Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Thư gửi bạn ta( 12/12/14)

old-letter-with-pen
Déjeuner du matin
Hắn rót cà phê
Vào cái tách
Hắn đổ sữa
Vào tách cà phê
Hắn bỏ đường
Vào tách cà phê sữa
Với cái muỗng nhỏ
Hắn quậy tách cà phê sữa
Hắn uống tách cà phê sữa
Hắn đặt cái tách xuống
Không nói với tôi một lời…

Il a mis le café dans la tasse. Il a mis le lait dans la tasse de café. Il a mis le sucre dans le café au lait. Avec la petite cuillière, il a tourné. Il a bu le café au lait. Et il a reposé la tasse, sans me parler…
Hắn đốt
Một điếu thuốc
Thở những vòng tròn
Bằng khói thuốc
Hắn gạt tàn thuốc
Vào cái gạt tàn thuốc
Không nói gì với tôi
Cũng không ngó tôi

Il a allumé une cigarette. Il a fait des ronds avec la fumée. Il a mis les cendres dans le cendrier, sans me parler, sans me regarder…
Hắn đứng dậy
Hắn đội
Cái mũ lên đầu
Hắn khoác lên người chiếc áo mưa
Vì trời đang mưa
Hắn bước đi
Dưới cơn mưa
Không một lời
Cũng chẳng ngó tôi
Tôi ôm lấy đầu
Trong tay
Và khóc
Il s’est levé. Il a mis son chapeau sur la tête. Il a mis son manteau de pluie parce qu’il pleuvait. Et il est parti sous la pluie. Sans une parole. Sans me regarder. Et moi j’ai pris ma tête dans ma main. Et j’ai pleuré.
Đó là bài Déjeuner du matin của Jacques Prévert, bài thơ theo tôi mãi, ngay từ lần đầu tiên khi một người bạn đọc cho nghe từ thời còn học ở trung học. Cứ mỗi lần ngồi uống ly cà phê buổi sáng, một mình, hay ở một quán ăn, ở Việt Nam, hay ở những nơi ngoài Việt Nam. Suốt mấy chục năm qua. Những buổi sáng lạnh buốt mùa đông Canada, miền đông bắc Mỹ hay những năm còn ở nam bán cầu… những câu thơ ấy cứ trở lại với tôi hoài hoài. Hình ảnh người đàn ông bỏ đường vào tách cà phê, lặng lẽ uống một mình, rồi im lặng khoác chiếc áo mưa lên người bước ra ngoài trời mưa, không một lời, cũng không ngó sang người ngồi gần đó, cũng uống tách cà phê buổi sáng.
Người đàn ông uống xong tách cà phê sữa bỏ đi dưới cơn mưa vẫn không một lời. Bài thơ của Prévert vẽ ra một hình ảnh cô đơn đến tội nghiệp. Tôi rất thích bài thơ chính vì cái hình ảnh cô đơn tội nghiệp của người đàn ông đó.
Nhưng gần đây, hình như tôi không còn thấy người đàn ông ấy ở quán cà phê trong bài thơ Prévert nữa thì phải. Người đàn ông lặng lẽ uống ly cà phê không một lời với tôi, rồi bỏ đi dưới cơn mưa nặng hạt. Tôi thấy đã lâu không gặp ông trong những lần ngồi quán nữa. Tôi nhớ ông, nhớ cách ngồi uống tách cà phê, lặng lẽ, không nói gì, cũng không ngó những người ngồi trong quán. Uống xong tách cà phê thì mặc áo, đội mũ ra đi.
Chao ôi là nhớ ông. Nhớ ông và nhớ tách cà phê buổi sáng bình yên của tôi. Nhớ ông không một lời trong suốt những phút ông một mình lặng lẽ với tách cà phê.
Trong khi đó, nhiều người đàn ông, và luôn cả những người đàn bà ở đây thì lại không uống cà phê như ông. Họ cũng đổ sữa vào cà phê, và cũng bỏ đường vào cà phê. Họ cũng uống những tách cà phê của họ. Nhưng họ vặn thật lớn những cái amplifier gắn trong cổ họng của họ lên. Họ giành giật chiếm bằng được diễn đàn để nói lớn điều họ muốn nói trong khi những gì họ gào lên và làm phiền những người không may ngồi trong phạm vi thẩm âm của những cái amplifier của họ thì cũng chẳng đáng để phải nghe bao nhiêu. Mà những người đàn ông, đàn bà có những cái amplifier với công suất mạnh đó thì lại rất đông đảo. Đầu đường, xó chợ, thiên nhai, hải giác, hàng quán, chợ búa… đâu cũng thấy đông đảo những cái amplifier đó. Những cái lừ mắt, những cái nhìn dirty nhất của tôi cũng không ăn thua gì. Hai hôm trước, bữa ăn sáng của tôi tại một tiệm ăn quen hoàn toàn bị hỏng bởi những cái amplifier đó. Những cái amplifier ở bàn bên cạnh cứ hồn nhiên tranh nhau kể những chuyện không thể nào có những chuyện nào khác vô duyên hơn. Giọng đàn ông xen lẫn giọng đàn bà hồn nhiên đầy cả quán. Cuối cùng thì tôi chịu thua, bỏ dở bữa ăn sáng.
…nói cho vừa mình anh nghe thôi…
Hai người bạn tác giả câu hát trong bài Bên Kia Sông là Nguyễn Đức Quang và Nguyễn Ngọc Thạch đều đã khuất còn bản Hiến Pháp Mỹ chỉ qui định quyền nói lên những ý nghĩ của người dân mà quên không hạn chế cái volume của những cái amplifier nên những người dân vô tội mới trở thành những nạn nhân khốn khổ như thế này.
Nhớ người đàn ông trong thơ Prévert vô cùng.
* * *
Ngày 09 tháng 12 năm 2014
Bạn ta,
Anthony James Ellis, một người đàn ông 53 tuổi ở cách nhà tôi không bao xa, Newport Beach, vừa bị tòa Orange County Superior Court phạt 4 tháng tù ở, nhưng sau đó, chánh án khoan hồng, không bắt ngồi tù mà ra lệnh cho ông phải làm 120 ngày công tác cộng đồng.
Tội của ông ta là hành hung con vẹt, làm gẫy mỏ và gẫy chân của nó.
Con vẹt với ông không xa lạ gì. Ông nuôi nó làm bạn từ 11 năm nay. Ngoài 120 ngày công tác cộng đồng như quét đường, nhặt rác, ông cũng phải trả hơn ba ngàn Mỹ kim tiền thuốc men cho con vẹt, đồng thời bị cấm uống rượu và nuôi chim trong ba năm.
Ðó là những biện pháp chế tài khá nặng. Nhưng thương tích ông gây ra cho con vẹt cũng không nhẹ. Những người chứng kể rằng ông túm đầu con vẹt, đấm cho nó một quả, rồi dập đầu nó vào thành của chiếc tầu ông neo ở bến Newport.
Với một con vẹt mà ông phải mạnh tay như thế thì quả là có quá đáng. Trận đòn ông cho nó như thế thì chắc nó phải thế nào ông mới nặng tay như thế.
Thường thì chỉ cần mở cửa freezer quăng nó vào khoảng 20 giây cho nó thấy mấy con gà đông lạnh bị chặt cổ, vặt lông, cắt chân, moi ruột ở trong freezer là nó tởn hồn, hỗn cách mấy cũng phải tu tỉnh để thành người có ích cho xã hội.
Nhưng chính đề nghị trừng phạt này lại làm chúng ta phải suy nghĩ lại về những hình phạt mà tòa dành cho ông.
Trong freezer là những con gà đông lạnh. Gà và vẹt đều là giống chim, có lông vũ, đẻ ra trứng. Ðồng ý vẹt đẹp hơn gà nhờ bộ lông và cũng có chút ít tài riêng, đó là tài bắt chước tiếng người. Nhưng chẳng riêng gì vẹt, mà yểng, cưỡng, sáo cũng có thể dậy để nói vài ba câu.
Vậy mà cắt tiết, chặt đầu, vặt lông, moi ruột những con gà thì không sao. Lại bắt chúng đi bộ cho thịt săn lại rồi mới gia hình để nấu phở.
Nhưng mới đụng nhẹ tới vẹt thì phạt như vậy.
Macaw là giống vẹt rất to lớn, đuôi dài, lông sặc sỡ lớn hơn loại vẹt xám Phi châu nhưng thông minh cũng ngang ngửa và nói rất giỏi. Con vẹt ở với ông Ellis đã 11 năm, thân thiết như thế thì tại sao ông chủ vẹt lại đánh nó tàn tệ như thế?
Có thể có những chuyện chúng ta không biết rõ lắm về liên hệ của người và vẹt. Nên nhớ là con vẹt này biết nói. Biết đâu mồm miệng của nó không đỡ được tay chân mà còn khiến cho tay chân của ông chủ đập cho một trận thừa sống thiếu chết.
Việc ông đánh gẫy mỏ của nó có thể cho thấy phần nào những gì xẩy ra trước khi nó ăn đòn. Nhất định là nó nói hỗn, văng ra vài ba câu tục tĩu. Ăn tát là phải. Có thể nó còn nói xấu, chế nhạo ông. Cũng đáng bị đòn lắm.
Hay có thể có người xúi nó nói vài câu, đưa ra vài ba nhận định về ông chăng?
Hay nó được dậy để gọi ông là Chung Vô Diệm?
Trong những năm sau này, rất nhiều đàn ông bị gọi bằng cái tên của người đàn bà xấu đau xấu đớn này.
Nhiều người cũng bực mình vì bị gọi bằng tên một phụ nữ, nhưng chỉ thoáng qua rồi thôi. Cho đến khi được dậy cho cách hoán chuyển vị trí của những chữ đầu, rồi đảo qua đảo lại bằng nghệ thuật nói lái thì sự tức giận mới phừng phừng trở lại.
Có thể ông Ellis xuống phố Việt Nam, được dậy cho trò giải trí lành mạnh mới này, nên mới đùng đùng chạy về hỏi tội con vẹt.
Ông giận là phải. Nó gọi ông bằng chim, tức là hạ thấp ông xuống ngang hàng với nó. Bẻ cẳng nó là phải. Nhưng khi nó còn nói rõ Chung Vô Diệm là “Hey! You there! You, Chung Vô Diệm, you, useless bird!” thì ông đánh nó gẫy mỏ chúng tôi không dám can.
Bợp tai, đá đít nó là phải. Ðánh nó xong rồi đi tù vẫn hả dạ.
Ông như thế mà nó dám chọc ông, chê ông vô dụng thì giết nó đi cũng chưa đủ.
Nhưng còn đứa xúi nó nói bậy, phanh phui sự thật thì sao?
Phải cấm cửa, không cho xuống thuyền chơi nữa…
Tôi uống rượu suốt đêm trăng rằm
Con thuyền gác mái giữa dòng sông
Chưa say, tôi cũng ngưng hồ rượu
Sợ chén nghiêng rồi cạn mất trăng.
..
như ông Nguyên Sa có phải vui hơn không nào!
* * *
Ngày 10 tháng 12 năm 2014
Bạn ta,
Kể từ sau vụ 911, tôi rất ngại chuyện đi máy bay. Chẳng phải sợ khủng bố mượn máy bay để bay đi nơi khác không có trong lộ trình, hay sợ đi máy bay như cố chủ tịch Bắc Triều Tiên, đi đâu, Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh cũng cứ chỉ dùng xe lửa, mà vì chán cảnh bị lôi ra khám tới khám lui ở phi trường.
Cuối tuần này, tôi lại có việc phải đi máy bay, nhưng tôi vui hơn vì biết chuyện mình chán thì còn người khác chán hơn nữa.
Cảnh sát ở phi trường Minneapolis cho biết một hành khách vừa bị bắt tại phi trường chỉ vì đã làm một việc để nói lên thái độ chán cảnh khám xét của an ninh phi trường ở cửa lên máy bay. Theo tin của cảnh sát, khi một nhân viên an ninh cầm máy dò kim khí quét lên người của ông hành khách này, thì ông liền để cho chiếc quần ông đang mặc rơi xuống mắt cá chân. Ðiều đáng nói là ông không mặc quần lót ở trong. Ðể cho quần tiếp tục ở vị trí mới đó, ông quay lại nói với nhân viên an ninh rằng, “Ðó, thích khám thì khám đi!” Daryl Miller, ông hành khách bị cảnh sát bắt giữ, và sau đó, được để cho lên máy bay sau khi phải đóng thế chân $300.
Cảnh sát buộc cho ông tội công xúc tu sỉ (indecent exposure) nhưng tôi nghĩ việc làm của cảnh sát là quá đáng.
Bộ trưởng An ninh Tom Ridge vừa tuyên bố tại Boston rằng người Mỹ phải làm bất cứ gì phải làm để bảo đảm an ninh cho Hoa kỳ.
Việc làm của Daryl Miller, tuy có hơi kỳ lạ, nhưng xét lại, thì việc đó cũng chỉ để bảo đảm an ninh cho nước Mỹ.
Daryl Miller chỉ muốn nói rằng đây, coi tôi kỹ, không có gì (?) đâu nhá.
Nhân viên an ninh phải thấy ngay rằng chàng nói đúng. Thay vì phải rà máy dò kim loại vài ba lần phía trước cũng như phía sau, rồi lại còn hỏi có mang theo súng ống, vật nhọn, dao kéo, giũa móng tay… không, thì ngó qua một cái thật nhanh cũng thấy người hành khách không thể tạo ra bất cứ một đe dọa nào cho phi hành đoàn, hành khách và máy bay.
Ðó không phải là mục đích của việc khám xét ở phi trường hay sao?
Thử hỏi giữa việc khám đi, khám lại mà vẫn để lọt bao nhiêu thứ không nên mang lên máy bay như người ta đã thấy, và việc khám xét những người như Daryl Miller thì việc nào làm cho hành khách và phi hành đoàn yên tâm hơn? Mà đâu phải là chỉ tạo yên tâm không đâu. Việc khám xét là để biết chắc không cho khủng bố một cơ hội để thực hiện một vụ khủng bố khác, việc mà Osama Bin Laden cùng với những kẻ thù khác của nước Mỹ đã muốn làm mà không làm được từ mấy năm nay.
Tại sao không nhân vụ này mà đặt ra những luật lệ mới về an ninh phi trường để vừa bảo đảm an ninh, vừa tiết kiệm thì giờ?
Những biện pháp hiện nay như miễn khám xét những người dùng máy bay thường xuyên, đồng ý cho cảnh sát điều tra an ninh vẫn không thể bảo đảm an ninh cho chuyến bay. Làm sao biết chắc được những người ấy không một hôm nổi điên, nghe lời dụ của Osama Bin Laden hứa là nếu hy sinh thì sẽ có 72 trinh nữ chờ đợi trên thiên đường, mà vác lên máy bay mấy quả lựu đạn, vài con dao để buộc phi cơ lao vào một cái cao ốc ở L.A, ở Wasgington, ở New York?
Cách hay nhất vẫn là để cho những hành khách như Daryl Miller lên máy bay trước mà không cần phải khám xét gì, còn tất cả các hành khách khác thì khám đến nơi đến chốn. Muốn khỏi phải khám xét thì cứ làm như Daryl Miller. Tại sao lại bắt giữ người ta rồi còn bắt thế chân chờ ngày ra tòa?
Còn khi đã quần áo như Daryl Miller mà máy dò bom vẫn hú lên ầm ĩ thì biết ngay người hành khách là người nhà ở gần kho đạn, cứ cho lên máy bay, khỏi khám xét lôi thôi mà vẫn không thấy quả bom nào.
Chàng chỉ… nổ một chút đấy thôi. Chàng hoàn toàn vô hại.
* * *
Ngày 11 tháng 12 năm 2014
Bạn ta,
Những câu chữ Hán khẳng định một số chuyện liên quan đến tướng số, trong đó có câu “vô mao bần chí tử”, chắc chắn phải có từ thời trước khi người đàn ông họ Mao lên nắm quyền tại Hoa lục, mở đầu cho giai đoạn sùng bái lãnh tụ có một không hai trong lịch sử thế giới.
Mao Trạch Ðông được chính Mao và các đàn em tô vẽ thành một hình ảnh không thể không có ở lục địa bằng cách thay giải thích chữ “mao” nghĩa là lông lại cũng là họ của chủ tịch để người dân Trung quốc, cho mãi đến tận ngày nay, vẫn không thể dẹp được mao trong đời sống của họ. Họ tin rằng không có mao, thì nước Trung quốc sẽ bần chí tử, nghèo đến chết.
Ngày nay, bức chân dung vĩ đại của Mao ngó xuống quảng trường Thiên An Môn sau khi Mao qua đời gần 30 năm cho thấy rõ điều ấy.
“Vô mao bần chí tử”. Ðiều đó cho đến nay vẫn còn nhiều người tin theo. Nhưng dĩ nhiên, cũng có một số trước đây tin, nay không còn tin nữa. Những người này cho rằng sự tin tưởng vào chuyện “vô mao bần chí tử” đã được chứng minh ngược lại khi nhìn vào tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và xã hội của Trung quốc ngày nay.
Quốc gia này thực sự đã thoát ra khỏi cảnh bần cùng sau khi Mao ra đi, không còn ngự ở khu Trung Nam Hải nữa. Vì thế, chuyện tin là “vô mao bần chí tử” không còn được nhiều người tin nữa. Không có mao, không hề “bần chí tử” mà có khi trái lại là khác. Nên nhiều người đã mạnh dạn chấp nhận tình trạng “vô mao” mà không mảy may lo sợ bị cảnh nghèo đeo đuổi đến chết như trước kia.
Không những họ mạnh dạn chấp nhận tình trạng không có mao bẩm sinh, mà họ còn có khi cố tình tạo ra cho mình tình trạng không có mao một cách nhân tạo nữa.
Ở New York, Los Angeles, Atlanta và Washington, D.C. đang mọc lên những nơi giúp những người đàn ông không thích mao làm được điều đó. “Vô mao” đang trở thành một niềm tin mới. Và những người này đến những tiệm làm đẹp để nhờ giúp đưa ra một “tuyên bố chính trị” (political statement) khẳng định “vô mao” chẳng hề “bần chí tử” bao giờ, mà “vô mao” chỉ càng ngày càng làm cho người dân Trung quốc vui thêm mà thôi.
Các cơ sở làm đẹp ở những thành phố kể trên, theo tờ Newsweek, nhận làm công tác dẹp bỏ những dấu tích của chế độ Mao Trạch Ðông với giá $100.
Giá tiền có vẻ hơi cao, nhưng dịch vụ làm cho quí ông có khó khăn hơn là cho quí bà nhiều. Không phải chỉ là bikini waxing, theo ngôn ngữ nghề nghiệp ở các thẩm mỹ viện, mà phải tận diệt họ… Mao bằng cách nhổ cho bằng hết.
Ðoạn tin ngắn của tờ Newsweek có kèm theo bức hình chụp một người đàn ông nhăn nhó mặt mày có lẽ vì đau lắm, đang được thực hiện công tác diệt mao. Ðọc tờ báo mới thấy những người đàn ông thích làm đẹp này lại rất dở chịu đau. Nhiều người phải bôi kem cho tê đi trước khi tới giờ hẹn.
Nhưng điều đó sẽ khiến cho nhiều phụ nữ vui mừng khi nghĩ rằng những người đàn ông nay đã hiểu chuyện diệt mao là chuyện gây đau đớn như thế nào cho phụ nữ.
Có lẽ vì thế, bức chân dung Mao ở quảng trường Thiên An Môn vẫn còn được treo ở chỗ cũ chăng?
Chứ lấy đi, đau chỗ ấy chết được.
* * *
Ngày 12 tháng 12 năm 2014
Bạn ta,
Một môn thể thao mới, môn kitesurfing, theo những người yêu thích môn thể thao này, có thể đem lại cho họ những khoái cảm hết sức lớn, và theo thông tấn xã Reuters, môn chơi này có thể sẽ còn đưa tới những thay đổi rất quan trọng trong đời sống của người ta. Ít nhất cũng là trong số những người mê môn thể thao này.
Kitesurfing, như cái tên của nó, là một trò chơi trộn lẫn những môn thả diều, trượt sóng, càng ngày càng trở nên phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nhờ sức gió, người chơi kitesurfing có thể bay lên khỏi mặt nước biển đến cả chục thước. Hiện nay, kitesurfing đang lan rộng tới nhiều nơi trên thế giới, từ Hawaii, California đến Úc, Venezuela, Nam Phi, Croatia…
Và theo những người chơi kitesurfing ở San Francisco nói với phái viên của Reuters, thì giữa hai lựa chọn, một là một đêm với người phụ nữ trong mộng, và một bên là một buổi trượt sóng bằng diều, thì tất cả đều lựa đề nghị số hai.
Như vậy, đây không biết là lần thứ mấy Freud lại sai bét. Ông già cha đẻ môn phân tâm học cho rằng sex là chuyện con người theo đuổi nhiều nhất, hơn cả chuyện ăn uống. Nhưng nay, kitesurfing đã vượt lên trên, trên cả chuyện ăn uống lẫn sex.
Rồi đây, khi kitesurfing trở nên phổ biến như món mì gói, món mà ngay cả những người đàn ông vụng dại nhất trên đời cũng vẫn có thể tự làm lấy được để giữ lấy quyền làm người và nếp sống tự chủ của mình, thì nhiều chuyện trên đời sẽ phải được đem ra xét lại.
Nếu quả thực kitesurfing có thể hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn, thích thú hơn những người phụ nữ như Cindy Crawford, Elle McPherson… thì phải duyệt xét lại nhiều thứ thật.
Kitesurfing là một trò chơi nguy hiểm như bản tin của Reuters cho biết. Nhưng… bộ Cindy Crawforf, Elle McPherson không nguy hiểm sao?
Yếu tố liều lĩnh, chấp nhận nguy hiểm vẫn còn. Ở cả kitesurfing lẫn Cindy Crawford. Nhưng tại sao kitesurfing lại hấp dẫn hơn Cindy Crawford?
Có thể tiếng gió thổi bên tai người kitesurfing êm dịu hơn, tiếng sóng biển có khả năng vỗ về hơn chăng?
Hay kitesurfing thì dễ tính hơn. Hôm nào cũng kitesurfing được, còn Cindy thì không chăng?
Hay là kitesurfing xong thì có thể nằm vật xuống bãi cát để thở và ngăm trời trăng mây nước, không cần một nỗ lực phải nói chuyện với tấm ván trượt nước, không cần phải vỗ lưng nó, xoa bụng (tấm ván gỗ) nói nhỏ với nó rằng nó là… nhất, hơn hẳn mấy tấm ván ấm ớ khác, rằng trên đời chỉ yêu có nó (tấm ván gỗ) mà thôi?
Hay cũng có thể trượt sóng không nên thân, vừa leo lên đã té (?) cái rầm xuống nước, thì nó (tấm ván gỗ) và luôn cả cái diều nylon cũng không thở dài thườn thượt, than là chán đời, chê ỏng chê eo (người trượt nước) là làm ăn lọng cọng không nên thân, như Constance buồn bã về khả năng làm việc (?) của Clifford sau khi chàng thân thể tan nát từ chiến trường về nhà, mà D. H. Lawrence đã tả rất khéo trong Lady Chatterley’s Lover?
Hay là lúc nào đến với kitesurfing cũng được, không phải qua bao nhiêu là phiền nhiễu khác như với Cindy Crawford và Elle McPherson? Thí dụ không phải chờ cho tấm ván sửa soạn khoảng hai tiếng đồng hồ, đang trượt nước, tấm ván không mặt mày bí xị, đổi ý, đòi về với má chẳng hạn.
Tấm ván lúc nào cũng tử tế và dịu dàng. Xong việc, quăng vào thùng xe, lần tới gặp lại là được. Khác hẳn Cindy và Elle.
Nhưng nghe mô tả về trò trượt nước này, thì những người đàn ông to béo, bệu rệu bèn phải lắc đầu. Sức vóc của các chàng không cho phép nữa.
Với các chàng, kitesurfing hay Cindy Crawford thì cũng “xêm xêm” mà thôi. Chẳng thứ nào hơn thứ nào hết. Vẫn ly cà phê và cái ô chữ buổi sáng là hay nhất.
Mặc dù các chàng chẳng bao giờ dám nhận điều đó.
Bùi Bảo Trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét