Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Câu chuyện tự do

Lê Phan

Một bức ảnh châm biếm Đức Giáo Hoàng của Charlie Hebdo
Hôm Chủ nhật tuần rồi, hơn một triệu người dân Pháp ở Paris, cả triệu người dân Pháp khác trên toàn đất nước, và nhiều triệu người khác trên thế giới, đã tụ tập để ủng hộ cho tinh thần tự do báo chí tiêu biểu bởi các nhà báo của tuần báo Charlie Hebdo. Nhưng hôm Thứ Năm, đến Đức Giáo Hoàng cũng nói là tự do có giới hạn.
Theo tường thuật của Thông Tấn Xã AP, Đức Giáo Hoàng nói với báo chí là có giới hạn cho quyền tự do phát biểu, đặc biệt khi nó lăng mạ hay chọc quê tôn giáo của người khác. Trên chiếc phi cơ đi Philippines, Đức Giáo Hoàng đã bênh vực cho tự do ngôn luận, nói là đó không những là một nhân quyền căn bản mà còn là một nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình vì mọi người.
Để thí dụ, ngài chỉ Tiến Sĩ Alberto Gasparri, vốn phụ trách tổ chức các cuộc công du của các đức giáo hoàng, lúc đó đang đứng cạnh ngài trên phi cơ, và nói, “Nếu ông bạn tốt của tôi, Tiến Sĩ Gasparri nói lời nguyền rủa về mẹ tôi, ông được chờ đợi nhận một cú đấm.” Và ngài giả vờ đấm về hướng đó. Ngài nói thêm, “Chuyện đó bình thường. Quý vị không thể khiêu khích. Quý vị không thể lăng mạ tôn giáo của kẻ khác. Quý vị không thể chọc quê tôn giáo của kẻ khác.”
Nhiều triệu người trên thế giới, trong đó có đủ cả từ các nhà trí thức đến các lãnh tụ chính trị đã bênh vực quyền của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo phổ biến những tranh hí họa có tính khiêu khích về Đấng Tiên Tri Mohammed theo sau vụ tấn công của khủng bố nhân danh Hồi Giáo vào văn phòng của họ ở Paris và sau đó tấn công vào một siêu thị kosher của những người theo Do Thái Giáo làm cho 17 người thiệt mạng.
Nhưng gần đây Tòa Thánh Vatican và bốn imams nổi tiếng của Pháp đã ra một thông cáo chung lên án cuộc tấn công nhưng đồng thời cũng yêu cầu báo chí phải tôn trọng tôn giáo.
Đức Giáo Hoàng, vốn đã yêu cầu đặc biệt các lãnh tụ Hồi Giáo hãy lên tiếng chống lại quá khích Hồi Giáo, đã đi xa hơn một bước khi được hỏi bởi một nhà báo Pháp là liệu có giới hạn nào khi tự do báo chí đụng tự do tôn giáo hay không. Ngài cả quyết là một “sai trái” khi giết người nhân danh Thượng Đế và nói là tôn giáo không thể được dùng để biện minh cho bạo động. Nhưng Ngài nói có giới hạn cho tự do tôn giáo khi nó liên quan đến việc xúc phạm niềm tin tôn giáo của người khác. Ngài nói, “Có quá nhiều người nói xấu tôn giáo, chọc quê họ, coi tôn giáo của người khác là một trò chơi. Họ là những người khiêu khích. Và chuyện xảy ra cho họ là chuyện sẽ xảy ra cho Tiến Sĩ Gasparri nếu ông ta nói câu nguyền rủa mẹ tôi. Có giới hạn.”
Điều không thấy bài tường thuật cũng như báo chí nói rõ là vậy phải chăng vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ có coi ấn bản mới nhất của tờ Charlie Hebdo là một hành động vi phạm giới hạn tự do ngôn luận hay không?
Đối với đa số những vị imans, học giả và tín đồ Hồi Giáo thì những gì Charlie Hebdo in trên mặt báo của họ trong số ra hôm thứ tư vừa qua rõ ràng là vượt quá giới hạn của tự do báo chí.
Trên địa chỉ của đài Al Jazeera, Tiến Sĩ Hatem Bazian của Viện đại học Berkeley đồng ý với lập trường đó. Ông Bazian viết, “Charlie Hebdo và báo chí có quyền xuất bản điều họ muốn nhưng những người Hồi Giáo cũng có tự do cảm thấy bị động chạm bởi những gì họ phổ biến và họ có quyền chỉ trích những hình ảnh đó. Không ai được phép bảo người Hồi Giáo điều gì họ nên hay không nên bị xúc phạm bởi chính họ phải quyết định điều đó cho cộng đồng của họ.”
Ông viết tiếp chỉ trích tờ báo, “Qua việc diễn tả Đấng Tiên Tri trong tranh hí họa, Charlie Hebdo đã chọn kỳ thị chủng tộc và lý luận bài Hồi Giáo chống lại tất cả những người Hồi Giáo. Hành động này thay đổi cuộc thảo luận từ đề tài tập trung vào khủng bố, jihad và sát nhân sang một cuộc tranh luận hẹp hơn về thần học và phát luật liên quan đến cái gì có thể và không có thể tiêu biểu cho hình ảnh về Đấng Tiên Tri. Đây là một vấn đề liên quan đến tất cả người Hồi Giáo chứ không phải chỉ có những kẻ khủng bố.”
Mạnh lời hơn ông viết tiếp, “Những người ủng hộ tự do báo chí sẽ chào đón việc phổ biến bìa báo mới và coi đó như là một sự chiến thắng đối với khủng bố bằng cách nhục mạ tất cả những người Hồi Giáo qua một tranh hí họa kỳ thị sắc tộc diễn tả Đấng Tiên Tri, với một hình ảnh một người Ả Rập mũi khoằm. Hãy nói rõ là đại đa số người Hồi Giáo sẽ tiếp tục duy trì truyền thống là không ai được phép đưa ra hình ảnh của Đấng Tiên Tri, trong khi một thiểu số thì có lập trường trong quá khứ là nó không bị cấm. Việc này sẽ không sớm thay đổi và nó không phải là việc của ai ngoại trừ người Hồi Giáo để quyết định về vấn đề này.”
Ngày nay, quả như ông giáo sư nói, hầu hết người Hồi Giáo coi là một sự tuyệt đối cấm, dầu là Đấng Tiên Tri Mohammed hay bất cứ một Đấng Tiên Tri nào của Hồi Giáo, không thể được vẽ hình ảnh bất cứ kiểu nào. Hình ảnh cũng như tượng được coi là khuyến khích thờ phượng hình tượng. Việc này hoàn toàn đúng ở nhiều phần của thế giới Hồi Giáo. Theo truyền thống, hình ảnh chế ngự của nghệ thuật Hồi Giáo là kỷ hà hay là những đường nét của chữ viết, thay vì hình tượng.
Nhưng không có điều luật gì trong Kinh Qu'ran rõ ràng cấm việc vẽ hình tượng Đấng Tiên Tri, theo Giáo Sư Mona Siddiqui của viện đại học Edinburgh. Ý tưởng này thực ra đến từ Hadiths, tức là tuyển tập những câu chuyện về cuộc đời và những lời dạy của Đấng Tiên Tri góp nhặt lại sau khi ngài thăng thiên. Giáo Sư Siddiqui chỉ ra là hình tượng của Đấng Tiên Tri, được vẽ bởi các nghệ sĩ Hồi Giáo, từ các đế quốc Mông Cổ và Ottoman. Trong một số tác phẩm, mặt của Đấng Tiên Tri được che lại, nhưng rõ ràng đó là Người. Bà nói những hình ảnh này phát xuất từ đức tin, “Đa số người ta vẽ những hình tượng này vì kính mến chứ không có ý định tôn thờ hình tượng.”
Như vậy đến lúc nào thì hình tượng của Đấng Tiên Tri mới trở thành “haram” tuyệt đối cấm?
Theo Giáo Sư Christiane Gruber của viện đại học Michigan, nhưng hình tượng từ những năm 1300 có mục đích chỉ để xem riêng để tránh việc bị coi là thờ tượng thay vì Thượng Đế, thành ra chúng là những vật xa xỉ dành cho các nhà quyền quý. Bà lý luận là khi bắt đầu có báo chí ở thế kỷ thứ 18 và khi một số lãnh thổ Hồi Giáo bị Âu Châu chinh phục thì khái niệm này mới trở thành quan trọng. Bà lý luận đây là một phản ứng của Hồi Giáo để nhấn mạnh sự khác biệt của tôn giáo mình với Ki-tô Giáo.
Giáo Sư Asifa Quraishi-Landes, giáo sư của trường luật viện đại học Wisconsin, thì giải thích là những người Hồi Giáo quan ngại là sự hiện diện của những hình tượng này dẫn đến việc thờ phượng không phải là Thượng Đế, một hành động tuyệt đối không chấp nhận được của Hồi Giáo. Nhưng đồng thời bà cũng nói là không có căn bản pháp lý nào trong Hồi Giáo cho những sự trả thù bạo động như cuộc tấn công vào Charlie Hebdo.
Nói cho cùng có lẽ không có tự do nào là tự do tuyệt đối. Nhưng vấn đề vẫn xoay quanh việc là liệu hành động của nhóm Charlie Hebdo có phải là vượt quá giới hạn của tự do báo chí không?
Charlie Hebdo nằm truyền thống của một số báo chí cánh tả của Pháp và của Âu Châu. Họ hầu hết có chủ trương thế quyền và vô thần. Khi Zineb El Rhazoui, một trong những tay viết sống sót của tờ báo, giải thích thái độ của họ, bà nói, “Tôi sẽ bảo với họ đó chỉ là một bức tranh và họ không bị buộc phải mua tờ báo nếu họ không thích sáng tác của chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm việc của mình. Chúng tôi không vi phạm luật pháp. Các bạn của chúng tôi chết vì một bức tranh nhỏ, vì một hí họa, nhưng điều xảy ra cho chúng tôi không phải là chuyện đùa. Những người Hồi Giáo phải hiểu là chúng tôi ở Charlie Hebdo coi Hồi Giáo là một tôn giáo bình thường như mọi tôn giáo khác ở Pháp. Hồi Giáo phải chấp nhận được đối xử như các tôn giáo khác ở nước này. Và họ phải chấp nhận trào phúng nữa.”
Nhưng không phải bất cứ một ai cũng có thể chấp nhận bị trở thành mục tiêu của các nhà hí họa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét