Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ CỦA T.JEFFERSON VÀ BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY

Tômat Giephecxơn (1743 -1826) là nhà tư tưởng và hoạt động chính trị vĩ đại, nổi bật nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng nhân dân Mỹ. Ông là tác giả của văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn độc lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Thời đại mà ông sống cách nay đã hơn 200 năm, từ đó đến nay nước Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vượt bậc về mọi mặt, đặc biệt là quyền con người. Những quan điểm của Giephecxơn về chính trị chỉ còn là nền tảng lịch sử với nước Mỹ, nhưng so với những quốc gia độc tài chậm phát triển thì nó vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.
Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Giephecxơn ủng hộ lập trường học thuyết “Khế ước xã hội” và các quyền tự nhiên không thể tách rời của con người, đồng thời phê phán hình thức nhà nước quân chủ. Tư tưởng chủ quyền nhân dân có nội dung nhất quán trong các luận điểm chính trị của ông. Ông cho rằng “Nhà nước, và nói chung của các tổ chức chính trị là phải đảm bảo tự do và hạnh phúc cho mọi con người. Trong trường hợp lạm quyền hay bạo lực từ phía chính quyền nhà nước theo đuổi mục đích áp bức con người bằng nền chuyên chế, thì không chỉ bằng quyền, mà còn là trách nhiệm tự nhiên của nhân dân phải lật đổ chính quyền nhà nước đó”. Những quan điểm này phản ánh mối quan tâm và lợi ích của các tầng lớp dân chủ Mỹ trong việc thiết lập những thể chế nhà nước mới. Theo Giephecxơn, tư tưởng chủ quyền nhân dân không thể tách rời với việc nhân dân làm cách mạng. Đây là một quan điểm hết sức phù hợp với quy luật phát triển, nó đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò tiến bộ.
Về vai trò của nhân dân đối với công việc nhà nước, Giephecxơn cho rằng nhân dân tham gia vào việc điều hành các công việc nhà nước thông qua các đại diện của mình. Mọi quan chức được bầu ra với nhiệm kỳ hạn chế và phải bị nhân dân kiểm tra. Ông đòi hỏi những quyền lực thực tế cho nhân dân tham gia vào đời sống chính trị đất nước, đồng thời cũng thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí…; về thái độ của nhân dân đối với nhà nước, ông có một câu nói nổi tiếng: “Nếu có một lúc xẩy ra rằng dân chúng trở nên lơ đãng với việc nước thì bạn và tôi, và Quốc hội, và những hội đồng, những vị thẩm phán, những vị thống đốc, chúng ta tất cả sẽ trở thành những con chó sói”. Một câu nói nữa cũng là của ông: “Có một vài hình thức chính phủ được tổ chức hoàn hảo hơn những chính phủ khác để bảo vệ cá nhân trong sự sử dụng tự do những quyền tự nhiên của họ. Những hình thức chính phủ này cũng được giữ gìn kỹ càng hơn để chống lại sự thoái hóa. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng, ngay dưới thời chế độ đẹp đẽ nhất, những kẻ nắm quyền hành trong tay, su một thời gian và do sự tiến triển chậm chạp đã trở thành những kẻ chuyên chế”.
Nói chung, nội dung quan điểm chính trị của Giephecxơn là tiến bộ và có đóng góp rất lớn vào tư tưởng chủ quyền nhân dân. Ông đặc biệt đề cao tính dân chủ và quyền lực nhân dân trong việc điều hành xã hội và bộ máy nhà nước.
Liên hệ với bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, thì những quan điểm của Giephecxơn vẫn còn là niềm mơ ước đối với nhân dân và những người hoạt động dân chủ. Chúng ta có thể thấy tư tưởng chủ quyền nhân dân của ông là động lực để nhân dân Việt Nam đứng lên làm cách mạng, vì đó không chỉ là quyền, mà còn là trách nhiệm của họ đối với lịch sử. Nhân dân có quyền nổi lên chống lại và lật đổ ách thống trị áp bức của kẻ độc tài bạo chúa. Đó là câu trả lời thích đáng và hợp pháp của người dân đối với một chế độ theo đuổi mục tiêu áp bức con người. Những quyền tự nhiên của con người mà ông nêu ra, hiện nay vẫn chưa được nhà cầm quyền Việt Nam đáp ứng và tôn trọng. Điều đặc biệt thú vị, nếu dựa vào câu nói của Giephecxơn thì bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay đúng nghĩa là một hang ổ chó sói, vì thực sự người dân đã hoàn toàn thờ ơ với việc nước bởi những bất công phi lý tràn đầy, vì lo sợ bị đàn áp.
Trên thực tế, những quan điểm chính trị của Giephecxơn với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Như còn tươi nét mực khi đọc đến, vì rằng nó vẫn mang tính thời sự và là niềm mơ ước của dân tộc Việt Nam chúng ta trong thời điểm này.
Minh Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét