Dịch giả gửi tới Dân Luận
Hôm Thứ Bảy 17-01-2015, tuần báo biếm họa Charlie Hebdo loan báo sẽ in thêm một lần nữa số báo phát hành sau khi bị tấn công vì số lượng ấn bản đã in ra bán sạch khắp thế giới.
Tờ báo châm biếm của Pháp xác nhận sẽ in thêm 2 triệu số nữa sau khi đã bán hết 5 triệu số đã in. Số báo này được dịch sang 16 thứ tiếng. Theo hãng tin Agence France Presse (AFP) loan tin như vậy.
So với số phát hành trước khi bị khủng bố tấn công vào ngày 07 tháng 1 năm 2015 thì Charlie Hebdo chỉ in 30 ngàn số mỗi tuần.
Nhiều người đi tìm mua là những người chưa từng đọc hay thậm chí chưa từng nghe đến tên Charlie Hebdo trước khi tòa soạn ở Paris, thủ đô Pháp quốc, bị tấn công.
Được biết, vào sáng Thứ Sáu 16-1-2015, hàng trăm người dân thành phố Montreal bên Canada không quản ngại sương giá đứng xếp hàng để mua tờ báo trào phúng nổi tiếng nước Pháp này. Lý do là vì Canada chỉ được phân phối có 1,500 số thì số độc giả có cơ hội đọc tờ báo mới được kể là quá ít so với dân số.
Hãng tin tức CTV News cho hay lúc 5 giờ sáng Thứ Sáu có tới 100 khách hàng đã đứng chờ ngoài cửa nhà sách Maison de la Presse International tại Montreal. Tiệm sách mãi tới 7 giờ sáng mới mở cửa. Sự thật phũ phàng là chỉ có 25 khách hàng xếp hàng đầu tiên may mắn được mua, có nghĩa nhà sách bán sách báo Pháp ngữ chỉ được phân phối 25 số báo Charlie Hebdo.
Còn tại Luân Đôn, thủ đô Anh quốc, cũng có hàng trăm người xếp hàng ngoài phố để chờ mua ấn bản Charlie Hebdo Anh ngữ.
Tờ báo London Evening Standard loan tin một nữ sinh viên điện ảnh 22 tuổi tên Moritz Riewoldt, đã đến đứng tại cửa nhà sách bán ấn phẩm Pháp ngữ French Bookshop ở phía Nam Kensington ngay giờ đầu của ngày Thứ Sáu. Cô chiếm vị trí số một và sau đó lần lượt có thêm 300 người đứng xếp hàng sau cô.
“Tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết của mình. Tôi được nuôi dạy tại Đức quốc và tôi biết rằng thiếu tự do ngôn luận là bước đầu tiên tiến đến chế độ độc tài”, cô sinh viên nói với tờ báo Anh ngữ ở trên và phát biểu tiếp: “Tôi đã học lịch sử. Chúng tôi phải bảo vệ tự do ngôn luận. Vì tự do này quan trọng hơn tất cả các tự do khác. Đó là lý do tôi có mặt ở đây.”.
Nam nữ công dân Anh quốc cũng vào trang mạng truyền thông xã hội Intagram để cố mua được số báo Charlie Hebdo mới nhất như một thái độ ủng hộ tự do phát biểu y hệt như người dân Paris đã làm hai ngày trước đó khi số báo trào phúng được bày bán ở Pháp quốc.
Nhưng không phải ai cũng đồng cảm với trang bìa mới của Charlie Hebdo in bức hí họa tiên tri Mohammed khóc lóc cầm tấm bảng ghi: “Ta là Charlie”. Trên đầu ông là hàng chữ “Tout est pardoné”, có nghĩa mọi sự đều được tha thứ.
Nhiều tín đồ đạo Hồi đã phản đối trang bìa Charlie Hebdo mới nhất vì họ nghĩ việc vẽ tiên tri Muhammed là một hành vị lộng ngôn xúc phạm tôn giáo.
Theo hãng tin AFP, một cuộc biểu tình biến thành bạo động đã diễn ra bên ngoài lãnh sự quán Pháp tại thành phố Karachi ở Pakistan vào ngày Thứ Sáu. Cùng lúc, nhiều cuộc biểu tình xảy ra tại hai thành phố Pakistan khác là Peshawar và Multan, trong đó cờ Pháp bị đốt. Tại nước Niger Phi châu, 5 người chết trong các cuộc biểu tình chống tờ báo biếm họa này.
Cũng trong ngày Thứ Sáu tuần qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã xuất hiện thu hình video tóm lược những vấn đề quan trọng, đặc biệt nhất là công tác chống khủng bố, khi ông bay sang Washington thủ đô Mỹ thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông tuyên bố: “Chúng tôi đã bàn bạc một cách nghiêm chỉnh về cách thức làm sao chống lại cái cách truyền bá độc hại chủ nghĩa cực đoan trong đạo Hồi khiến cho có quá nhiều người trẻ mù quáng tin theo.”
Được biết vào ngày Chủ Nhật 11-1-2015, chỉ sau 4 ngày thủ đô Pháp bị hai cuộc tấn công khủng bố chết nhiều người, đã có hàng triệu người khắp nước Pháp, con số ước tính đáng tin cậy là 3 triệu 7 trăm ngàn, đã kéo về Paris xuống đường tuần hành đoàn kết chống khủng bố và bảo vệ tự do ngôn luận.
Trong cuộc xuống đường vĩ đại nhất trong lịch sử Pháp này, một người cầm cờ Do Thái trong khi một người khác cầm cờ Palestine hai người ôm nhau trong khi đám đông hô ta “Un bisou, un bisou” có nghĩa hãy hôn nhau khiến cho đám đông vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Cảnh trên đã được thu hình video đưa lên Facebook vào ngày hôm sau và đã thu hút một lượng khán thính giả vào coi ngày càng đông trong suốt tuần lễ vừa qua.
Một khán thính giả bày tỏ ý kiến: “Chúng ta không có gì khác nhau cả. Tất cả chúng ta đều muốn yêu thương và hiểu biết. Chúng ta hãy đặt lòng yêu thương trước cơn giận dữ và lòng hận thù.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét