Chính quyền Hà Nội hứa sẽ xử phạt những cảnh sát giao thông đứng không công khai, nấp chỗ kín, rút, giật chìa khoá xe của người vi phạm luật giao thông khi làm nhiệm vụ ngoài đường.
Trong cuộc họp tổng kết tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng 12 của Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội sáng ngày 9/12, đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng thẳng thắn nhìn nhận lực lượng còn những hạn chế. Nhiều người chưa thành thạo công việc, chỉ biết đứng bục và rất lóng ngóng, đặc biệt là những viên cảnh sát giao thông nữ mới ra trường.Theo ông Thắng, nhiều cảnh sát giao thông mới nhận vị trí công tác, trong số đó người tốt nghiệp đại học ít hơn người tốt nghiệp trung cấp nên gặp phải khó khăn.
Liên quan đến việc các tổ công tác khi tuần tra đứng ở chỗ khuất, không công khai, đại tá Thắng chỉ đạo, "thời gian tới phải chấm dứt ngay tình trạng này và nghiêm cấm rút, giật chìa khoá trên xe người vi phạm". Những người không chấp hành sẽ bị lập biên bản, kỷ luật nghiêm khắc.
Theo quy định của Bộ Công an CSVN về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, trong lúc làm nhiệm vụ, muốn dừng phương tiện để kiểm soát, xe của cảnh sát phải bật đèn tín hiệu, cảnh sát giao thông phải đứng ở vị trí công khai. Sau khi dừng phương tiện, cảnh sát giao thông phải tuân thủ đầy đủ quy trình kiểm tra giấy tờ xe, bằng lái, an toàn kỹ thuật, việc chở người, hàng hóa... Khi lập chốt kiểm soát cố định trên đường, cảnh sát phải đặt biển báo hiệu ở hai phía, ban đêm phải có đèn chiếu sáng đảm bảo việc kiểm soát, xử lý một cách công khai, minh bạch.
Tuy quy định là vậy, nhưng nhiều năm nay, cảnh sát giao thông đã để lại hình ảnh xấu trong mắt người dân với những hành vi thiếu văn hóa, phạm pháp. Việc đứng nấp sau góc khuất để rình chặn xe của người dân rồi sau đó dùng nhiều thủ đoạn để buộc người dân phải hối lộ là một trong những hành vi phản cảm nhất mà người dân thường lên tiếng chỉ trích. Chính những hành động bất minh của cảnh sát giao thông là biểu hiện rõ rệt của tệ tham nhũng trong ngành này.
Người đứng đầu Cảnh sát giao thông Hà Nội đã nói sẽ “xử lý nghiêm” những viên cảnh sát giao thông “núp lùm”, vi phạm các điều cấm kỵ, nhưng lại không nói rõ hình thức xử lý ra sao, khi có trường hợp vi phạm thì người dân tố cáo đến đâu, bằng cách nào. Liệu đây có phải chỉ là câu trả lời trấn an người dân, chứ chưa có tính áp dụng thực tế ? Người dân còn phải kiểm chứng trong tương lai những gì ông Thắng tuyên bố qua hành động thực tế.
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét