Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Ngoại lai

Lân mẹ, Lân con
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây…” Hai mươi năm và những năm sau này, dù đóng cửa hay mở cửa, Việt Nam vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi ngoại quốc trên nhiều phương diện.
Các nền văn hóa trên thế giới luôn có sự giao thoa. Dù cố gắng giữ gìn bản sắc dân tộc mấy nhưng ngàn năm, trăm năm, chục năm… các dân tộc đều chịu ảnh hưởng nhau không ít thì nhiều, từ tín ngưỡng, nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, giao tiếp, ngôn ngữ, phong tục…
Vấn đề là ảnh hưởng đến mức độ nào.
Một trong những bàn cãi ồn ào gần đây nhất là những con sư tử đá, được dựng không những ở trước công viên, đình, đền, miếu mạo, di tích lịch sử, mà vào cả cố đô Hoa Lư…, công sở, rồi tới ngân hàng, trung tâm thương mại, biệt thự và tư gia… Khi xây một công trình mới, người ta thường sắm đôi sư tử đá đặt trước cổng, trước cầu thang để phô trương sự oai phong, tăng thêm phần bề thế.
Linh vật được dựng trước đình đền miếu đài của Việt Nam trước kia thường nhỏ bé hoặc cân đối tương xứng với khối kiến trúc chính.
Nay, phim ảnh Tàu dày đặc trên màn ảnh truyền hình đồng thời các tour du lịch Trung quốc được tổ chức dày đặc, du khách trầm trồ những linh vật vĩ đại trấn trước chốn thờ tự hoặc các địa điểm kinh doanh nên bê nguyên hình tượng đó về nước. Kể luôn sư tử dũng mãnh châu Âu cũng được nhanh chóng mang vào Việt Nam luôn.
Sư tử nào cũng là sư tử. Miễn nhìn vật oai nghiêm nhe nanh sừng sững thật xứng đáng trước tòa nhà hoành tráng. Ngoài lý do tín ngưỡng như một trấn yểm thì lắm khi thiên hạ coi đôi sư tử đá là chuyện bình thường như chậu kiểng, hồ nước… trang trí. Xưa kia rồng hay sư tử chỉ ngự chốn linh thiêng, uy vũ. Trước cổng thông thường chỉ bày chó đá trông nhà. Thế nhưng con chó đá cổ truyền trông có chiều nhu mì quá. Thời thế thay đổi, chó nhảy bàn độc thì sư tử lộn xuống nhà dân cũng sự thường. Mà khi đã quăng vào nơi bát nháo, hỗn độn thì sư tử dù Tây, Tàu hay Ta cũng thế thôi!
Phong trào du lịch phát triển và người Hoa đổ vào làm ăn ở Việt Nam, lại mang theo hình ảnh tì hưu, theo tín ngưỡng của người Hoa, được coi là linh vật giữ của vì chỉ ăn vào mà không thải ra. Chỉ với một lý do đó, tì hưu chẳng mấy chốc đã được người Việt dễ dãi mang vào Việt Nam. Người ta đua nhau sắm tì hưu để đeo cổ, bài trí nơi làm ăn và cả tư gia để mong tài lộc hưng vượng.
Chỉ tới khi biển Đông dậy sóng, mọi người mới giật mình nhìn lại thì té ra những hình ảnh thuần Việt biến đâu mất. Khắp nơi toàn linh vật có nguồn gốc “ngoại lai”. Một ít sư tử Tây, còn lại toàn Tàu.
Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vội vã khuyến cáo các cơ quan chức năng không được sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Hà Nội cũng đã ra lệnh đến hết tháng 12 năm nay, không nơi nào được trưng bày các “linh vật ngoại lai” nữa.
Lệnh ban ra ai nấy đều thông tỏ nhưng để chấp hành thì mọi người bối rối, không biết giải quyết cách nào.
Công nhân của các công ty đá mỹ nghệ, gốm sứ kêu trời vì không có khách, khách đặt hàng rồi thì bỏ ngang chứ lấy về rồi biết đặt ở nơi đâu? Làng đá Non Nước phen này điêu đứng vì bảy mươi phần trăm sản phẩm của nơi này là “ngoại lai”. Bây giờ muốn thay đổi khó vô vàn.
Số phận của sư tử, kỳ lân, tì hưu, cá sấu, voi… kể luôn đèn đá, quả cầu… cũng được mang ra mổ xẻ chi li. Các nhà chuyên môn phân biệt nào là sư tử Việt hiền hòa hơn, miệng ngậm ngọc thanh bình chứ không nhe răng nhọn hoắt, dữ tợn như sư tử Tàu và Tây… Hỏi đến dân chúng mười người thì cả mười hoàn toàn mơ hồ không thể phân biệt đâu là Việt Nam và đâu là ngoại.
Thế nhưng sư tử ngoại, hình ảnh thống nhất không khác nhau nhiều.
Riêng thợ vẫn không rõ hình mẫu linh vật thuần Việt chính xác ra sao? Nên chọn rồng thời Trần hay thời Lý, sư tử thời Lê hay thời Nguyễn phân biệt chỗ nào. Ông sấm (sư tử), ông tượng, lân phụ, lân mẫu, lân nhi… vẻ mặt, cặp mắt, hàm răng… kích cỡ bao nhiêu kẻo làm xong lại lắm ý kiến phản bác thì phiền quá.
Nghê vốn là một vật thuần Việt chuyên được bày trước điện thờ hay bàn thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu… nhưng thực tế chẳng mấy ai biết đến và giờ muốn chế tác thì không biết chừng nào các bộ, các sở mới họp xong để đưa ra khuôn mẫu chính xác. Các công ty đá mỹ nghệ đợi nhà nước mau mau ra dáng kiểu để họ trông theo mà tạc. Chứ làm xong mà bỏ xó hoặc phải vất bỏ thì thật phí. Ngay cả Cục Di sản cũng không có đến một chuyên viên mỹ thuật giỏi thì có vẻ mọi vấn đề chỉ đưa ra chứ giải quyết không nổi.
Linh vật ngoại lai bày ở tư gia thì giải quyết tương đối dễ, chắc là đập bỏ thôi mặc dù ai cũng thấy khó xuống tay đập tan một vật được gọt giũa đẹp đẽ và giá hàng trăm triệu chứ đâu có rẻ chút nào. Giữ lại thì biết bao nhiêu kho chứa cho nổi. Kiếm một chỗ đẩy đi bây giờ quá khó, không nơi nào nhận giữ vì theo tâm lý thông thường, các vật mang cúng đền miễu, không ai muốn nhận về nữa. Giờ đây khi đã kết tội ngoại lai, vật ấy sẽ không còn được trọng vọng nữa.
Ở Rạch Giá, một doanh nghiệp tặng công viên Nguyễn Trung Trực và đền thờ Nguyễn Trung Trực hai cặp sư tử đá Bình Dương. Nay theo khuyến cáo của Bộ, nhìn sư tử này “dữ dằn quá”, đền đành mang trả lại và “khổ chủ” thì nhức đầu không thể mang về và cũng không nơi nào dám nhận một vật từng trấn trước cửa ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nhất miền Tây.
Thành thử một cặp sư tử khi buộc phải dời khỏi chùa Gia Quất (Hà Nội), đã được chuyển đến ngay một công sở! Xem chừng cơ quan, công sở, doanh nghiệp là nơi… trú ngụ an toàn vì từ Sở Thuế, Sở Lao động, Ủy ban huyện… cho tới Công an, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng đều bày sư tử ngoại. Chắc tại vì tỉnh có mỏ đá trắng mà sẵn nguyên liệu để linh vật ngoại lai tha hồ tung hoành.
Qua việc sư tử ngoại lai, dấy lên một phong trào tìm về bản sắc Việt. Thì mới té ra bản sắc xem chừng ngày càng nhạt nhòa trước những yếu tố mà khi không thích, người ta gọi là “ngoại lai” nhưng khi thích thì được mang danh “hội nhập”.
Khi làn sóng Hallyu tràn vào Việt Nam. Giới trẻ Việt Nam đua nhau bắt chước phim ảnh Hàn. Ăn các món ăn Hàn, thời trang Hàn… Ngôn ngữ cử chỉ đều bắt chước tài tử Hàn. Các ngôi sao Hàn dễ dàng thay thế ngôi sao Tàu nhiều năm trước. Một số trường học ở Hà Nội, học sinh thích mặc đồng phục theo kiểu Hàn, thậm chí trong một trường, mỗi lớp đều mặc đồng phục riêng lấy kiểu từ y phục trên truyện phim. Thật ra, phần lớn cũng vì món lợi hoa hồng ăn trên số lượng đồng phục mà mỗi trường đều nhất quyết có đồng phục khác nhau, không giống trường khác. Trường này váy tím, trường kia cổ áo sọc xanh, trường nọ gài nơ màu cam… Các “shop” y phục theo kiểu Hàn đã lấn lướt hất cẳng thời trang Tàu và Thái.
Một thời gian, tà áo dài bướm trắng được tán tụng hết lời, thì nay hầu hết nữ sinh các trường thành phố đều mặc váy. Áo dài chỉ còn được mặc đến trường hai ngày mỗi tuần, rồi sau chỉ còn mặc vào thứ Hai, ngày chào cờ. Chỉ để mặc một ngày trong tuần thật phí phạm nên sau đó áo dài đồng phục âm thầm biến mất lúc nào không hay.
Ẩm thực cũng vậy, các nhà hàng Hàn và Nhật mọc lên như nấm trong thành phố, được cho là không hợp khẩu vị chung của người Việt và khá mắc nhưng vẫn đông khách. Một tô mì trong Family mart mắc hơn hủ tíu Việt Nam, bánh mì MacDonald cũng thế. Đắt hơn và chưa chắc ngon bằng hàng Việt nhưng vẫn lôi cuốn nhiều người ham thích… nhờ yếu tố phương xa.
Văn hóa ngoại lai cũng thể hiện rõ trong phim ảnh với những bộ phim “thần tượng” yêu đương tay ba, tay tư, có báo thù mấy đời, tình cảm sướt mướt đầy chia ly, bệnh hoạn… với những diễn viên đẹp lồng lộng…. Khán giả bật cười chế giễu một trong những đặc điểm của Hàn là ung thư, vì trong hầu hết phim Hàn thế nào cũng phải có một nhân vật mắc căn bệnh đó. Tức cười vậy nhưng khán giả từ già cho đến trẻ vẫn mỗi ngày ôm tivi để coi hết bộ phim này tới bộ phim khác.
Âm nhạc thì sản xuất ra một lô các bài hát não tình, âm điệu từa tựa nhau, và ca sĩ cũng hát giông giống nhau. Vểnh tai lắng nghe tới hết bài mà vẫn không nghe ra ca sĩ xì xì hát ra câu gì chữ gì.
Phong trào giải phẫu thẩm mỹ cũng lan đến Việt Nam khiến giới diễn viên đua nhau bắt chước tài tử Tàu và nhất là tài tử Hàn. Tất cả nhan sắc nam và nữ đều giống y hệt nhau hoàn hảo khi từ một lò giải phẫu thẩm mỹ ra: cằm gọt hình V-line, cắt mắt hai mí, nâng mũi… để rồi chẳng mấy khi gặp được một khuôn mặt vuông chữ điền, mắt lá răm, mũi dọc dừa nữa. Lá trúc che ngang mặt chữ điền của Hàn Mặc Tử thủa nào nay dường như trở nên một dung mạo… quê mùa!
Đi từ Bắc vào Nam, đình chùa miếu mạo, vốn được coi là kiến trúc thuần Việt.
Saigon vẫn còn giữ rải rác nhiều nơi các kiến trúc thời Pháp. Cũng rất dễ dàng nhận ra, phân biệt sự khác nhau các ngôi nhà được xây dựng khoảng năm 60 và 70 sau này. Sau 75, nhà cửa cũ kỹ và gần đây lại rộ lên các kiến trúc tân kỳ được xây dựng theo mẫu tổng hợp của nước ngoài.
Riêng miền Bắc, sau một thời gian rộ lên kiểu nhà với những tháp tròn củ hành ảnh hưởng của Nga, của Trung Đông, nhìn rất lố trong khung cảnh Bắc bộ, nay nhất tề quay về kiểu cũ trăm năm. Có vẻ sau thời gian đóng cửa quá lâu, kiến trúc thời thuộc địa vẫn gây dấu ấn mạnh mẽ lên miền Bắc. Các đại gia giàu có đua nhau xây những ngôi biệt thự nguy nga hao hao nhau, tới nỗi nhà nước đã có lúc cấm người dân không được xây nhà theo kiểu Pháp. Quyết định có vẻ rất có lý này vẫn không ngăn nổi những ngôi nhà kiểu Pháp mọc ra khắp nơi…
Đương nhiên không thể quay ngược thời đại. Thế nhưng trong lúc mải đối phó với cơn bão kinh tế, chuyện ngoại lai và thuần Việt của văn hóa đã bị lãng quên.
Thích ứng tới đâu cho đúng dường như đã vuột khỏi sự kiểm soát rồi…
Saigon Cô Nương
SGCN
???????????????????????????????
???????????????????????????????
???????????????????????????????

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét