Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập, chính quyền Việt Nam muốn gì?

nguyenquanglap01“…Một thông điệp tưởng chừng không thể rõ ràng hơn được nữa của chính quyền Việt Nam chuyển đến người dân, nhất là trước các kỳ họp quan trọng của đảng cộng sản: sẽ không bao giờ có dân chủ và tự do dưới chế độ này…”


nguyenquanglap02
Nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái tên rất nổi tiếng tại Việt Nam, trước đây mọi người biết đến ông qua các tác phẩm văn học và hiện nay trang blog của ông  bolapquechoa.blogspot.com đã thu hút một lượng độc giả kỷ lục, lên tới hàng chục triệu lượt truy cập. Trang blog của ông và Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh được biết đến như là những blog có nhiều người truy cập nhất tại Việt Nam. Nguyễn Quang Lập là một văn nghệ sĩ trí thức đúng nghĩa. Ông có trái tim để biết đau nỗi đau của đồng bào mình, ông có tâm hồn để rung động trước những nghịch cảnh, ông có một trí tuệ để biết được cái gì đúng cái gì sai, ông có sự dũng cảm để cất lên tiếng nói của lẽ phải…
Ông không phải là người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, tức là những người có tham gia vào một tổ chức chính trị. Ông chỉ muốn nói lên tiếng nói của sự thật và công lý, tiếng nói của một nghệ sĩ chân chính. Một nghệ sĩ chân chính phải là người biết chia sẻ nỗi đau cũng như niềm hạnh phúc với nhân dân mình. Ông đã cố gắng với mức cao nhất để chuyển tải những giá trị của tự do, dân chủ, lẽ phải và công bằng đến với người đọc một cách ôn hòa nhất, ít khiêu khích chính quyền nhất. Ông không hoạt động chính trị mà chỉ bày tỏ “thái độ chính trị” của mình. “Thái độ chính trị” của mỗi công dân là quyền và nghĩa vụ đã được luật pháp qui định, ví dụ khi đi bỏ phiếu bầu quốc hội là mỗi người đã bày tỏ “thái độ chính trị” của chính mình. Đây không phải là một cái tội, và nếu chính quyền Việt Nam xem đó là cái tội thì nên bỏ ngay các cuộc bầu cử các cấp và khỏi cần thăm dò hay lấy ý kiến của người dân, vì khi người dân bày tỏ “thái độ chính trị” của mình (là đồng tình hay không đồng tình) thì đều có thể “mắc tội” với nhà nước.
Trang Blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập phải nói thẳng là rất ôn hòa và cẩn thận, ông không hề đăng các bài viết có xuất xứ từ các đảng phái, tổ chức chính trị như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên dù rằng trong thâm tâm chúng tôi tin rằng ông chia sẻ với những giá trị dân chủ mà chúng tôi xiển dương. Ông từng lo cho người bạn của ông là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh khi thấy ông Chênh năng nổ và xông xáo. Ông bị bắt khi đang bị trọng bệnh sau một vụ tai nạn nghiêm trọng. Có lẽ được sống lại lần thứ hai nên ông cảm nhận được giá trị của cuộc sống vì rằng một trong những điều tiếc nuối nhất của đời người trước lúc nhắm mắt xuôi tay là đã không sống một cuộc sống có ý nghĩa theo đúng với mong muốn và suy nghĩ của chính bản thân mình.
Bắt ông, chính quyền Việt Nam đã bất chấp mọi đạo lý, luật pháp và cả sự nhân đạo tối thiểu. Ông bị bắt vì mọi người quí ông, biết đến ông và lắng nghe ông. Một thông điệp tưởng chừng không thể rõ ràng hơn được nữa của chính quyền Việt Nam chuyển đến người dân, nhất là trước các kỳ họp quan trọng của đảng cộng sản: sẽ không bao giờ có dân chủ và tự do dưới chế độ này. Mọi tiếng nói bất đồng quan điểm, dù ôn hòa nhất vẫn sẽ bị đàn áp thẳng tay. Cũng có ý kiến cho rằng việc bắt ông Lập và bà Bùi Hằng, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và ông Hồng Lê Thọ là do chính quyền Trung Quốc giật dây vì những trang blog này đều phản đối những hành động gây hấn và lấn chiếm của chính quyền Trung Quốc. Nghi ngờ này của dư luận cũng có lý do của nó vì có thể chính quyền Việt Nam đã mất chủ quyền vào tay Trung Quốc từ lâu. Chính vì mất chủ quyền nên khi Việt Nam xích gần lại với Mỹ và các nước dân chủ thì Trung Quốc không hài lòng nên các vụ bắt bớ đã xảy ra. Sau những  vụ việc này chắc chắn quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ xấu đi.
Một lý do nữa theo blogger Huỳnh Bá Hải thì việc bắt ông Lập còn nhằm mục đích răn đe giới văn nghệ sĩ vì theo ông Hải, giới văn nghệ sĩ và giới am hiểu luật pháp như luật sư, nhà báo… luôn là những người đầu tiên đứng lên cổ vũ cho phong trào dân chủ tại các nước độc tài. Điều này là hiển nhiên.
Nếu bị truy tố thì ông Lập sẽ bị khép vào điều 258 “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của các tổ chức và cá nhân…”. Chúng ta đều biết điều luật 258 bị các tổ chức nhân quyền lên án vì nó chống lại quyền tự do của con người, hơn nữa Việt Nam làm gì có dân chủ và tự do mà lợi dụng? Ngay cả các nước dân chủ nhất cũng không thể có điều luật vớ vẩn và vô lý như vậy được. Điều luật này cũng xúc phạm đến nhân phẩm và trí tuệ của người Việt Nam vì rằng “lợi dụng” chưa và sẽ không bao giờ là một cái tội vì nó quá mơ hồ. Luật pháp cần phải nghiêm minh, cụ thể, chính xác, rõ ràng và dễ hiểu. Lợi dụng  tình cảm, lòng tốt của người khác hay lợi dụng các kẻ hở của luật pháp để trục lợi không phải là hành vi phạm pháp mà thuộc về phạm trù của đạo đức. Đạo đức có thể xấu nhưng không thể kết tội đạo đức. Tại nhiều nước phát triển các luật sư có thể bày cho thân chủ hay viết sách dạy cách lách luật, ví dụ để trả thuế ít hơn…và họ không bao giờ bị truy tố về tội “lợi dụng” này nọ.
Việc chính quyền Việt Nam bắt nhà văn Nguyễn Quang Lập có thể xem như là một hành vi thách thức dư luận Việt Nam, đặc biệt là thách thức giới trí thức Việt Nam. Một trong những lý do khiến chính quyền dám làm điều đó vì họ rất coi thường trí thức Việt Nam, và về một khía cạnh nào đó thì chính quyền hoàn toàn đúng. Trí thức Việt Nam mắc hai “căn bệnh” nghiêm trọng, thứ nhất là không yêu nước và thứ hai là không biết gì về chính trị. Vì không yêu nước nên trí thức Việt Nam không biết đau nỗi đau của người dân, chỉ cần có một chút công danh hay tiền bạc là họ hài lòng và mặc kệ người dân đen sống chết mặc bay. Vì không yêu nước và không thương yêu người Việt Nam nên họ chọn cách mũ ni che tai, nhắm mắt bịt tai trước những bất công và ngang trái đang diễn ra hàng ngày trước mặt họ. Họ ngồi và họ chờ đợi, họ không tin vào mình và tin vào người khác, họ không tin ai cả. Ai cầm quyền thì họ phục vụ người đó. Đấu tranh là việc của người khác. Hiểu được điều này để chúng ta thêm kính trọng những người như nhà văn Nguyễn Quang Lập, là những người biết đau nỗi đau của người dân, biết rung động trước những ngang trái cuộc đời.
Khi nói trí thức Việt Nam không biết gì về chính trị chắc sẽ có nhiều người nổi giận nhưng thực tế là hoàn toàn đúng như vậy, chúng ta không nên tránh né và tự ái làm gì. Nếu có hiểu biết về chính trị thì trí thức Việt Nam không hùa theo chính quyền để ngụy biện rằng dân trí còn thấp nên chưa thể có dân chủ, phải từ từ, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trước đã rồi mới thực thi dân chủ sau. Họ viện cớ rằng dân chủ và đa đảng ngay sẽ loạn; đảng nào lên cầm quyền cũng thế, tất cả đều vị quyền lợi của đảng mình. Theo lập luận của họ, đấu tranh là phải hợp tác với chính quyền để cùng thay đổi, không cần phải tham gia hay thành lập các đảng phái đối lập vì như thế là đối đầu và sẽ không có kết quả…
Trong khi đó, sự thực hoàn toàn ngược lại, có dân chủ và tự do mới có phát triển. Mỹ và Châu Âu thực thi dân chủ cách đây hơn 200 năm khi người dân các nước đó chưa biết đọc, chưa biết viết và chưa hề có các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ. Dân chủ là cách thức tổ chức và quản lý  xã hội một cách hợp lý nhất để giải phóng mọi tiềm năng trong mỗi người. Vì dân chủ là tôn trọng con người, tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, tôn trọng luật pháp nên con người mới dám mạo hiểm, sáng tạo và cống hiến, nhờ đó xã hội mới phát triển và tiến lên.
Trí thức Việt Nam vẫn chưa hiểu một điều rất căn bản và sơ đẳng trong đấu tranh chính trị đó là phải có tổ chức. Cá nhân và các giải pháp cá nhân không thể nào qui tụ, tập hợp được quần chúng và vì thế không thể đi đến thắng lợi cuối cùng. Trí thức Việt Nam đã không đảm nhận chức năng và trách nhiệm của mình là hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng. Trí thức Việt Nam dù biết rõ là chế độ cộng sản tồi dở nhưng vẫn cứ loay hoay tìm cách sửa chữa nó thay vì xác quyết một cách rõ ràng là phải chấm dứt nó.
Vì thiếu hiểu biết nên trí thức Việt Nam không dám nhập cuộc một cách thật sự bằng cách đứng hẳn vào một tổ chức chính trị, kết hợp với nhau trong cùng một đội ngũ, cùng xây dựng một lực lượng dân chủ hùng mạnh để làm đối trọng và thay thế đảng cộng sản.
Thiếu hiểu biết nên trí thức Việt Nam thiếu niềm tin, không dám tin vào những điều tốt đẹp, vào những giá trị đúng cần phải làm. Rất nhiều trí thức Việt Nam chỉ dám bày tỏ “thái độ chính trị” trong bóng tối thay vì bày tỏ một cách công khai và đường hoàng như Nguyễn Quang Lập. Cũng chính vì thiếu tự tin và thiếu đoàn kết nên phong trào dân chủ Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ, mỗi người tranh đấu là một chiếc đũa rời rạc nên chính quyền dễ dàng và tự tin bẽ gẫy hết chiếc đũa này đến chiếc đũa khác. Các giải pháp cá nhân luôn là lựa chọn hàng đầu của trí thức Việt Nam thay vì một giải pháp tập thể. Trí thức Việt Nam vẫn còn dị ứng với các tổ chức chính trị nhưng nếu không có các tổ chức chính trị thì làm sao tranh đấu thắng lợi? Không có Công Đoàn Đoàn Kết thì phong trào dân chủ làm sao thắng được chế độ cộng sản tại Balan và Đông Âu? Nếu người dân và trí thức Balan không ủng hộ thì làm gì có Công Đoàn Đoàn Kết?
Sẽ có người cho rằng chỉ cần tham gia vào một tổ chức chính trị là bị bắt ngay lập tức? Điều đó không sai nhưng không nhất thiết là phải cứ tham gia vào một tổ chức chính trị mới là làm chính trị, chỉ cần bày tỏ thái độ của mình đối với một tổ chức chính trị là cũng đủ. Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Bọ Lập được biết đến là nhờ rất nhiều người ủng hộ, truy cập vào trang blog và họ nổi tiếng. Tuy nhiên dù nổi tiếng đến đâu thì họ cũng chỉ gây khó chịu cho chính quyền Việt Nam chứ không thể nào là đối trọng và thay thế được đảng cộng sản, trong khi Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên của chúng tôi dù chưa được nhiều người biết đến và ủng hộ mạnh nhưng chúng tôi là một tổ chức chính trị có qui củ nên hoàn toàn có thể làm đối trọng và thay thế đảng cộng sản khi cần thiết. Tuy vậy chúng tôi vẫn nhận được rất ít những lời chia sẻ (dù khen hay chê) của người dân, đặc biệt là từ trí thức Việt Nam.
Biết được điều đó nhưng chúng tôi không bi quan vì chúng tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh này cần phải kiên trì và bao dung. Hơn nữa chúng tôi biết rằng thời của lớp trí thức cũ đã qua đi, một lớp trí thức mới đã nhập cuộc, trong đó có một thành phần trí thức mà trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có: những trí thức chính trị.“Những người trẻ này hiểu biết hơn hẳn các thế hệ đàn anh và không còn một ảo tưởng nào về chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Họ không còn loay hoay tìm cách cải tiến chế độ mà đã hiểu dứt khoát là phải chấm dứt nó. Họ dám làm, quyết làm và biết làm và đang khám phá ra rằng phải kết hợp với nhau trong một đội ngũ để làm; họ đã hiểu rằng đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có tổ chức. Đất nước sắp thay đổi vì đã thay da đổi thịt”.
Việt Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét