Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Bài sử khác cho việt nam

Tạ Chí Đại Trường
tachidaitruong2007
Nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường
Văn minh Đông Sơn và những đường nét sơ sử phía Bắc
Như đã nói, vùng phía bắc Việt Nam thấy tộc Hoa Hạ tràn xuống phía nam nên có ưu thế tiếp cận văn tự Hán sớm và khiến cho lịch sử nơi này sáng tỏ trước tiên.
Các tên chỉ về lãnh thổ, tập đoàn, lãnh tụ mà bây giờ người ta tranh cãi để xác định về nguồn gốc dân tộc, diễn giải về lịch sử nơi này đều bắt đầu bằng dấu vết nơi các thư tịch Trung Quốc. Sử kí Tư Mã Thiên (viết khoảng 104-91 tCn.), Hán thư (viết khoảng 58-79) có các tên Lạc, Việt với những tập họp nhiều dạng hình của chúng: Lạc Việt, Âu Lạc, Tây Âu Lạc, Tây Âu, Đông Âu… Cựu Đường thư (viết khoảng 924-946), phần Địa lí chí dẫn Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (viết khoảng 453-456) có tên Hùng Vương, Hùng hầu, Hùng điền. Còn Giao Châu ngoại vực kí gần với thời Nam Việt chí thì được Thuỷ Kinh chú (515) nhắc đến Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc điền, Lạc dân. Có điều rắc rối nan giải là dù ở các sách xưa nhất như Sử kí, Hán thư, các bản văn hiện tồn cũng trải qua nhiều sửa đổi, nhiều chú giải của người sau qua những biến đổi ngữ âm, do sự mù mờ văn tự, cách ngắt chữ ngắt câu… khiến cho vấn đề xác định lại tuỳ thuộc vào tâm tình sử gia hơn lúc nào hết. Ví dụ trong khi Giao Châu ngoại vực kí kể ra cả một hệ thống tổ chức chính trị, kinh tế thông suốt trên dưới thì Quảng Châu kí (420-436) lại không nhắc đến Lạc Vương. Còn cụm từ “tây âu lạc” chẳng hiểu có gốc là một chỉ danh khác-Hán như thế nào nhưng bây giờ có thể xếp thành: Tây Âu Lạc (một “nước”), (phía) tây (là) Âu Lạc, Tây Âu (và) Lạc (Việt) rồi từ đó vị trí các lãnh thổ, tập đoàn liên hệ có thể co dãn theo tinh thần yêu nước của các sử gia khiến cho nước Việt cổ xưa mở rộng ra không những chỉ kình địch với thủ lãnh địa phương là Triệu Đà mà còn tranh chiến với cả trung ương Tần Hán nữa. Các tên Việt, Lạc nhìn theo lối viết chữ quốc ngữ ngày nay được tranh luận nhiều để có người thấy có địa điểm L-Ạ-C ở vùng xuất phát của tộc Hoa Hạ, và không kể đến gốc gác chữ Hán như thế nào, bèn cho rằng dân Việt cũng có phần – mà là phần hơn, nên ghép Lạc thư là của Việt (Nam) rồi kéo luôn cả Hà đồ, âm dương ngũ hành…, càng lúc tin tưởng càng vững chắc không gì lay chuyển nổi.
Như đã thấy, các tên chỉ tộc danh, lãnh thổ xưa nhất chỉ người Việt ngày nay là ở Sử kí, phần “Nam Việt Uý Đà liệt truyện,” Hán thư chỉ là chép theo và thêm bớt chi tiết. Những tranh luận về ý nghĩa đích thực của chúng chỉ gây thêm rắc rối vì đó là cách phiên âm một từ, một ý niệm địa phương – cũng không hẳn là cố định, của một người đi buôn, một nhân vật quân sự, một tay thư lại Hán ghi vào sổ sách, rồi qua bao nhiêu chặng đường khác nhau sẽ chuyền đến tai Tư Mã Thiên ngồi ở Lạc Dương hay đang trên con đường phiêu lãng tìm kiến thức của ông. Và cũng vì thế không có gì để xác nhận rằng tập đoàn Việt ở đây giống với nước Việt mà người Hoa Hạ biết có tranh giành quyền lực thời Chiến Quốc, thế kỉ V tCn. Tuy nhiên chính vì lẽ gần cận âm vận này mà người Hán giữ được cái tên đó, đến khi tràn xuống phương nam, hiểu biết về địa phương có phần chi li hơn trước, liền xếp các tộc đoàn khác-Hán với một số thói tục tương tự ít nhiều vào cùng nhóm “Việt” để gọi gọn là Bách Việt, từ người dưới đồng, ngoài hải đảo như Lạc Việt, đến người trên núi cỡi voi như Điền Việt sâu tận bên trong cao nguyên Vân Nam. Rõ rệt có sự liên tưởng sẵn nên lời người chú giảiHán thư âm nghĩa cho Sử kí cũng có thể hiểu “Lạc là Việt đấy” (Lạc, Việt dã). Rồi từ đấy là lí thuyết thiên di của L. Aurousseau vẽ đường cho tập đoàn tan rã Việt Câu Tiễn xuống châu thổ sông Hồng. Ông Đào Duy Anh tuy bài bác Aurousseau nhưng cũng cho dân Việt vùng Phúc Kiến theo đường biển đến Bắc Bộ. Và như đã nói, hình tượng người-chim trên vách mộ Triệu Mạt là bằng chứng mới nhất về một dạng văn hoá mang tính đồng biển ở trên vùng người Hán gọi là của dân Bách Việt. Có điều dấu hiệu đa tạp ngôn ngữ còn thấy về sau cũng chứng minh vấn đề đã không giản dị.
Đám dân Lạc ấy làm ruộng nước, suy từ nguyên gốc nguồn tin (nói về ruộng, giống như với tập họp Hùng tương ứng) thì không thể nào có tô tem là chim Lạc (?) hay chuyển từ “ló”, “lúa” cả. Diễn giải thông thường ngay từ văn bản xưa, là dân ấy làm ruộng theo nước thuỷ triều lên xuống nhưng ông Nguyễn Duy Hinh lại cho rằng đó là làm ruộng theo vùng mực nước khô cạn hay đầy ngập – vùng ruộng mùa và ruộng chiêm, sự phân biệt này là của thời có sử lưu truyền đến ngày nay. Lí lẽ chưa đủ vững chắc nhưng đó cũng là thêm một chứng dẫn về sự nan giải trong việc tìm hiểu nguyên ngữ nữa. Tập họp Lạc làm ruộng theo nước triều lên xuống cũng tương hợp với các hình khắc hoạ trên trống đồng với sinh hoạt nhà sàn giã gạo cùng với sinh hoạt sông nước có dáng lan ra biển rộng, lên phía Bắc, bên ngoài địa giới quốc gia ngày nay. Rồi như đã thấy, gần đồng thời với nguồn tin tiếp về tập họp chính trị Lạc trên đồng bằng Bắc Bộ ngày nay thì cũng có nguồn tin về tập họp Hùng gần đâu đó. Thế là nảy ra ý cho rằng người xưa lẫn lộn. Có lẽ Ngô Sĩ Liên là sử gia Việt đầu tiên nêu ra ý kiến “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng.” Chúng ta không hiểu tại sao ông không nói đến cấp bực Vương, chỉ biết rằng học giả Pháp H. Maspéro (1918) đã sử dụng lối viết chữ Hán để chứng minh chữ Hùng là Lạc viết sai qua, nghĩa là chỉ có Lạc Vương chứ không có Hùng Vương. Vấn đề không đi đến đâu cũng giống như khi ông chứng minh Văn Lang là từ Dạ Lang viết lẫn lộn qua. E. Gaspardone (1955) thì lưu ý rằng Lạc và Hùng là hai truyền thống khác nhau. Ông Nguyễn Duy Hinh có vẻ không tin vào danh xưng Hùng Vương nên đề tựa cho quyển sách của ông là Văn minh Lạc Việt chứ không gọi là thời đại Hùng Vương hay Văn minh sông Hồng…
Tuy nhiên danh xưng Hùng Vương lại được một quyển sử khác đưa ra chắc nịch về thời kì xuất hiện, tuy không biết nguồn tin phát xuất từ đâu nhưng lại hợp với tính chất phối hợp thần, thế quyền của các chính quyền thời sơ sử và như thế làm an tâm các sử gia “Thời đại Hùng Vương” ngày nay hơn. Đại Việt sử lượcghi: “Đời Trang Vương nhà Chu (696-682 tCn.) ở bộ lạc Gia Ninh có dị nhân dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chân chất, chính sự dùng lối thắt nút.” Không rõ tác giả vô danh kia lấy niên đại từ đâu. Nhưng căn cứ vào thời đại xuất hiện quyển sách thì đồng thời với tác giả cũng có Hồ Tông Thốc với các sách Việt nam thế chí, Việt sử cương mục vào cuối thế kỉ XIV nói đến 18 đời Hùng Vương. Ngay cả người Minh, tác giả An Nam chí(1419) cũng nhắc đến Mị Nương “con gái Hùng Vương” ở Tản Viên. Có điều còn một chút lẫn lộn: Ở nơi mà ngày nay là đền Hùng, họ thấy có “cố chỉ của cung Lạc Vương.” Hai chữ Lạc và Hùng do đó cứ ngập ngừng quanh quất trong công trình các sử gia Việt, và danh xưng Hùng chỉ trở thành độc bá khi có quyết định chính trị chen vào.
Như thế các dấu vết sử liệu cũng như thực địa cho thấy nơi quanh đỉnh đầu lưu vực sông Hồng từ xưa đã có ít ra là một tập họp có người đứng đầu xưng là “vương”. Điều đó không phải là lạ. Từ năm 180 tCn, Triệu Đà đã nói với sứ giả Hán rằng phía đông của ông ta thủ lãnh Mân Việt một ngàn người tự xưng vương, phía tây, dân Âu Lạc ở trần cũng xưng vương! Gạt sang bên cách giải thích cụm từ “tây âu lạc” rắc rối như đã thấy, cứ cho rằng Âu Lạc Triệu Đà nói đây là nước của An Dương Vương thì thấy rằng dưới ảnh hưởng của văn minh Hán tộc tràn xuống nam, nhiều tập họp dân bản thổ đã bắt đầu tổ chức thành đơn vị lớn nhỏ mà người cầm đầu theo cung cách hướng thượng tự nhiên, đã xưng Vương như nơi khuôn mẫu họ bắt chước theo. Nghĩa là không phải chỉ có (Mân Việt và) Âu Lạc mà Triệu Đà tiếp cận được. Những “nước” khác trong vùng không tiếp xúc được với người “có chữ” (Hán), đã tan biến vào trong thời gian chỉ còn lại một nước Lạc và một nước khác kém may mắn hơn nhưng vẫn đủ may mắn để tồn tại là “nước” Hùng. Nhiều trăm năm sau khi người Hán chiếm đóng, họ còn thấy ở vùng này có rất nhiều tập họp người khác ngôn ngữ, muốn hiểu nhau phải qua thông dịch, như đối với Việt Thường của sách vở xưa. Mã Viện thắng Hai Bà Trưng, bắt cả hơn 300 “cừ soái” đem về Linh Lăng. Gần hai trăm năm sau, sớ Tiết Tổng dâng lên vua Ngô (231) còn cho ta biết: “(Giao Chỉ) sông núi xa xôi, tập tục không như nhau, ngôn ngữ phải thông qua nhiều lần phiên dịch mới hiểu…” Và cả đến thế kỉ VIII, sự xuất hiện của Vua Đen Mai Thúc Loan còn cho thấy dấu vết không nhỏ của tập họp người mang dáng dấp Hải Đảo trên vùng Nghệ Tĩnh nay. Rõ ràng là trước khi người Hán biết đến xứ sở này, không thể có một chính quyền thống nhất dù sử gia ngày nay viện dẫn đến tài liệu thống kê dân số nói dân thuộc địa phương nam của nhà Hán đó có cả gần triệu người! Trở lại về trước, ta chỉ còn thấy hai tập họp Hùng và Lạc. Nguồn gốc của chữ Hùng thì cũng đã có nhiều giải thích trong đó có của ông Trần Quốc Vượng, minh định cho một nền văn minh bản địa cao cấp, nhưng cũng như với trường hợp của chữ Lạc, vấn đề vẫn không đi đến kết luận thoả đáng.
Chúng ta chỉ thấy ngay khởi đầu, thông tin về hai tập họp người gần tương đồng thời đại đó đã có sự phân biệt về nơi cư trú. Lạc là để nói về một tập họp người trồng lúa nước nơi một vùng khoáng đãng, vùng đồng bằng gần biển, ít ra là tách biệt với rừng núi. Còn Hùng, cũng có gốc từ ruộng đất như Lạc – tên “hùng điền” lấy từ ý đất bốc hơi mạnh, nghĩa là đất ở những thung lũng hẹp, gần rừng núi hơn. Truyền thuyết 50 người con theo mẹ lên núi có vẻ là rơi rớt của một ý niệm “hùng” như thế. Khi người Hán tràn xuống nam, họ chiếm vùng đồng bằng không những vì Triệu Đà có liên hệ trước với Âu Lạc mà vì từ bản thân khai thác của dân Hán, họ chủ yếu tập trung quyền bính ở vùng châu thổ, dành các đất trên rừng núi xa, cho thuộc vào vòng ki mi (ràng buộc lỏng lẻo) vì không đủ khả năng chế ngự. Tên Lạc, Âu Lạc, Lạc Việt trở thành quen thuộc trên cửa miệng, văn thư quan lại Hán để chỉ đám dân thuộc địa vùng đồng bằng theo với địa danh hành chính Giao Châu gồm cả Hợp Phố của Quảng Đông ngày nay, nên có lúc họ gọi là Lạc Việt cả người ở đảo Hải Nam. Tập họp Lạc Việt trở thành bao trùm trên cả những vùng không hẳn được xác định lúc đầu. Còn người Hùng thì bị quên lãng vì lúc này đã trở thành điểm nhỏ bên lề những biến động lớn trong ghi chép của đế quốc Hán đã vươn đến tầm mức quốc tế, cho nên chỉ còn lại ở những kí ức địa phương. “Cung cũ của Lạc Vương,” lời ghi chép ở thế kỉ XV của người Minh đó là kết tụ của kí ức dân chúng địa phương về ông vua xưa của mình (Hùng), và sự lầm lẫn của người cai trị về một loại lãnh chúa mất địa vị (Lạc) đã bị lịch sử đưa vào vòng “nội thuộc” của họ từ lâu. Họ Trần kiêu ngạo của vùng đồng bằng không xây cất cung ấy vì họ không hề để ý đến một lãnh chúa ở vùng di man như họ từng ứng xử. Đền đài tàn tạ mà người Minh trông thấy là của dân chúng và lãnh chúa địa phương xây cất nên. Không biết các nhà khảo cổ Việt Nam hiện nay có lưu ý để tìm kiếm “cố cung” ấy hay không.
Trường hợp “quên” của người Hán cũng xuất hiện với người Việt về sau khi các quan cai trị đã ra đi mang Lạc Vương theo gót chân họ. Hùng Vương trở lại nổi bật trong lịch sử độc lập Việt và càng lúc càng có uy thế hơn khi một dòng vua gốc man từ Thanh Hoá đến cai trị khiến cho nho sĩ trung châu Ngô Sĩ Liên thấy không có gì phải ngượng ngùng khi đưa một lãnh chúa man vào làm tổ nước Việt của ông, công việc hợp với tính chất xưng tụng vị chủ tể như đúng với vai trò thần tử phải có, chưa kể là do sức ép từ tập đoàn Mường Thái đang cai trị trên thành phần tập đoàn trung châu yếu thế của ông.
Các sử gia Việt Nam ngày nay thường ghép “Thời đại Hùng Vương” với nền văn minh Đông Sơn, điều này thì cũng không gây tranh cãi lớn nếu không có ý tưởng Bốn ngàn năm văn hiến níu kéo vào. Muốn sử dụng từ “văn minh” cho giai đoạn Đông Sơn hẳn phải là nhìn từ những vật dụng cao cấp: vũ khí có trang trí, mang hình tượng người, thú dùng cho tế lễ hay để chứng tỏ uy thế một cấp bực quản lí vùng như đã nói. Và trống đồng. Trống đồng thấy nhiều nhất qua chứng tích sau trận thắng năm 43 của Mã Viện. Dù có đi tìm những ảnh hưởng từ bên ngoài vào thì dấu vết địa phương cũng nổi bật trên trống đồng, ví dụ trong khi trống đồng Vân Nam rườm rà với các khuôn tượng thì trống Việt phía nam tinh tế với các vành trang sức. Tất nhiên không thể bỗng nhiên người ta đúc ngay được một tuyệt phẩm của một dòng trống cao cấp bởi phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, sáng tạo. Thế mà ngay trên trống Ngọc Lũ đã thấy khắc đến 15 trống loại 1 rồi, điều đó có nghĩa là không thể biết khoảng thời gian bao lâu từ lúc có trống đồng nói chung đến trống Ngọc Lũ. Nhưng không nên có ảo tưởng tìm lại được nguyên mẫu vì tự thân của tiến bộ người ta đã loại trừ những vật dụng xấu, kém một khi có các vật phẩm cao cấp hơn. Thêm nữa, đồng là hiếm thì không thể lấy nguyên liệu mới đúc trống mới mà phải lấy ngay trên các trống xấu, cũ. Lối phân loại của Heger chỉ xác định tương đối giai đoạn suy tàn của trống chứ không phải là giai đoạn hình thành.
Việc tranh cãi giành nhau “quê hương của trống Đông Sơn” giữa các học giả Trung-Việt trong các năm 1980 chỉ là sự nổ bùng do hậu quả của cuộc chiến 1979 chứ không đưa đến kết luận thoả đáng nào ngoài việc ai giữ phần nấy trong im lặng bên phe mình. Phía Việt không chịu mẫu ở Vạn Gia Bá là nguyên thuỷ thì hẳn cũng không chịu kết quả C14 ở Thạch Trại Sơn: 690+/-90 tCn. Việc xác định thời điểm đúc trống cao cấp còn thấy của Việt Nam lại thêm rắc rối vì các trống Việt thường được tìm ra một cách tình cờ, tự bản thân không có dấu vết xác định thời đại. Trống ghép với mộ Việt Khê thì chỉ là 530 tCn. nhưng mẫu thử nghiệm lấy từ gỗ thuyền thì phải tụt lại khoảng cả trăm năm. Trừ một điểm hơi tỏ rõ, có thể là muộn, ở trống Cổ Loa. Vì những mù mờ nói trên nên người ta xếp thời điểm cao cấp của trống Đông Sơn là trước thế kỉ III tCn, thời điểm chưa có sự xâm nhập của quân binh Hán trên vùng này, hay thế kỉ VII, VIII tCn. gì đó, có lẽ là do chịu ảnh hưởng của đoạn văn Đại Việt sử lược kể trên để đặt cho đúng với thời đại vua Hùng. Thế là, với một chút dè dặt người ta cho thời điểm trống Đông Sơn là ở thế kỉ V tCn, trung bình nằm giữa thiên niên kỉ đó. Trống Cổ Loa được cho là thuộc loại Heger I lại có những dòng chữ Hán không ai thiết tha tìm hiểu kĩ hơn nhưng được nhận ra là lối chữ của thế kỉ II. Như vậy trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ dù xưa hơn cũng vẫn khó có cách biệt đến cả mươi thế kỉ. Mặt khác, nhìn những biến dạng từ cá sấu thẳng mình rồi uốn mình, cách điệu trên trống, rìu đồng, trên các hộ tâm phiến rồi ghép với chứng cớ ngôn ngữ biểu diễn con vật đó bằng chữ “long”/rồng mang ý thức cao cấp, Hán đem đặt tên cho thủ phủ thuộc địa: Long Biên / Long Uyên, để lên đến tột đỉnh là kinh đô Cá Sấu Thăng Long của Lí, ta thấy rõ ràng có những vật dụng của “văn minh Đông Sơn” đã không xưa cũ như lòng tự tôn muốn thấy.
Tuy nhiên việc có các trống xưa ở vùng đồng bằng, gần đồng bằng, cũng như các dấu vết sinh hoạt thời đồng thau cao cấp (như khu mộ Việt Khê chẳng hạn) cũng chứng tỏ rằng các thủ lãnh địa phương bản xứ đã có đủ khả năng về tiền bạc, tập họp người và quyền uy để đúc trống tạo thêm quyền uy trong các cuộc hội lễ từng được quan lại Hán đương thời ghi nhận. Có lẽ phải đến hàng vạn thủ lãnh như thế đã chìm lấp theo thời gian, theo với các trống đồng họ chôn hay lưu truyền cho Mã Viện tịch thu, có còn sót lại, tình cờ vẹt đất bày ra thì lại phải mang những cái tên lạ lùng chưa có ngày xưa: Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa… May mắn trong đám thủ lĩnh ấy có hai tập họp được người Hán ghi lại mà nay cũng chỉ đọc ra tên theo kiểu của họ, không biết gốc gác là gì: Hùng “Vương,” Lạc “Vương.” Và họ trở thành biểu tượng cho địa phương một khi toàn vùng thay đổi, phát triển . Các cấp bực “vương”, “hầu”, “tướng” chỉ là mượn của quan niệm Trung Quốc, không thể nào được coi là giống với nguyên mẫu nhưng cũng để lại cho ta một ý niệm về một tổ chức tuy không lớn rộng nhưng có trên có dưới, có phân công nhiệm vụ điều hành dân sự và quân sự. Cũng nên theo các nghiên cứu ngày nay mà nhận ra rằng các trống loại 1 xuất hiện nhiều nhất ở rìa tây nam đồng bằng sông Hồng và lan về nam đến sông Mã. Và cả những trống loại 1, hay các trống muộn hơn, vẫn có thể hoặc xuất hiện trong thời Bắc thuộc hay về sau, và nhờ giao thương phát triển mà lan tràn khắp Đông Nam Á.
Cả hai tài liệu gây ra sự phân vân Hùng/Lạc đều công nhận một nhân vật duy nhất lật đổ nhóm thủ lãnh ăn ruộng kia: An Dương Vương. Lại cũng có điều phân vân không rõ, An Dương Vương là vua Thục của cái nước bị tiêu diệt năm 316 tCn., là “Con vua Thục” của dòng giống lưu lạc kia, hay chỉ là một tên Thục mượn-tiếng, không bà con dây mơ rễ má gì với nhau như sau này ta thấy rất nhiều trên các triều đại mượn tên Trung Quốc. Là gốc gác từ đâu không rõ nhưng chắc chắn là “nước” Thục kia không ở xa “nước” Hùng/Lạc, đâu đó phía tây bắc theo các dòng sông chuyển về đồng bằng tìm đất sống, mở mang địa vực, nới rộng quyền lực. Địa điểm Cổ Loa kèm theo, là nơi đóng đô, bằng chứng thường được chỉ ra là ngôi thành còn lại có vẻ không vững chắc hơn truyền thuyết lễ tế ngày nay ở làng Nhồi trong thành, liên kết thần đá Cao Lỗ với lãnh tụ thế tục: vua. Và nhân vật An Dương Vương này có dáng lịch sử vì bám vào một nhân vật lịch sử Trung Quốc: Triệu Đà. Dù có những loại chuyện thần thuyết kèm theo sự tranh chiến giữa đôi bên như chuyện nỏ thần lông ngỗng, nước Âu Lạc của An Dương Vương cũng xuất hiện với “Uý Đà” theo các tài liệu tiếp nối, cho thấy theo xác nhận thông thường là Đà đánh chiếm Âu Lạc vào khoảng năm 179 tCn. Quá khứ miền Bắc Việt Nam từ đây bắt đầu bước vào thời đại lịch sử thực sự.
CÁC QUYỀN LỰC BẢN XỨ TRƯỚC SỰ TRÀN LẤN HOA ẤN
Vấn đề Triệu Đà – Nhà Triệu
Như đã thấy, tài liệu muộn như Nam Việt chí kể chuyện Thục cướp nước của Hùng Vương, rồi sau đó Triệu Đà lại chiếm đất Thục. Nhưng Sử kí hơn năm thế kỉ trước thì chỉ nhắc đến Lạc, Âu Lạc để người sau (Quảng Châu kí) ghi chuyện “Thục vương tử” đánh Lạc hầu, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê, cuối cùng bị Triệu Đà diệt, “sai hai sứ giả coi việc cai trị hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân tức là Âu Lạc vậy.” Thế là nối kết các tài liệu mà không đi vào chi tiết, ta có nhân vật An Dương Vương, ít ra là làm vua trên vùng đất đỉnh đầu trung châu sông Hồng, theo Toàn thư là từ 257 đến 208 tCn. Các con số không vững chắc nhưng hãy cứ ghi lại như một định hạn cho tâm trí vào thời mù mờ này, cũng như về số tuổi quá cao của Triệu Đà: 256-136tCn. Sử gia Đào Duy Anh thì cho rằng Âu Lạc bị chiếm sau lúc Cao Hậu mất, sau năm 180 tCn. còn thời Thục Phán lên ngôi thì khoảng 214 tCn. theo lập luận dân Việt công cử người đánh Tần của ông.
Triệu Đà chiếm Âu Lạc đặt hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, cũng theo sử ta, đặt hai viên điển sứ trông coi (về mặt hành chính?), còn về mặt quân sự có chức Tả tướng, nghĩa là “bảo hộ” Âu Lạc, nói theo lối bây giờ. Tên Giao Chỉ tuy gây nhiều tranh luận về ý nghĩa nhưng còn có thể tìm gốc gác trong các sách xưa của Trung Quốc chứ tên Cửu Chân thì hoàn toàn mới mẻ, hoặc có thể đó chỉ là phiên âm của một từ địa phương mà sau không còn tìm được dấu vết. Nhờ chuyện chiếm đóng của Hán về sau, ta có tài liệu để suy đoán thêm là Triệu Đà vẫn để con cháu nhà Thục giữ vùng Tây Vu, xưng là Tây Vu Vương cũng chẳng sao, nghĩa là các thủ lãnh ở các nơi khác vẫn trông coi phần đất, dân lệ thuộc mình. Các sự kiện được ghi lại rời rạc, chắp nối như thế không cho ta thấy rõ những thay đổi trong vùng – chắc cũng không nhiều, nhưng cả hàng thế kỉ tiếp xúc trực tiếp với quyền lực Hán tộc, dù của địa phương, hẳn cũng không phải là không có chút ảnh hưởng nào. Khi quân Hán tiến đến bờ cõi Âu Lạc cũ thì hai viên điển sứ của Triệu đã đem cống bò, rượu mừng và dâng sổ bộ hai quận. Cung cách giao tiếp không những đã có tính cách nghi lễ mà chi tiết còn chứng tỏ rằng những người cai trị của Triệu đã làm việc kiểm kê dân số trong vùng, hẳn là khác với lúc “tự do” trước kia.
Vai trò của nhà Triệu trong nước Việt ngày sau đã gây nhiều tranh cãi và tuy có lúc bị phủ nhận nhưng kết quả để lại đã sâu đậm hơn là ta tưởng. Quyển sử chính thức đầu tiên cho Đại Việt, quyển Đại Việt sử kí, và quyển Đại Việt sử lược tiếp theo, cả hai đều sắp xếp nhà Triệu như một triều đại Việt. Cho nên không lấy làm lạ là tập họp sử chính thức tiếp theo, viết cho đến thế kỉ XVII cũng không đổi khác mà còn ghi chi tiết hơn: Người nối ngôi Triệu Đà là con Trọng Thuỷ, hàm ý con của Mị Châu với mớ lông ngỗng bay đâu đó. Những lời tán dương Triệu Đà không suy suyển qua các thời đại. Tuy nhiên dần dà thì tính chất tách rời hệ thống phương Bắc cũng sâu đậm hơn nên lại thấy có phản ứng ngược như trường hợp Hồ Sĩ Dương trong lời bình khi soạn lại Lam Sơn thực lục (1679), vương vấn gợi nhớ thời chống Minh: “Vũ Đế nhà Triệu… chẳng qua cũng là một người Hán sang cai trị nước ta, chưa được chính thống.” Hơn hai trăm năm sau, Ngô Thì Sĩ tuy cũng phủ nhận nhưng lúng túng trong tinh thần dân tộc hơn: Ông cho thời kì Triệu là “ngoại thuộc” nhưng với các triều Hán… Đường thì ghi là “nội thuộc.” Một khoảng cách rành rẽ trong thời gian người Pháp cai trị qua đến thời kì kháng chiến giành độc lập khiến cho vấn đề loại trừ nhà Triệu mang tính dứt khoát hơn (Đào Duy Anh).
Tuy nhiên ảnh hưởng của sự công nhận nhà Triệu qua năm tháng dài không phải đã không đem lại tích cực từ một hướng khác: Đó là vai trò của nó trong sự hình thành quốc hiệu Việt Nam ngày nay. Được coi là Việt trong “vô số Việt” (bách Việt) vậy mà chỉ có nước Nam Việt dám đương đầu với Hán tộc, được chính quyền trung ương Hán tộc nhắc nhở luôn trong các văn thư với các triều đại độc lập về sau, cho nên Nam Việt có mặt trong sử Việt là một dấu hiệu bám víu hãnh diện. Một người chống đối trong thời thuộc trị (Lí Bí) xưng là Nam Việt Đế (541). Chính sử Việt dựng lên một ông vua thần nước tiếp theo, đã xưng là Việt Vương lại mang thêm tính danh Triệu, nhập nhoà với ông Triệu Vũ Đế xưa để thờ chung trên châu thổ sông Hồng. Thế rồi tên nước của Đinh đối với Tống là Nam Việt Vương dành cho Đinh Liễn, với bên trong là Đại Cồ Việt rồi văn hoa hơn, là Đại Việt suốt gần mươi thế kỉ độc lập nhưng vẫn ở thế phiên thuộc chính trị, văn hoá không rời trung ương phương Bắc. Truyền thống bám vào Triệu Đà đó thành điều in trí hiển nhiên trong đầu các sử quan, cho đến cả một triều đình thành danh xa tận phương nam như nhà Nguyễn, khi xưng tên nước, lúc khởi đầu cũng đã muốn là Nam Việt trước khi là Việt Nam theo sự ép uổng của nhà Thanh. Nước lớn muốn rẫy ra khỏi quá khứ, nước nhỏ vẫn lăn bám vào, cho nên đến ông Trần Trọng Kim với thế giới đã đổi khác mà vẫn còn giữ một chương Nhà Triệu trong quyển sử thời đại của mình!
Các tập đoàn Lạc và quyền lực Hán: Vấn đề Mã Viện
Nam Việt mất, quân Hán nhân đó tràn xuống chiếm lĩnh cả phần thuộc địa Âu Lạc cũ, ngoài hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân lại đặt thêm quận Nhật Nam (111 tCn.) có dáng là đã tiến xa hơn về phía nam. Thật ra thì phần lớn vùng thuộc địa mới này, một phần của Giao Chỉ Bộ, đều nằm về phía nam mặt trời luôn cả trong ngày Hạ chí (21-3) nhưng có vẻ người ta dành cái tên Nhật Nam (phía nam mặt trời) cho quận ở đuôi sau rốt. Biên giới của nó co dãn theo tình hình quyền lực của người chiếm đóng, có thể thấy là ở khoảng đèo Hải Vân ngày nay, nhưng có người muốn đẩy xa đến tận vùng đèo Cả. Trông coi mỗi quận là Thái thú có Đô uý cầm quân đồn trú. Triều đình Hán đưa một quan chức là Thứ sử (lập năm 107 tCn.), tháng 8 đến kiểm tra, tháng Giêng trở về kinh đô báo cáo. Suốt cả thời kì cai trị của Tây Hán (111 tCn.- 6 sau Cn.) qua thời gian soán đoạt ngắn ngủi của Vương Mãng (9-25), người ta chỉ ghi nhận có ba Thái thú, chứng tỏ sự thờ ơ của họ ở thuộc địa phương nam này. Ý định dùng Giao Chỉ làm vị trí trung gian để tiếp xúc với Đại Tần / Đông La Mã chỉ mới manh nha. Họ phải lo củng cố thuộc địa. Công việc mới mẻ, các quan Thái thú đốc thúc các trưởng lại trị dân qua tầng lớp Lạc tướng cũ, chỉ cốt giữ sao cho yên ổn. Trong buổi đầu còn phải lấy tiền bạc lúa gạo của các quận cũ cung cấp cho các quận mới, những đồ cống nạp dâng lên Triều đình chắc là thu từ các Lạc tướng, thuộc về những đặc sản địa phương như ngà voi, sừng tê giác, ngọc trai, lông chim trả… Tài liệu hiếm hoi nhưng cũng đã thấy có chênh mực từng vùng như Giao Chỉ phải cung cấp gạo cho Cửu Chân vì ở đây tình trạng sản xuất thấp kém hơn, dân chỉ biết lấy săn bắn làm nghiệp, Đô úy Triệu Quá phải dạy cày bằng bò, Thái thú Nhâm Diên chế điền khí, khai khẩn ruộng nương, lập quan hệ hôn nhân bằng giá thú… Ngay cả dân Giao Chỉ cũng làm sử gia Hán vốn quen với tập tục của mình, phải ngạc nhiên chê bai: “Người như cầm thú, ngôn ngữ khác nhau, không phân biệt trưởng ấu, bới tóc ở gáy, đi chân đất, lấy vải luồn qua đầu làm áo” – kiểu poncho còn thấy ở Nam Mĩ ngày nay. Chứng nhân Tiết Tổng làm thái thú Hợp Phố ở gần bên thì thấy chi li hơn: “Chu Nhai trừ chốn châu huyện việc giá thú tiến hành… (có) mai mối đến nhà, còn nam nữ dân chúng vào hội lễ thích nhau thì tự thành vợ chồng, cha mẹ không cản trở được. Hai huyện Mê Linh của Giao Chỉ và Đô Lung của Cửu Chân, hễ anh chết thì em lấy chị dâu làm tục đời đời (levirat), quan lại biết cũng không ngăn cấm được. Nam nữ quận Nhật Nam ở trần truồng không biết hổ thẹn…”
Tất nhiên tình hình không thể giữ yên mãi như thế được. Về mặt tâm tưởng, quan lại Hán tự phụ mình mang sứ mệnh vương hoá, phải lo “giáo hoá” dân man di cho biết lễ nghĩa, theo luật pháp mới, làm con dân Triều đình trên cao. Về mặt thực tế, họ phải khai thác thuộc địa, thu thuế má để nuôi sống cả một hệ thống cai trị càng lúc càng phải cồng kềnh hơn. Trong công việc đó họ có thêm sự trợ giúp của những di dân đồng tộc hoặc đi tìm sinh kế, hoặc lánh nạn chính trị từ phương Bắc xuống như vào giai đoạn Vương Mãng chiếm quyền. Người ta kể trong loại cải cách này có hai viên Thái thú được coi như đã đem lại hạnh phúc cho dân chúng thuộc địa: Tích Quang coi Giao Chỉ thời Vương Mãng, được dẫn việc năm 29 của Đông Hán, Nhâm Diên quan chức cùng thời làm đổi thay ở quận Cửu Chân. Tuy nhiên khi quan lại thuộc địa tự coi như đã làm một ân huệ cho dân bản xứ thì người bị trị lại oán hận khi nhìn vào phần đời sống họ phải mất đi. Các Lạc tướng thấy dân dưới quyền cũa mình càng lúc càng vuột khỏi tầm tay trong lúc quyền lực Hán càng lúc càng chen vào mạnh mẽ hơn. Điều đó càng đậm nết với triều đại Hán thứ hai: Đông Hán bắt đầu năm 25, phục hưng dòng họ cũ, đem lại uy thế lấn lướt hơn.
Thái thú đã lớn quyền thế mà năm 30, chức Đô uý còn được bãi bỏ để Thái thú kiêm nhiệm, có nghĩa là nắm quyền dân sự lẫn quân sự. Cũng thời Đông Hán, Thứ sử không phải về kinh báo cáo như trước mà hiện diện liên tục ngay tại trị sở giám sát. Chức này vốn nhỏ hơn Thái thú nhưng hẳn vì sự thay đổi này đã trở nên nhiều quyền hành hơn. Hệ thống cai trị như thế càng chặt chẽ hơn. Sử quan Hán khởi đầu đổ hết tội gây nên bạo loạn nơi Tô Định, người thay thế Tích Quang năm 34, tuy nhiên phải nhận rằng sự chuyển đổi người mới cũng là một nguyên cớ quan trọng. Thái thú đã lớn quyền, nhiệm sở lại cách xa triều đình, nên dễ dàng vơ vét, nghĩa là Tô Định không làm gì khác hơn các đồng sự của mình, chỉ có điều là có thể đã làm đậm hơn trong thời gian mới tới, hay là đã rủi ro đến vào lúc sự bất mãn của dân bị trị lên đến cao độ. Và thế là có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43) theo lối thường gọi cho đến nay, nhưng thật ra đây là của hai trung tâm Lạc liên kết: Mê Linh và Châu Diên (của ông Thi, chồng bà Trưng Trắc). Sự liên kết hôn nhân đó là dấu hiệu đe dọa rõ rệt cho nhà cầm quyền. Sau này với cuộc viễn chinh của Mã Viện, người ta thấy thêm các “cừ soái” phía nam: Đô Dương và Chu Bá ở Cửu Chân, không có vẻ gì là tướng lĩnh của Hai Bà cả. Thế mà cuộc nổi dậy lại có “uy danh động đến Bắc Phương,” chứng tỏ tầm mức bất mãn đồng loạt rộng lớn của dân thuộc địa, không chỉ tuỳ thuộc vào số các lãnh tụ còn được lịch sử ghi tên. Có khoảng 65 thành bị triệt hạ (nhiều hơn số huyện chính thức toàn cõi), có nghĩa là chừng ấy đơn vị người Hán bị tràn ngập ở mức độ khác nhau. Sau này còn thấy đền thờ Hai Bà trên những vùng đất phía bắc ngoài Việt Nam, chỉ vì ngày xưa là thuộc Giao Châu nên chịu ảnh hưởng của cuộc nổi dậy năm 40. Cho nên, lo sợ cho sự sụp đổ của đế quốc mới hồi phục, Hán Quang Vũ mới cử viên tướng tài Mã Viện ra quân.
Với khả năng của bản thân và sức mạnh của nhà Hán hưng khởi lại, đầu năm 42, Mã Viện đã điều động hai vạn quân cùng thuyền xe nghìn cỗ dẫn đến thành công trong những chiến dịch vũ bão: thắng ở Lãng Bạc (4-43), đầu năm sau chém được Trưng Trắc, Trưng Nhị, rồi đi suốt chiều dài thuộc địa, đánh dẹp ở địa phương, cuối năm 44 đã thu quân khải hoàn. Ta biết được tình hình chiến trận, địa phương nhờ tờ tấu trình công tích lên vua Hán cùng những lời ông nói với tướng sĩ được ghi lại. Chiến tích đó đã đem đến đảo lộn lớn cho thuộc địa, chứng tỏ là sau cả hai ngàn năm mà dân chúng Việt còn thờ Đông Hán Đại Vương / Phục Ba trong các đình làng. Nhưng tầm mức quan trọng của nó gợi nên cho các sử gia bây giờ lại là từ phân tích của H. Maspéro trong công trình khảo cứu của ông mà ngay cả những người muốn bác bỏ cũng phải đồng ý theo một lối công nhận quanh co khác. Mã Viện đã xoá sạch tầng lớp Lạc tướng (hay con cháu) của chế độ bản xứ cũ qua chiến trận, hoặc tiêu diệt, hoặc bắt đi đày ở Linh Lăng phía bắc cho bật gốc rễ. Việc tịch thu trống đồng đúc ngựa, cấp thời cũng là phá vỡ nền tảng, lề lối sinh hoạt truyền thống cũ gây cản trở cho các giới chức cầm quyền. Ông đã sắp xếp việc cai trị ở quận huyện chặt chẽ hơn. Chính ông đã chia hai vùng đất bản bộ của con cháu An Dương Vương xưa để làm yếu đi sức đề kháng mà lại còn xây thành trì đóng quân kềm giữ nữa. Ngôi thành ấy, Kiển Thành / thành Kén, với hai lớp vòng lũy bao quanh một trung tâm, đã đứng sừng sững trên một vùng cho đến mãi thời cận đại vẫn không có loại tương đương. Ngôi thành sẽ được sử quan Việt gọi là Cổ Loa và gán cho An Dương Vương ấy, ghép với kì tích thần nhân xây dựng, được đồn thổi ra đến 9 vòng thành, rất cao, chu vi 9 dặm làm niềm hãnh diện cho sử gia Việt đến bây giờ.
Tác động huỷ diệt của chiến tranh sâu xa đến mức khiến không còn sức phản kháng nào đáng kể của dân bản xứ trong một thời gian dài lâu. Họ phải chờ sự thay đổi nơi chính bản thân họ, mà lần này thì lại là từ người cai trị họ đưa tới. Đổi thay lớn tới mức cho tới nay có người phải tự hỏi: Qua ngàn năm Bắc thuộc, đám dân bản xứ đã bị đồng hoá hay chỉ là chuyển hoá thôi?
Thật ra thì vấn đề đổi thay ở thuộc địa Giao Chỉ cũng không phải chỉ là do công tích của Mã Viện. Tự bản chất, chiến tranh nào cũng là nguồn gốc của phá hoại, triệt tiêu, do đó sự suy sụp của tầng lớp Lạc tướng khi thất bại cũng là điều dễ hiểu. Và tiếp theo đó thì phải có sự thay thế nhưng lại tiến triển rất chậm chạp. Cứ nhìn những điều ghi chép trong sử các triều đại Trung Quốc cai trị vào thời này mà sử ta chép lại thì rõ ràng là rất lưa thưa. Số mộ Hán khai quật trước Thế chiến II cho thấy các quan lại phải chịu chôn tại chỗ, không thể đưa xác về quê hương bản quán, chứng tỏ một tình trạng giao tiếp xa xôi cách trở giữa các khu vực. Trận địa, theo lời Mã Viện than thở với thuộc tướng: “Trời thì dưới nước lụt, trên mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, trông lên thì thấy diều hâu bay bổng rớt xuống nước chết…” Với viên tướng nổi danh đã để lại cho đời nguyện vọng “da ngựa bọc thây” mà còn bi quan đến như thế, trông con chim bói cá thành chim diều hâu chết ngộp (Bình Nguyên Lộc 1971), thì tình hình đối với các viên quan khác phải thấy là bi đát đến đâu! Và chính tình trạng phân cách đó đã khiến cho thuộc địa từ từ đi vào đổi thay để giữ được một phần bản sắc của mình.
Cuối đường Đế quốc Hán: Lâm Ấp
Không những các sử quan Hán đã ghi lại những biến động ở vùng Bắc Việt Nam ngày nay mà họ còn lưu giữ được sự hiện diện của một tập họp chính quyền xuất phát từ chính thuộc địa của họ, có tên là nước Lâm Ấp. Phần này thoát được số phận của phần phía Bắc, không phải chịu đeo đuổi mãi trong vòng lệ thuộc văn hoá Hán cả sau thời độc lập mà lại mang một tính cách riêng trước khi phải chịu khuất phục hẳn, lần này lại là qua kẻ nối tiếp tính chất họ đã rời bỏ trước kia.
Chúng ta đã biết quận Nhật Nam của nhà Hán có phần cuối là huyện Tượng Lâm, đi xa về phía nam mà sử gia ngày nay chỉ định một giới hạn khá rộng, hoặc đến đèo Cù Mông, hoặc mãi tận đèo Cả. Trong khoảng địa vực ấy, sử quan Hán đã ghi những biến động chống đối của một/những tập họp dân bản xứ không lầm lẫn được với di dân phương Bắc mà họ gọi là “lại dân.” Tập họp dân bản xứ có sức mạnh khiến cho người nổi dậy ở Cửu Chân phải nương tựa vào họ (chuyện năm 157), và làm e dè chính quyền trung ương không muốn cất quân chinh phạt (138). Biến động trải suốt thế kỉ I, II (các năm 100, 137, 144, 157, 190), cuối cùng dẫn đến việc thành lập nước Lâm Ấp mà quốc danh chỉ thấy ghi vào năm 347 trong Lâm Ấp kí, sách viết có lẽ vào khoảng nửa sau thế kỉ V.
Hành trạng của những người cầm đầu nước này được sử quan Hán ghi rõ: Khu Liên, Phạm Hùng (làm vua 270-280), Phạm Dật (+336), Phạm Văn (làm vua 336-349), Phạm Phật (349-380), Phạm Hồ Đạt (380-413) nối tiếp nhau từ thế kỉ II đến thế kỉ V. Tên vua được ghi bằng âm Hán vì lí do qua ghi chép của người Hán nên không thể nào hoàn nguyên lại âm bản xứ được. Tuy nhiên có thể thấy rằng Khu Liên được nhắc tới qua hai lần nổi dậy (137, 190) là chứng cớ không phải tên riêng cá nhân hoặc tộc đoàn. Sử gia Đào Duy Anh đã cho rằng chỉ có lần nổi dậy năm 137 là đúng thôi, còn lần thứ hai là do lầm lẫn của người ghi chép về sau. Nếu nhớ rằng người Hán không có âm R, phải thay thế bằng âm L thì Khu Liên có thể là Khu Riên và do đó có âm gần cận với ku rung, danh xưng chỉ tộc trưởng, thủ lĩnh trong ngôn ngữ austro-asiatic như đã bàn luận. Điều này có vẻ mâu thuẫn với sự hiểu biết của ta về tộc chủ thể thành lập nước Champa có nguồn gốc hải đảo nói tiếng malayo-polynesian, một nhánh của austronesian. Nhưng có lẽ chính vì dấu vết Hán tràn ngập trên thuộc địa khiến ta không nhận ra rằng những Đinh, Lê sau này vẫn có dáng dấp những kurung / khu liên của Lâm Ấp. Nghĩa là một sự nhập nhoà văn hoá vẫn có thể xảy ra trong một khu vực chính trị tập họp nhiều chủng loại.
Người ta có thể nghi ngờ sự liên tục lịch sử của phần đất phía nam này với các tên “nước” tiếp theo: Hoàn Vương, Chiêm Thành. Tuy nhiên, dấu hiệu xuất phát của Lâm Ấp như đã thấy là từ một mảnh thuộc địa Hán tách rời ra, phần huyện Tượng Lâm bị chuyển đổi là Tượng-Lâm-ấp rồi đánh rơi một phần, còn lại là Lâm-ấp được giữ thành tên nước, theo cách gọi tiện lợi cho một triều đình Hán. Tấn thư cho biết “Khu Liên” là con viên công tào huyện Tượng Lâm mà công tào là chức quan dưới quyền Thái thú coi việc đề bạt công lao, điều đó chứng tỏ người nổi dậy đã thấm nhuần ảnh hưởng Hán không ít. Mặt khác, ảnh hưởng hải đảo thấy trên dấu vết văn hoá Sa Huỳnh đã khiến có sự tách rời dễ dàng thuộc địa Hán ở một vùng xa xôi mà binh lực chính quyền khó đạt hiệu quả. Các lưu vực nhỏ cách biệt bằng những khối núi đâm ngang ở Miền Trung ngày nay, trong khi dung chứa những tập họp cư dân Sa Huỳnh, phải có những phản ứng khác nhau theo thời gian, do ảnh hưởng từ hai khối Hoa Ấn để vươn lên đến tổ chức tập quyền lãnh thổ cao, đó là lí do cấu thành chênh lệch các nước Chàm sau này và cũng là lí do chính về sự trưởng thành và suy yếu của họ. Ảnh hưởng Hán đến với Lâm Ấp không phải chỉ từ những manh mún kiến thức xâm nhập vào thuộc địa mà còn là từ nội địa của chức quyền chiếm đóng: Phạm Văn là thuộc tướng của một nhân vật bên trong Nhật Nam, với kinh nghiệm đi buôn Trung Quốc đã trở về bày vẽ cho Phạm Dật xây cung thất, thành trì rồi sau đó phát triển thêm quyền lực lãnh thổ. Nét vạch văn hoá xê xích quanh vùng Thuận Quảng còn thấy về sau khiến ta nghĩ đến giai đoạn đầu mà kinh thành Khu Túc quanh vùng Huế mang ảnh hưởng Hán hơn, và thành Trà Kiệu (Quảng Nam) thì đậm ảnh hưởng Ấn hơn của khu vực Amaravati ở đấy, cả hai yếu tố đã đồng thời làm nên nước Lâm Ấp trong tình trạng tiên khởi của nó. Từ đó ta nhận ra sự mập mờ nguyên ngữ của họ Phạm làm vua nơi này.
Họ Phạm được ghi lại của các vua Lâm Ấp không phải là điều chứng tỏ họ theo chế độ tông pháp của Trung Hoa. Bởi vì Phạm Văn không dính dấp thân tộc gì với Phạm Dật mà ông ta cướp ngôi, còn chủ tướng của Văn cũng được gán là họ Phạm, Phạm Chuỳ/Trĩ. Các vua Phù Nam được sử quan Trung Hoa chép ra cũng không thoát họ Phạm. Vua Lâm Ấp không có bia đá mang tên tương đương nhưng các vua về sau đã được khắc để người ta đem ra đối chiếu, và thường gán cho chữ “phạm” là chuyển từ cái đuôi “…varman” của Phạn ngữ, nên nếu không có đối chứng người ta vẫn cố hoàn nguyên theo hướng này như khi G. Maspero cho Bê-mi-thuế bị Lê Hoàn giết (982) là Paramesvaravarman. Dù sao thì đó cũng là chứng cớ ảnh hưởng Ấn Độ đã tràn đến trong vùng mà cũng có thể vì ảnh hưởng này khiến cho vùng chịu đựng quyền lực Hán ít nhất – vì xa xôi cách trở này, đã có đủ khả năng tách rời khỏi đế quốc Hán. Rồi với thời gian, khi Trung Hoa gặp nạn phân liệt Nam Bắc triều không đủ sức thu hồi lại phần đã mất, nhóm người chống đối đã tiếp thu ảnh hưởng Ấn mạnh hơn để không những không trở lại tuỳ thuộc mà còn lấn ra phía bắc, làm kẻ kình địch trong nhiều thế kỉ tiếp theo. Những cuộc đánh phá Lâm Ấp của các quan lại Giao Chỉ thường cho thấy là đã cướp nhiều vàng bạc, tượng thần bằng vàng… và ngược lại, các ghi chú về những trận cướp phá Tháp Bà của “cướp biển” Mã Lai trên bia kí, chứng tỏ Lâm Ấp (và Chiêm Thành về sau) đã lậm sâu vào dòng giao thương thời cổ của Ấn hướng về tính cách thu mua vàng ở bán đảo Mã Lai, ảnh hưởng đến Phù Nam, Java. Hết thời kì Phù Nam, họ còn hưởng tiếp với vai trò bến đậu của các ghe thuyền từ Trung Quốc đi qua eo biền Sunda và ngược lại, khi có sự xê dịch chuyển đổi đường giao thương đông tây từ thế kỉ V.
Kinh đô Lâm Ấp tuy không được xác định rõ, nhưng vị trí không ngoài vùng Thừa Thiên Quảng Nam ngày nay vốn có ưu thế là phần lục địa chồm ra biển khơi nhiều hơn so với vùng phía bắc, nên là chốn thuận lợi cho những cuộc giao tiếp hàng hải, là trạm trung chuyển của các chuyến thương buôn Hoa qua Ấn, ra vùng hải đảo hay ngược lại. Truyện tích Bà Chúa Xứ ghi nhận ở Tháp Bà Nha Trang ngày nay là kết tụ của dòng giao thương sản vật quý trong vùng: trầm hương, lan đến tận Trung Hoa phía bắc, và cũng ẩn hiện trong khúc gỗ trôi nổi ở truyện tích Lợi tế Linh thông Huệ tín Vương (Việt điện u linh tập). Trung tâm của Lâm Ấp tả ở Thuỷ Kinh chú mang dáng vẻ thô sơ có thể tạm dùng cho giai đoạn đầu được: “Đô thành có điện quay về hướng đông, cao hơn thành quá một trượng rưỡi… dùng phân bò trát tường vách màu xanh (?)… Phi tần không có cung quán ở riêng… Đền thần tháp quỷ lớn nhỏ 8 miếu, đài tạ nhiều tầng giống như tháp Phật, ngoài thành không có phố xá, ít người ở; bờ bể tiêu điều, không thể là nơi người ta ở được…”
Rõ ràng là nội địa Lâm Ấp không đủ cho một nền nông nghiệp nuôi sống vững vàng một số đông người để làm cơ sở cho sự cường thịnh lâu dài. Lợi tức bấp bênh từ việc khai thác sản phẩm hái lượm địa phương nhiệt đới và từ vai trò trung gian buôn bán là chứng cớ về sự bất thường trong những giai đoạn cường thịnh và yếu ớt của họ. Đất đai không đủ nuôi một số dân đông cần thiết cho tổ chức chính quyền lớn, quân lực mạnh. Xứ sở đó làm bến đỗ của dòng giao thương lớn cũng từng mang lại sự thịnh vượng nhưng lại dung chứa nhiều thành phần lưu dân trên biển bất hợp pháp, vì thế đất nước Lâm Ấp / Chàm thường bị lôi cuốn vào những cuộc cướp phá các nước lân cận (mà không đủ khả năng mở rộng lãnh thổ) hoặc vì cạnh tranh hoặc để lấy của cải. Cho nên trong lịch sử của họ có thật nhiều giai đoạn với những nhân vật nổi bật trong chiến tranh lại dễ dàng suy sụp tiếp theo chỉ vì nhân vật kia chết đi đã để lại cả một khoảng trống quyền lực dẫn đến tình trạng tranh giành, rối loạn.
Sử Trung Hoa tuy là mang tính cách tài liệu thiết yếu giúp ta hiểu về vùng đất trung Việt Nam thời xưa này nhưng phần lớn mang tính tổng hợp nên khó tách ra để hiểu cư dân Lâm Ấp sống như thế nào, chịu đựng thể chế chính trị làm sao… Tuy nhiên nếu dùng tài liệu xưa nhất là Tấn thư (nửa đầu thế kỉ VII) thì có thể nghe tả: “Tục nước đó đều mở cửa phía bắc hướng về mặt trời, còn như nhà ở hướng đông hay tây không nhất định. Người tính hung hãn, giỏi chiến đấu, tài đi núi, quen ở nước, không quen ở đất bằng. Bốn mùa ấm áp… không tuyết, người ở trần, đi chân đất, cho màu đen là đẹp, quý nữ khinh nam, cùng họ kết hôn với nhau, phụ nữ đi hỏi rể trước. Con gái lúc cưới mặc áo già bàn (?), quấn ngang tấm vải may kín như bờ rào giếng, đầu đội hoa báu. Người có tang cắt mái tóc, coi là có hiếu. Đốt thây ngoài nội coi là tang lễ. Vua đội mũ thiên quan, đeo chuỗi ngọc mỗi lần ra triều, tử đệ thị thần đều không được tới gần… (Thư thông hiếu Trung Quốc) đều viết chữ Hồ…” Gộp lại để suy đoán thì thấy dân Lâm Áp thiên vể nghề đi biển, thân tộc truyền theo dòng mẹ, việc đốt thây có dáng như làm chứng cho các mộ chum đào được ngày nay. Một chi tiết đáng chú ý vì còn được Lê Quý Đôn ghi thoáng chút liên hệ: Vua chúa, dân chúng họ mặc áo vải cát bá / cổ bá / cổ bối, tên cây đã chuyển qua âm Hán Việt nhưng còn dễ thấy nguyên gốc Mã Lai qua tiếng Anh Pháp làkapok ngày nay. Đó là vải dệt từ bông (cây) gòn mà Lê Quý Đôn có ghi nhận với tên “mộc miên”, với dư âm trong ngôn ngữ dân chúng ngày nay còn chữ “bông gòn” để chỉ loại bông vải dùng trong ngành y tế.
Tuy nhiên cũng không hẳn có sự đồng nhất văn hoá hay chủng tộc ở vùng này. Thứ sử Giao Châu Đào Hoàng từng tâu với Tấn Đế (353): “(Lâm Ấp) rất nhiều chủng loại, bè đảng dựa nhau…” Ngày nay người ta còn thấy một nhóm khá lớn nóí tiếng chamic, Chàm H’roi, ở ngay phía tây kinh đô Vijaya của các thế kỉ X – XV, vậy mà có vẻ không chút gắn bó nào với đồng chủng phía đông. Chính sự tiếp xúc với người Hán trong tình cảnh thuộc trị đã khiến cho một nhóm Chăm học được cách tập họp người, tổ chức quản lí của Hán gây dựng nên một trung tâm quyền lực mà ta theo Trung Quốc gọi là nước Lâm Ấp, trong khi không thể biết đến những tập họp khác mà chứng cớ ngày nay vốn là từ những nhà khảo cổ. Họ tìm thấy những tấm bia chỉ rõ vào nửa sau thế kỉ IV trên vùng Quảng Nam đến Phú Yên ngày nay có một ông vua tên Phạn là Bhadravarman, người dựng ở Mĩ Sơn ngôi đền đầu tiên thờ thần Civa tượng trưng bằng linga, cái linga xưa nhất trên vùng Đông Dương. Thung lũng Mĩ Sơn trở thành Thánh địa của nhiều triều đại với hòn Chụp Mahaparvata lù lù to lớn trong vùng tượng trưng cho núi Meru, trung tâm vũ trụ theo tin tưởng Ấn Giáo. Và trên vùng Trà Kiệu, phía đông Mĩ Sơn lại cũng có tấm bia xưa nhất bằng chữ Chàm, nghĩa là lúc đó có một tập họp nói tiếng Chàm trong vùng Quảng Nam này. Các học giả đã cố đồng hoá ông vua này với Phạm Hồ Đạt hay Phạm Phật trong sách sử Trung Hoa nhưng sự đối chiếu không được sít sao, không gây được thoả thiếp. Chỉ có thể giả định rằng đó cũng là một trung tâm Chàm khác mang dấu Ấn hoá đậm hơn, có thể là Amaravati với kinh đô Sinhapura, nòng cốt của tập họp mang tên Champa sau này, kết hợp với Lâm Ấp trong sự phát triển để đương cự với nhà cầm quyền thuộc địa phương bắc.
Vào giữa thế kỉ III, Lâm Ấp đã lấn ra đến sông Gianh ngày nay, đẩy tiền đồn đến nơi này mà có người đoán định là thành Khu Túc. Phạm Văn, người với kiến thức Hán nhiều như đã nói, có bốn năm vạn quân (Tấn thư)từng đánh chiếm các vùng mang tên không Hán tí nào, nghĩa là ngoài vòng của Nhật Nam, bên trong của Lâm Ấp: Đại Kì Giới, Tiểu Kì Giới, Thúc Bộc, Từ Lang, Khuất Đô Càn, Lỗ Phù Đan. Với lực lượng đó, năm 347, Văn công hãm Nhật Nam, giết thái thú, san bằng thành trì rồi đề nghị lấy Hoành Sơn làm biên giới và còn tiếp tục đánh phá các năm sau cho đến khi chết. Sức phản công của châu Giao đối với Lâm Ấp nổi rõ khi có sự hợp nhất từ trung ương như nhà Tấn với thứ sử Nguyễn Phu (353), với các quan thuộc địa cai trị nổi bật như trường hợp nhà họ Đỗ các năm 381, 399, 413 còn thì chỉ nghe những lời than phiền bất lực: “(Lâm Ấp hàng năm) cướp bóc dân lành, phá quận huyện, giết hại trưởng lại.” (Lời Đào Hoàng, chuyện TT nhắc năm 353.) Vào thế kỉ sau, Phạm Dương Mại đầy tự tín nên đề nghị với vua Lưu Tống để mình cai trị châu Giao (432) khiến Tống phái Thứ sử Đàn Hoà Chi đánh phá kinh thành, xâm nhập sâu vào đất kẻ địch (446). Càng về sau quan chức Trung Hoa càng tiếp xúc sát sao hơn với tình hình của nước mà họ vẫn còn gọi là Lâm Ấp, cho nên ta thấy họ ghi nhận các tên vua hoặc rõ nghĩa như Dương Mại / Yan Mah (Vua Vàng) hoặc mang dấu ấn phiên âm khúc mắc như Bật Xuế Bạt Ma, Cao Thú Luật Đà La Bạt Ma… chứ không chỉ Phạm… Phạm… như trước nữa.
Do tình hình phát triển đó mà Lâm Ấp sẽ có tình trạng chuyển đổi trung tâm quyền lực, đương cự hoặc cử người giao tiếp với Trung Hoa để các sử quan nơi này đặt những tên khác nhau: Hoàn Vương, Chiêm Thành tiếp theo, không nệ rằng trong nước họ đã có tên Champa ghi trên bia đá Mĩ Sơn III (657). Diễn biến trong giai đoạn đầu thành lập một nước mang dấu vết ảnh hưởng Ấn Độ như thế, xuất phát ngay từ bên trong đế quốc Hán chỉ còn lại trong sử Việt về sau, là những cuộc tranh chiến cướp phá của đôi bên, không cho thấy ảnh hưởng gì đến phần thuộc địa còn lại, ví dụ xem chúng có cản trở tiến trình Hán hoá trên đất Việt hay không? Những ảnh hưởng đó qua giai đoạn khác, giữa những tranh chiến của hai thành phần nối tiếp – Chiêm Thành và Đại Việt – sẽ xuất hiện rõ ràng hơn, cho thấy chúng đã thực sự ăn sâu vào trong xã hội của Đại Việt, Việt Nam ngày nay.
Bên kia Đế quốc Hán: Phù Nam đi sâu vào đường giao tiếp Ấn
Biên giới phía nam Nhật Nam mù mờ như thế nào thì giới hạn quyền lực lãnh thổ của vùng được xác định là của Chiêm Thành và nước Phù Nam cũng mù mờ như thế ấy. Có cái bia ở làng Võ Cạnh gần Nha Trang được tranh cãi lâu ngày xem nó là của bên nào trong hai nước mang tính Ấn ở phía nam Việt Nam này. Rốt lại điều giải thích mới nhất cho biết nhân danh Sri Mara được trưng dẫn trên bia là bắt chước theo lối tự nhận của một dòng vua thuộc Nam Ấn Độ, và bia có vẻ thuộc cuối thế kỉ III đầu thế kỉ IV, nghĩa là không thể chứng minh được có dính dấp gì đến hai hệ thống chính trị kia. Bia Võ Cạnh chỉ chứng tỏ một điểm vươn tới của ảnh hưởng Ấn Độ không có dấu vết Trung Hoa trong thời cổ trên đất Việt Nam mà mối liên hệ đậm nét nhất lại là ở xa hơn về phía nam, nơi được xác nhận là có một nước, có lúc được coi là một đế quốc: Phù Nam.
Tên nước thì lại cũng từ nguồn tin Trung Hoa. Dấu vết xưa nhất là bút kí của Khang Thái, Chu Ứng, hai sứ giả của Ngô Tôn Quyền trong chuyến đi xuống phía nam (245-250) tìm đường thông thương mua vật dụng quý vì đường bộ đã bị nhà Nguỵ chận tắc. Tài liệu gốc: Phù Nam kí của Chu Ứng không còn nhưng thấy rải ra trong thư sử Trung Hoa, xưa nhất là ở Tam Quốc chí (giữa thế kỉ III), với chi tiết thành lập nước ở Tấn thư(thế kỉ VII). Đó là chuyện về một nước tên là Phù Nam có quân trưởng là một người con gái bị một “người nước ngoài là Hỗn Hội” / Hỗn Điền vượt biển đến bắt làm vợ và chiếm giữ lãnh thổ. Tổ chức “nước” được kể là từ cuộc phối hợp đó nhưng chắc cũng còn lưu giữ sinh hoạt đã có từ trước. Đó là nước phía tây Lâm Ấp hơn ba ngàn lí, trong vùng vịnh biển lớn. Đất rộng 3000 lí, có thành trì cung điện nhà ở. Người đen điu xấu xí, búi tóc thân trần, đi chân đất, phụ nữ mặc áo chui đầu, người chất phác, thẳng thắn, không trộm cướp, theo nghề cày cấy, trồng trọt. Ham thích điêu khắc, chạm trổ. Bát đĩa phần nhiều bằng bạc. Dùng vàng bạc, châu ngọc, hương liệu làm đồ cống và nạp thuế. Họ cũng có sách vở, có nhà lưu giữ. Văn tự giống chữ người Hồ. Ma chay hôn nhân đại khái cũng giống như Lâm Ấp… Nguồn tin đó vốn từ người Trung Hoa nên các vua Phù Nam, lại cũng giống như trường hợp Lâm Ấp, phải mang âm giọng Hán, trong đó lẫn lộn vài ông họ Phạm.
Đất nước Phù Nam được xác định rõ hơn nhờ công trình khảo cứu của học giả phương Tây, nhất là Pháp, trong đó nghiên cứu của P. Pelliot (1903) chiếm phần mở đầu quan trọng. Tài liệu thư tịch lại cũng được sự phối hợp của các công trình khảo cổ mà khởi đầu trên diện rộng là của L. Malleret từ tháng 2 đến tháng 4-1944. Tổng hợp lại thì trung tâm Phù Nam là phần phía tây sông Hậu có cảng vùng Óc Eo (phát hiện năm 1942), có kinh đô trên vùng núi tây nam Campuchia ngày nay, nghĩa là trên “vịnh biển lớn” (Thái Lan) nhưTấn thư đã tả. Tên nước là từ một tiếng cổ mà có người cho là từ tiếng Khmer phnom, bnam có nghĩa là núi, riêng ông Lương Ninh cho bnam là tên tộc người – người Núi. Dù thế nào đi nữa thì hình ảnh “núi” cũng được lưu giữ như một tiêu biểu cho các vua Phù Nam để chuyển qua triều đại trên đảo Java và trở lại với đế quốc Angkor rồi rơi rớt nơi biệt hiệu của một tướng cướp Nam Bộ thời Pháp thuộc, còn lưu giữ tiếng tăm bằng một hồi kí thời VNCH: Sơn Vương.
Dấu hiệu bản xứ thấy nơi lời tả về hình dáng người dân, về tình trạng có nữ chúa cầm đầu và hẳn là có sinh hoạt trồng lúa nước, hay đúng hơn, là khai thác “lúa trời” (Oryza rufipogon và Oryza nivara), lúa hoang còn thấy gần đây nên được ghi nhận “một năm trồng, thu hoạch ba năm.” Bia Đồng Tháp Mười nói đến một “Đức vua… khơi cạn nước biến biển sữa bằng một đầm hồ hương thảo [khai khẩn, khơi úng, đắp đất làm đền, làm hồ nước]..,” một vị hoàng tử “được cai quản một cơ sở gồm những người sống bằng lộc thánh (trên đất khai khẩn) từ bùn lầy…” Những hồ nước công cộng như thế, có tên trapeang, được khuếch trương về sau trong việc xây dựng Angkor của Kampuchia và cũng còn trong danh xưng tỉnh Trà Vang/Vinh cũ, chuyển qua tên ao Bà Om gần tỉnh lị. Dòng thương mại Ấn Hoa trong sự khai thác vàng bạc, hương liệu Đông Nam Á mở rộng con đường giao thương từ Ấn theo thuyền đến bán đảo Mã Lai, chuyển đường bộ qua eo Kra, lại lên thuyền qua vịnh Thái Lan đến vùng Tây Nam Bộ ngày nay trước khi hướng về phía Bắc, đã mở đường cho hình ảnh Hỗn Điền vượt biển đến nơi này. Truyền thuyết thành lập Phù Nam cũng được ghi trên bia Mĩ Sơn III với nhân vật mang tên Ấn tương đương: Kaundinya, người lấy công chúa Soma, con gái vua tộc Naga. Do đó Hỗn Điền chỉ là tên Hán hoá của Kaundinya, cũng không phải là một danh xưng cá nhân mà là tên của một tộc tăm tiếng ở tây bắc Ấn.
Phạm Sư Man (cầm quyền khoảng 225-230) khuếch trương quyền lực “tiến đánh hơn 10 nước… mở rộng đất đai năm sáu ngàn lí” có vẻ như đã bao trùm cả vịnh Thái Lan, khiến chính quyền nhà Lương biết đến danh hiệu “Phù Nam Đại Vương” của ông ta. Kết quả là đất nước có thành trì, sử dụng chữ Phạn để ghi chép, có thư viện lưu trữ. Văn tự tìm thấy trên những di vật Óc Eo là loại chữ Phạn cổ. Giao tiếp về xa được người Hán ghi nhận là Phạm Chiên (khoảng 230-250) sai sứ cống nhà Ngô, Phạm Tầm (250-290) tiếp phái bộ Khang Thái Chu Ứng, năm 289 còn sai sứ cống Tấn Vũ Đế. Sau các năm 268, 285 cũng có ghi sứ Phù Nam đến. Khảo cổ học đồng bằng Cửu Long tìm được huy chương, đồng tiền vàng hình các Hoàng Đế La Mã Antonius Pius (138-161), Marcus Aurelius (161-180), có phù điêu vua Ba Tư trên hột thuỷ tinh… Dấu vết còn lại như thế cho thấy một sự phát triển cương vực của Phù Nam trong những thế kỉ đầu Công nguyên, dẫn đến sự thành lập một “đế quốc,” hẳn là không được chặt chẽ lắm vì phải tuỳ thuộc nhiều vào yếu tố giao thương trong vùng.
Sự toả rộng như thế cũng làm yếu các thành phần ở trung tâm cho nên ta thấy những chuyện tranh đoạt quyền bính gay gắt (ví dụ sau thời kì Phạm Sư Man) gây ra những sự tàn phá chắc đã để lại trên lớp đất khảo cổ năm 1944. Do đó những người xây dựng các triều Phù Nam tiếp theo lại cũng từ nơi xa đến, với những Kaundinya mới, theo lời phân trần với vua Trung Quốc là “do thần nhân phái đến cai trị” (Phù Nam) nhưng hẳn không phải được mời gọi mà là bằng kết quả của binh đao giống như nhân vật trước kia. Đó là người được Tấn thư ghi tên Chiên Đàn (Chandra), gốc Thiên Trúc, cống voi năm 357. Tình hình như thế khiến cho tính chất Ấn hoá sâu đậm hơn trong giai đoạn chuyển hoá này của Phù Nam. Tiếp theo là “vua nước Phù Nam họ Kiều Trần Như tên Đồ Gia Bạt Ma [lại cũng Kaundinya] phái thuyền buôn đến Quảng Châu, năm 484 dâng biểu xưng thần” với nhà Lưu Tống, xúi Tống đánh Lâm Ấp, hay ít ra là không can thiệp để Phù Nam tự mình thanh toán kẻ thù. Sử Trung Quốc cho biết khoảng giữa thế kỉ V có một hoàng tử Phù Nam làm vua Lâm Ấp (hay một vùng của khu vực được cho là của Lâm Ấp).
Tuy nhiên mối lo không phải là từ phía Lâm Ấp mà là từ những thế lực xa. Theo với sự chuyển hướng buôn bán từ vai trò tham dự của Trung Quốc, đường giao thương đông tây sẽ không sử dụng lối chuyển vận phức tạp qua bán đảo Mã Lai ở eo Kra mà thẳng bằng đường biển, vòng xuống tận cùng phía nam qua eo biển Sunda, như thế là bỏ rơi Phù Nam sang bên lề. Một tập họp người ở vùng Korat của Thái Lan ngày nay phát triển thành tộc người Khmer, lập nước được sử Trung Hoa gọi là “Chân Lạp, nguyên là thuộc quốc của Phù Nam, họ vua là Sát Lợi, tên là Chất Đa Tư Na (Sitrasena/Mahendravarman) đã dần dần làm cho nước trở nên cường thịnh… bèn chiếm luôn cả Phù Nam” (Lương Ninh dẫn Tuỳ thư). Chất Đa Tư Na chết năm 624, và có thể coi như Phù Nam đã tan rã vào đầu thế kỉ VII, các tàn dư quyền bính rải rác trong vùng không còn giữ được uy danh lớn lao như cũ nữa. Vùng đất sau này gọi là Khmer Krom (Khmer hạ) nằm lệch bên lề của đế quốc Angkor xây dựng trên cơ sở nông nghiệp vùng Biển Hồ, chỉ có dân cư tụ tập trên những giồng đất cao trong thế tạo dựng của một lưu vực sông lớn (Mekong) nên không có ưu thế khai thác theo lối vùng trên nữa, đành phải chờ đến những biến động khác mới trở lại trên chính trường khu vực.
Chuyển hoá trong thời thuộc trị:
Vấn đề Sĩ Nhiếp và bóng dáng các lực lượng mới của thuộc địa
Phần thuộc địa còn lại của Trung Quốc phải chịu qua ảnh hưởng của sự thịnh suy, hưng vong của các triều đại cầm quyền từ trung ương. Như đã thấy, vai trò của Mã Viện tuy được nhấn mạnh vào sự thay đổi sau biến động năm 40 nhưng điều chính yếu là từ đây, các triều đình Hán tộc đã chuyên chú đến phương Nam nhiều hơn vì nguồn lợi thổ sản nhiệt đới ở đây đem về cho chính quyền, và nhìn với vị trí trung gian giao thương xa hơn về phía tây, nam của vùng đất này. Nhưng ý muốn lấn lướt, đi sâu vào việc cai trị dân bản xứ không phải lúc nào cũng đạt được kết quả. Nhà Hán tàn tạ thì thời đại Tam Quốc tiếp theo chỉ có nước Ngô (222-277) can thiệp mạnh vào thuộc địa mà lại cũng không bền lâu. Dấu ấn “Ngô” chỉ người Trung Quốc trong tâm trí người Việt miền Bắc có lẽ một phần là do sự lưu giữ về một thời Sĩ Nhiếp làm “Nam Giao học tổ” của các nhà nho truyền lại như sẽ bàn tới. Một triều Tấn với thời gian thống nhất ngắn ngủi, chuyển quyền hành qua các triều đại phía nam, ảnh hưởng trực tiếp đến thuộc địa: Lưu Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557), Trần (557-589). Quyền bính trung ương yếu ớt dẫn tới sự tự chủ của các quan lại địa phương mà nổi bật lên lúc đầu là trường hợp Sĩ Nhiếp (137-226).
Có thể nói đại khái, Sĩ Nhiếp vốn là Thái thú Giao Chỉ của nhà Hán tàn tạ đã chuyển sang dùng cống sứ hối lộ thần phục nhà Ngô rồi dựa vào thế phân tranh mà Ngô phải chịu để trấn giữ thuộc địa như một vùng đất tự trị với quyền hành phân phối cho anh em trông coi cả biên cảnh Giao Chỉ bộ (Hợp Phố, Quảng Châu, Cửu Chân). Chứng nhân đương thời ghi nhận ông “mỗi khi ra vào chuông khánh đánh lên thật uy nghi, kèn sáo, trống phách, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi bên đốt hương, hàng chục thê thiếp ngồi trong xe, đệ tử cỡi ngựa đi theo, uy chấn vạn lí đến Uý Đà cũng không hơn được…” Rõ ràng tính chất trọng tâm của quận Giao Chỉ trên toàn thể thuộc địa đã được kết tập từ đây.
Vấn đề được đưa ra là kí ức về Sĩ Nhiếp đã được lưu giữ ở địa phương thật lâu dài và vượt quá tầm mức của một ông quan cai trị một quận, dù là quận trù phú. Sau ông cũng có những dòng họ được chính quyền trung ương giao cho trọng trách trấn giữ thuộc địa suốt đời, cả đến trường hợp cha truyền con nối như Đào Hoàng từ Ngô qua đầu Tấn, họ Đỗ với Đỗ Viện, thứ sử Giao Châu 381, có con là Đỗ Tuệ Độ thay 411. Thế mà cho đến thời gian gần đây (chúng tôi không rõ tình hình sau thời Phá đình của VNDCCH) Sĩ Nhiếp vẫn còn được thờ cúng. Ông được sắp xếp ở hàng đầu trong danh mục thần linh đất Việt (Việt điện u linh tập) với hai dấu vết: nơi thờ và mộ táng, trên đất Hà Bắc, năm 1706 còn được dân đúc ngựa sắt cho miếu đền. Tại sao? Lí do có lẽ vẫn nằm trong vấn đề “có chữ.” Sĩ Nhiếp được lưu truyền là nhờ tầng lớp nho gia ghi nhớ, tôn sùng. Châu Giao là đất dung chứa những người lánh nạn từ các biến loạn triều đình phương Bắc, tuy nhiên với sử sách ghi lại thì chỉ có thẩm quyền địa phương là Sĩ Nhiếp chiếu cố đến họ nhiều nhất kể cả với những trường hợp có bất đồng, xung đột. Tên Sĩ Nhiếp được ghi nhớ ngang với Triệu Đà trong chiếu vua Hán ban cho chính ông, trong chiếu vua Tống cho Lê Hoàn, còn được đề cao hơn Triệu Đà trong lời thư Trần Quốc Huy đương thời. Quyền tước và danh vọng văn hoá khiến ông được tôn “vương”, gọi là “Nam giao học tổ,” nghĩa là tán tụng bởi thành phần trí thức tụ tập quanh ông. Những người tị nạn với chức tuớc, đất đai được ban phát, che chở rồi sẽ trở thành một tầng lớp trí thức có tài sản, sẽ bám chặt vào địa phương hơn là các quan chức đến rồi đi theo sự bổ nhiệm của triều đình. Những mẫu nhà thu gọn có lầu gác, sân trong ở Phao Sơn (Hải Dương) hay có tường thành, vọng canh ở Nghi Vệ (Bắc Ninh) do khảo cổ học đào được chứng tỏ dấu vết hiện diện của những lớp người thực dân đời Hán đó. Có điều chúng ta không biết đến lúc nào thì con cháu những người này ý thức được mình là người địa phương.
Sử Việt cho rằng Sĩ Nhiếp sáu đời ở Giao Chỉ thì thành người địa phương, trường hợp Lí Bí cũng có thể kể như vậy tuy ông này còn một khoảng thời gian xa hơn đến vài trăm năm sau nữa. Sử Việt cũng rộng rãi cho cả Đỗ Viện (381) là “người Chu Diên nước ta.” Cho nên cũng khó thấy mức độ nào là dân địa phương thực thụ, những người nổi dậy như Lương Thạc (đầu thế kỉ IV, liên quan đến các năm 322, 323), Lí Trường Nhân (468), Lí Thúc Hiến (479)… Chỉ có thể phỏng đoán theo chức vụ, vai trò thấp thỏi như “đốc quân dưới trướng (Thái thú),” “người trong châu”… để xác định mà thôi. Trường hợp Bà Triệu (248) thì dễ tin nhờ tính chất “người khổng lồ” vú-dài-ba-thước còn lưu dấu trên bán đảo Đông Dương ngày nay. Những Lạc hầu, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh làm huyện lệnh qua cơn bão Mã Viện hẳn đã trở nên hiếm nhưng dấu vết một Khu Riên / Kurung liên hệ đến chức vụ công tào ghi công lao của quận thú, trở thành thân thuộc / người mở đầu nước Lâm Ấp cũng là chứng cớ gián tiếp cho sự hiện diện trong thời gian tan rã này của những người thuộc “chế độ cũ” đi vào làm nhân viên cấp thấp trong hệ thống cai trị.
Lại cũng chứng nhân Tiết Tổng kể chuyện thuộc địa: “Thái thú Cửu Chân là Đam Manh vì bố vợ là Chu Kinh mà bày tiệc mời các quan to. Khi rượu say cho cử nhạc, công tào Phan Hâm đứng dậy múa, rồi mời Kinh, Kinh không chịu đứng lên, Hâm cứ thúc ép mãi. Manh nổi giận giết Hâm. Em của Hâm đem quân đánh Manh. Thái thú Giao Chỉ trước là Sĩ Nhiếp sai quân đến đánh dẹp không được…” Cung cách ứng xử của công tào Phan Hâm rõ ràng không phải của quan lại Hán khuôn thước; họ Phan như sẽ chứng tỏ về sau, biểu hiện một họ man di. Quyền lực nhà họ Phan này rõ ràng lại đủ sức đương đầu với cả Sĩ Nhiếp, nghĩa là tuy làm thuộc cấp nhưng họ là những lãnh tụ địa phương. Sinh hoạt theo chức phận mới, những người này sẽ làm đổi thay tập họp dưới quyền, cụ thể là mở hướng tư nhân hoá tài sản để chính quyền có thể thu thuế má, điều động nhân lực theo đường hướng mới chứ không phải chỉ vơ vét cống nạp như trước.
Các cuộc kiểm tra dân số thời Tấn, Tề, Lương cho thấy có sự thu hẹp số lượng hộ khẩu hẳn một phần vì sự đổi thay tính chất kiểm kê (chỉ dừng ở “hộ”, không ghi đến “khẩu”, cá nhân) đi theo với tình trạng xét định nhân khẩu mới. Phần khác cũng có thể vì sự đổi thay sinh hoạt, văn hoá đã gây nên khủng hoảng, làm sa sút đà sinh sản, số chết chóc tăng lên. Về phía di dân Hán, có thể nghĩ đến tính chất địa phương hoá bằng cách nhìn vào tình trạng hôn nhân của họ. Họ phải lấy vợ địa phương, dù là với tình trạng thê thiếp như chứng dẫn ở Sĩ Nhiếp thì sự pha trộn chủng tộc vẫn là thực tế. Dân bản xứ lại đông như chứng tỏ ở thống kê đầu thế kỉ I, ở những cuộc chống đối làm nản lòng quan chức trung ương phải đi bình định, điều đó có nghĩa là dân nhập cư không thể tràn ngập, lấn át về mặt chủng loại được. Có điều thực tế phản kháng muốn đi đến thành công trong một chừng mực nào cũng phải dựa vào tầng lớp có quyền bính, thân thế, có cuộc sống theo đúng với trào lưu hiện hành, nghĩa là trào lưu Hán hoá chứ không phải vọng về với Lạc dân xưa kia. Cho nên lớp ngườilai là ứng viên có ưu thế nhất để những cuộc nổi dậy có tiếng vang hoặc đi đến thành công.
Vấn đề còn lại là sự thống nhất ngôn ngữ. Tiếng bản xứ đã được kết hợp vào lúc nào để có một chừng mực hình dạng chung nhất cho dân thuộc địa trao đổi với nhau không phải qua trung gian phiên dịch như Tiết Tổng đã phàn nàn hồi thế kỉ III, để làm điều kiện kết tập địa vực lớn, tạo sức mạnh đối kháng với quyền lực bên ngoài?
Các nhà ngữ học Việt Nam ngày nay cho biết tiếng Việt thuộc dòng Môn Khmer của ngôn ngữ Austro-asiatic / Nam Á. Họ đã dùng phương pháp nghiên cứu riêng của ngành, không tuỳ thuộc vào các tài liệu lịch sử thông thường, để cho biết cách đây 4000 năm, một nhánh chi phái của Mon Khmer là proto Việt Chứt “đã từ vùng Thượng Lào và bắc Khu 4 cũ (Việt Nam) do sự hấp dẫn của nền văn minh lúa nước phía bắc mà di dân ra vùng vịnh Bắc Bộ ngày nay, hoà huyết với những cư dân nói tiếng Thai Kadai, có lúc bằng con đường hoà bình, có lúc bằng con đường chiến tranh… Tiếng nói mới mà đa số là từ Việt Chứt đã vận hành theo cơ chế mới Tày Thái, giản hoá âm tiết và đi vào con đường đơn tiết hoá trở thành tiếng Việt chung… và mở đầu quá trình thanh điệu hoá rồi lại tiếp xúc với tiếng Hán thời Bắc thuộc…” (Nguyễn Ngọc San, 2003.)
Tuy chúng ta thấy có hơi dị ứng với con số 4000 năm quen thuộc và cũng thắc mắc vì sao dân nói tiếng tiền – Việt Chứt lại áp đặt được tiếng nói của mình trên đám dân nói tiếng Tày Thái ở vùng vịnh Bắc Bộ “quanh Hà Nội (?)” nhưng cũng phải theo chuyên viên mà nhận rằng tiếng Việt Chứt trên vùng đồng bằng phía bắc đã thành hình khoảng 2500, 2000 năm cách ngày nay trước khi tiếp xúc với tiếng Hán của người cai trị vùng đất. Tuy nhiên nhóm từ gộp “ngôn ngữ Việt Chứt” dễ làm cho ta nghĩ rằng đã sẵn sàng có một thứ tiếng chung để cùng nghe, cùng hiểu được trong khi chứng dẫn lịch sử thì lại không cho ta thấy điều đó như đã biết. Vậy thì chỉ có thể hiểu rằng khi người Hán đến, đám dân địa phương đã có những từ, ngữ từng địa vực khác nhau nhưng dùng trao đổi với nhau được vì đặt trên một căn bản chung mà nhà khoa học ngày nay mang óc tổng hợp gọi là ngôn ngữ Việt Chứt thôi. Tuy nhiên, chính trên căn bản chung ấy, với một khung ngữ pháp chung, với những từ ngữ gần giống nhau, các tập đoàn có thể học được tiếng nói của nhau dễ dàng để trao đổi với nhau. Giống như người Anh học tiếng Pháp hay ngược lại. Muốn tìm chứng dẫn có vẻ xa rời thời công kĩ nghệ hơn thì có thể nhìn vào lớp người Phi Châu dưới-xích-đạo nói tiếng khác nhau nhưng cũng có cách thông hiểu với nhau được nhờ cùng khung ngôn ngữ Bantu. Các tập họp liền lạc địa vực có thể làm trung gian thông hiểu cho các tập họp ở về phía xa hơn. Các tập họp người sống gần nhau gây ảnh hưởng với nhau về mặt ngôn ngữ, như ngày nay dân Chàm Bình, Ninh Thuận nói có dấu giọng vì tiếp xúc với người Việt trong khi người Chàm Châu Đốc lại không thấy có. Do đó, trong trường hợp Lạc dân của thuộc địa Hán, chính khung cai trị của đế quốc Hán khi kết hợp họ với nhau trong một hệ thống hành chính quân sự – và văn hoá, qua thời gian, đã tạo nên một ngôn ngữ thống nhất. Chúng ta không biết thời điểm cụ thể dứt khoát nhưng người ta thường cho là phải đến thời kì thuộc Đường thế kỉ VIII mới có dấu hiệu rõ rệt. Đó là chứng cớ, có thể về sau nhưng được gán cho Phùng Hưng với danh hiệu tôn vinh từ dân chúng: Bố Cái Đại Vương. Ông K.W. Taylor đã đọc khác là Vua Cái Đại Vương dựa trên lối ghép tương tự một tập họp tiếng bản xứ “vua lớn” với tập họp từ Hán “đại vương” giống như ở tên nước Đại/Cồ Việt. Nhưng theo lối nào thì đó cũng là chứng cớ xa xưa nhất về một thứ tiếng Man ở thuộc địa phía nam của các triều đại Trung Quốc. Đồng thời ta cũng thấy chứng cớ về một dòng Thiền xâm nhập thuộc địa trong đời Đường, đúng tên phải là Bích Quan (“nhìn vào tường”) lại vẫn được gọi là Quan Bích, theo kiểu dùng chữ Hán mà theo văn pháp Việt, không hiểu đã được dùng vào lúc khởi thuỷ hay không.
Lí Bí và cuộc tranh khởi độc lập đầu tiên của thuộc địa Giao Chỉ
Tình hình trung ương yếu ớt dẫn đến sự tiếm quyền ở địa phương nhưng lần này thì lại tiến lên một mức độ trầm trọng hơn: Người chiếm quyền lập triều đại, xưng Nam Việt Đế. Đó là Lí Bí, muốn lưu giữ truyền thống Triệu Đà xưa nhưng lấy quốc hiệu mới là Vạn Xuân, đặt niên hiệu Thiên Đức, chia người cai trị (541-546). Trong quá khứ, khi có sự đảo lộn ở trung ương thì quan cai trị địa phương, nhất là ở bộ phận xung yếu: châu Giao, quan thái thú hay thứ sử ở đấy hoặc chống cự lại triều đình mới để bị tiêu diệt, hoặc đầu hàng để hi vọng tiếp tục quan chức. Tuy nhiên càng về sau thì có lúc họ đã tự xử lí với nhau không cần câu viện đến sức mạnh từ xa. Năm 502 nhà Tề mất, Thứ sử Giao Châu Lí Nguyên Khải chống lại triều mới (505) bị Trưởng sử Lí Tắc dùng tông binh giết, chiếm châu tự cai trị đến 513 mới thấy được Lương phong chính thức. Vấn đề tông binh – binh riêng thuộc dòng họ – của Lí Tắc làm nên việc chứng tỏ ngay cả quan cấp dưới cũng có lực lượng riêng lấy từ vùng đất quản trị của người đại biểu dòng họ. Và điều này thì cũng không phải đúng riêng cho trường hợp Lí Tắc. Nghĩa là cho cả Lí Bí, người “hào trưởng” nhưng lại cầm quân ở biên cương (Cửu Đức, phía giáp với Lâm Ấp), hẳn là một nơi vẫn bị coi như là đày ải. Tướng cầm quân thì năng động hơn quan ở chốn yên lành, nên Lí Bí đã đánh đuổi được Tiêu Tư, Thứ sử Giao Châu (541). Lại cũng không phải chỉ là sự bất mãn của một dòng họ. Theo về với Bí còn có một bộ phận trí thức địa phương không tìm được cơ hội thành đạt theo đường lối chính thức mà đại biểu là Tinh Thiều, người lặn lội đến tận kinh đô, mỏi mòn chờ đợi tiến cử mà không được, liền xoay đi tìm hướng tiến thân nơi chính địa phương mình.
Lí Bí được sử Việt công nhận là “người Nam” vì dòng dõi sống ở thuộc địa đã đến năm trăm năm. Nhưng dấu bản xứ sâu đậm hơn thì đúng là trường hợp tù trưởng Triệu Túc ở Chu Diên, trên vùng đồng bằng có hướng tiếp giáp biển khơi, là một bộ phận quan trọng của một vùng trù phú. Không phải chỉ có sự tiếp trợ vật chất mà còn cả sự tiếp trợ tinh thần chứng tỏ Lí Bí bám chặt với địa phương hơn các ông quan cai trị nổi loạn khác. Đó là trường hợp làm nổi lên trong lịch sử vai trò của tập họp các ông thần nước, về phía tây sẽ có tên là Lí Phục Man, phía đông có tên là Trương Hống, Trương Hát, Triệu Quang Phục. Ông thần cửa biển vùng Lục Đầu chặn hướng tiến quân của quân địch từ ngoài biển vào xâm nhập kinh đô của Vạn Xuân (Long Biên cũ) nên được Nam Việt đế coi trọng, trở thành truyền thuyết được Lí Bí giao trách nhiệm “lấy lại cơ nghiệp” cho mình, do đó có tên Quang Phục, mang họ Triệu của xứ Nam Việt xưa – rồi với thời gian sẽ trở thành nhân vật lịch sử thực thụ trong chính sử nhà nước cuối thế kỉ XV.
Tuy nhiên uy thế của nhiên thần địa phương lại gặp sự cạnh tranh của một tôn giáo mang tính toàn cầu, tuy có ý thức địa phương hoá nhưng vẫn không chịu bỏ phần lãnh đạo trên trước. Thời Sĩ Nhiếp thấy có (sư) người Hồ đốt hương theo xe quan thái thú. Sử Phật Giáo Việt Nam cho biết Luy Lâu (được ngày nay cho là thuộc Thuận Thành, Hà Bắc), từ thế kỉ III đã là một trung tâm Phật Giáo quan trọng ngang với Lạc Dương của Hán. Hai dòng Thiền trong đó dòng Nam Phương, cái tên chỉ rõ hướng xuất phát – đến trước, sau mới là dòng Quan Bích của Trung Hoa. Dòng Nam Phương với sư Ấn làm thụ thai Man Nương trong truyện truyền kì ởLĩnh Nam chích quái, chứng tỏ ngành Phật Giáo Mật tông đã cố gắng hoà nhập với tục thờ sinh thực khí ở địa phương, nhưng sự kiện tính nữ ở đấy trở thành Phật Bà / Phật Mẫu lại là dấu vết ương ngạnh chống trả của địa phương.
Thời gian vị sư Ấn Vinitaruci / Tì Ni Đa Lưu Chi (chết 594) đến làng Dâu (580) là đồng thời với câu chuyện xung đột tranh chiếm quyền hành của ông thần biển Triệu Quang Phục và Lí Phật Tử. Ông đệ tử nhà Phật được cho thắng, tức là chứng tỏ có sự rời bỏ một phần mối tin tưởng vào thần quyền của nhà cầm quyền mới, điều đó chắc cũng làm yếu đi lực lượng của những người nổi dậy. Lí Bí không chống nổi với quân Trần Bá Tiên, bị giết (546), người anh là Lí Thiên Bảo cũng bỏ chạy ra ngoài cõi, cơ nghiệp được coi như truyền lại cho anh em, và bộ tướng Lí Phật Tử, như đã nói, đã hướng mạnh vào sự phát triển Phật Giáo từ Ấn qua, và có lẽ tồn tại được nhờ sự rối loạn ở triều đình Lương, khi tướng Trần Bá Tiên phải rút về dự phần tranh chiếm quyền hành mà bỏ lơ phương nam. Nguồn thông tin ít ỏi của sử Trung Quốc về phía này cũng chứng tỏ trong một thời gian, phần cựu thuộc địa không có sự can thiệp từ phương Bắc để cho Phật Giáo Ấn phát triển, và có lẽ là nguyên nhân khiến Lí Phật Tử xa rời tin tưởng thần quyền địa phương. Tuy nhiên rõ ràng là tôn giáo mới chưa đủ khả năng kết tập lực lượng mới giúp cho người làm chủ Giao Châu giữ được quyền bính. Phía bắc, Tuỳ thống nhất đất nước, sai Dương Tố diệt Lí Xuân (590), nghe lời Tố cử thứ sử châu Qua là Lưu Phương chinh Nam, bắt Lí Phật Tử đưa về Bắc (602), kết thúc một giai đoạn cố gắng độc lập ngắn ngủi nhưng quan trọng vì đã mở màn cho các lực lượng li khai về sau có đà khoét sâu sự phân hoá trên thuộc địa phương Nam của Trung Hoa.
Tiếp Theo
Loạn “Mười hai sứ quân” và Đinh Bộ Lĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét