Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Một tình trạng rất mới

“…Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ đã quá phân hóa để có thể đồng ý trên một lối thoát. Chính những người cộng sản phải đủ sáng suốt để kịp thời rời khỏi một con tàu đang chìm…”


Giá dầu thô đã xuống tới mức 60 USD một ba-rin. Giá dầu đã giảm gần một nửa trong sáu tháng qua. Đây là một tin vui cho thế giới cũng như cho Việt Nam và cần được nhận định rõ ràng.
Dầu xuống giá chủ yếu vì khối lượng cung cấp gia tăng, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, kể cả dầu schist, trong khi mức tiêu thụ tại nhiều nước, nhất là Trung Quốc, giảm xuống đáng kể. Cả nguyên nhân lẫn hậu quả của tình trạng mới này đều đáng để ý.
Về nguyên nhân, các chuyên gia đều đồng ý rằng sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc đang sút giảm dù chính quyền Bắc Kinh tiếp tục nói rằng công nghiệp của họ vẫn tăng trưởng, chỉ giảm vận tốc. Các con số thống kê của Bắc Kinh ngày càng đáng ngờ vực. Sản xuất công nghiệp không thể gia tăng trong khi mức tiêu thụ dầu giảm. Quan điểm chung là Bắc Kinh đang cố giấu một tình trạng kinh tế suy thoái. Nhưng họ sẽ còn che giấu được đến bao giờ? Và khi một sự thực mà người ta đã cố tình che giấu cuối cùng vẫn lộ diện nó sẽ rất bi đát.
Về hậu quả, sự kiện rõ nét nhất là nước Nga đang khốn đốn. Dầu khí là nguồn lợi chính, chiếm gần 80% xuất khẩu, của Nga. Đồng Rúp của Nga đã mất giá 40% trong vài tháng do hậu quả tổng hợp của việc dầu xuống giá và những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và Châu Âu sau khi Nga xâm chiếm Ukraine. Điều này có nghĩa là trọng lượng kinh tế của Nga trên thế giới đã sụt gần một nửa. Hơn thế nữa ngân sách của Nga, được thiết lập trên giả thuyết giá dầu 110 USD/ba-rin, sẽ thiếu hụt nặng. Tương lai bấp bênh của kinh tế Nga đang khiến hàng trăm tỷ USD đào thoát ra nước ngoài.
Liệu Nga và Trung Quốc còn cầm cự được tới bao giờ là câu hỏi đang được đặt ra. Điều chắc chắn là một "cuộc chiến tranh lạnh mới" mà nhiều người lo ngại sẽ không xảy ra. Trọng lượng tổng hợp của Nga và Trung Quốc quá nhỏ so với khối các nước dân chủ. Cả hai nước đều rất tụt hậu về khoa học kỹ thuật, kể cả kỹ thuật quân sự, kinh tế của hai nước chưa bằng 15% kinh tế thế giới. Họ không đủ sức để thách thức các nước dân chủ. Hơn nữa hai chế độ cũng không còn chia sẻ một ý thức hệ chung.
Đối với người Việt Nam những gì đang xảy ra có ý nghĩa đặc biệt. Các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam dù xung đột với nhau đến đâu trong nội bộ cũng đều đồng ý là phải giữ nguyên chế độ toàn trị bằng mọi giá. Vì thế họ không muốn sáp lại với Hoa Kỳ và các nước dân chủ. Họ chỉ muốn được hợp tác với các nước này vì lợi ích kinh tế chứ không chấp nhận một thích nghi chính trị nào. Họ đang nhận ra rằng đây chỉ là một mơ mộng hão huyền. Điều mà họ hy vọng hơn là có thể dựa vào một "quốc tế độc tài" mới chung quanh Nga và Trung Quốc để tồn tại. Hy vọng này cũng đang tan biến.  Chế độ Putin tại Nga đang sống những ngày rất khó khăn, không loại trừ khả năng sụp đổ. Chính quyền Tập Cận Bình đang lúng túng che đậy một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng ngày càng hiện rõ, đang phải đương đầu với những khuynh hướng ly khai và cũng đang trải qua một cuộc thanh trừng nội bộ khốc liệt. Tất cả đều có thể xảy ra trong một tương lai gần, kể cả sự tan vỡ của chính Trung Quốc. Cả hai chế độ này đều đang lung lay và không còn là chỗ dựa cho ai nữa.
Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ đã quá phân hóa để có thể đồng ý trên một lối thoát. Chính những người cộng sản phải đủ sáng suốt để kịp thời rời khỏi một con tàu đang chìm.
Ban biên tập Tổ Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét