Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Ở Raqqa, nỗi kinh hoàng dưới nền cai trị sắt máu của IS

syria02

Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo có khuynh hướng không thích những lễ hội. Trước đây trong năm tổ chức này cấm bất cứ lễ hội nào tại thành phố Mosul kỷ niệm ngày sinh của Tiên tri Muhammad, do đó không có gì ngạc nhiên khi không thấy lễ hội chính thức nào đánh dấu một năm ngày Nhà nước Hồi giáo chiếm quyền cai trị thành phố Raqqa, được xem là thủ đô của Nhà nước Hồi giáo tại Syria.

Đối với hầu hết cư dân thành phố Raqqa bị bao vây, không có gì để đón mừng.
Năm rồi các phần tử chủ chiến thống trị hoàn toàn thành phố, hàng trăm cư dân bị đuổi khỏi nhà để dành chỗ cho các chiến binh được tuyển mộ ở nước ngoài. Cư dân lâu năm tại Raqqa, một thành phố một thời thịnh vượng với hơn 200.000 dân, đang chịu đựng nền cai trị khủng bố.
Các nhà hoạt động và những người tị nạn mới đây nói về việc các phần tử thánh chiến thi hành một lối giải thích khắc nghiệt của luật Hồi giáo bằng cách đánh bằng roi, chặt tay chân và chặt đầu những người nào dám chống lại họ. Hút thuốc và uống rượu - hiện đều bị cấm trong thành phố - có thể bị đánh 40 roi hoặc hơn nữa nếu vi phạm.
Các nhà hoạt động nói không còn người theo Cơ Đốc Giáo nào nữa ở đây. Tất cả đều trốn chạy trong những ngày đầu tiên các phần tử chủ chiến chiếm thành phố.
Chỉ riêng ngày 16 tháng 1 không thôi, tổ chức chủ chiến này đã xử tử 15 người tại lãnh thổ Syria họ kiểm soát, kể cả một vài người thuộc khu vực chung quanh Raqqa. Các nhà hoạt động đối lập làm việc cho tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh nói xác của một vài nạn nhân bị hành quyết bị đem ra bêu ở những nơi công cộng. Tin tức về những chiến tích của Nhà nước Hồi giáo tại các nơi, chẳng hạn như một loạt những hình ảnh khủng khiếp tại các lãnh thổ do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát tại nước láng giềng Iraq, cho thấy các chiến binh ném hai người đàn ông ra khỏi một cao ốc trước một đám đông.
Hai người này bị cáo buộc đồng tính luyến ái.
Tội ác chiến tranh 'trên diện rộng'
Vào tháng 11 năm ngoái, các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc nói các cấp chỉ huy Nhà nước Hồi giáo chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh "trên diện rộng" ở vùng đông bắc Syria, nơi họ bị cáo buộc gieo rắc kinh hoàng bằng cách chặt đầu, ném đá và bắn thường dân cũng như những binh lính bị bắt.
Các phần tử chủ chiến tuyên bố mang lại ổn định tại những khu vực dưới quyền cai trị của họ. Họ nói đang xây dựng "một quốc gia chính danh", một phần bằng cách thiết lập những chương trình xã hội cho cư dân và người tị nạn. Các nhà hoạt động bác bỏ tuyên bố này.
Ông Abu Ibrahim Ar-Raqqawi, một nhà hoạt động thuộc mạng lưới có tên là Raqqa Đang bị Tàn sát một cách Thầm lặng, trong một phiên hỏi và đáp trên mạng trước đây trong tháng, nói : "Nhà nước Hồi giáo chẳng làm gì cho cư dân hay người tị nạn cả. Điều duy nhất có ích cho những thường dân sơ tán là chương trình Bếp Cứu trợ Raqqa do một dược sĩ địa phương điều hành. Bếp này cung cấp một ngày một bữa ăn miễn phí và được các cá nhân địa phương và nước ngoài tài trợ".
Không có nhà báo nước ngoài nào được hoạt động tại thành phố lớn thứ sáu này của Syria và cho biết chi tiết về cuộc sống khó khăn và nguy hiểm bên trong thủ đô của Nhà nước Hồi giáo như thế nào. Việc này chỉ có thể được mô tả qua lời những nhà hoạt động đối lập và những người vừa mới trốn thoát được.
Hình ảnh họ phác họa cho thấy điều kiện bên trong thành phố đang trở nên tệ hại. Dân thường đang chịu cảnh đói khát, điện bị cắt và thiếu nước và thuốc men.
Giá cả các thực phẩm căn bản tăng cao nhanh chóng và đe dọa bị trừng phạt và chết chóc đang gia tăng.
Ông Abu Mohammed, một nhà hoạt động khác nói : "Nhà nước Hồi giáo đang nỗ lực xoá mờ bản sắc và vùi dập cá tính. Các phần tử chủ chiến quyết tâm nghiền nát bất đồng chính kiến và bất cứ thái độ nào không phù hợp với đường lối đạo đức khắc nghiệt của họ".
Đời sống thoải mái của những kẻ chủ chiến
Raqqa là một thành phố bị chia cách rõ rệt : trái ngược với những người dân địa phương bình thường vất vả để sống còn, các phần tử chủ chiến và gia đình được hưởng những nơi chữa bệnh riêng tư và có mức sống cao hơn nhiều. Hàng trăm chiến binh nước ngoài có mặt tại đây, hầu hết đến từ Tunisia và Iraq nhưng cũng có người Chechnya, người Dagestan cũng như những người châu Âu. Các giới chức Tây phương ước lượng có hàng ngàn chiến binh nước ngoài, một số cùng với gia đình đang chuyển đến để gia nhập Nhà nước Hồi giáo mỗi tháng.
Các chiến binh và gia đình nhận được đến 1.100 đôla mỗi tháng từ tổ chức chủ chiến này, một số tiền khá cao tại nước Syria bị chiến tranh tàn phá. Các giới chức Mỹ nói hầu hết số tiền này do buôn lậu dầu hỏa, tiền chuộc con tin bị bắt cóc, và "thuế" thu được từ các tài xế xe tải và các cơ quan cứu trợ.
Đối với một số gia đình gặp khó khăn, khoản tiền do các phần tử chủ chiến trả quá lớn không thể bỏ qua được, do đó họ gửi thân nhân trong gia đình tham gia cuộc chiến để giúp những người còn lại sống sót. Các giới chức địa phương nói số tiền trả này đã khiến cho một số gia đình nghèo khổ gửi con đến các trại thanh niên, được các phần tử chủ chiến thành lập để nhồi sọ trẻ em và đào tạo những tân binh mới nhằm tiến hành thánh chiến.
Chiến dịch nhồi sọ tư tưởng cũng có mặt bên ngoài các trại: tại các ngôi đền địa phương, hiện do các phần tử chủ chiến kiểm soát hoàn toàn, tại các trường học và những sinh hoạt ngoài trời do Nhà nước Hồi giáo tổ chức, nơi các video quay cảnh xử tử và các trận chiến được trình chiếu. Theo ông Abu Ibrahim Ar-Raqqawi, có nhiều trẻ em bị nhồi sọ tư tưởng qua các lều trại kết nạp Da’wah. 
Và những chiến dịch không ngừng này đang gây nên tác động lớn. Các nhà hoạt động nhắc tới việc trẻ em chơi trò đóng giả làm những phần tử chủ chiến Hồi giáo. Chẳng hạn như một toán trẻ em đang đánh một con lừa trên đường phố, và khi một nhà hoạt động hỏi tại sao thì các em này trả lời vì nó hút thuốc. Những em khác được nghe nói lại là đã tố cha mẹ bội giáo vì không cho chúng nhập hội cùng các phần tử chủ chiến. Những phần tử này cũng dùng cách bắt cóc trẻ em và đưa chúng vào các trại thanh niên mà không được cha mẹ cho phép.
Cảnh sát tôn giáo nữ
Đối với việc kỷ luật và trị an phụ nữ tại Raqqa, các phần tử chủ chiến trông cậy vào tiểu đoàn cảnh sát tôn giáo toàn phụ nữ al-Khansa. Đây là một tổ chức gần 100 phụ nữ có liên hệ đến Nhà nước Hồi Giáo. Nhiều người là vợ của các chiến binh nước ngoài được gọi là "các cô dâu thánh chiến" từ Tunisia, Chechnya, Ma-rốc, Pháp và Anh.
Tiểu đoàn al-Khansa đáng sợ tuần tra trên đường phố và các toà nhà công cộng, tìm những người vi phạm luật Hồi giáo Sharia. Những vi phạm này có thể nhỏ như khăn che mặt mang không đúng cách. Trừng phạt có thể gồm đánh bằng roi và và sử dụng một dụng cụ tra tấn thời trung cổ gồm hai hàm sắt đầy gai nhọn, có thể gây đau đớn khôn xiết hay tệ hơn nữa nếu kẹp quanh ngực nạn nhân.
Một phụ nữ 24 tuổi nói với các nhà hoạt động là cô bị bắt vì có "thái độ không đứng đắn".
Cô nói : "Họ bảo tôi chọn giữa bị đánh bằng roi và bị kẹp bằng 'hàm kẹp.' Tôi không biết 'hàm kẹp' là gì nên chọn cách này vì tôi nghĩ là ít đau hơn. Hậu quả là nữ tính của tôi hoàn toàn bị hủy hoại".
Một thanh niên 25 tuổi bị bắt vì hút thuốc nói với các nhà hoạt động : "Họ mang tôi vào phòng tra tấn. Trên sàn đầy máu. Họ đánh tôi 40 roi. Sau đó tôi bị ném vào một phòng giam có nhiều tù nhân. Tôi có thể nghe tiếng la hét của những người bị tra tấn".
Ông Oubaida Al Moufti, một bác sĩ người Pháp gốc Syria và là thành viên của Liên hiệp các Tổ chức Cứu trợ Y tế Syria nói tại một cuộc họp báo ở Paris trong tháng này : "Tình hình không chịu đựng được, thảm hoạ và nhiều người Syria không còn được chăm sóc y tế nữa".
Jamie Dettmer (VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét