Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Chiến tranh trên mạng bùng nổ sau vụ tấn công báo Charlie Hebdo (RFI)

charlie hebdo 140115
Sau vụ Charlie Hebdo, nhiều trang web bị tin tặc tấn công - DR
Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, trên các mạng xã hội, những tiếng nói bất đồng - "Tôi không phải là Charlie" #JeNeSuisPasCharlie - hiện đang cố tìm cách chống lại tuyên ngôn "Tôi là Charlie" #JeSuisCharlie. Các tin tặc ủng hộ và chống lại tự do ngôn luận hiện đang tham gia vào một cuộc chiến tranh du kích trên mạng, mà các "nạn nhân điện tử" đầu tiên là nhiều trang web của các định chế. 
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve, tại Pháp, đã có gần 4.000 thông điệp ca ngợi các vụ khủng bố trên Facebook, Twitter hay Instagram. Từ khóa #JeNeSuisPasCharlie đã thu hút nhiều thông điệp hận thù, một bên là "Charlie Hebdo đáng bị quả báo""Đáng đời cho chúng nó", và bên kia là "Hay là chúng ta đi đốt đền thờ Hồi giáo đi" hoặc "Một người Hồi giáo tốt là một người Hồi giáo đã chết."
Vào lúc này, đến lượt giới tin tặc tham chiến. Và như vậy, trang chủ website của đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát của Phát xít Đức tại Oradour-sur-Glane đã bị xóa, thay thế bằng một thông điệp kêu gọi Pháp "cút đi", ký tên "Tôi không phải là Charlie". Còn khu tưởng niệm Caen đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Những hành động vừa kể chủ yếu do những kẻ tin tặc ủng hộ Hồi giáo thuộc nhóm Fellaga ở Tunisia tiến hành.
Trang web chuyên về quốc phòng-tin học zataz.com cũng ghi nhận một làn sóng tấn công tin học nhắm vào một số xí nghiệp, tòa thị chính, nhà thờ, trường học và một số lớn các thư viện truyền thông Pháp, với các tin tặc ghi trên các trang bị chiếm lĩnh hàng chữ : "Tôi xác nhận rằng chỉ có Allah là đấng tối cao".
Cuộc chiến tranh du kích trên mạng đó không chỉ giới hạn trên mạng lưới internet của Pháp, tin tặc tự nhận là thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh, đã giành quyền kiểm soát trong một thời gian ngắn hôm thứ Hai 12/01/2015, tài khoản Twitter và YouTube của bộ Tư lệnh quân đội Mỹ ở Trung Đông Centcom, cho hiển thị một biểu ngữ màu đen và trắng, trên nền hình ảnh một chiến binh đeo mặt nạ với từ ngữ "CyberCaliphate" và hàng chữ "I love you Isis - Tôi yêu Isis" (Isis là từ tắt tiếng Anh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo).
Nhóm tin tặc này cũng cho đăng trên các trang web bị khống chế các thông điệp giả mạo mang dáng dấp của các văn kiện chính thức, và địa chỉ cá nhân của nhiều sĩ quan Mỹ.
"Quyền tự do ngôn luận đã gánh chịu một cuộc tấn công vô nhân đạo"
Về phần mình, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous đã lên tiếng cam kết là sẽ trả đũa chống lại các trang web khủng bố. Trong một thông điệp vidéo lời lẽ khoa trương, họ tuyên chiến trên mạng với các thành phần thánh chiến, cho rằng "quyền tự do ngôn luận đã gánh chịu một cuộc tấn công vô nhân đạo" và yêu cầu các cư dân mạng tố giác tài khoản Twitter của những người ủng hộ thánh chiến.
Nhóm hacker này đã tự nhận là đã đánh sập trang web tuyên truyền cho Hồi giáo cực đoan"ansar-alhaqq.net" và các diễn đàn thảo luận của website này.
Tuy nhiên, sáng kiến của Anonymous nhằm ngăn chặn hoạt động của các trang web thánh chiến đã bị nhiều chuyên gia bảo mật máy tính chỉ trích mạnh mẽ. Những người này cho rằng điều đó sẽ gây rắc rối cho cuộc điều tra đang tiến hành, và cản trở việc giám sát một cách kín đáo các màng lưới thánh chiến.
Bên cạnh đó, nhiều giả thuyết hoang tưởng đã xuất hiện trên internet, đặt nghi vấn về cả diễn tiến của các vụ tấn công khủng bố vừa qua. Video và ảnh chụp được dàn dựng lại một cách "lố bịch" được tung lên trên mạng để làm hạ uy tín phiên bản chính thức của các cuộc tấn công. Một số người ủng hộ chủ thuyết 'âm mưu đen tối" khẳng định rằng chiếc xe được những kẻ khủng bố sử dụng khác với chiếc được cảnh sát Pháp tìm thấy một vài giờ sau đó.
Các bằng chứng là gì ? Là kính chiếu hậu của chiếc xe, tuy cùng một kiểu, nhưng lại có màu khác ! Có người còn tự hỏi là làm thế nào một nhà báo tại thời điểm cuộc tấn công vào báo Charlie Hebdo, lại mặc áo chống đạn, lẫn lộn với cái áo không tay mà nhà báo đang mặc. Một cư dân mạng khả nghi đã thốt lên trong một đoạn video đã lan truyền mạnh trên internet là : "Bộ tưởng các tín đồ Hồi giáo là kẻ ngu hay sao ! Ngay cả một tên cướp siêu thị quèn cũng không thể quên chứng minh thư của mình !".
Tuy nhiên, những thông điệp kiểu như trên chỉ là một thiểu số, so với khoảng 6,6 triệu tin nhắn đã bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân thông qua từ khóa #JeSuisCharlie, theo số liệu thống kê mới nhất của website Twitter tại Pháp.
Bộ Nội vụ Pháp đã cảnh báo người sử dụng về các thông tin sai lệch như vậy đang lưu hành trên mạng và khuyến cáo cư dân mạng sử dụng trang web PHAROS đã được thiết lập để tố giác thủ phạm các thông điệp thù hận đó. Nếu cứ tiếp tục sai phạm, những kẻ này có thể bị đến bảy năm tù giam và bị phạt tiền.
Mai Vân

 

14/01/2015 : Số báo Charlie Hebdo bán sạch ngay từ sáng sớm (RFI)

page hacké charlie hebdo
Độc giả Pháp đứng xếp hàng trước một sạp báo để mua tờ Charlie Hebdo - REUTERS /S. Mahe
Số báo đầu tiên của tuần báo châm biếm Charlie Hebdo kể từ sau vụ khủng bố tuần trước đã được bán sạch ngay từ sáng sớm hôm nay, 14/01/2015 tại toàn bộ các sạp báo ở Pháp, buộc nhà in phải phát hành thêm 2 triệu bản, tổng cộng là 5 triệu bản. 
Hôm nay, 14/01/2015, nhiều độc giả Pháp rất thất vọng vì không mua được số báo mà trên trang nhất có đăng bức biếm họa mới vẽ nhà tiên tri Mohammed cầm biểu ngữ « Tôi là Charlie » , được thực hiện bởi những thành viên ban biên tập Charlie Hebdo sống sót sau vụ tấn công khủng bố ngày 07/01, khiến tổng cộng 12 người thiệt mạng.
Để đáp ứng nhu cầu của độc giả, nhà xuất bản đã quyết định nâng số phát hành từ 3 triệu lên 5 triệu. Mỗi ngày 500.000 bản sẽ được phân phối cho các sạp báo.
Trở thành biểu tượng của quyền tự do ngôn luận, số báo đề ngày hôm nay của Charlie Hebdo đã được dịch ra năm thứ tiếng : Tây Ban Nha, Anh, Ả Rập cho ấn bản báo giấy, tiếng Ý và Thổ Nhĩ Kỳ cho ấn bản báo mạng, đồng thời được phát hành tại hơn 20 quốc gia (một kỷ lục đối với báo chí Pháp) .
Không chỉ ở Pháp, mà báo chí ở nhiều nước, trừ báo chí ở các nước Hồi giáo, từ hôm qua cũng đã bày tỏ tình liên đới với Charlie Hebdo bằng cách đăng trang nhất của tuần báo châm biếm này. Nhưng ngay cả tại Anh quốc, báo chí nước này cũng tỏ thái độ dè dặt, không muốn bị coi là khiêu khích. Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix gởi về bài tường trình :
« Trang nhất của tuần báo Charlie Hebdo làm cho báo chí Anh rất lúng túng. Các tờ báo này chỉ miêu tả nội dung số báo ra ngày hôm nay của Charlie Hebdo và cẩn thận tránh đăng lại trang nhất của tuần báo này, có bức tranh biếm họa của họa sĩ Luz vẽ nhà tiên tri Mohammed.
Chỉ có nhật báo The Guardian và The Independent, từ hôm qua, đã kín đáo đăng ở bên trong, trang nhất Charlie Hebdo, nhưng ở phía dưới trang và khổ nhỏ. Các website của hai tờ báo này cũng thận trọng ghi thêm hàng chữ cảnh báo độc giả : Chú ý, bài viết này có hình trang nhất tuần báo Charlie Hebdo có thể làm cho quý vị cảm thấy bị xúc phạm.
Thế nhưng, tờ The Guardian đã hỗ trợ Charlie Hebdo 127000 euro. Sự dè dặt này đã cảm nhận thấy từ tuần trước, ngay sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo. Nhiều tờ báo và cơ quan truyền thông đã ủng hộ tuần báo trào phúng Pháp và tuyên bố : "Tôi là Charlie", nhưng hầu như không một tờ báo nào đăng lại các bức biếm họa có hình nhà tiên tri Mohammed.
Ngược lại, báo chí Anh lại rất tự hào ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Anh : Tờ Daily Telegraph và Daily Mail, trong số ra ngày hôm nay, đã có bài viết dài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một người bán báo tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông nam nước Anh. Người này, tuy có lo sợ, nhưng vẫn quyết định đặt nhận bán khoảng 100 tờ Charlie Hebdo vào cuối tuần này. Quyết định này trái ngược hẳn với thái độ của những tập đoàn phân phối báo chí Anh quốc chủ trương không cung cấp báo Charlie Hebdo cho các quầy bán báo ở nước này ».
Bức biếm họa Mohammed cầm biểu ngữ « Tôi là Charlie » dĩ nhiên đã gây nhiều phản ứng tại các nước Hồi giáo. Liên hiệp thế giới các giáo sĩ Hồi giáo, đặt trụ sở tại Qatar, cho rằng đăng các bức biếm họa hay chiếu các phim xúc phạm đấng tiên tri và đả kích Hồi giáo « không phải là một hành động khôn ngoan, hợp lý ».
Một trong những tổ chức Hồi giáo sunni chủ chốt, Al-Azhar, trụ sở ở Ai Cập, tối qua cũng đã cho rằng việc đăng tải những bức biếm họa « xúc phạm đấng tiên tri » sẽ « gây thêm hận thù ». Nhưng tại Pháp, các tổ chức Hồi giáo chính yếu đã kêu gọi tín đồ ở nước này giữ bình tĩnh và tôn trọng quyền tự do ngôn luận.
Thanh Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét