Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Tranh biếm họa chia buồn cùng Charlie Hebdo


Stéphane Charbonnier chủ biên tờ Chalie Hebdo và bức ký họa định mệnh
Vụ thảm sát tòa báo Charlie Hebdo đã được nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới chia buồn và bày tỏ sự phẫn nộ. Riêng giới báo chí cũng có hàng trăm bức biếm họa bày tỏ sự thương tiếc đến những nhà báo Pháp bị giết chết...



Thỉnh thoảng đọc báo biếm họa Charlie Hebdo (Paris - Pháp). Đôi lúc có thể không đồng tình với họ nhưng luôn tôn trọng quyền Tự do ngôn luận, Tự do báo chí của tất cả mọi phương tiện truyền thông. Mượn danh nghĩa của bất kỳ Đấng tối cao hay Tôn giáo thậm chí một chế độ nào đó để đàn áp, khủng bố, hăm doạ và giết người để hòng ngăn chặn cái quyền ấy là bất nhân, là tội ác, là man rợ!


Đau đớn cho những nạn nhân, nhà báo ( họa sĩ biếm họa nổi tiếng: Cabu, Charb, Wolinski...) và cảnh sát đã bị tàn sát sáng nay (11h30 ngày 7/1/2015) tại toà soạn báo Charlie Hebdo.


Lo lắng cho cả cộng đồng người Hồi giáo vô tội, vốn luôn phải hứng chịu búa rìu không tốt ( thậm chí phân biệt chung tộc) của dư luận từ vài thập niên qua tại Châu Âu. Ít nhiều, hình ảnh của họ sẽ còn bị "tấn công" trong thời gian tới.


Tất cả chỉ vì một thiểu số nhỏ những kẻ ít kỷ, nhẫn tâm, cuồng bạo lấy tôn giáo làm chiêu bài đấu tranh cho những quyền lực đen tối, bẩn thỉu.


Nhưng cũng không quên tự đặt lại câu hỏi "Vì sao?". Vì sao phương Tây ngày càng rơi vào khủng hoảng trên mọi phương diện từ kinh tế, tài chính, chính trị đến niềm tin ? Vì sao bọn khủng bố luôn còn cơ hội để phô trương thế lực, hăm dọa thế giới tiến bộ? Phải chăng những chính sách của "kẻ mạnh", "thực dân mới" đã mang lại, thậm chí đã để lại nhiều vết thương khó hàn gắng tại những mảnh đất nghèo khổ trên thế giới này? Sự bất công, chênh lệch giàu nghèo giữa Bắc - Nam, sự "sa lầy" của các cường quốc trên những trận địa tưởng chừng "đơn giản" nhưng ôi sao quá khó khăn đã mang lại những phẫn nộ đâu đó trên thế giới! Sự im lặng của thế giới tiến bộ trước những cuộc tàn sát chủng tộc tại Syrie, tại Palestine thậm chí tại Trung Quốc là đáng trách và xấu hổ! Và đó sẽ còn là nguyên nhân cho những cuộc khủng bố đẫm máu khác nếu thế giới này không tìm ra được một lối thoát hài hoà, bình đẳng về văn hoá, về tôn giáo, tôn trọng sự khác biệt, cho mọi dân tộc.


Cho nên những nhận xét, đôi khi bị chế nhạo, lên án, của Noam Chomsky, đáng được những người làm chính trị, những người đang "lãnh đạo" thế giới tiến bộ lưu tâm. Nhất là trong những giờ phút đau thương, khi nền văn minh thế giới bị những kẻ cực đoan, cuồng tín, bệnh hoạn, lấy danh nghĩa tôn giáo để chà đạp, xúc phạm.


"Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để anh có được quyền nói lên những điều ấy!"


Phải lên án và trừng phạt một cách cứng rắn, không khoan nhượng những kẻ khủng bố, những chế độ đã và đang vi phạm một cách trắng trợn cái quyền căn bản ấy của nhân loại.
Vì không có một lý do chính đáng nào để tước đi sự Tự do của con người! Và sau cùng Tự do sẽ vẫn chiến thắng vì đó chính là chân lý, là giá trị chung của nhân loại.



Đơn giản thế thôi!
Lâm Bình Duy Nhiên, 7/1/2015
    1. Chuyện hận thù giữa tờ Charlie Hebdo với đám Hồi giáo quá khích xuất phát từ 10 năm về trước.
      Tháng 11 năm 2004, nhà làm phim nổi tiếng người Hòa Lan là Theo van Gogh bị một người Hòa Lan gốc Maroc theo Hồi Giáo là Mohammed Bouyeri hạ sát bằng tám phát đạn và nhiều lát dao đến gần bay đầu vì cái tội là đã có những phát biểu xúc phạm đạo Hồi. Vụ ám sát gây chấn động trong dư luận Âu Châu.

      Cuối năm 2005, tờ Jyllands-Posten tại Ðan Mạch đăng 12 tấm hý họa của 12 tác giả về chân dung của đấng Tiên Tri Mohammed, dù hệ phái Sunni của đạo Hồi cấm không được vẽ hình đấng Tiên Tri. Lý do đăng hình là vì nhà báo Ðan Mạch Kare Bluitgen than phiền là sau khi Theo van Gogh bị giết ông không tìm được ai vẽ hình đấng Tiên Tri cho công trình biên khảo của ông về Mohammed.

      Sau khi tờ Jyllands-Posten đăng hình và bị hăm dọa từ nhiều nơi thì đầu năm 2006, Charlie Hebdo nhảy vào bênh đồng nghiệp và đăng lại 12 tấm hình, kèm theo nhiều chân dung khác của tờ báo! Ngày 2 tháng 11 năm 2011, tòa báo tại đại lộ Davoud trong quận 20 bị đốt cháy rụi bằng bom xăng vì trước đó mấy ngày, ngay giữa cao trào của Mùa Xuân Á Rập. tờ báo ra một ấn bản đặc biệt có tên là “Charia Hebdo,” bên trong có nhiều hình và bài châm biếm Mohammed.

      “Charia” có nghĩa là giáo luật của đạo Hồi!
      Kể từ đó và sau nhiều vụ kiện tụng bất tận của các tổ chức Hồi Giáo tại Pháp, báo quán của Charlie Hebdo phải được cảnh sát bảo vệ. Ðấy là khi chủ biên kiêm họa sĩ châm biếm Charb, tên thật là Stephane Charbonier, bị hăm dọa và để lại một câu nổi tiếng vào năm 2012: “Nói ra thì có vẻ kênh kiệu chứ tôi thà chết đứng còn hơn là sống quỳ.”

      Khi bước vào hạ sát nhà báo Charb cùng các đồng nghiệp, các hung thủ đã bắn tiếng rằng họ thuộc về tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Yemen. Ðiều ấy có thể là đúng.

      Charlie Hebdo và cảm hứng AQAP
      Từ cơ sở nòng cốt ban đầu với thành tích là vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ năm 2001, tổ chức al- Qaeda đã phần nào bị tê liệt nhưng lại phái sinh ra nhiều phong trào khủng bố địa phương cùng xưng danh là al-Qaeda (có nghĩa là căn cứ). Thí dụ như al-Qaeda tại Iraq AQI, al-Qaeda vùng Maghreb Hồi Giáo ở Bắc Phi AQIM, hay al-Qaeda tại Bán đảo Á Rập AQAP (al-Qaeda in the Arabian Peninsula) hoạt động rất tích cực tại Yemen và Saudi Arabia.
      Ðầu tháng 3 năm 2013, tờ tạp chí trên mạng điện tử có tên là “Inspire” của tổ chức AQAP đã tung ấn bản thứ 10, với danh sách 12 người sẽ bị họ giết vì tội phỉ báng đấng Tiên Tri. Trong số này có họa sĩ kiêm chủ biên của tờ Charlie Hebdo là Charb, người vừa bị hạ sát.

      Những hình ảnh ban đầu về vụ thảm sát cho thấy các hung thủ được huấn luyện về quân sự và biết sử dụng võ khí cá nhân. Ðây không là điều lạ vì các tay khủng bố xưng danh Thánh chiến đều đã được kết nạp và gửi đi học tập về quân sự tại nhiều nơi, như Iraq, Syria hay Yemen. Việc họ ra tay ở Paris cũng chẳng là điều lạ vì nước Pháp và nhiều xứ Âu Châu khác từng bị khủng bố tấn công, với nhịp độ ngày càng nhiều kể từ năm 2010. Việc quân khủng bố hành động theo từng nhóm, cứ không là một cá nhân đơn lẻ, cũng không là sự lạ tại Âu Châu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét