Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Bọ Lập' đăng gì trước khi bị bắt?

Nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt

Nhà văn Nguyễn Quang Lập rất quen thuộc với độc giả trong nước

Nhà văn, blogger nổi tiếng Nguyễn Quang Lập bị bắt chiều 6/12 tại nhà riêng ở TP. HCM.
Vụ bắt giữ xảy ra một tuần sau khi một blogger khác ở TP. HCM, ông Hồng Lê Thọ, bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ theo điều 258 Bộ luật Hình sự.
Em trai ông, nhà văn Nguyễn Quang Vinh, xác nhận vụ bắt giữ trên Facebook của ông.
“Lý do bắt quả tang đang tải bài vở đăng những nội dung được cho là xuyên tạc, chống nhà nước,” ông Vinh viết.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Huy Đức cho biết an ninh “chỉ mang đi máy tính, và một số bài viết, đoạn chat” từ máy tính ông Nguyễn Quang Lập.
Ông Huy Đức dẫn lời vợ ông Lập, bà Hồ Thị Hồng, nói: “Anh Nguyễn Quang Lập dặn, yên tâm, nếu sau 9 ngày không thấy về thì chắc khoảng 3 năm."
Đến cuối giờ chiều, trang web Bộ Công an thông báo cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã “bắt quả tang, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự” với ông Nguyễn Quang Lập.
Bộ Công an Việt Nam nói công an thành phố “đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Quang Lập để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Khác với đa số cây bút bị bắt trước đây, nhà văn Nguyễn Quang Lập thuộc dòng chủ lưu trong giới văn chương Việt Nam, thường xuất hiện trên truyền thông và có nhiều tác phẩm được in chính thức.
Mấy năm qua, ông còn có trang blog Quê Choa rất nổi tiếng, thu hút nhiều độc giả.


Máy của bạn không hỗ trợ nghe âm thanh
null
Vụ bắt giữ ông vì thế được xem là sẽ gây chú ý nhiều hơn với người dân trong nước.
Từ Hà Nội, hãng tin Reuters đã đưa tin về vụ bắt giữ ông Lập.
Phóng viên Reuters nhận định: “Vụ việc theo sau sự gia tăng các vụ bắt giữ và án tù cho những người chỉ trích chính phủ mấy năm qua, khiến Hoa Kỳ lo ngại.”
Hồi tháng Sáu, nói với Quốc hội, đặc sứ về dân chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ, Daniel Baer, nói việc bắt giữ các blogger ở Việt Nam là “một phần của xu hướng xấu đi trong cả năm qua”.
Cũng từ Hà Nội, hãng tin AFP ghi nhận nhiều bài viết trên blog của ông Lập – do ông hay những cây bút khác viết – có giọng chống Trung Quốc.
Điều này phản ánh “sự thù nghịch rộng khắp trong nhiều người Việt, gồm cả trí thức, trước láng giềng phương Bắc”, theo AFP.
AFP chỉ ra rằng Hà Nội và Bắc Kinh có mâu thuẫn vì tranh chấp Biển Đông.
“Nhà cầm quyền độc đoán của Việt Nam tỏ ra nhạy cảm trước mọi chỉ trích về cách họ xử lý tranh chấp, và thường xuyên giải tán các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bắt người tổ chức,” AFP nói.
'Anh Lập đã biết trước việc bị bắt'
Nhà văn, blogger Nguyễn Quang Lập 'đã biết trước' từ vài ngày việc ông sẽ bị bắt dù không biết đích xác thời điểm, theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trong những người bạn gần gũi của ông Lập tại Sài Gòn.
Trao đổi với BBC hôm 06/12/2014, ông Quân cũng cho rằng vụ bắt giữ với hai blogger trong thời gian chỉ một tuần là các ông Hồng Lê Thọ, bị bắt tối hôm 29/11 và ông Lập là 'thông điệp và hình thái răn đe'.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói:
"Cái tin này thực sự tôi không có bất ngờ, buồn cho bạn mình thì cũng có một chút, lo cho bạn mình thì cũng một chút lo, nhưng không bất ngờ lắm.
"Bởi vì theo tôi được biết trước đó không lâu, vài hôm trước, trong những buổi ngồi với nhau, thì anh có kín đáo thông tin là anh có thể bị bắt bất cứ lúc nào.
"Do đó khi nhận được tin này, tôi không bất ngờ lắm, còn về mặt tình cảm thì đương nhiên chúng tôi cũng lo cho bạn của mình."

'Hình thái răn đe'

Về việc bắt hai blogger cùng ở Sài Gòn, một người là trí thức cao niên, giảng sư, Việt kiều ở Nhật từng đấu tranh chống chiến tranh của người Mỹ tại Việt Nam và một người đã gần 60 tuổi lại đang có 'sức khỏe kém lâu nay', nhà thơ bình luận:
"Tôi thấy đây cũng là một dấu hiệu gì đó nó hơi không bình thường đối với những người như anh Hồng Lê Thọ, anh Nguyễn Quang Lập.
"Nhận định của tôi có thể đúng, có thể không đúng, nhưng đó là thông điệp răn đe, tôi chỉ biết được tới đó thôi, còn chuyện cung đình tôi biết cũng lơ mơ lắm.
"Nhưng mà tôi nghĩ trong lúc này có lẽ đó là một sự răn đe nào đó khi mà tình hình ở trong nội bộ của nhà nước cũng đang có nhiều vấn đề, thì đó có thể là một hình thái răn đe không biết chừng."
Ông Quân khẳng định một lần nữa blogger Nguyễn Quang Lập đã biết trước việc mình bị bắt.
"Anh có cảm nhận được trước," nhà thơ Đỗ Trung Quân nói với BBC.

Bọ Lập' đăng gì trước khi bị bắt?

Blog Quê Choa hiện không còn truy cập được theo cách thông thường
Bộ Công an Việt Nam nói trên trang web của họ rằng nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bị bắt "quả tang" và bị "tạm giữ hình sự" hôm 6/12/2014.
Họ nói: "Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Quang Lập để xử lý theo quy định của pháp luật."
Hiện không rõ nhà văn vẫn được bạn bè gọi là 'Bọ Lập' đang viết hay chuẩn bị đưa lên blog những gì khi bị bắt nhưng ít nhất có thể điểm lại những gì ông đăng tải cho đến khi bị bắt.
Dù trang blog hiện đã bị khóa nhưng nếu dán đường dẫn http://bolapquechoa.blogspot.com vào trang lưu trữhttp://www.cachedpages.com sẽ thấy hiện ra 25 bài đăng tải cuối cùng.
Bài chót là ' Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng tử?', thực tế là một trong ba bài mà ông Lập dẫn lại của BBC Tiếng Việt.
Tuy nhiên 13 trong tổng số 25 bài còn tìm lại được liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải, người thoát chết một ngày trước khi ông Lập bị bắt.
Các đường dẫn tới những bài viết đều không hoạt động nhưng nếu di chuột tới tít mỗi bài và nhắp chuột phải để sao chép đường dẫn và dán vào
http://www.cachedpages.com sẽ vẫn đọc được các nội dung vốn khá giống với những gì có trên trang Facebook vẫn còn truy cập được của nhà văn.
Năm trong số 13 bài liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải được trích từ các báo và trang tin trong nước trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam, Giáo dục Việt Nam, Lao Động và Một Thế giới.
Các bài còn lại là từ các trang Dân Luận, Đài Á Châu Tự Do RFA cũng như Facebook của các luật sư.

Viết riêng cho Quê Choa

Trong toàn bộ 13 bài, có duy nhất một bài được viết riêng cho Quê Choa với tít 'Thông báo của Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân' và tít phụ 'Về việc vi phạm pháp luật trong bản án phúc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải "giết người", "cướp tài sản" xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Sau đây BBC Tiếng Việt đăng lại phần chính của bài duy nhất viết riêng cho Quê Choa trong 25 bài còn tìm thấy được.


"Xin trích nội dung nhận định của bản án phúc thẩm tại trang 5:
"Xét, mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn là hung khí đập vào đầu nạn nhân Ánh Hồng, dao Thái Lan là hung khí dùng để cắt cổ các nạn nhân song những cung khai của bị cáo Hải đều phù hợp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bong, bịch trái cây, tấm nệm, có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox, có việc bị cáo cho anh Võ Minh Dương sim card của bị cáo, có việc bị cáo đốt quần áo, dây thắt lưng ở vườn sau nhà chị Len….. Các nhân chứng Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Váng là các đội viên dân phòng được bưu cục Cầu Voi thuê dọn dẹp hiện trường sau khi khám nghiệm thu con dao Thái Lan tại kẹt vách chỗ tấm bảng sau đó có báo với Công an nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ…”
Như vậy, án phúc thẩm xác định "thớt tròn" và "dao Thái Lan" là công cụ mà bị án Hồ Duy Hải sử dụng để thực hiện tội phạm. Cũng có nghĩa đây là vật chứng được coi là chứng cứ quan trọng nhất để kết luận bị án Hồ Duy Hải thực hiện hành vi giết người.
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, hai công cụ coi là vật chứng được xác định là chứng cứ thì chỉ hiện hữu trên lời khai của Hồ Duy Hải và các đội viên dân phòng, không có tính xác thực cần có để đánh giá đó là chứng cứ.
Con dao Thái Lan trên thực tế không được thu giữ mà chỉ được mô tả qua các lời khai của đội viên dân phòng. Do đó không thể coi lời mô tả đồ vật không được kiểm chứng là vật chứng được. Ngay cả cái thớt tròn có trong bản ảnh nhưng không được thu giữ, không có mô tả kích thước thì trong trường hợp này không thể khẳng định đó là vật chứng của vụ án.
Án Phúc thẩm xác định các đội viên dân phòng được thuê dọn dẹp hiện trường là nhân chứng trong vụ án là một sai lầm nghiêm trọng. Khoản 1 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: "Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”. Việc các đội viên dân phòng tìm thấy con dao sau khi đã khám nghiệm hiện trường (dao không được thu giữ) không thể coi là người đã biết được những tình tiết liên quan đến vụ án nên không thể là nhân chứng trong vụ án này.
Như vậy, Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các giai đoạn tố tụng hình sự đã có những vi phạm nghiêm trọng:
1. Kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, mà những lời khai đó bị án đã phủ nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Vật chứng được coi là chứng cứ để buộc tội bị án Hồ Duy Hải không xác thực.
2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể cả ba giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm) đều xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, bằng việc đưa các đội viên dân phòng tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.
Từ những ý kiến nêu trên, chiếu theo Điều 273, căn cứ Điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự, Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân xin thông báo đến ngài Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và ngài Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao những vi phạm phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án và trong bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để Quý Ngài xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét