Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Những nơi rùng rợn nhất Sài Gòn

biệt thự nhà họ Hứa
Hầu hết những nơi này đều gắn liền với những câu chuyện thương tâm, oan khuất ngút trời. Vì thế, ít người dám lui tới và lâu dần bức màn tang tóc với những câu chuyện bí ẩn càng làm cho những nơi này thêm hoang phế…
Chuyện dùng trinh nữ trấn yểm chúng cư 727 – Trần Hưng Đạo 
Địa điểm đầu tiên và có thể nói là nơi đáng sợ nhất Sài Gòn đó chính là khách sạn Building President – mà nay trở thành chúng cư 727 nằm trên đường Trần Hưng Đạo B, phường 1, quận 5. Sở dĩ vậy, vì theo các cao niên cư trú lâu năm tại Sài Gòn – Chợ Lớn thì Building President gắn liền với một loại thuật phong thủy cổ quái, được áp dụng để trấn yểm tòa nhà.
Khách sạn Building President được ông Nguyễn Tấn Đời – một trong những doanh gia giàu có nhất miền Nam lúc bấy giờ, đầu tư khởi công vào năm 1960.
Theo bản thiết kế, khách sạn gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa và ngăn ra thành 530 phòng. Giai thoại truyền miệng rằng, khi nhận được bản thiết kế, cộng sự của ông Nguyễn Tấn Đời là một người Pháp đã tỏ ra rất lo ngại với con số 13 mà theo quan niệm phương Tây cho là xui rủi. Nhưng ông Đời không mấy quan tâm và vẫn cho xây đúng 13 tầng theo bản vẽ.
Ngay khi tầng 13 đang đặt những viên gạch cuối cùng thì hàng loạt tai nạn chết người xảy ra. Khi thì nhân công bị rớt giàn giáo, lúc lại bị điện giật trụy tim… Tai nạn liên tiếp khiến cho tầng 13 mãi vẫn chẳng thể xây xong.
Đứng trước nguy cơ Building President không thể hoàn thành kịp và giới chức lúc bấy giờ cũng đang rục rịch vào cuộc điều tra, ông Đời liền cho tạm ngưng xây dựng tầng 13. Sau đó, mời về một thầy pháp sư, cho công nhân nghỉ phép liên tục 3 ngày để làm phép và trấn yểm tòa nhà.
Cụ Lưu Phục Chấn, 72 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Thi, phường 13, quận 5 kể lại: “Dạo xây khách sạn lớn, gia đình tôi có ông cậu ở gần đó. Cậu hay kể lại rằng, thầy pháp đã cho người đến bệnh viện mua lại xác của 4 trinh nữ, đem về chôn ở 4 góc của khách sạn để trấn tại 4 hướng”.
Cũng theo lời cụ Chấn, thì đây không phải là “tin đồn lẻ tẻ” mà nó lan rộng khắp khu Chợ Lớn, Sài Gòn. Điều này khiến Building President trở nên nổi như cồn bởi những câu chuyện thêu dệt về thuật phong thủy cổ quái, hồn ma trinh nữ và cả oan hồn của nhân công bỏ mạng tại đây.
Qua bao phen lận đận, cuối cùng khách sạn Building President cũng được khánh thành. Bấy giờ, quân đội Mỹ liền thuê lại toàn bộ khu nhà bề thế này để dành làm nơi nghỉ ngơi cho lính của họ. Nhưng không hiểu sao, tầng 13 vẫn không được đưa vào sử dụng.
Tầng 12 được sửa thành quán bar, nhà hàng, nơi vui chơi cho lính Mỹ. Đến sau năm 1975, khu khách sạn 400 phòng trở thành nhà ở. Tầng 12 khó có thể sử dụng được nên bị khóa lại, còn tầng 13 thì bỏ hoang vĩnh viễn.
Tin đồn ma ám còn bởi chúng cư 727 quá cũ đến mức có thể sập bất cứ lúc nào. Quả thật, chúng cư 727 mang trong mình cái vẻ thâm u, cũ kỹ đến đáng sợ. Có những nơi bỏ hoang lâu ngày, mùi rác, mùi ẩm mốc, xác động vật chết bốc lên nồng nặc.
Thai phụ bên cửa sổ ngôi nhà số 24 – Lý Thái Tổ
Ngôi nhà số 24 – Lý Thái Tổ bỏ hoang đã lâu cũng lọt vào danh sách những địa điểm đáng sợ nhất Sài Gòn, gắn liền với một án mạng gia đình hết sức thương tâm.
Nhiều năm trước, đây là một cửa hàng bán xe máy khá sung túc.
Nhưng rạng sáng cận ngày lễ Giáng sinh năm ấy, ngọn lửa bùng cháy, thiêu chết 7 mạng người trong đó có một phụ nữ mang thai và đứa trẻ mới tròn 3 tuổi. Cả gia đình bị thiêu sống, chỉ có người em trai bị mắc bệnh tâm thần của gia chủ và người mẹ già thoát khỏi ngọn lửa kinh hoàng.
Thủ phạm của vụ hỏa hoạn lại chính là người em trai tâm thần kia. Khi được hỏi, tại sao lại phóng hỏa đốt nhà, anh ta hướng đôi mắt lơ ngơ về phía người hỏi và trả lời: “Tại không cho đi theo chơi, tại bắt uống thuốc hoài à”.
Kể từ đó, ngôi nhà luôn cửa đóng then cài, còn hai mẹ con người đàn ông tâm thần kia thì đi đâu biệt tích. Chính vì thế, những lời đồn đại kỳ dị về ngôi nhà số 24, đường Lý Thái Tổ, cứ thế lan ra.
Ông Trần Quốc Hưng, ngụ gần ngôi nhà này, tỏ vẻ e dè kể lại: “Chuyện xảy ra quá lâu rồi, mà ánh mắt của cô con gái trong nhà này vẫn làm tôi ám ảnh. Lúc xảy ra hỏa hoạn, chúng tôi nhìn thấy cô gái mặc váy ngủ, bụng mang dạ chửa, tay bồng đứa con trai 3 tuổi đứng ngay cửa sổ. Chúng tôi la hét bảo cô nhảy xuống, hay ném đứa con xuống, vì ngôi nhà này chỉ có hai tầng thôi, té xuống thì trường hợp xấu nhất là sảy thai, chứ không đến nỗi chết.
Nhưng cô gái lại chạy vào trong ngọn lửa, vẻ mặt hoảng loạn vô cùng. Sau đó cô lại ôm con trở ra cửa sổ, ánh mắt bình thản nhìn xuống phía dưới, mặc cho mọi người la hét, cô vẫn đứng yên nhìn.
Lúc này một số người cho rằng, cô gái và cả đứa con đã chết rồi, bên cửa sổ chỉ là linh hồn của cô thôi. Náo loạn một lúc nữa thì không thấy cả ba mẹ con đâu hết”.
Theo ông Hưng, chính hành động lạ lùng đó của cô gái nạn nhân vụ hỏa hoạn mà ngôi nhà bị đồn là có ma. Người dân sống gần ngôi nhà số 24 cho biết, họ thường xuyên nghe thấy tiếng động lạ phát ra từ phía bên trong ngôi nhà.
Một số người còn khẳng định, vẫn thường thấy một thai phụ lảng vảng trên bao lơn của ngôi nhà còn ám đen những vệt khói của trận hỏa hoạn.
“Xoáy nước nuốt người” tại Hồ Đá, làng đại học Thủ Đức
Từ lâu, người dân xung quanh khu vực Hồ Đá thường đồn đại rằng, vong linh người chết đuối đã quyến rũ người dương gian lao xuống lòng hồ rồi bỏ mạng dưới đáy sâu.
Sở dĩ, có lời đồn trên là bởi người ta khó có thể giải thích tại sao có quá nhiều cái chết tại khu vực Hồ Đá.
Trên thực tế, một vài cụ lão niên tại Bình Dương, Thủ Đức hoàn toàn có thể giải thích được vì sao Hồ Đá lại gây ra quá nhiều cái chết thương tâm đến như vậy.
Ông Trần Quý, thợ lặn thâm niên từng có lần tham gia lặn mò xác người tại Hồ Đá, kể: “Nước hồ lạnh vô cùng do bao quanh là tường đá cheo leo, lởm chởm, rớt xuống hồ mà may mắn không bị đập đầu vào đá thì cũng khó lòng mà sống sót nổi”.
Do nước quá lạnh, nên khi rơi xuống hồ, người ta khó có thể thích ứng ngay với nhiệt độ thay đổi đột ngột và dễ dàng bị chuột rút. “Nước ở đây là nước đứng, nghĩa là không có dòng chảy, nên người bị chuột rút không thể nương theo dòng mà bơi vào bờ. Mà ở vùng nước đứng, càng vùng vẫy lại càng dễ bị chìm. Bởi vậy, người ta đoán Hồ Đá có xoáy nước ngầm, xoáy nước bí ẩn nọ kia cũng có lý do”.
Bên cạnh đó, dưới đáy hồ không phải là bùn đất thông thường mà là đá nhọn lởm chởm. Còn có vô số hố lớn nhỏ với độ nông sâu khác nhau. Ông Quý tặc lưỡi nói: “Tôi làm thợ lặn biết bao nhiêu lâu mà chưa bao giờ thấy cái hồ nước ngọt nào nguy hiểm như cái này. Nhìn nó yên ả vậy, ai cũng tưởng an toàn mà bơi sâu sâu vô một chút là nước đột ngột thay đổi nhiệt độ, lạnh như nước đá. Đã vậy, trong bán kính chừng 3 mét mà có nơi nước chỉ đến đầu gối, ngang hông, còn có chỗ hố sâu đến hơn 20 mét. Bởi vậy, mấy đứa sinh viên cứ tưởng gần bờ là cạn, nhảy xuống tắm, sập hố một cái hụt chân là chỉ có nước chết”.
Ước tính, chỗ sâu nhất của hồ có thể hơn 50 mét. Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi thì quanh bờ hồ có rất nhiều dốc đá lởm chởm, cheo leo, mũi đá nhọn hoắc… Chỉ cần bất cẩn, rất dễ vấp phải đá và rơi xuống lòng hồ.
Nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy
Trái với sự đông đúc, ồn ào của các tòa nhà thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, nhà xác lọt thỏm trong sự hoang vắng và trầm mặc hiếm hoi tồn tại ở chốn này. Bệnh nhân mất mà không có người thân sẽ được đưa về đây rồi bảo quản trong vòng 30 ngày.
Hết thời hạn mà thi hài vẫn vô thừa nhận thì bệnh viện sẽ mang đi hỏa táng. Tất cả các chi phí chi cho nhà xác do Quỹ từ thiện của bệnh viện trích ra.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà xác lại trở thành một trong những địa điểm “đáng sợ” nhất Sài Gòn. Người dân xung quanh vẫn thường hay kể về các “hồn ma bệnh viện”, và hầu hết đều luẩn quẩn bên cạnh nhà xác. Sở dĩ vậy là bởi, các xác chết được giữ trong nhà xác đều không có người thân vuốt mặt lúc lìa đời. Tất cả họ dẫu mất đi vẫn đau đáu một nỗi không còn ai bên cạnh, không còn ai đưa họ về với đất.
Chú Sáu–nhân viên giữ xe tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nói ngắn gọn về nhà xác: “Những linh hồn đau khổ, khó được siêu sinh”.
Có thể do “thần hồn nát thần tính”, hoặc chứng sợ xác chết mà khi mới bước vào nhà xác ai cũng có cảm giác rợn người. Dãy đèn trắng lạnh lẽo kéo dài từ cửa đến cuối hành lang như xa hun hút.
Sự lặng lẽ, nét u hoài của những người đến thăm nhà xác như càng tô đậm thêm không khí đau thương bao trùm cả nơi đây. Mùi hóa chất ướp xác và hơi lạnh dễ khiến những người yếu sức choáng váng.
Nhưng dẫu thuộc danh sách những nơi đáng sợ nhất Sài Gòn, thì nhà xác vẫn đầy chữ tình giữa người với người, như câu “nghĩa tử là nghĩa tận” truyền đời của người Việt.
Biệt thự nhà họ Hứa
Tọa lạc tại số 97 Phó Đức Chính, quận 1, dinh thự có 99 cửa này là một trong những công trình có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn xưa nay. Từ trước 1975 đã có rất nhiều lời đồn đại cho rằng ngôi nhà của họ Hứa này có ma.
Rất nhiều người kể rằng nghe thấy tiếng khóc thảm thương văng vẳng từ căn phòng khóa kín cửa trong tòa nhà, chuyện về bóng cô gái mặc đầm ngủ trắng lướt nhanh qua các dãy hành lang, chuyện khuôn mặt người thảng thốt bỗng đâu xuất hiện… khiến người ta trở nên khiếp sợ tòa nhà này.
Nguyên nhân của những tin đồn rùng rợn này xuất phát từ việc đứa con gái duy nhất của ông Hứa Bổn Hỏa bỗng nhiên biến mất. Có hàng chục người con trai nhưng chỉ được một mụn con gái nên chú Hỏa hết mực yêu chiều.
Rồi một ngày không ai nhìn thấy cô con gái xinh đẹp xuất hiện nữa, từ đó những đêm khuya thanh vắng, từ trong tòa nhà vẳng ra tiếng kêu khóc thảm thiết.
Rồi đến một buổi sáng, người dân Sài Gòn bất ngờ thấy chú Hỏa đăng cáo phó thông báo con gái duy nhất của ông đã chết. Thông tin còn cho biết, do chết bất ngờ vào ngày trùng tang nên chỉ làm lễ sơ sài và an táng tại khu đất ở Long Hải thuộc khu nghỉ dưỡng của gia tộc.
Người ta không tin Hứa Tiểu Lan – con gái Hứa Bổn Hỏa – chết, vì có vài tên trộm đã cả gan đào mộ cô với hy vọng trộm được chút của cải chôn theo nhưng quan tài trống rỗng vì đây chỉ là “mộ gió”. Sự biến mất của Tiểu Lan, cùng tiếng khóc văng vẳng trong tòa nhà rơi vào vòng bí ẩn.
Cho đến khi một quyển sách có nhan đề “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” do tác giả Phạm Phong Dinh viết ra mắt tại hải ngoại người ta mới tạm giải thích được vì sao cửa phòng Hứa Tiểu Lan tuy đầy đủ tiện nghi nhưng lại luôn luôn đóng kín, tại sao quan tài không có thi hài, và tiếng khóc, và bóng cô gái mặc váy ngủ trắng rũ rượi lướt qua các hành lang.
Lý do Phạm Phong Dinh đưa ra là Hứa Tiểu Lan bị mắc bệnh phong, vốn là một bệnh vô phương cứu chữa thời xưa.
Vừa thương con, lại vừa sợ căn bệnh quái ác lây lan, nên ông đành phải nhốt con mình trong căn phòng kín.
Từ một cô gái xinh đẹp, nay dung nhan tàn tạ vì phong cùi, Hứa Tiểu Lan trở nên điên loạn, hay gào thét thảm thiết trong đêm. Đó cũng là cách giải thích lý do tại sao ngôi mộ kia lại không có xác người. Tuy nhiên, thực hư thế nào vẫn chưa rõ.
(Theo thienviet.wordpress.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét