Ảnh bên:Mẹ của tử tù Hồ Huy Hải (phải, ảnh) đến tòa soạn Báo Lao Động kêu cứu.
Mẫu vân tay, mẫu máu thu được ở hiện trường, giám định của công an khẳng định không phải của hung thủ Hồ Duy Hải. Hung khí giết hai nạn nhân được cơ quan điều tra đã cho mua ở ngoài về để làm tang vật. Tuy nhiên, cả Hội đồng xét xử (HĐXX) phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng đó chỉ là thiếu sót không lớn và lời khai của bị cáo phù hợp với hiện trường vụ án nên đã tuyên Hồ Duy Hải án tử hình vì tội “giết người” và “cướp của”.
Máu và vân tay ở hiện trường là của ai?
Cả hai bản án (sơ và phúc thẩm) đều nhận định, bị cáo Hồ Duy Hải khi giết hai nạn nhân (chị Hồng và chị Vân) tại Bưu cục Cầu Voi cùng dùng tay bóp cổ, kéo xác nạn nhân, dùng dao cắt cổ, lấy thớt, ghế đập đầu nạn nhân, mở tủ... Biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận có dấu vết đường vân trên kính cửa buồng ngủ, cửa nhà vệ sinh, vòi rửa tay... Cơ quan điều tra (CQĐT) đã thu giữ và gửi đến phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An để giám định.
Tuy nhiên, kết quả giám định khẳng định: “Không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Máu thu được ở hiện trường khi giám định cũng không phải là máu của Hồ Duy Hải (sinh 1985, tạm trú tại ấp 1, xã Nhị Thành, Thủ Thừa, Long An).
Vậy, dấu vân tay, mẫu máu thu được ở hiện trường là của ai, nếu CQĐT chưa làm được thì các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện KSND, TAND) cũng đã không yêu cầu làm rõ?
Nhưng, bản án sơ thẩm số 281/2009 của TAND tỉnh Long An vẫn cho rằng “vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay cũng như mẫu tóc ngắn bị gãy không giám định được là đương nhiên”(?!). Và trước sinh mệnh của một con người, hai yếu tố quan trọng nhất để xác định hung thủ bằng khoa học thì lại được tòa nhận định rằng “thiếu sót đó không lớn”(!?).
Việc kết luận giám định mẫu máu và vân tay đã rõ chứ không phải như nhận định của tòa là “không giám định được”.
Bản án phúc thẩm số 28/2009 của tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM lại không đề cập đến kết quả giám định mẫu máu và mẫu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An. Tại sao tình tiết quan trọng này lại không được nêu trong bản án?
Hai biên bản do Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Long An lập ghi rõ chiếc thớt do chị Hiếu mua về giao cho công an, và chiếc dao do anh Thu mua về, giao công an, được đưa vào hồ sơ vụ án là tang vật. |
Mua thớt về để làm... vật chứng
Theo nhận định trong bản án (sơ và phúc thẩm) thì bị cáo Hồ Duy Hải đã dùng thớt, ghế để đập đầu hai nạn nhân, dùng dao Thái Lan cắt cổ nạn nhân... nhưng tại hiện trường, CQĐT lại không thu giữ được hung khí thớt và dao. Trong hồ sơ của vụ án (bút lục số 205) có biên bản xác nhận đồ vật được lập vào lúc 13h50 ngày 26.6.2008 tại phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CA tỉnh Long An.
Nhưng điều không thể hình dung trong vụ trọng án này là, để “thu thập” chiếc thớt (hung khí gây án) làm chứng cứ, cơ quan CSĐT đã cho chị Nguyễn Thị Thu Hiếu (bạn của nạn nhân) đi mua tấm thớt gỗ tròn (có đường kính 27cm, độ cao 4cm) được chị Hiếu xác nhận là giống với chiếc thớt ở Bưu cục Cầu Voi mà chị đã nhìn thấy chị Hồng và chị Vân (hai nạn nhân) thường sử dụng để giao nộp cho Cơ quan CSĐT để bổ sung hồ sơ. Và bi hài ở chỗ, chiếc thớt mới mua này được coi là tang vật vụ án?
Tương tự như con dao được Hội đồng xét xử nhận định là hung khí mà Hồ Duy Hải dùng để cắt cổ hai nạn nhân. Điều lạ lùng là, ngay khi khám nghiệm hiện trường thì CQĐT đã không phát hiện được con dao, nhưng ngày hôm sau, các dân phòng đến dọn dẹp hiện trường lại thấy một con dao Thái Lan và có báo với công an, nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ, và đã đốt con dao đó cùng các vật dụng khác.
Cần phải nói rõ rằng, nếu lực lượng dân phòng đốt con dao Thái Lan thì chỉ có thể cháy phần nhựa ở chuôi dao. Sức nóng của lửa không thể đủ độ nóng để làm tan chảy lưỡi dao. Vậy vì sao CQĐT lại không thu giữ con dao bị đốt để làm vật chứng vụ án. Theo nhận định của bản án phúc thẩm thì dù không thu được hung khí gây án nhưng qua lời khai của bị cáo phù hợp với bản ảnh hiện trường. Như vậy, chứng cứ buộc tội bị cáo chỉ là lời khai.
Chúng tôi chỉ mới điểm đến những tình tiết vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng ( mẫu máu, dấu vân tay, cách thu thập tang chứng là thớt gỗ và con dao), thế nhưng, thật tiếc là HĐXX phiên tòa phúc thẩm dù thừa nhận “quá trình điều tra có những thiếu sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng” nhưng vẫn nhất nhất rằng “không nghiêm trọng” để rồi phán quyết bản án tử hình.
Từ những chứng cứ buộc tội này, gia đình phạm nhân và luật sư bào chữa - Nguyễn Văn Đạt, luật sư hỗ trợ pháp lý Trần Hồng Phong đã gửi đơn tới Chủ tịch Nước, Viện KSNDTC, TANDTC đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm vì những chứng cứ buộc tội bị cáo chưa được cơ quan tư pháp làm rõ và có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng. Theo khoản 2, Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì “lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Ngày 25.11, sau khi nghe thông báo của cán bộ TAND tỉnh về việc sắp thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải và hỏi gia đình có làm đơn xin nhận xác không, bà Nguyễn Thị Loan vội ra Hà Nội - một lần nữa gửi đơn xin được xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm vì ngay trong bản án đã bộc lộ chứng cứ buộc tội bị cáo chưa được cơ quan tư pháp làm rõ và có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng. Đồng thời, bà Loan đã đến “gõ cửa” tòa soạn báo Lao Động, bởi gần đây nhất, báo đã đăng loạt bài về vụ kỳ án Huỳnh Văn Nén, mà chứng cứ buộc tội cũng “na ná” như trường hợp Hồ Duy Hải.
Nhóm phóng viên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét