavrov lại khẳng định rằng Moscow và Washington chỉ thảo luận các bước chống chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông nói chung, cũng như tình hình khu vực này. Hai bên không hề đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ thông tin tình báo để phục vụ cuộc chiến chống lại nhóm Nhà Nước Hồi Giáo IS tự xưng hoặc gửi các chuyên gia huấn luyện quân sự đến Iraq.
Ông Obama muốn loại Nga và Trung Quốc ra khỏi Trung Đông để thực hiện kế hoạch một "Trung Đông Mới" theo chính sách của Mỹ. Nhưng cả Nga lẫn Trung Quốc đều là cường quốc lớn lại có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nên Mỹ không làm được. Kế hoạch "xoay trục" về Á Châu để bao vây Trung Quốc và việc tạo ra biến cố Ukraine để cô lập Nga chẳng những không thành công mà còn gây khó khăn cho các đồng minh của Mỹ. Nga vẫn bám sát Iran, Syria và Iraq để giữ thế đứng của Nga ở Trung Đông, xích lại gần Trung Quốc và Ấn Độ để hình thành một liên minh mới về cả kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Bao lâu còn Obama, Mỹ rất khó kêu gọi Nga hợp tác trong các kế hoạch chống khủng bố.
Vốn có tính độc đoán, ông Obama không thích làm việc theo "teamwork". Ông đưa bà Susan Rice vào làm phụ tá Tổng thống về An Ninh Quốc Gia, bà Lisa Monaco Phụ tá cố vấn, bà Mary DeRosa Phụ tá cố vấn kiêm Cố vấn pháp lý… để làm cảnh và vô hiệu hóa Hội đồng này rồi thao túng, giống như Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã làm trước 30/4/1975. Ông Chuck Hagel Bộ trưởng quốc phòng và ông John Kerry Bộ trưởng ngoại giao là những người có tài, nhưng họ không được đụng đến Hội Đồng An Ninh Quốc Gia mà chỉ được sai chạy bên ngoài, nên ông Chuck Hagel phải bỏ chạy. Hành động độc đoán như thế, sai lầm là chuyện khó tránh khỏi.
Ngày 11/12/2014
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét