Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Cướp hiếp giết

Nếu bạn nào đam mê việc đọc những bản tin như “Tài xế taxi thình lình đâm chết bác xe ôm” hay “thiếu nữ bị giết trên xe bus” thì có lẽ nên xem thử bộ phim Nightcrawler (Kẻ săn tin đêm).
Trong nghề báo, tại Việt Nam, những người làm bản tin “cướp hiếp giết” có thể coi là lực lượng phóng viên vất vả nhất. Họ thường cầm các điện thoại đường dây nóng, và buộc phải xuất hiện nhanh nhất khi có người dân gọi báo chuyện gì. Các phóng viên mảng “cướp, hiếp, giết” phải chạy như ngựa trên đường suốt ngày, phải căng đầu óc mỗi khi nghe điện thoại báo có vụ việc, phải chạy như điên đến hiện trường vụ việc và để viết 1 bản tin, có khi chỉ 200 chữ và 1 bức ảnh.
Đổi lại chừng ấy công sức, cũng tại Việt Nam, bản tin cướp hiếp giết (thông thường) được trả giá khá rẻ, 100k, 200k, 300k, phải siêu siêu ghê ghê huyền ảo diệu vợi gì đó thì có giá cao hơn. Còn các vụ việc thông thường như 1 vụ án mạng, 1 vụ cướp, 1 vụ xe bồn lật… thì giá bèo và chạy cực.
Tuy “được” trả rẻ mạt như thế, nhưng nguy hiểm mà phóng viên phản ứng nhanh phải đối mặt thì vô cùng nhiều. Tai nạn giao thông rình rập họ vì phải lái xe rất nhanh. Tại hiện trường, rất có thể xảy ra chuyện họ bị các lực lượng liên quan xông vào đánh, hành hung, đập máy ảnh. Khác với các mảng khác, biết ai là “đối thủ” sẵn rồi, mảng đường dây nóng thường… khó biết ngay ai là đối thủ khi phải chạy từ tận đẩu tận đâu, xộc vô cầm máy chụp ảnh, phỏng vấn lia lịa. Họ cũng dễ bị tòa soạn cảnh cáo nếu để lọt tin. Sự xử phạt này về cơ bản không có gì sai, vì mảng nào cũng bị phạt nếu để lọt tin. Nhưng cái mảng quá phức tạp và độ rộng không biên giới như cướp hiếp giết + nhuận bút không cao, để lọt tin và bị phạt cũng là một rủi ro đáng suy nghĩ.
Vậy tại sao có mảng đường dây nóng? – Đầu tiên, để phản ứng nhanh với các thông tin bất thần, gay cấn do người dân cung cấp, không để lọt chuyện hay. Thứ 2, về mặt câu khách, có một lực lượng người đọc cực đông thích chuyện giết, hiếp, cướp… cộng với các tình huống li kỳ, đẫm máu. Không duy trì thì coi bộ khó bán báo.
Nói dài vậy để nói tới bộ phim Nightcrawler(Kẻ săn tin đêm). Bộ phim đã mô tả một cách hấp dẫn, phức tạp và rất nhiều góc cạnh của nghề phóng viên cướp, hiếp, giết này trong không gian của tin tức Mỹ. Tất nhiên sẽ khác Việt Nam. Nhưng có một số thứ không hề khác.
Trong bộ phim, Louis Bloom không có nghề nghiệp (thực ra xuất thân là ăn trộm), anh nhìn thấy một nhóm phóng viên truyền hình thắng xe và nhảy xổ vào hiện trường một vụ cảnh sát cứu người phụ nữ mắc kẹt trong tai nạn xe. Họ quay thật nhanh, góc quay liều lĩnh, và rời hiện trường chỉ sau vài phút, trả giá gay gắt với hãng tin và lên xe đến một vụ khác. Thấy có vẻ ra tiền, Louis Bloom kiếm tiền mua 1 radio nghe trộm đường điện đài của cảnh sát và 1 máy quay phim. Anh bắt đầu nghề chạy đường dây nóng.
Liều lĩnh, tham vọng, làm việc có kế hoạch và cực kỳ chịu học hỏi, Louis bắt đầu bán được những bản tin ra tiền cho một kênh truyền hình. Anh liều hơn đồng nghiệp, sẵn sàng lờ đi các giới hạn để lao vào hiện trường vụ án. Anh cay cú hơn một người quay phim, anh nhảy xổ vào và đi tìm hiểu căn nguyên của tai nạn, quay tận mặt người chết, quay sát mặt những góc đẫm máu. Louis đã “bán” một sản phẩm mà tất cả các kênh truyền hình ao ước: sự thèm khát của người xem trước những cảnh kinh hoàng đẫm máu anh quay được.
Nhưng nghề săn tin cướp hiếp giết như ở giữa làn đạn, và Lou dần tìm ra các đường chuyển động của đạn – khi anh ghi hình trực tiếp được một vụ xả súng trong khu dân cư giàu có. Anh ghi tường tận từng người chết, anh đi hết ngôi nhà và lấy toàn bộ hình ảnh vụ việc. Tệ hơn, anh có cả hình ảnh kẻ đã xả súng. Câu chuyện tiếp theo đã lái sự nghiệp của Lou theo 1 lối khác, hãy dành để bạn xem phim.
Bộ phim đã miêu tả trực diện nhất hình ảnh một người làm bản tin đường dây nóng. Họ có thể không là ai cả, nhưng họ phải có 100% kỹ năng chuẩn xác nhất, để có thể xuất hiện tại hiện trường vụ án ngay sau khi nó xảy ra. Cảnh sát sẽ dọn dẹp hiện trường. Nạn nhân sẽ được cấp cứu. Ngôi nhà cháy sẽ được cứu chữa. Nếu ko đến kịp, sẽ chả còn gì để mà viết hay chụp, quay gì ráo. Họ phải chạy nhanh như đua xe, sẵn sàng bị nghe chửi om sòm, bị đuổi như đuổi tà, bị gằm ghè lườm nguýt, hỏi nữa có khi bị người nhà nạn nhân đánh cho vì ồn ào quấy rầy quá. Nhưng đó là 1 phần của nghề, và họ phải chấp nhận.
Trong phim, Lou đã đi xa hơn các đồng nghiệp của anh (ngoài 1 số mánh lới bẩn thỉu), thì chính anh, đã cực kỳ chăm chỉ học và dâng hiến bản thân cho cái nghề này. Anh học thuộc lòng các hiệu lệnh của radio cảnh sát để đánh giá mức độ sự việc. Anh thuê 1 người chỉ để ngồi đọc bản đồ cho anh lái xe. Anh lao vào hiện trường dù bị đuổi. Anh im lặng tìm đường khác khi bị các đồng nghiệp chế diễu. Anh ghi lại từng bản tin đã phát, nghe BTV nói và học cách quay một bản tin đúng với mong muốn của hãng truyền hình mua tin của anh. Anh liều cả sinh mạng mình để có được 1 shot hình đáng giá. Lou đã thực hiện chức phận của nghề phóng viên một cách nhiệt tình nhất có thể, để được có tên tuổi trong nghề.
Song song với sự nghiệp, nghề viết tin cướp hiếp giết cũng tồn tại đầy rẫy những đường dây đạo đức mà vì quá đam mê 1 cảnh phim, 1 khung hình, phóng viên có thể vi phạm đạo đức. Vì quá mê một chủ đề và độ hấp dẫn của nó với người xem, biên tập viên có thể liều mình bán đổi sự thật cho một thông tin nói quá. Bộ phim đã trình bày ra hết các mặt đằng sau của một bản tin cướp, hiếp, giết mà ngày nào chúng ta cũng xem.
Tại Việt Nam, không có phóng viên cướp hiếp giết nào có thể trả giá bản tin như Lou đòi khi có 1 khung hình đắt giá. Làm việc cực khổ, nhuận bút thấp, tên tuổi ít được xướng danh trong các lễ hội, ngày ghi công, nhưng những phóng viên làm mảng đường dây nóng – ít nhất là những người tôi từng quen – đã dạy tôi về cái nguyên thủy nhất của nghề báo: Đó là chạy tới sự việc, phỏng vấn, chụp ảnh và viết bài.
Phóng viên cướp hiếp giết không có được cái “diễm phúc” ngồi nhà gọi điện thoại đã có tin, đi họp báo là xong bản tin, hay nhận 1 thông tư, nghị định rồi tóm thành bản tin. Khi bạn đọc 1 bản tin họ viết ra, thì hãy nghĩ là có 1 anh phóng viên (dù đang ôm bồ hay ngủ ngon), nghe điện thoại tòa soạn phải tung chăn chạy tới, chụp hình (dù mặt còn ngái ngủ), phỏng vấn (dù có thể thiên hạ đang chửi um sùm) và về nhà viết một cái tin còm vài trăm nghìn.
Nhưng họ vẫn làm việc, chăm chỉ và yêu nghề, để bạn có cái mà bàn tán cho vui mỗi ngày
Phim Nightcrawler đáng xem, Jake Gyllenhaal đóng tròn vai Louis Bloom tài năng, nghiêm chỉnh, yêu nghề, tham vọng và tàn bạo.
Ai thích xem phim thì xem ở đây: http://www.phimdata.com/xem-phim/ke-san-tin-den/7401.html

Khải Đơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét