Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Suy nghĩ về chữ "Hèn" qua tấm hình minh họa

danguyen00"...Chung sức chung tay mới xây nổi cơ đồ. Phụ nữ hiện đại đòi bình đẳng cũng phải có trách nhiệm với đất nước như nam giới. Chữ "Hèn" đây phải xét lại cả hai giới, không nên đổi lỗi hết cho đàn ông..."


Nhân đọc bài của Từ Huy đăng trên Thông luận, và qua đọc lại bài "Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thay trâu" đăng trên báo điện tửphunutoday.vn ngày 30/01/2012 lúc 15/47, để hiểu thêm chữ "hèn" cho rõ nghĩa.
Thời chiến tranh, người nông dân coi con trâu làm đầu cơ nghiệp. Trâu bò là tài sản quý của họ. Khi bàn về gia sản, người ta thường nói nhà đó có nhà ngói và có mấy con trâu con bò. Thỉnh thoảng mới có nhà ngói, toàn nhà lớp rạ. Đi làm đồng bao giờ phụ nữ cũng đội nón che vì đề phòng mưa nắng bất chợt khi đang làm giữa cánh đồng mênh mông.
phunu_cay_thaytrau01
Ngày nay nhìn ảnh thấy đời sống dân lên cao, nhà hai tầng mọc đầy, ngói đỏ, xây kiểu cách. Như vậy đời công nghiệp đã đô thị hóa nông thôn. Đất Hải Hưng hiện nay giá đắt ngang ngửa đất Hà Nội. Vì Hà nội mở rộng đến sát Hưng Yên. Nông thôn Hưng Yên bây giờ khác với Hưng Yên thời chiến tranh. Người Hà Nội chen chân lên đây mua đất. Vì vậy nông dân giàu lên nhanh chóng do "bán đất". Người ta không còn muốn "bám đất" mà "bám thành phố" để sống dễ hơn. Xe máy chạy vù vù trong làng. Quạt điện chạy ầm ầm, rất ít gặp ở đây cảnh mấy bà già ngồi cầm quạt nan đuổi ruồi và ngồi hóng mát trước hiên nhà tranh vách đất. Nông dân còn phóng cả xe máy đi thăm đồng ở Hưng Yên.
Quan sát bức hình, người mẹ đang khúc khích cười đẩy cày gợi nhớ mấy cái ảnh cổ động xưa thời chiến tranh "lao động là vinh quang", "tình yêu bắt nguồn từ lao động"… Trong ảnh quảng cáo thời đó, các cô gái đảm đang vác cày cuốc cười tươi, liếc mắt đưa tình chàng trai đang lái máy cày, hay phụ nữ ba đảm đang ra đồng thay đàn ông đi chiến đấu.
Trong ba cô gái kéo đằng trước, cô áo xanh lúc nào cũng dùng tóc xõa che mặt. Hai cô sau nhìn về cùng 1 phía, trông không phải kéo cày vất vả. Vì lội ruộng thì phải nhìn xuống phía đất và nhìn thẳng. Đi cày mà tóc chải thẳng mượn chẳng buộc khăn che. Nông dân đi lao động, tóc thường buộc lại hoặc lấy khăn cuốn, để khỏi hỏng tóc và tránh nắng mưa. Lao động vất vả, mà tóc che cả mắt thì kéo cày cái gì ? Ba cô "nông dân" này nếu đi xe đạp hay xe máy chắc chắn che mặt kín theo mốt ngày nay vì sợ nắng. Con gái nông thôn đi cày không đội nón, không che khăn phơi gió phơi sương thì mặt phải đen, mặt rạn nứt, cằn cỗi. Trong ảnh ba cô mặt trắng trẻo sáng sủa trông như gái thành thị. Kéo cày thì khom chút đi phía trước, đây lại mặt nhìn nghiêng, ngực thậm chí có vẻ hiên ngang ưỡn ngực để khoe.
phunu_cay_thaytrau02
Đi làm đồng, không che nắng sương, tóc dài che cả mắt,
cả mặt, chẳng có dáng đang kéo cày
Vậy những hình ảnh "tạo dáng" này để nói lên sự khổ cực của phụ nữ Việt để nói lên cái "hèn" có thuyết phục được người đọc không nhỉ ?
Phụ nữ Việt Nam vốn cực khổ, luôn bị mấy cái chữ "công, dung, ngôn, hạnh", "tam tòng" hành hạ. Phụ nữ ngày nay cũng đã khác xưa, nhưng chưa thoát được giáo lý Khổng tử.
Thời chiến tranh, phụ nữ có chồng, còn "lẳng" là coi như hư hỏng. Đàn bà không chồng mà chửa là chuyện tày đình. Phụ nữ nạo thai phải có giấy kết hôn và chữ ký của chồng. Thời nay phụ nữ Việt Nam "bạo dạn" hơn nhiều, biết người đàn ông có vợ, có con, vẫn cứ lao ào ào chẳng sợ dư luận. Vợ người ta có ghen hay đánh ghen lơ mơ là bị báo chí kiện vì tội "phạm đến danh dự", thậm chí cô bồ còn gọi điện thẳng đến nhà để trấn áp bà vợ. Báo chí bây giờ đăng đầy ca ngợi các ca sĩ dũng cảm làm "mẹ độc thân".
Nam nữ bình đẳng. Đàn ông kéo cày được thì phụ nữ cũng kéo cày được. Phụ nữ làm phó chủ tịch nước, phụ nữ lên vũ trị, phụ nữ làm tổng tư lệnh… Nên ngày nay, đàn ông ngoại tình, phụ nữ cũng sẵn sàng. Có nhu phải có cầu. Ông ăn chả bà ăn nem.
danong_keocay
Đàn ông cũng kéo cày
Hình ảnh trên là thể hiện sự bình đẳng với nam giới. Hình ảnh này cũng là sự tạo dáng lên khung của mấy ông thợ ảnh (chị em lao động cực nhọc mà cười tủm tỉm, mặt rạng rỡ). Ruộng chia sào, ngăn thành thế kia (xem trong hình), thuê máy cày sao được. Ruộng cứ thu nhỏ lại không bỏ công chăn trâu, dắt trâu ra đồng. Nông dân bây giờ khôn hơn nhiều. Họ cứ xây đại lên đất nông nghiệp rồi bán nhà lãi hơn canh tác cả đời. Đất đã quốc hữu hóa, tịch thu đất của địa chủ chia cho dân nghèo. "Người cày có ruộng". Bây giờ công nghiệp hóa nông thôn, dân bán một phần đất được chia cho người thành phố, xây một phần. Một số nhà có ruộng khoán, chẳng bao giờ thèm canh tác, cho hàng xóm thuê để khỏi bị hợp tác xã phạt, lên thành phố làm osin có tiền hơn. Nhưng đất chia vẫn xí để vài năm thành thị lấn nông thôn, lại bán. Giấy tờ đất nông nghiệp từ từ biến thành đất thổ công có giấy chứng nhận của chính quyền đoàng hoàng. Chính quyền "tất cả vì dân" và luôn đề cao khẩu hiệu "dân giàu, nước mạnh". Chính quyền cũng giàu lên. Một số nơi ủy ban nhân dân quận huyện đẹp nguy nga hơn tòa thị chính ở một vài nơi nước Pháp. Cán bộ huyện đi xe ô tô sang lắm. Nhà ông Trần Văn Truyền là một điển hình còn sang hơn các tòa thị chính các thành phố vệ tinh ngoại ô Paris. Nếu báo chí "hèn" không lên tiếng, Trần Văn Truyền hay ông Hoàng Văn Nghiên, cựu thị trưởng thành phố Hà Nội, sẽ không trả lại đất, trả nhà công vụ mà để con cháu dùng.
Đàn bà sinh ra đâu chỉ để làm cảnh, mua vui cho đàn ông, lúc nào cũng phải tỏ ra yếu liễu đào tơ, í éo bên chàng, rồi than thân trách phận. Tinh thần Bà Triệu, Bà Trưng đâu hết rồi. Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn. Chung sức chung tay mới xây nổi cơ đồ. Phụ nữ hiện đại đòi bình đẳng cũng phải có trách nhiệm với đất nước như nam giới. Chữ "Hèn" đây phải xét lại cả hai giới, không nên đổi lỗi hết cho đàn ông.
09/12/2014
Trần Thu Dung (Paris)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét