Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Sai phạm về tố tụng trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…"

boluat_totung_dansu00"...Thời gian điều tra dài như vậy đã quá đủ để hiểu rõ mọi "chân tơ kẽ tóc" của vụ án khá đơn giản, vì phần lớn chứng cứ được dùng để quy kết tội phạm đều được bị can công khai trên internet từ lâu. Ấy vậy mà Bản kết luận điều tra lại mắc phải những lỗi không thể chấp nhận…


nguyenhuuvinh02
Nguyễn Hữu Vinh, tức Anh Ba Sàm
Ngày 5/5/2014 Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, chính thức mở đầu một vụ án mắc nhiều sai phạm về tố tụng. Mấy vi phạm thủ tục tố tụng đã được trình bày trong Kiến nghị đình chỉ vụ án, được bà Lê Thị Minh Hà (vợ ông Nguyễn Hữu Vinh) gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình vào ngày 21/11/2014. Sai phạm mới nhất bị vạch trần trong Đơn tố cáo của Luật sư Hà Huy Sơn gửi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội ngày 01/12/2014, về việc Đại tá Giám thị Trại tạm giam B14 Đoàn Văn Tình cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư.
Đương nhiên, suốt một thời gian dài trước khi tiến hành khám xét và bắt người, công an đã ngầm theo dõi và điều tra hoạt động của ông Nguyễn Hữu Vinh (thường được bạn đọc biết đến dưới tên "Anh Ba Sàm").
Ngày 30/10/2014, tức là gần 6 tháng sau khi bắt giam đối tượng, Cơ quan An ninh điều tra ra Bản kết luận điều tra vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Thời gian điều tra dài như vậy đã quá đủ để hiểu rõ mọi "chân tơ kẽ tóc" của vụ án khá đơn giản, vì phần lớn chứng cứ được dùng để quy kết tội phạm đều được bị can công khai trên internet từ lâu.
Ấy vậy mà Bản kết luận điều tra lại mắc phải những lỗi không thể chấp nhận, như được trình bày trong năm phần tiếp theo, dưới các tiêu đề "Buộc tội vu vơ", "Chứng cớ ngu ngơ", "Điều tra giả v", "Giám định lơ mơ" và "Hồ sơ mập m".
Buộc tội vu vơ
Về tội trạng của bị can, Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra viết rằng Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy đã đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT"
"24 bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức ; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Nội dung buộc tội trên được copy & paste đến năm lần : Một lần ở trang 3, hai lần ở trang 6, một lần tại trang 7 và một lần tại trang 8. Song điệp khúc ấy càng được ngân lên thì lại càng vang vọng… vu vơ.
"Nội dung sai sự thật, không có căn cứ" là những nội dung nào ? Nhà cầm quyền vẫn thường dung túng vô số "nội dung sai sự thật, không có căn cứ" trên báo chí "chính thống", tức là báo chí của các cơ quan nhà nước, hay báo chí của các tổ chức được chính quyền thừa nhận và kiểm soát. Thay vì tự kiểm điểm, thì lại thản nhiên quy kết tội ấy cho "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn".
"Đường lối, chính sách của Đảng" nào bị "tuyên truyền xuyên tạc" ? Hài hước nhất là cái tội "xuyên tạc… pháp luật của Nhà nước". Quả thực, có thể coi cách hành xử vi hiến, phi pháp của các cơ quan nhà nước là một hình thức "xuyên tạc… pháp luật của Nhà nước". Còn thường dân thì chỉ có thể hiểu đúng hay hiểu sai pháp luật, mà dù hiểu sai cũng không thể coi là phạm tội, chứ người dân có thể "xuyên tạc… pháp luật"bằng cách nào ?
"Bôi nhọ các cá nhân" nào và "bôi nhọ" ra sao ? Dù tự thân họ đã "nhọ", thì những người phản ánh sự "nhọ"vẫn bị coi là phạm tội "bôi nhọ" hay sao ? Và khi họ đã "nhọ" hết mức, thì thiên hạ có thể "bôi nhọ" hơn nữa hay không ?
"Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức" nào và ảnh hưởng ra sao ? Khi chúng đã tự hủy hoại uy tín của mình một cách triệt để, thì có cần và có thể "làm ảnh hưởng" hơn nữa hay không ?
"Đưa ra cái nhìn… một chiều" chính là truyền thống và nghiệp vụ sở trường của guồng máy tuyên truyền quốc doanh. Nhiều khi "cái nhìn lạc quan tếu một chiều" mà họ gieo rắc có thể gây ra tác hại còn lớn hơn"cái nhìn bi quan một chiều", bởi vì trạng thái lạc quan tếu dẫn đến chủ quan thường có hại hơn so với trạng thái bi quan khiến người ta thận trọng. Thế thì tại sao lại buộc tội "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn" về việc"đưa ra cái nhìn bi quan một chiều" ?
Chỉ những kẻ vô trách nhiệm hoặc vô tri vô giác mới không cảm thấy lo lắng trước hiện trạng của Đất nước. Không ai khác, mà nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng ấy, nên họ mới là nhân tố chủ chốt "gây hoang mang lo lắng" cho muôn dân. Sao lại đổ lỗi đó cho "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn" ?
Ai đã "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ? Đó chính là thế lực cầm quyền đã đẩy Đất nước vào con đường bế tắc, lún sâu trong khủng hoảng, bị tham nhũng xâu xé và bị ngoại bang gặm nhấm. Rõ ràng như thế, thì sao lại quy tội "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân" cho"Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn" ?
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đã buộc tội hết sức vu vơ, như ca bài ca muôn thuở, thường được dùng để quy chụp các ý kiến góp ý, phản biện mà phía cầm quyền không ưa. E rằng, những tội gán cho bị can còn phù hợp hơn với phía buộc tội. Cứ như thể họ mượn danh bị can để tự kiểm điểm vậy.
Chứng cứ ngu ngơ
Để chứng minh đống tội tày trời kể trên, Bản kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra liệt kê danh sách 12 bài đăng trên blog "DÂN QUYỀN" và 12 bài đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT". Song ngoài tiêu đề bài viết và ngày đăng bài thì chẳng còn thông tin nào khác. Không hề chỉ ra một chi tiết cụ thể nào là "sai sự thật, không có căn cứ", hay "tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước". Không hề có dẫn chứng cụ thể nào về việc "bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức", hay "đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân…".
Tại sao lại kết tội chung chung như thế ? Phải chăng, họ nghĩ như thế đã đủ chứng cứ luận tội cho những thẩm phán quen xử theo "bản án bỏ túi", và cũng đủ tư liệu cho dàn bút chiến chống "thế lực thù địch", đang đợi lệnh để đồng ca bài "xử đúng người đúng tội, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ" ? Hơn nữa, dừng lại ở việc liệt kê tiêu đề của 24 bài viết là cách hiệu quả nhất để trao cho giới lười đọc ấn tượng bất lợi cho bị can. Vì những từ ngữ nặng nề nhất đã xuất hiện trên tiêu đề, còn nội dung bài viết thường nhẹ nhàng hơn, đôi khi ôn hòa và sát thực đến mức khó mà khép tội. Chẳng hạn như bài "Chính quyền Hà Nội phá thối đám giỗ của Dân tộc", đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 19/01/2014 (xem Phụ lục 1).
Đặc biệt, có những bài được liệt kê trong danh sách 24 chứng cứ tội phạm, nhưng lại chẳng chứa chi tiết nào có thể buộc tội. Chẳng hạn như bài "Nứt cầu Vĩnh Tuy nay hay Nhà máy điện hạt nhân tương lai - chuyện nhỏ như con thỏ với giải pháp… xịt keo", đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 10/03/2014 (xem Phụ lục 2).
Để hiểu hơn về cách nhìn nhận tội phạm của Cơ quan An ninh điều tra, ta chép ra đây toàn văn phần viết về"tội trạng" của Lê Thị Thanh Loan trong Bản kết luận điều tra :
"Tháng 8/2012, Nguyễn Hữu Vinh nhận Lê Thị Thanh Loan vào làm kế toán nội bộ của Công ty VPI. Năm 2013, Nguyễn Hữu Vinh đặt vấn đề và được Lê Thị Thanh Loan đồng ý giúp Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy thực hiện một số công đoạn trong việc điểm tin, đăng bài. Cụ thể là : Lê Thị Thanh Loan đã truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục,… Trong đó, chú trọng các tin tức thời sự trong và ngoài nước nổi bật như tình hình Thái Lan, Ukraine,… Sau đó, Lê Thị Thanh Loan copy các bài, tin trên gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Lê Thị Thanh Loan đã scan một số bài báo TTXVN do Nguyễn Hữu Vinh lựa chọn, sửa lỗi chính tả, sau đó gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Để chuyển cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy các tài liệu nêu trên, Lê Thị Thanh Loan đã sử dụng hai hộp thư điện tử lethanloan.kt@gmail.com, quacachua1234@gmail.com gửi thư điện tử đến hộp thư điện tử xaoquacha@gmail.com của Nguyễn Hữu Vinh và hộp thư điện tử buinhulac70@gmail.com của Nguyễn Thị Minh Thúy".
Như vậy, toàn bộ "hành vi phạm tội" của Lê Thị Thanh Loan, mà Cơ quan An ninh điều tra xác định được, chỉ là "truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, giáo dục…" và "scan một số bài báo TTXVN do Nguyễn Hữu Vinh lựa chọn, sửa lỗi chính tả, sau đó gửi cho Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy".
Cần khẳng định rằng : Không có bất kỳ văn bản pháp luật nào cho phép coi việc lấy bài, tin từ các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt… và scan một số bài báo của TTXVN là phạm tội hình sự. Hơn nữa, các cộng sự của Nguyễn Hữu Vinh thu thập tin, bài từ các báo "chính thống" và TTXVN là để phục vụ việc điểm tin và đăng bài trên blog "BA SÀM", hoàn toàn không liên quan đến hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" mà Bản kết luận điều tra đề cập.
Ví dụ, trong tháng 12/2013 (tức là khoảng 5 tháng trước khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt) blog "BA SÀM" đăng toàn văn 50 bài, được đánh số từ 2136 đến 2185. Trong số đó, chỉ riêng số bài của TTXVN đã là 25, tức chiếm đúng 50% (xem Phụ lục 3).
Ví dụ khác, mục "Tin thứ Bảy, 05-04-2014″ trên blog "BA SÀM" (tức điểm tin của ngày 05/04/2014 - đúng một tháng trước khi Nguyễn Hữu Vinh bị bắt), đã điểm 510 bài. Trong số đó, 375 bài (chiếm 73,73%) là của báo chí "chính thống". Chẳng hạn :
- 34 bài của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),
- 22 bài của báo Người lao động (NLĐ),
- 19 bài của TTXVN (TTXVN),
- 19 bài của báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLTP),
- 18 bài của báo Thanh niên (TN),
- 16 bài của báo Tuổi trẻ (TT),
- 15 bài của báo Tiền phong (TP),
- 14 bài của báo Kiến thức (KT),
- 13 bài của báo Một thế giới (MTG),
- 12 bài của báo An ninh Thủ đô (ANTĐ),
- 12 bài của báo Giáo dục Việt Nam (GDVN),
- 10 bài của Vietnamnet (VNN).
Để so sánh, trong số 135 bài "ngoài luồng chính thống" được điểm tin trên blog "BA SÀM" thì các nguồn tin hay bị coi là "thù địch" có số bài như sau :
- 21 bài của VOA,
- 17 bài của RFI,
- 15 bài của BBC,
- 8 bài của RFA.
Nghĩa là số bài của Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) được điểm tin trên blog "BA SÀM" vào ngày 05/04/2014 chỉ bằng 21/34 = 61,76% so với số bài của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Hai ví dụ trên cho thấy, đa số tin bài mà Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự điểm tin, đăng tải là của báo chí "chính thống". Cho nên, nếu buộc tội Nguyễn Hữu Vinh đăng bài
"có nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc… ; bôi nhọ…, làm ảnh hưởng đến uy tín… ; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân…", thì phải chăng đó chính là lời buộc tội dành cho báo chí "chính thống" ?
Cần nhấn mạnh rằng : Phần lớn các bài được điểm tin trên blog "BA SÀM" không hề có lời bình luận nào kèm theo, nên việc điểm tin chỉ đem lại một tác dụng duy nhất là quảng bá chúng cho đông đảo bạn đọc.
Thử hỏi, trên Thế giới này còn có nơi nào quảng bá cho báo chí "chính thống" của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều hơn blog "BA SÀM" do Nguyễn Hữu Vinh sáng lập hay không ? Ông Vinh và cộng sự bền bỉ làm việc đó suốt mấy năm qua, mặc dù không được cấp đồng nào từ ngân sách, và cũng chẳng nhận được chút tiền công nào từ các báo được hưởng lợi. Thiết nghĩ, báo chí "lề phải" đang nợ Nguyễn Hữu Vinh"lề trái" một lời cảm ơn chân thành, và Ban Khoa giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông nên thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam (Đchính quyền cộng sản Việt Nam) và Chính phủ có biểu hiện ghi nhận tương xứng đối với những đóng góp to lớn của Nguyễn Hữu Vinh cho nền báo chí nước nhà. Song, lấy oán trả ơn, ông lại bị tống giam vào ngục.
Đương nhiên, một mình Nguyễn Hữu Vinh không thể hàng ngày thu thập và điểm tin cho bằng ấy bài báo, mà phải dựa vào sự cộng tác của những người khác. Trong số đó có Lê Thị Thanh Loan, người chỉ liên đới do "truy cập website các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt,… lấy bài, tin" và "scan một số bài báo TTXVN".
Trước sự việc rõ ràng như vậy, lẽ ra Cơ quan An ninh điều tra phải kết luận : Lê Thị Thanh Loan không phạm tội hình sự ! Trái lại, Bản kết luận điều tra lập luận rằng :
"Đối với Trần Thị Bích Hường, Nguyễn Thị Lý và Lê Thị Thanh Loan đã có hành vi thực hiện một số công đoạn trong việc điểm tin, đăng bài, giúp cho Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy chỉnh sửa, đăng bài trên hai blog "DÂN QUYỀN", "CHÉP SỬ VIỆT". Tuy nhiên, ba người này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với họ".
Trích đoạn trên thể hiện rõ hai điều. Thứ nhất, Cơ quan An ninh điều tra coi việc Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy điểm tin, đăng bài của báo chí "chính thống" là phạm tội hình sự. Thứ hai, Cơ quan An ninh điều tra coi việc Lê Thị Thanh Loan lấy bài, tin từ các báo Thanh niên, Tiền phong, Đất việt… và scan một số bài báo của TTXVN là công đoạn phạm tội hình sự"Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự" đối với Lê Thị Thanh Loan chỉ vì cho rằng cô "không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy". Giả sử ngược lại, nếu cho rằng cô ấy có biết…, thì chắc hẳn Cơ quan An ninh điều tra sẽ "xem xét, xử lý hình sự" đối với cô.
Hai điều trên cho thấy cách tư duy và ý chí kết tội của Cơ quan An ninh điều tra phi lý và bất chấp pháp luật đến mức độ nào.
Nếu chấp nhận lối tư duy quy kết ấy, thì cũng có thể ra kết luận hoàn toàn tương tự như sau :
Cụ Nguyễn Hữu Khiếu và cụ Hoàng Thị Ái Hoát cùng những người bán lương thực, thực phẩm đã có hành vi thực hiện một số công đoạn mang tính tiền đề trong việc điểm tin và đăng bài của Nguyễn Hữu Vinh, đó là đã sinh ra và góp phần nuôi sống Nguyễn Hữu Vinh… Tuy nhiên, những người này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với họ.
Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT đã có hành vi thực hiện công đoạn thiết yếu trong việc điểm tin và đăng bài của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, đó là cung cấp thuê bao và duy trì kết nối internet… Tuy nhiên, hai công ty này không biết động cơ, mục đích phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, nên Cơ quan điều tra không xem xét, xử lý hình sự đối với chúng.
Thử hỏi, ai có thể chấp nhận kiểu lý luận kỳ cục như vậy ?
Cơ quan An ninh điều tra đã đặt tên cho vụ án là "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Kể cả sau khi đã điều tra xong, họ vẫn tiếp tục duy trì tên gọi vụ án chứa từ "đồng bọn" trong Bản kết luận điều tra số 14/ANĐT ngày 30/10/2014, và liệt kê cả Lê Thị Thanh Loan trong danh sách "đồng bọn". Có nghĩa là họ vẫn coi cô như kẻ phạm tội hình sự, với tình tiết giảm nhẹ là do "không biết động cơ, mục đích phạm tội…".
Một người rõ ràng là vô tội như Lê Thị Thanh Loan mà còn bị Cơ quan An ninh điều tra quy kết như vậy, thì Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tránh sao khỏi bị buộc tội phi lý, phi pháp.
Bản kết luận điều tra khẳng định : "Đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, với thủ đoạn phạm tội tinh vi". Để tô vẽ cho cáo buộc "có tổ chức, với thủ đoạn phạm tội tinh vi", tổ chức điều tra tóm cả người rõ ràng vô tội vào cuộc, và li kì hóa biện pháp kỹ thuật thông dụng (là "đặt chế độ bảo mật hai lớp" cho blog), cần thiết để bảo vệ blog trước nạn tin tặc hoành hành. Phải chăng, sẽ phù hợp hơn nếu thay chữ "phạm" trong khẳng định trên bằng chữ "buộc", để thu được kết luận về hành vi thực hiện công tố như sau : "Đây là vụ án nghiêm trọng, có tổ chức, với thủ đoạn buộc tội tinh vi".
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đưa ra những chứng cứ buộc tội hết sức ngu ngơ, không chỉ quá phi lý đối với mọi tư duy lành mạnh, mà còn rất phi pháp theo thước đo pháp luật của chính chế độ này.
Điều tra giả vờ
Sau khi liệt kê 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để làm chứng cứ xác định tội phạm, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra lý luận rằng :
"Do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo, nên Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên".
Cách viết này vừa nhấn mạnh sự ngoan cố của hai bị can, vừa khơi gợi nghi ngờ rằng có thể bị can là tác giả của nhiều bài trong số đó.
Để hiểu rõ chân tướng sự việc, ta chỉ cần điểm qua 4 bài đầu tiên trong số 12 bài mà Bản kết luận điều tra coi là chứng cứ phạm tội trên blog "DÂN QUYỀN".
Bài 1 : "Dân chủ không thể là cái bánh vẽ". Tác giả là Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên Trưởng Đại diện báo Quân đội Nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bài viết được công bố trên blog của tác giả và đăng trên blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 24/11/2013.
Bài 2 : "Tham nhũng, chống tham nhũng và thể chế". Tác giả là ông Hạ Đình Nguyên, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành động thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trước 1975), cựu tù chính trị Côn Đảo. Bài viết được đăng trên blog "BAUXITE VIỆT NAM" và blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 17/01/2014.
Bài 3 : "Chuyện kể năm 2000 : Cuốn tiểu thuyết về thân phận con người trong cái ác cộng sản". Tác giả là Đại tá Phạm Đình Trọng. Bài viết được đăng trên blog "DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ" ngày 17/01/2014.
Bài 4 : "Mấy suy nghĩ về tình hình nhiệm vụ hiện nay". Tác giả là ông Lê Hồng Hà, nguyên Đại tá Chánh văn phòng Bộ Công an. Bài viết được đăng trên blog "BA SÀM" ngày 28/03/2014 và đăng trên blog "BAUXITE VIỆT NAM" ngày 30/03/2014.
Quả thực, chỉ cần biết sử dụng internet sơ sơ thì đứa trẻ con cũng có thể dùng Google để nhanh chóng tìm ra thông tin về tác giả, nguồn gốc của 4 bài viết kể trên và của 8 bài còn lại (bị coi là chứng cứ tội phạm trên blog "DÂN QUYỀN"). Và tên tuổi của các tác giả chẳng hề xa lạ với Cơ quan An ninh điều tra. Chẳng hạn, các ông Lê Hồng Hà, Hạ Đình Nguyên, Đại tá Bùi Văn Bồng và Đại tá Phạm Đình Trọng đều đã từng ở vị trí cao trong bộ máy cầm quyền. Vậy thì tại sao Bản kết luận điều tra lại viết rằng "Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên" ? Chỉ có hai khả năng như sau :
Thứ nhất, nghiệp vụ của Cơ quan điều tra kém cỏi đến mức họ không biết tìm kiếm thông tin trên internet.Nếu ú ớ như vậy thì tại sao lại liều lĩnh đảm nhận nhiệm vụ điều tra tội phạm trên mạng internet, để rồi buộc tội vu vơ ?
Thứ hai, Cơ quan điều tra không có ý định tìm kiếm thông tin liên quan, hoặc đã có được thông tin cần thiết nhưng vẫn tỏ ra không hề biết, nghĩa là họ chỉ giả vờ tiến hành điều tra. Nếu vậy thì những bị can oan uổng thoát sao nổi bản án phi lý mà thế lực nắm quyền sinh quyền sát đã định sẵn ?
Đối với vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…", khả năng thứ hai có vẻ hiện thực hơn. Bởi vì, cho dù không có khả năng hay lười tìm kiếm thông tin trên internet, thì Cơ quan điều tra cũng không thể không biết thông tin về nguồn gốc, tác giả của tất cả 24 bài cần xem xét, vì nhiều thông tin cần thiết đã hiển thị rõ ràng ngay trên blog bị điều tra. Cho nên, khẳng định "Cơ quan điều tra không có điều kiện xác minh, làm rõ nguồn gốc, tác giả của 24 bài viết trên" phải chăng là dối trá, nhằm cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tộivà những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can.
Đừng đổ thừa là "do các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy không chịu khai báo" nên Cơ quan điều tra đành bó tay. Bởi vì Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rõ :
"Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Nếu Cơ quan điều tra cố tình bỏ qua chứng cứ xác định vô tội và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can thì phạm vào "Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án" theo Điều 300 Bộ luật hình sự. Vì hành vi này vừa"có tổ chức", vừa "gây hậu quả nghiêm trọng", nên Bộ luật hình sự quy định phải "bị phạt tù từ ba năm đến mười năm".
Tóm lại, Bản kết luận điều tra đã bộc lộ dấu hiệu không trung thực, khiến nảy sinh câu hỏi : Họ đã điều tra giả vờ, hay kết luận dối trá ?
Giám định lơ mơ
Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra viết :
"Ngày 07/8/2014, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra Quyết định trưng cầu giám định số 60/ANĐT-P3, trưng cầu Bộ Thông tin và Truyền thông giám định nội dung 24 bài viết trên. Ngày 19/9/2014, tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông đã Kết luận giám định, xác định : 24 bài viết có nội dung sai sự thật, không có căn cứ ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức ; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều, gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
So sánh nội dung đánh giá về 24 bài viết, ta sẽ thấy kết luận giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông và kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an (đã được trích nguyên văn trong phần Buộc tội vu vơ) giống nhau từng từ, từng chữ, trùng khít cả chín dấu phẩy, ba dấu chấm phẩy và một dấu chấm. Qua đó lộ ra vở kịch vụng về mang tên "trưng cầu giám định".
Tại sao "tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông" lại chép thuộc lòng kịch bản buộc tội như vậy ? Phải chăng vì họ không được phép diễn khác và cũng chẳng có khả năng diễn khác ?
Trong số các nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông, được quy định tại Nghị định số 132/2013/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành ngày 16/10/2013), hoàn toàn không có chức năng đánh giá, giám định về nội dung của các tin, bài, xem chúng đúng hay sai, có căn cứ hay không, có xuyên tạc, bôi nhọ và ảnh hưởng đến uy tín của ai đó hay không. Vậy thì tại sao Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an lại trưng cầu giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông, và tại sao bộ này lại nhận lời ?
Kể cả trường hợp được Chính phủ chính thức giao thêm nhiệm vụ giám định về nội dung của các tin, bài, thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không thể đảm đương được. Đơn giản vì các tin, bài thường liên quan đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, công nghệ ; đề cập đến những sự kiện xảy ra ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước, diễn ra trong quá khứ, hay hiện tại, hay dự đoán về tương lai. Cho dù mở rộng biên chế gấp mấy mươi lần, thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không có đủ chuyên gia về mọi lĩnh vực để mà đánh giá, giám định mọi thứ trên đời.
Bài "Nứt cầu Vĩnh Tuy nay hay Nhà máy điện hạt nhân tương lai - chuyện nhỏ như con thỏ với giải pháp… xịt keo" đề cập tới việc xử lý vết nứt trên cầu, đường hầm, đập thủy điện, rồi liên hệ với vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Tại sao Cơ quan An ninh điều tra không mời chuyên gia của các bộ ngành liên quan đến các vấn đề đó tiến hành giám định, mà lại trưng cầu Bộ Thông tin và Truyền thông ? Và Bộ Thông tin và Truyền thông có chuyên gia về cầu, đường, đập thủy điện và điện hạt nhân hay không mà cũng đứng ra giám định đúng - sai ?
Trong số các bài đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", không có bài nào với tiêu đề "Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đăng vào ngày 01/03/2014. Không có, mà Cơ quan An ninh điều tra lại liệt kê nó tại vị trí thứ 8 trong danh sách 12 bài được coi là chứng cứ tội phạm trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", rồi Bộ Thông tin và Truyền thông cũng giám định nó với cáo buộc nặng nề. Như vậy là cùng phạm "Tội vu khống", được quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự, với hai tình tiết tăng nặng là "Có tổ chức" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn".
Nếu Cơ quan An ninh điều tra tùy tiện sử dụng tên bài "Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Đào Minh Tuấn, đăng ngày 01/03/2014 trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để chỉ bài ""Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" nên đã vâng lời thầy ký "công hàm bán nước"" đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT", thì phạm tội "Giả mạo trong công tác" (Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu), được quy định tại Điều 284 Bộ luật hình sự, với hai tình tiết tăng nặng là "Có tổ chức" và "Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu".
Blog "CHÉP SỬ VIỆT" đã bị khóa, nhưng vẫn có thể tìm thấy bài vừa được đề cập trên internet. Nó bàn về một sự kiện lịch sử hệ trọng, liên quan đến chủ quyền thiêng liêng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của chế độ. Chưa thấy ai trong bộ máy cầm quyền đứng ra phủ nhận. Điều đó chứng tỏ : Hoặc họ không thể phủ nhận, hoặc chưa tìm được ai trong bộ máy cầm quyền có đủ hiểu biết chính xác về sự kiện lịch sử ấy. Vậy thì Bộ Thông tin và Truyền thông lấy đâu ra chuyên gia nghiên cứu lịch sử, hay nhân chứng lịch sử để giám định và phủ nhận bài viết ấy ?
Xác định tính đúng sai của những sự việc đang diễn ra đã là rất khó, vì nhiều vụ việc bị các bên liên quan che dấu, bóp méo. Xác định tính đúng sai của những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ còn khó hơn nhiều, vì thiếu tư liệu trung thực và vì nhân chứng lịch sử đã chết. Còn phủ định một cách tuyệt đối những nhận định về tương lai, thì đó là kết luận vô căn cứ và nhiều khi sẽ bị chính lịch sử phủ định lại.
Cách nay ba mươi năm, nếu công dân nào dám công khai viết rằng "Liên Xô cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa sẽ sụp đổ", thì chắc chắn sẽ bị bộ máy cầm quyền và hàng triệu người hâm mộ khẳng định là sai, không có căn cứ, là xuyên tạc, bôi nhọ và gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đchính quyền cộng sản Việt Nam, của Liên Xô, của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và người đó khó thoát khỏi bị trừng phạt. Thế nhưng, cái nhận định "phản động" từng bị nguyền rủa ấy lại trở thành hiện thực từ lâu.
Nói chung, trong 24 bài viết bị Cơ quan An ninh điều tra liệt kê trong danh sách chứng cứ, có những tình tiết lịch sử, nhận xét về quá khứ mù mịt, hiện thực mờ ảo, dự đoán về tương lai xa xôi, và đề cập đến nhiều quan điểm mà hàng tỷ người trên Thế giới thấy rõ ràng là đúng, chỉ còn một số người trong giới cầm quyền Việt Nam vẫn quả quyết là sai. Đương nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không có đủ năng lực và hiểu biết cần thiết để kết luận tất cả những điều đó là đúng hay sai, có căn cứ hay không, và vì vậy cũng không thể buộc tội là "xuyên tạc" hay "bôi nhọ".
Kể cả trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông có đủ năng lực và hiểu biết cần thiết để giám định một số vấn đề cụ thể nào đó, thì cũng phải đầu tư rất nhiều thời gian. 44 ngày (kể từ khi "Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra Quyết định trưng cầu giám định số 60/ANĐT-P3″ vào ngày 07/8/2014, đến khi "tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông đã Kết luận giám định" vào ngày 19/9/2014) hiển nhiên là quá ngắn.
Hồ Xuân Mãn từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đchính quyền cộng sản Việt Nam khóa IX và khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, và "cùng với 2 bí thư đảng bộ tỉnh của hai tỉnh khác trong nước được Trung ương Đảng khen về tấm gương "Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh"". Tuy nhiên, hành vi man trá của Hồ Xuân Mãn đã bị tố cáo từ lâu. Ví dụ, ngày 05/02/2013 "các ông Lê Văn Uyên, Hoàng Văn Phận, Hoàng Phước Sum, Hoàng Tiến Dũng đã có đơn gửi Bí thư và Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tố giác việc ông Mãn khai man thành tích" để được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Ngày 07/03/2013, "Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế đã làm việc với những người tố giác". Vậy mà, đến tận ngày 20/11/2013 Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới kết luận : "Đồng chí Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có khuyết điểm, vi phạm phải được xem xét, xử lý theo quy định". Như vậy, bộ máy kiểm tra của Đchính quyền cộng sản Việt Nam phải mất hơn 9 tháng để điều tra và kết luận về một sự việc khá đơn giản, có đầy đủ nhân chứng đáng tin. Và đến tận bây giờ vẫn chưa "làm rõ nguyên Bí thư Hồ Xuân Mãn có phải là đảng viên hay không".
Trần Văn Truyền từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đchính quyền cộng sản Việt Nam khóa IX và X ; Đại biểu Quốc hội khóa X và XII ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá IX ; Tổng Thanh tra Chính phủ 2006 - 2011. Tuy nhiên, hành vi tham nhũng của Trần Văn Truyền đã bị dư luận vạch trần từ lâu. Ví dụ, ngày 21/02/2014 báo Người cao tuổi đăng bài "Ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ có bao nhiêu biệt thự ?". Vậy mà, đến tận ngày 21/11/2014 Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới ra thông cáo báo chí về "kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền". Tức là bộ máy kiểm tra của Đchính quyền cộng sản Việt Nam phải mất ít nhất 9 tháng để điều tra và kết luận về đống nhà đất lù lù của nhân vật từng nhiều năm đứng đầu bộ máy chống tham nhũng của chế độ. Và cho đến nay, mới ra quyết định thu hồi một phần nhỏ trong số tài sản bất minh, chưa truy cứu vụ "trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3 đến tháng 8/2011, ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ và tương đương".
Đơn giản và rõ ràng như vụ Hồ Xuân Mãn và vụ Trần Văn Truyền, với đầy đủ nhân chứng đáng tin và vật chứng cụ thể, chẳng phải mất nhiều công tìm kiếm, mà mỗi vụ việc kể trên bộ máy kiểm tra của Đchính quyền cộng sản Việt Nam đều phải mất đến 9 tháng để điều tra và ra kết luận. Vậy mà tập thể Giám định viên của Bộ Thông tin và Truyền thông lại chỉ cần 44 ngày để giám định 24 bài viết về nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và nằm ngoài khuôn khổ nghiệp vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng điều đó đã nói lên động cơ và thái độ giám định.
So sánh nội dung của 24 bài bị giám định với kết luận giám định, có thể thấy :
- Hoặc là tập thể Giám định viên đã không đọc hết, hay không đọc kỹ tất cả 24 bài, tức là chưa hiểu đúng đối tượng, nên đã đưa ra kết luận giám định sai.
- Hoặc là họ đã đọc hết, đọc kỹ và hiểu đúng đổi tượng, nhưng vẫn cố tình đưa ra kết luận giám định sai, ít nhất là đối với một số bài trong số 24 bài mà họ giám định.
Trong trường hợp thứ nhất, họ phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", được quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự (bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm).
Trong trường hợp thứ hai, họ phạm "Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật", được quy định tại Điều 307 Bộ luật hình sự như sau :
"1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng".
Nghĩa là, do cố tình kết luận giám định sai sự thật, lại thuộc cả hai trường hợp tăng nặng là "Có tổ chức" và"Gây hậu quả nghiêm trọng", có thể "bị phạt tù từ một năm đến ba năm".
Cuối Bản kết luận điều tra có đoạn như sau :
"Kèm theo Bản kết luận điều tra có : Bản thống kê thời hạn điều tra, thời hạn tạm giữ, tạm giam các bị can ; Bản thống kê vật chứng ; Danh sách nhân chứng và các Quyết định xử lý đồ vật, tài liệu bị tạm giữ./".
Nghĩa là : Bản kết luận giám định không được kèm theo Bản kết luận điều tra. Vì sao ? Phải chăng, vì họ chỉ diễn vở giám định cho đủ thủ tục, chứ không thực sự quan tâm đến cái thứ kết quả giám định hình thức ? Hay vì tự họ cũng thấy Bản kết luận giám định ấy không ổn, nên không thể trưng ra ?
Tóm lại, "màn kịch giám định" đã được đạo diễn và thể hiện rất lơ mơ. Có lẽ dàn diễn viên được chọn không có đủ kiến thức chuyên môn, tư cách pháp lý để đóng vai giám định tất cả 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" (được Cơ quan An ninh điều tra coi là chứng cứ xác định tội phạm). Phải chăng vì vậy, họ chỉ học thuộc lòng và chóng vánh chép lại nguyên văn nội dung kết tội của phía đặt hàng để làm Kết luận giám định ?
Hồ sơ mập mờ
Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra viết :
"QUYẾT ĐỊNH
Chuyển Bản kết luận điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ án gồm tập, tổng cộng tờ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy…".
(xem Phụ lục 4). Có gì đặc biệt ở đây ? Vâng, họ viết "toàn bộ hồ sơ vụ án gồm tập, tổng cộng tờ", tức là bỏ ngỏ số tập và số tờ của hồ sơ vụ án.
Bản kết luận điều tra do Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Đại tá Lý Anh Dũng ký tên, được đóng dấu đỏ của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, gửi cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bị can và các người bào chữa, nhưng lại bỏ ngỏ nội dung quan trọng là số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Tại sao lại như vậy ?
Có thể xảy ra một trong ba trường hợp sau đây.
1. Đại tá Lý Anh Dũng chẳng hề đọc Bản kết luận điều tra trước khi ký tên, nên không phát hiện ra là còn thiếu thông tin về số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Nói nôm na là không biết chính xác là mình đang ký cái gì.
2. Đại tá Lý Anh Dũng đã đọc Bản kết luận điều tra và phát hiện ra còn thiếu thông tin về số tập và số tờ của hồ sơ vụ án, nhưng vì ông và những người chuẩn bị Bản kết luận điều tra không tiếp xúc với toàn bộ hồ sơ vụ án, nên không thể điền hai số liệu cần thiết. Khi không tiếp xúc với toàn bộ hồ sơ vụ án, thì không thể biết Bản kết luận điều tra có phù hợp với hồ sơ của vụ án hay không. Đại thể là cũng chỉ viết và ký bừa mà thôi.
3. Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự đã cố tình viết ra và ký tên vào Bản kết luận điều tra còn bỏ ngỏ số tập và số tờ của hồ sơ vụ án. Điều đó tạo điều kiện cho việc làm sai lệch hồ sơ vụ án sau này.
Trong hai trường hợp đầu, Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự có thể phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp thứ ba, nếu chỉ vô tình tạo điều kiện… thì Đại tá Lý Anh Dũng và cộng sự có thể phạm "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Còn nếu cố tình tạo điều kiện cho việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, thì họ có thể phạm "Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án", được quy định tại Điều 300 Bộ luật hình sự như sau :
"1. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, huỷ, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng".
Sai phạm rõ ràng như vậy, nhưng chắc Đại tá Lý Anh Dũng cùng cộng sự sẽ được dung túng. Trớ trêu ở chỗ, người có tội rõ ràng thì được bỏ qua, lại còn được thay mặt bộ máy cầm quyền kết tội những người khác. Cán cân công lý cong veo như thế, thì tránh sao được kết án oan sai ?
 Tóm lại, không thể chấp nhận kiểu hồ sơ mập mờ như vậy. Tình tiết ấy góp phần thể hiện mức độ chính xác của Bản kết luận điều tra và thái độ của Cơ quan An ninh điều tra đối với vụ án.
Cách nhìn lương thiện
Để Đất nước vượt qua khủng hoảng toàn diện, thoát khỏi sa lầy trong tham nhũng và phát triển nhanh theo hướng tiến bộ, thì cần phải nâng cao dân trí và thực hành dân chủ. Vì mục tiêu ấy, những người cầm bút phải vượt qua chính mình, tự giải thoát mình ra khỏi nỗi sợ mãn tính, thể hiện một phần qua thói quen "tự kiểm duyệt". Theo cách nói của Tổng Bí thư Đchính quyền cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, thì những người cầm bút cần phải "tự cởi trói".
Để thực thi "quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin", được tái hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013, Nguyễn Hữu Vinh đã lập ra blog "BA SÀM", gọi nó là "Cơ quan ngôn luận của THÔNG TẤN XÃ VỈA HÈ", tức là nơi đại chúng thể hiện tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin đa chiều. Phương châm "Phá vòng nô lệ" treo trên blog "BA SÀM" không chỉ kêu gọi những người cầm bút "tự cởi trói", mà còn nhắc nhở mọi người nên tự giải phóng mình ra khỏi "vòng nô lệ" về tư duy, do thiếu hiểu biết và chỉ tiếp xúc với thông tin đơn điệu một chiều.
Phần việc chính của blog "BA SÀM" là điểm tin hàng ngày, cụ thể là chỉ đơn thuần giới thiệu tiêu đề và địa chỉ truy cập của các bài báo, bài viết được đăng trên các trang mạng của báo, đài, cơ quan thông tấn và các trang thông tin cá nhân. Đôi khi, có kèm theo vài câu trích dẫn, hay bình luận ngắn, tất nhiên không nhất thiết là của Nguyễn Hữu Vinh. Ngoài ra, blog "BA SÀM" còn đăng toàn văn một số bài được sưu tầm trên internet hay do các tác giả gửi đến. Các bài được điểm tin hoặc được đăng thể hiện những quan điểm khác nhau, có thể khác hẳn với quan điểm của những người điều hành blog.
Nhiều năm qua, blog "BA SÀM" đã thực sự trở thành môi trường để bao người tiếp xúc với thông tin đa chiều, mở rộng tầm kiến thức và hiểu thêm về quan điểm của đối phương. Như vậy, vừa góp phần nâng cao dân trí, vừa tăng cường hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hòa giải và hòa hợp Dân tộc. Không chỉ người dân, mà nhiều vị đang làm việc trong bộ máy nhà nước cũng hàng ngày vào blog "BA SÀM"để nắm bắt thông tin, của cả "phía ta" và "phía địch", nhằm phục vụ cho công việc của họ. Tức là blog "BA SÀM" không chỉ có lợi cho người dân, mà có ích cho cả bộ máy nhà nước. Có lẽ vì thế mà chính quyền chấp nhận cho nó tồn tại công khai suốt nhiều năm qua và cả bây giờ, khi Nguyễn Hữu Vinh đang bị giam giữ.
Nếu Nguyễn Hữu Vinh có đóng góp nào đó cho hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" mới ra đời, thì cũng phù hợp với mục tiêu mở rộng môi trường cho đại chúng tiếp xúc với thông tin đa chiều, bù lại khiếm khuyết do kiểu tuyên truyền một chiều tạo ra. Ba blog có nội dung và hình thức khác nhau, nhưng đều thể hiện các quyền hiến định, đó là "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin".
Cương vị của người quản lý trang mạng có những nét giống như người quản lý chợ. Nếu chỉ chấp nhận cho mua bán những mặt hàng mà bản thân chủ chợ thích ăn, thích dùng, thì chợ sẽ vắng hoe. Để chợ đông người, chủ chợ phải chấp nhận cả những mặt hàng mà mình không cần hay không thích, thậm chí còn phải tác động cho thật nhiều loại hàng hóa khác nhau cùng xuất hiện trong chợ. Tương tự như vậy, nếu muốn có đông bạn đọc thì trang mạng phải phong phú, đa dạng, sôi nổi. Và người điều hành trang mạng phải tỏ ra khách quan, chấp nhận đăng cả những bài viết và ý kiến bình luận trái chiều, có thể ngược hẳn với quan điểm của bản thân. Nếu thấy mảng tin, bài nào còn thiếu thì phải tìm cách bổ sung. Nếu thấy không khí hơi tẻ nhạt thì chủ động kích thích tranh luận, thậm chí tự tay viết ra những bài hay ý kiến bình luận ngược hẳn với quan điểm thật của mình. "Thủ thuật nghiệp vụ" này không xa lạ với các chủ blog. Nó càng hữu dụng đối với các trang mạng đóng vai trò môi trường thông tin đa chiều và tranh luận dân chủ.
Đừng quên, dựng thêm vai đối kháng là thủ thuật rất kinh điển. Nếu các nhà soạn kịch không sáng tác thêm vai phản diện, thì vai chính diện cũng khó lòng thể hiện. Áp dụng thủ thuật tạo dựng yếu tố đối kháng triệt để nhất, đến mức quá lạm dụng, chính là bộ máy tuyên truyền của chế độ này, khi họ xây dựng, tô vẽ và khuếch đại hình tượng "thế lực thù địch" để biện minh cho việc duy trì chế độ độc đảng.
Việc chấp nhận đăng những bài viết và ý kiến bình luận có vẻ "của địch" trong "nghề nuôi trang mạng" cũng cần thiết như việc quan hệ với địch trong nghề tình báo. Do đó, không thể đồng nhất nội dung của một số bài viết và ý kiến bình luận được đăng với quan điểm và động cơ của người điều hành blog. Càng không thể dùng một số bài viết hay ý kiến bình luận được đăng để kết tội người điều hành blog. Nếu làm ngược lại, thì giống như bắt giam chủ chợ chỉ vì có bà bán bún thiu, hoặc giống như coi phát ngôn của các nhân vật phản diện trùng với quan điểm đích thực của tác giả kịch bản, rồi dùng "tội ác" mà nhân vật phản diện thể hiện trên sân khấu để kết tội đạo diễn.
Trên thực tế, báo chí "chính thống" thường đăng nhiều tin, bài chứa nội dung sai sự thật, mang tính vu khống, bôi nhọ, nhất là đối với những người mà bộ máy cầm quyền không ưa. Nhưng chưa thấy tổng biên tập hay biên tập viên nào bị truy tố hình sự, mặc dù họ được đào tạo chính quy, hành nghề chuyên nghiệp và được hưởng lương để chịu trách nhiệm về các bài được đăng. Vậy thì cũng không thể dùng lý do tương tự để truy tố hình sự đối với những người tham gia điều hành blog, khi họ chỉ bột phát, nghiệp dư và không được hưởng lương từ ngân sách.
Câu hỏi đặt ra là : Liệu nội dung của 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT", bị Cơ quan An ninh điều tra liệt kê trong danh sách chứng cứ phạm tội, có chứa nội dung sai trái hay không ? E rằng không ai có đủ tư cách để đánh giá một cách tuyệt đối về tất cả các vấn đề liên quan. Sáu mươi năm trước, một số văn sĩ nổi tiếng đã từng ngộ nhận mà câu kết với một số thế lực cầm quyền kết tội nhóm Nhân văn - Giai phẩm, để lại vết nhơ không thể gột rửa cho họ và cho cả chế độ. Giờ đây, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông không nên tái diễn sai lầm, lạm dụng quyền lực để phán quyết sự đúng - sai của những vấn đề nằm ngoài phạm vi hiểu biết và chức trách, ví dụ như những quan điểm về chính trị, xã hội, lịch sử…
Hiển nhiên, nếu chỉ nói lên sự thật thì không thể coi là vu khống, xuyên tạc hay bôi nhọ. Trong trường hợp nghi ngờ có vu khống, bôi nhọ, thì tất nhiên có thể điều tra và truy tố, nhưng thông thường phải đợi phía bị hại phát đơn kiện. Ở các nước văn minh, nhiều khi Tổng thống, Thủ tướng bị xúc phạm, hay bị cáo buộc oan trái, song họ vẫn lờ đi, vì không muốn bị dư luận đánh giá là hẹp hòi, cố chấp. Nếu bản thân họ muốn lờ đi cho sự việc chóng trôi qua, thì phía công an không thể tùy tiện xới lên, làm cho câu chuyện thêm phức tạp. Một khi đương sự không kiện cáo, không công khai đứng ra làm chứng trước cơ quan điều tra và tòa án, thì công an không thể nghiễm nhiên coi người phê phán đã vu khống, vì biết đâu nội dung phê phán lại đúng sự thật. Trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…", chưa thấy cá nhân và tổ chức nào đứng ra kiện cáo là mình bị vu khống, bôi nhọ, nên phía công an không thể mặc nhiên tỏ ra oan ức thay cho những đối tượng vu vơ.
Giả sử, Cơ quan An ninh điều tra chứng minh được một cách tuyệt đối chính xác, rằng một số bài đã đăng có nội dung sai trái đến mức phạm tội hình sự, thì về phía điều hành và đăng bài lên blog, ai phải đứng ra chịu trách nhiệm hình sự ? Tên của Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không hề xuất hiện trong danh sách Nhóm cố vấn và Nhóm trị sự được công khai danh tính trên blog "DÂN QUYỀN". Cho nên, về lý mà nói, khi Cơ quan An ninh điều tra thừa nhận nhóm điều hành công khai danh tính không phạm tội hình sự nên không truy tố, thì khó có thể bắt giam và kết tội hai người cộng tác "vô danh". Hơn nữa, không thể coi trách nhiệm hình sự của người đăng bài còn cao hơn trách nhiệm của tác giả. Vì thế, khi các tác giả không bị truy tố, thì cũng không thể truy tố những người liên quan đến chuyện đưa bài lên blog.
Xét về tổng thể, không được tách riêng 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để kết tội những người tham gia điều hành, duy trì blog. Bản kết luận điều tra viết : "Từ khi được lập đến khi Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy bị bắt, blog "DÂN QUYỀN" đã đăng 2.014 bài viết… ; blog "CHÉP SỬ VIỆT" đã đăng 383 bài viết…". Tức là, cho đến thời điểm ấy, hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT"đã đăng tổng cộng 2.397 bài. Giả sử 24 bài quả thật "có vấn đề", thì chúng cũng chỉ chiếm 1,00%. Do đó, không thể dùng chúng để phủ định toàn bộ hai blog. Hơn nữa, tất cả 2.397 bài của hai blog ấy gộp lại cũng chỉ là con số rất nhỏ so với khối lượng khổng lồ các bài đã được điểm tin hay đăng toàn văn trên blog "BA SÀM". Vì vậy, không thể tách riêng 24 bài đăng trên hai blog "DÂN QUYỀN" và "CHÉP SỬ VIỆT" để phủ định và kết tội Nguyễn Hữu Vinh.
Đối với Nguyễn Hữu Vinh, tình huống bất lợi xảy ra nếu Cơ quan An ninh điều tra chứng minh được chính ông đã viết ra bài nào đó, thể hiện đúng quan điểm của bản thân, lại có nội dung sai sự thật, khiến phía bị hại khởi kiện về tội vu khống, bôi nhọ… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc dùng một vài bài viết phạm sai lầm (nếu có) để đánh giá con người và phủ định các đóng góp tích cực của Nguyễn Hữu Vinh cũng tương tự như việc dùng mỗi một bài "Địa chủ ác ghê" để đánh giá về đạo đức và sự nghiệp của tác giả C. B.
Tóm lại, Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an chứa đựng nhiều điều sai trái, quá bất hợp lý. Những chứng cứ và lập luận được trình bày trong đó không thể buộc tội Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy. Ngược lại, Cơ quan An ninh điều tra càng phi lý và lúng túng trong việc buộc tội, thì càng chứng tỏ Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy không phạm tội. Phải chăng một số cán bộ điều tra cũng nhận thức như vậy, nhưng vì chịu sức ép từ trên là phải buộc tội bằng được, nên mới bất đắc dĩ dựng lên một hồ sơ vụ án bất hợp lý và đầy sai sót đến như vậy ?
Chưa cần xét đến sự phi lý, vi hiến của Điều 258 Bộ luật hình sự, thì đã có thể khẳng định rằng : Quyết định bắt giam và khởi tố Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy vớì lý do phạm tội theo Điều 258 Bộ luật hình sự là sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng. Sai thì sửa càng sớm càng tốt. Tránh đã sai lại càng sai thêm. Vì vậy, Bộ Công an cần quyết định thả ngay Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, đồng thời kết thúc vụ án.
Ngược lại, nếu cố tình tìm mọi cách để kết án tù Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy, thì có thể phạm những tội tương tự như họ đang cố gán cho hai người ấy, đó là dùng "nội dung sai sự thật, không có căn cứ"để kết tội phi lý và "bôi nhọ các cá nhân", "làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo đất nước của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Phụ lục 1
Bài "Chính quyền Hà Nội phá thối đám giỗ của Dân tộc" (đăng trên blog "CHÉP SỬ VIỆT" ngày 19/01/2014)
Nói vậy để những kẻ sinh sự dễ hình dung ! Thử tưởng tượng trong gia đình, dòng họ của họ có giỗ chạc, lại có đám lâu la tới làm reo, chửi tục, chắc họ không thể tha thứ. Đằng này là một đám Giỗ của cả Dân tộc Việt Nam, tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, tưởng niệm cả một phần đất bị ngoại bang - kẻ thù truyền kiếp trắng trợn xâm chiếm. Nên những kẻ phá đám giỗ này, độ thô bỉ và bất lương là tột cùng.
Tuy nhiên, trong cái nhìn thực tế, thì họ khó có chọn lựa nào hơn. Giới chóp bu sợ "bạn vàng" mà ra lệnh trấn áp buổi tưởng niệm. Giới hữu trách đứng đầu thành phố sợ trung ương nên ra lệnh tiếp. Có điều, những người thừa hành chưa hẳn là muốn, là không thấy xấu hổ, thậm chí đồng cảm với người dân yêu nước. Có thể họ đã chọn một cách hành xử vừa khỏi bị cấp trên khiển trách, vừa bớt bị dân lên án. Họ chỉ còn cách là kiếm chuyện phá quấy, tránh đàn áp, bắt bớ ?
Nhìn những hình ảnh dưới đây cũng có thể thấy không có mấy thái độ hung hăng, hằn học như đối với nhiều cuộc biểu tình, tưởng niệm trước. Tất nhiên, để lý giải cho hiện tượng này còn phải xét đến nhiều lý do, trong đó có cả sự bình tĩnh, khéo léo của người dân yêu nước, và sự có mặt của một số bậc cao niên, trí thức có tên tuổi cũng làm những kẻ thừa hành "công vụ" phải e nể.
Và cuối cùng, không thể không bàn tới thái độ của "các bên" trong giới chóp bu. Giờ là lúc họ đang cần tranh thủ lòng dân cho cuộc chiến "chống tham nhũng", kẻ tấn công, kẻ chống đỡ. Người dân bao năm không còn mấy tin tưởng thứ tuồng tích đó nữa, giờ cần lấy cảm tình trong câu chuyện chủ quyền. Ngoài ra, những động thái của Trung Quốc vừa qua cũng đã đặt giới lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam dần vào thế đường cùng khi không thể mãi che đậy sự khiếp nhược, thúc thủ hoàn toàn. Họ bất lực không có câu trả lời với ngư dân trước lệnh cấm, bắt xin phép đánh cá của Trung Quốc từ 1/1/2014 là một minh chứng.
Người dân và các phe phái trong chính quyền cùng "hẹn nhau" 1 tháng nữa - Kỷ niệm 35 năm ngày khởi sự đánh đuổi giặc Tàu xâm lược trên 6 tỉnh Biên giới phía Bắc 1979.
Phụ lục 2
Xin đừng nhầm với kiểu "xịt keo" cho tóc cứng dựng đứng như Đàm Vĩnh Hưng ! Ở đây đang nói đến thứ keo dán, như keo Con voi đang dùng ngoài thị trường. Chỉ có Việt Nam, với cách đánh du kích đã thắng bao nhiêu đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, mới có được tuyệt chiêu có một không hai trên thế giới như vậy. Giờ thì thứ vũ khí và cách đánh cũng rất "du kích" có tên là "xịt keo" sẽ thắng kẻ thù nguy hiểm bậc nhất của đảng, nó có tên là… CÔNG LUẬN.
Cách đánh này thần diệu nữa ở điểm, giả sử như chưa thắng lợi hoàn toàn, thì cũng là cố cầm cự cho nó qua ngày đoạn tháng, để các quan nhà ta hạ cánh rút quân an toàn, nhường cho thế hệ sau hậu sinh khả úy, sẽ có cách đánh tốt hơn. Biết đâu trong tương lai, từ kinh nghiệm tuyệt vời đó, đảng nhà nước sẽ tiến tới áp dụng xịt keo để hàn gắn cả những rạn nứt… nội bộ, và… chế độ, để tránh khỏi sụp đổ ?
Xin điểm qua những vụ "nứt" công trình lớn nhỏ trong nhiều năm qua để yên tâm với giải pháp này.
- Hầm đường bộ Kim Liên : Hầm Kim Liên lại thấm nước (Lao động, 4/12/2012). "Sau đó, chủ đầu tư và nhà thầu Taisei (Nhật Bản) khắc phục bằng cách bơm keo vào khe co giãn và đặt ống thoát nước vào khe co giãn dưới lòng đường theo hướng Kim Liên sang Đại Cồ Việt".
- Hầm Thủ Thiêm : Dùng keo chuyên dụng hàn vết nứt hầm Thủ Thiêm (TTXVN, 28/5/2010).
- Hầm Hải Vân : Nứt vòm hầm đường bộ Hải Vân là hiện tượng đáng lo ngại ? (Lao động, 2/11/2012). "Ban QLDA 85 và các nhà thầu đã cho sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành bằng biện pháp bơm keo cường độ cao vào các khe nứt".
- Cầu Đà Rằng : Vá cầu Rồng ở Đà Nẵng bằng keo silicon? (Đất Việt, 8/3/2014).
- Cầu Vĩnh Tuy : Đề xuất bơm keo trám khe nứt trụ cầu Vĩnh Tuy (Tiền phong, 4/3/2014).
- Đập Hồ Tả Trạch : Khắc phục hoàn tất các vết nứt tại đập tràn hồ Tả Trạch (Phụ nữ, 23/7/2013). "Đơn vị này đã xử lý vết nứt bằng keo và phun vữa kết dính theo giải pháp triệt để của Viện Khoa học Thủy lợi để tránh ảnh hưởng đến lớp thép âm ở bề mặt".
- Đập thủy điện Sông Tranh 2 : Đập Sông Tranh 2 : Xử lý rò rỉ bằng keo chống thấm (Tuổi trẻ, 18/4/2012).
- Đập Thủy điện Sơn La : Đập thủy điện Sơn La phát sinh vết nứt ? (Tuổi trẻ, 21/4/2012). "Sau khi được xử lý bơm keo PU phía hạ lưu, dòng thấm tập trung chảy vào trong hành lang thân đập ở cao trình 138m, 180m", và...
- Trong tương lai, khi có Nhà máy điện hạt nhân, giả định nếu có xảy ra sự cố nứt vách ngăn… bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân chẳng hạn, ta cứ dùng giải pháp xịt keo này là tuyệt cú mèo.
Phụ lục 3 
Danh sách 25 bài của TTXVN được đăng lại trên blog "BA SÀM" trong tháng 12/2013 
Bài 2136 : "Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường vào năm 2023 ?", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 01/12/2013.
Bài 2137 : "Tương lai của Internet sau vụ bê bối gián điệp toàn cầu của Mỹ", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 02/12/2013.
Bài 2139 : "ADIZ của Trung Quốc làm suy giảm ổn định khu vực", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 04/12/2013.
Bài 2141 : "Cải cách ở Trung Quốc giữa ý định và hiện thực", bài của TTXVN, blog "BA SÀM"đăng ngày 05/12/2013.
Bài 2142 : "Trung Quốc : Bùng nổ bạo lực đang tới gần", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 07/12/2013.
Bài 2147 : "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Nhà cải cách hay phi cải cách ?", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 08/12/2013.
Bài 2148 : "Thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình là kiểm soát truyền thông", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2149 : "Trung Quốc vẫn không có ‘sức mạnh mềm'", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2150 : "JPMorgan Chase với chiến lược đầu tư vào con cái các quan chức Trung Quốc", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 10/12/2013.
Bài 2151 : "Về ADIZ của Trung Quốc", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 12/12/2013.
Bài 2154 : "Sự thận trọng của Barack Obama trong việc vạch ra các giới hạn đỏ ở Syria", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 14/12/2013.
Bài 2156 : "Ảnh hưởng của TPP đối với Trung Quốc và ứng phó của Trung Quốc", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 16/12/2013.
Bài 2157 : "Ba hiệu ứng từ chiến lược TPP của Mỹ", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 17/12/2013.
Bài 2161 : "ADIZ của Trung Quốc : Ngòi nổ của một cuộc xung đột mới ở Đông Bắc Á ?", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 19/12/2013.
Bài 2162 : "Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có đi quá xa trong vấn đề ADIZ của Trung Quốc ?", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 19/12/2013.
Bài 2164 : "Trung Quốc : Giá trị chính trị tiềm ẩn của Hội nghị Trung ương 3″, bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 20/12/2013.
Bài 2168 : "Trung Quốc cần thay đổi quan điểm về Tây Tạng", bài của TTXVN, blog "BA SÀM"đăng ngày 23/12/2013.
Bài 2170 : "Mỹ đang nhường đường cho Trung Quốc ?", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 23/12/2013.
Bài 2173 : "Trung Quốc hưởng lợi từ bàn tay kiềm chế của Mỹ", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 24/12/2013.
Bài 2174 : "Cán cân sức mạnh đang thay đổi ở Châu Á - Thái Bình Dương Quốc", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 24/12/2013.
Bài 2179 : "Tổng thống Philippines thay đổi lập trường về Trung Quốc", bài của TTXVN, blog"BA SÀM" đăng ngày 28/12/2013.
Bài 2180 : "Về chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Bài 2181 : "Myanmar với những bước đi thăm dò trong thời kỳ quá độ", bài của TTXVN, blog"BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Bài 2184 : "Trung Quốc trước thực tế mới ở Myanmar", bài của TTXVN, blog "BA SÀM" đăng ngày 30/12/2013.
Phụ lục 4
Trang cuối của Bản kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra
ketluan_dieutra_anhbasam_nguyenhuuvinh
Hà Nội, ngày 05/12/2014
Theo BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét