Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Xe buýt xe ôm

???????????????????????????????

Xe buýt

Saigon Cô Nương
Dân số thành phố Sài Gòn hiện nay đã xấp xỉ mười triệu người. Phương tiện đi lại của đa số người dân là xe gắn máy. Xe hơi cá nhân cũng đang phát triển. Thành phố chật chội, người đông, xe nhiều, nên di chuyển từ nơi này sang nơi khác mất nhiều thời gian, và thường xảy ra lắm tai nạn giao thông.
Trong lúc chờ đợi các tuyến metro, monorail và xe điện mặt đất sẽ hoạt động sau cả chục năm nữa nên hiện nay, và chắc là kéo dài tới lúc đó, xe buýt hẳn vẫn là phương tiện giao thông công cộng số 1.
Thông thường, xe buýt được xem là nhiều tiện lợi vì người khách được tận hưởng sự yên ấm trong xe buýt máy lạnh mát mẻ từ lúc đi tới lúc đến, khỏi căng đầu, căng mắt đối phó với lưu thông trên đường đầy những tay lái ẩu tả, cảm giác mình an toàn khi chiếc xe buýt to đùng liên tục thắng gấp trước đám xe gắn máy cứ thi nhau đâm lượn vào trước mũi xe… Đỡ chen chúc, đỡ phơi mặt ra đường hít khói bụi mịt mù, tránh được mưa xối xả, nắng gay gắt. Lại thêm tiết kiệm kha khá khi đỡ đổ xăng trong thời buổi giá xăng tăng vọt.
Nhất là nếu đa số dân chúng đi xe buýt sẽ giảm được nạn kẹt xe khi mà số lượng xe gắn máy ngày càng gia tăng chóng mặt.
Trong nội thành, điểm mặt người đi xe buýt chủ yếu là sinh viên, học sinh, nhất là sinh viên nội thành phải đi học ở các trường đại học mới xây dựng ở ngoại thành. Đó là những người dân không bị thúc bách về thời gian. Vài bà nội trợ đi xe buýt ghé siêu thị để tiêu dao chơi ở đó cả buổi, hàng mua đã có xe thồ của siêu thị chở về. Số ít thôi vì bà nào đi siêu thị cũng tự chạy xe hoặc bắt người nhà đứng đợi ngoài cửa dù cho các tuyến xe buýt đều được thu xếp để chạy qua siêu thị.
Hầu như không thấy dáng dấp dân cổ trắng đi làm bằng xe buýt. Lũ sinh viên hoàn toàn di chuyển bằng xe buýt suốt thời gian đi học nhưng khi ra trường vừa đi làm thì việc đầu tiên là tậu ngay một chiếc xe gắn máy đắt hay rẻ. Nếu không có xe phải dậy sớm hơn vì còn đi bộ, đứng chờ ngoài trạm, trong khi xe gắn máy leo lên dông liền.
Đi xe buýt có vẻ không sang(!). Từ xe gắn máy cao cấp, nhiều người đã tiến lên hơi. Xe buýt chỉ dùng thủa cơ hàn, khi thời gian còn rộng rãi và túi không đủ tiền để đi nhậu nhẹt, hát hò… Chắc cũng còn ông họa sĩ già thích lang thang phố phường, ông tiến sĩ nghiên cứu áo bỏ ngoài quần, đi dép kẹp, hoàn toàn không có vẻ đóng hộp của nhân viên văn phòng là giới chẳng bao giờ tìm thấy lý do để bước lên xe buýt.
Nhà nước ủng hộ hết mình cho loại xe công cộng này nên mở thêm nhiều tuyến vùng ngoại thành lẫn nội thành, nới rộng thời gian chạy xe sớm hơn, muộn hơn; đổi xe mới… Dành những hàng ghế riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật. Để có vẻ tân tiến thì một số xe còn gắn thêm nút bấm ra hiệu dừng và máy mua vé xe tự động. Trong thực tế, cũng ít người bấm nút dừng mà theo thói quen vẫn la lớn từ cuối xe cho đầu xe tài xế nghe cho chắc ăn. Máy mua vé xe tự động cũng rắc rối khi khách không sẵn tiền xu để đút vào khe. Thế là tài xế kiêm luôn việc của lơ là loay hoay thối tiền và như vậy lại tạo thêm đám người ùn ở cửa xe đợi.
Do được trợ giá nên xe buýt đã dần bỏ được cảnh chạy hối hả cho kịp thời gian quy định, nếu không sẽ bị phạt. Nếu thấy nguy trễ giờ, tài xế lo chạy vèo, bỏ trạm không đón khách, chạy nháo nhào tới nỗi có lúc bị gọi là hung thần trên đường phố. Ngoài ra, khách mua vé tập cũng bị coi rẻ. Có dạo, phụ xe quen mặt nhóm khách mua vé tháng nên khi thấy đám đông sinh viên đứng chờ là chạy thẳng, bỏ trạm luôn. Nhà xe giải thích là với tập vé xe tháng thì nhà nước phải mấy tháng sau mới trả tiền. Bởi vậy, tài tránh đám khách vé tháng cho bõ ghét.
Thật ra các công ty xe buýt cũng ráng đề ra nhiều chương trình để khuyến khích người dân dùng xe buýt. Nào là giữ cuống vé xe để tham dự rút thăm trúng thưởng, nào công sở đề ra phong trào công chức thi đua đi làm bằng xe buýt, miễn phí cho người tàn tật và các cụ già… trên tám mươi tuổi.
Sở dĩ các chương trình khuyến khích không hấp dẫn, vì thứ nhất chương trình xổ số chưa thấy công bố ai trúng thưởng? Ông bà già gần đất xa trời còn hơi sức đâu leo lên bậc xe buýt để nhận miễn phí. Con cháu thường cấm người già trong gia đình đi xe buýt. Chưa kịp bước lên hay chưa kịp bước xuống xe đã chạy, hụt chân té là một tai nạn không lạ nếu đi xe buýt. Leo lên thì đỡ hơn, lơ rất thiện nghệ cầm tay kéo mạnh lên. Trên tuyến đường dài, không ai muốn nhường chỗ cho ông già vì lắm khi ông già chỉ đi hai, ba trạm đã xuống, còn tên nhường thì sau đó mất chỗ và phải đứng hằng tiếng đồng hồ! Lơ phải quát một thanh niên kêu đứng lên.
Phong trào thi đua đề ra cho có vì các sếp đã có xe hơi đưa đón. Thấp hơn một chút nếu không chạy xe tay ga, xe máy mắc tiền sao người ta biết mình xịn! Thật ra nhiều nơi khi tuyển nhân viên đều mặc nhiên tuyển người có xe để dễ đi lại giao dịch. Chủ hỏi có xe không mới giao việc.
Xe máy dường như không thể thiếu trong cuộc sống thành phố. Mỗi người sở hữu một chiếc gắn máy, không kể hai hay ba chiếc. Tình hình thiếu an ninh ngoài đường: cướp giật, bắt cóc… khiến đa số các gia đình không dám để con tự đến trường mà đều phải đưa đón đi học ít nhất hết cấp lớp 9, thường là hết lớp 12. Đặc biệt vào năm thi, cần học thêm nhiều nơi thì để sĩ tử đỡ mệt mỏi thì việc gia đình luân phiên nhau đưa đón càng cần thiết.
Tất cả những người đi làm đều trợn mắt khi được đề nghị đi xe buýt. Ngoại trừ con cái, phân công chồng đưa đón một đứa, vợ đưa đón một đứa. Trong một ngày ngoài đường đó, người ta còn đi chợ, khám bệnh, ghé nội ngoại, thăm người quen, đi công tác. Cuối ngày còn học thêm, nhậu nhẹt, cà phê, giải trí… Nếu chọn xe buýt thì không thể tạt ngang, tạt dọc để ghé từng ấy nơi. Đi học hay đi làm rất dễ trễ giờ. Sinh viên đi học từ trung tâm Sài Gòn ra Thủ Đức. Nếu đi xe máy mất 45 phút. Nếu đi xe buýt từ một đến hai tiếng. Nạn kẹt xe xảy ra nhiều nơi, trong lúc xe buýt to đùng đành nằm chịu trận nằm lù lù giữa đường thì chiếc xe máy nhỏ con dễ len lỏi tìm đường thoát thân.
Tuy nhiên ra tới xa lộ chạy xe gắn máy thật nguy hiểm vì không có làn đường dành riêng cho xe hai bánh. Xe hơi, xe khách, vận tải lao vun vút bên cạnh thật ghê. Vì thế chỉ cần sơ sẩy một chút, xe gắn máy bị cuốn vào gầm xe tải dễ dàng.
Trong nội thành, xe buýt còn sạch sẽ, cô bán vé mặc váy đồng phục, máy bán vé nhìn tân tiến, nhưng càng xa khu trung tâm, xe càng có vẻ cũ hơn và không được sạch sẽ. Dù máy lạnh vẫn không thơm tho. Trên xe đa số là sinh viên, người nghèo, người buôn bán nhỏ, cũng nhiều va chạm hơn.
Rất dễ phân biệt sinh viên với thời trang xe buýt, rõ nhất là phái nữ luôn đeo khẩu trang, găng tay, vớ chân, áo khoác chống nắng và ôm khư khư chiếc ba lô trước ngực phòng bị móc túi.
Ở ngoại thành, xe buýt được dùng nhiều hơn vì đường xa. Tuy vẫn có trạm nhưng giống như xe khách là muốn ngừng đâu thì ngừng.
Vì xa nên khách không thể đứng lâu quá được. Nhà xe để sẵn chục chiếc ghế đẩu nhựa để khách ngồi dọc theo lòng xe giữa hai hàng ghế. Rất nhiều người bán hàng rong đi xe buýt. Đi hằng ngày nên anh bán tạp hóa rong nhanh chóng tháo tấm bảng móc bóp, chìa khóa, kiếng mát… khỏi vai, dựng sát thành xe. Lơ nhảy phóc xuống đất, một tay nhấc quang gánh, một tay đẩy bà già lên bậc xe. Xe đã hết chỗ nhưng không cần kêu ai nhường chỗ vì bà già tự động ngồi xuống chiếc ghế đẩu. Ở đó, bà cảm thấy chỗ ngồi vững vàng quen thuộc như ngồi trên chiếc ghế đẩu bán hàng, xe thắng mạnh cũng không sợ nghiêng ngả, và nhất là được ngồi sát cỗ quang gánh tài sản của mình cảm thấy yên tâm hơn. Tên thanh niên cũng không muốn đổi chỗ. Vì với chiếc ghế thấp, quần jeans bó cứng thật khó ngồi xuống, khó liên tục móc điện thoại từ túi quần và càng không có chỗ cho chiếc ba lô căng phồng bằng cả một người.
Cho người nghèo kiếm ăn với chứ, nên xe buýt ngoại thành không cần đẹp, chỉ cần tiện lợi tối đa. Ra tới ngoại thành, kỷ luật lỏng lẻo nên xuất hiện nhiều xe dù cướp khách của xe buýt chính thức.
Xe buýt hiện nay có hai loại: loại lớn khoảng năm mươi chỗ và loại nhỏ hai mươi lăm chỗ. Mấy chiếc lớn đôi khi gặp chen nhau trên một đoạn thế nào cũng gây tắc đường. Vài nơi vẫn giữ xe Daihatsu giống như xe Lam lúc trước để dễ len lách. Mỗi băng ghế năm người. Khi cần, hai hoặc ba người ngồi xệp xuống sàn chen giữa và nếu không có cảnh sát thì thêm hai người đứng bám phía ngoài.
Chiếc xe buýt hai tầng từng xuất hiện với mong muốn chuyên chở gấp đôi lượng khách thông thường. Thế nhưng chẳng mấy khi khách trám hết ghế, còn bị lắm người nhìn với con mắt e ngại vì cảnh chiếc xe cồng kềnh chạy trong nội thành chật chội nhìn mới chông chênh lắc lư làm sao.
Với mong muốn phát triển xe buýt nên nhiều tuyến xe trùng nhau cũng góp phần làm nạn kẹt xe gia tăng.
Có ông ở miệt quận Tám hay ra sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân. Leo lên xe buýt, ông nhắm mắt ngủ khò tới bến chót là ngay ga quốc tế. Cũng theo chuyến xe này trở về, ông buồn cười khi thấy chiếc xe rộng rinh chỉ có ba người gia đình ông và vài khách Tây ba lô. Vé xe buýt chỉ sáu ngàn trong khi xe taxi khoảng hai trăm ngàn. Thế nhưng hầu hết đều toàn xe hơi nhà tới đón hoặc ngoắc taxi. Chắc là xe nhà nay nhiều quá và giá taxi so với thế giới vẫn rẻ chăng?
Quản lý giao thông có ý tưởng lãng mạn khi lập ra tuyến xe chạy vòng vòng nhằm đón du khách thưởng thức phong cảnh quanh quận Một là trung tâm của thành phố. Khổ nỗi khách du lịch thường đi theo tour đã có xe riêng theo chương trình mỗi nơi dừng lại một lúc. Nào là ngừng ở chợ Bình Tây quận 5 cho khách mua sắm, nào Bưu điện quận 1 để chụp ảnh kiểu kiến trúc Pháp, viếng ngôi cổ tự quận Tân Bình… Hơn nữa, quận 1 thiên về văn phòng công sở nên không có thắng cảnh. Nhìn thấy xe buýt mới tinh loe hoe vài người khách, lắm khi hai xe trống trơn chạy ngược chiều nhau mà thấy xót cho… ngân sách!
Nhiều cuộc họp, nhiều biện pháp, lắm ý tưởng đề ra để người dân đi lại bằng xe buýt nhiều hơn.
Một trong những ý tưởng đó là cần có bãi giữ xe trung chuyển ở các bến xe chính. Như một người ở quận 3 đi tới khu du lịch Suối Tiên ở quận 9. Vậy phải đi qua đoạn đường xa lộ nắng bụi, ken đầy xe tải… Người này muốn tới bến xe Bến Thành bằng xe gắn máy, gửi xe ở đây rồi leo xe buýt đi quận 9…
Nhiều ý kiến và cũng nhiều cải tiến nhưng dân chúng vẫn không mặn mòi với xe buýt. Kết quả cho thấy không thành công lắm. Số lượng hành khách vẫn giảm. Năm sau giảm hơn năm trước. Ngược lại, xe gắn máy và xe hơi đều tăng lên.
Xem chừng xe buýt đành bó tay.
SGCN
???????????????????????????????


nghexeom1123

Nghề xe ôm

Saigon Cô Nương
Với xã hội của Việt Nam hiện nay thì thông thường mỗi người đều có một chiếc xe gắn máy. Từ xe tay ga đắt tiền đến xe bèo đạp số, từ xe Nhật đến xe Tàu, từ cỗ xe hoành tráng đến chiếc xe mù (tức không đèn), không biển số… Lại có người sở hữu trong nhà mấy chiếc xe. Cái đi chơi lấy le với bạn bè, cái vừa vừa đi làm cho khỏi bị đồng nghiệp ganh ghét, cái chở vợ đi chợ…
Chẳng những là phương tiện đi lại, khi cần thiết, chiếc xe gắn máy là cần câu cơm. Từ lâu, chạy xe ôm đã trở thành một nghề phổ biến ở Việt Nam.
Khi không vốn liếng, cũng không có chuyên môn lãnh vực nào, thì cách kiếm sống nhàn hạ và dễ dàng nhất mà ai nấy nghĩ đến trước tiên là chạy xe ôm. Vì thế, khi nhà nước cấm lưu hành cyclo và xe ba bánh thì hầu hết người chạy hai chiếc xe này đều chuyển sang xe ôm. Người thất nghiệp nhất thời chưa biết làm gì, kiếm chiếc xe chạy trong lúc đợi xin việc. Đợi hoài không xin được chỗ làm ở đâu, thôi quen rồi, chạy xe ôm luôn cho tiện. Công nhân viên đi làm buổi tối ở nhà chơi không cũng vậy, ra góc cột đèn đường bắt được một hai mối cũng đỡ tiền chợ. Chạy cuốc nào lấy tiền ngay cuốc đó, khỏi làm công đợi tới cuối tháng lâu lắc lãnh đồng lương chết đói của chủ.
Chiếc gắn máy để chạy xe ôm dĩ nhiên không thể tã quá như xe chở hàng, nhưng cũng không cần sang dễ bị cướp lắm. Không quá mười triệu đã có thể sắm một chiếc gọn gàng sạch mắt để hành nghề rồi.
Đây là một công việc tự do tuyệt đối. Không có sếp đè đầu cưỡi cổ, một mình một cõi, thời gian co giãn tùy ý, thích thì làm việc, không thích thì nghỉ. Nhiều người làm biếng, cứ hễ chạy xe nhắm đủ sở hụi trong ngày là bỏ về, nằm gác chân đọc báo chơi. Lại không bị giới hạn tuổi tác. Ốm yếu quá đành chịu thua, nhưng miễn sức khỏe bình thường, chẳng cần đến sức vóc mạnh mẽ khuân vác nặng nhọc. Cho tới ngoài bảy mươi hễ chừng nào còn ngồi vững vàng trên chiếc xe gắn máy thì ngày ấy vẫn có thể hành nghề xe ôm dài dài. Ngay cả một số người ban ngày làm việc, chiều tối hoặc ngày nghỉ cũng có thể ra ngoài chạy, may ra gặp khách được vài cuốc cũng kiếm thêm chút ít.
Những năm gần đây, kinh tế khó khăn nên ở vài nơi, phụ nữ cũng nhảy ra cầm lái. Đàn ông không thích ngồi sau yên xe phụ nữ vì cho là họ yếu tay lái, phản ứng trên đường phố không nhanh nhạy, không biết sửa lặt vặt nếu xe hư hỏng giữa đường vắng như nam giới. Thế nhưng đàn bà, người già, trẻ con lại ưa xế nữ vì tính tình bao giờ cũng nhẹ nhàng, chạy chậm và có vẻ cẩn thận hơn đàn ông rất nhiều.
Mặc dù công việc kể ra có vẻ thong thả nhưng trong thực tế hiếm thấy người trẻ chạy xe ôm. Lý do là thanh niên trẻ trung ưa thích hoạt động, cạnh tranh… nên muốn hoạt động ở những công việc dù cực nhọc nhưng rõ ràng cần tay nghề, cần sức lực hơn chạy xe ôm, được coi như dành cho người tuổi từ trung niên đến già, là công việc tàn tàn cuối cùng khi không còn có thể thử sức ở bất kỳ một nghề nào khác.
Xe ôm là một phương tiện di chuyển không thể thiếu ở Việt Nam từ thành thị đến thôn quê. Người ta không chuộng taxi vì quá mắc. Xe buýt và xe lam giá rẻ hơn nhưng phải lội bộ ra bến đợi. Tới trạm ngừng lại tiếp tục đi bộ có khi khá xa. Không kể do áp lực quy định thời gian thì rất nhiều trường hợp, khách chưa kịp bước lên hay xuống hẳn thì xe buýt đã lo rồ ga chạy, rất dễ hụt chân gây tai nạn. Xe ôm thì không, xe ôm đưa khách về đến tận cổng, sẵn sàng luồn lách qua những con hẻm ngoằn ngoèo, những chặng đường ngóc ngách. Xe ôm chạy trên xa lộ càng tốt, đường đất ổ gà thôn ấp cũng không chút nề hà. Xe ôm đỡ hẳn thời gian và khoảng cách cuốc bộ nếu so sánh với các loại xe công cộng. Nhằm lúc kẹt xe thì xe ôm thật hữu ích, có thể chen chúc chiếm từng khoảng trống nhỏ bứt lên một quãng xa hay quẹo tắt vào đường hẻm, trong khi các loại xe bốn bánh đều thở dài chôn chân một chỗ.
Đi xe ôm đương nhiên giá mắc hơn xe buýt nhưng rẻ hơn taxi nhiều. Không nhắc đến taxi thì tốt hơn vì sau nhiều đợt tăng giá xăng thì cước taxi đã được đẩy lên mức giá mà người dân bình thường không còn dám xếp nó vào danh sách “phương tiện di chuyển” của mình nữa.
Đối với người lạ mặt, xe ôm có thể lấy mắc một chút, nhưng thường, do xe ôm mọc ra như nấm, nên tài cũng không dám nói quá giá.
Có những tài chuyên đóng đô ở cạnh chợ, gầm cầu, cột đèn, đầu hẻm, ngã tư… Đặc biệt trong các con hẻm lao động đều có vài nhà xe ôm. Hàng xóm, khu vực quen thuộc khỏi mời chào, nhưng có nhà cẩn thận treo bảng “Tại đây có xe ôm” hoặc “Vào hẻm 50 mét có xe ôm” để chào thêm khách vãng lai. Như vậy tài cứ yên tâm nằm khoèo ở nhà đợi khách kêu.
Có một anh xe ôm không chạy xe sau mười giờ dù bất cứ giá nào. Kỳ kèo quá thì anh tìm cách sang tài tức là kêu một xe ôm khác chạy thế. Cứ tưởng anh chảnh. Té ra túp nhà hai mươi mét vuông cho sáu người ở bên trong nằm xếp như cá hộp, không còn chỗ đậu cho hai chiếc xe gắn máy. Một chiếc cà tàng chuyên chở hàng của người em trai, đêm tới, cửa nhà vẫn mở hé, một nửa đầu xe trong nhà, nửa đuôi xe đưa ra ngoài, tới nỗi giữa khuya, dân phòng đi gác kêu xe để kỳ vậy. Chiếc xe ôm, hình thức khá hơn xe chở hàng, tối được gởi ở bãi giữ xe chúng cư gần đó tới 10 giờ nội bất xuất ngoại bất nhập. Khách kêu tiếc mấy cũng đành chịu thua.
Xe ôm “ngon” nhất là kiếm được mối tháng, thường là đưa đón học sinh đi học. Nhiều phụ huynh không có thời gian nên thuê ông xe ôm gần nhà là tiện nhất. Vừa người quen tin cậy, vừa thuê tháng giá rẻ hơn một chút. Xe ôm chẳng những chở học sinh mà còn chở bà chị đi chợ, chở bà má đi bệnh viện khám bệnh, chở ông già ra công viên tập dưỡng sinh… Ông già Việt kiều về Sài Gòn đi xe ôm một lần, kết anh xe ôm lễ phép, chạy cẩn thận, kiên nhẫn không sốt ruột đợi ông vào tiệm mua thuốc, gặp người quen… với giá vừa phải, không hề chặt chém. Bởi thế, ông thuê hẳn anh xe ôm chở ông đi đây đó trong suốt thời gian ở Việt Nam. Buổi sáng, có khi ông dẫn đi ăn sáng, uống cà phê, trưa ăn tiệm, tối vào nhà hàng. Tới ngày ông đi, còn hài lòng nắm tay hẹn ngày tái ngộ xe ôm. Anh xe ôm cũng vui mừng vô cùng vì ngoài tiền công, còn được ông già “bo” hậu hĩ cho sự chân thật và tận tụy của anh.
Một số thường vào “tổ xe ôm” để được xếp tài. Cứ theo thứ tự đến phiên ai người nấy chạy, khỏi tranh giành nhau. Tuy nhiên ở bến xe, bến tàu, xe đò, tàu hỏa… thả nhiều khách xuống một lượt. Mọi người xúm vào mời chào. Đã có nhiều vụ cự cãi, đánh nhau, giết nhau vì tranh tài. Một số khách thấy đám đông chèo kéo trước mặt, đâm e ngại, đi bộ một quãng tránh khỏi chỗ lộn xộn. Ông Mai, một công nhân về hưu góp lương hưu vào tiền chợ của gia đình, còn tiền cà phê, quà vặt, cho con cháu là do chạy thêm xe ôm. Ông có hai mối chở rau ra chợ từ sáng sớm, trong ngày ông lai rai ra bệnh viện làm tài lẻ, đứng cách xa “bến xe ôm” khoảng trăm mét. Ông cho biết:
– Tôi không vào tổ xe ôm vì tốn tiền đóng lệ phí, mua đồng phục cùng màu… Tốn kém nên ngày nào cũng phải ráng có mặt dù ốm đau. Tôi đậu xe cách xa bến một chút. Vẫn có khách vì nhiều người thích ra đây ngoắc, giá sẽ rẻ hơn trong bến một chút.
Anh Định xe ôm đang kiếm ăn ngon lành trong khu chúng cư bình dân thì bị giải tỏa. Đến khu định cư mới dù sạch sẽ, khang trang nhưng không có nghề chuyên môn, không có vốn buôn bán. Khu định cư lại toàn dân nghèo chẳng ai đi xe ôm cả nên sau vài tháng xoay xở chật vật, anh lại quay về khu vực nhà cũ, nằm chèo queo trên chiếc xe dưới bóng cây mát, cạnh xe nước mía chờ khách lai rai…
Vào bến được độc quyền một số khách nhưng tự do cũng có cái hay riêng. Xe ôm có mặt mọi lúc mọi nơi. Rất dễ để đón xe ôm, nhất là trong khu vực nội thành nơi nhu cầu đi lại của người dân khá cao. Đầu hẻm, đầu đường, trạm xe buýt, cột đèn, chúng cư, cạnh bàn vé số, gần phòng mạch, trạm xá… đều bắt gặp sự có mặt nhiệt tình của đội ngũ xe ôm.
Nếu xe quen thì dù sáng sớm đêm khuya cũng dễ dàng kêu chở ra bến xe, đi bệnh viện… Bà hàng xóm bận việc nhờ anh xe ôm chở đứa cháu gái ra bến xe, theo cháu vào mua vé, dẫn ra tận xe gởi gấm giao cho tài xế và lơ xe khách rồi mới về, thêm chút tiền tip mà thật được việc. Sáng sớm chưa có cảnh sát nên xe ôm tống ba, thêm hành lý túi giỏ đùm đề chở thẳng một mạch từ nhà ra tận cổng bến xe miền Tây vô cùng tiện lợi. Anh nhân viên đi công tác tỉnh, vợ ở nhà một mình với thằng con ba tuổi. Mười hai giờ khuya, bé con lên cơn sốt, chị vợ đập cửa nhà anh xe ôm chở đi bệnh viện kịp thời. Anh xe ôm còn mau mắn phụ lấy số, ghi tên… mà không tính thêm tiền “phụ trội” khiến vợ chồng anh nhân viên cám ơn rối rít. Một anh xe ôm khác ngồi ở ngã ba xa lộ Đông Tây. Cả hai vợ chồng đều có bến ngay tại nhà. Chồng mạnh khỏe, thuộc đường là tài đường xa, vợ chạy đường gần có tủ bán cà phê, nước ngọt vỉa hè trước nhà. Đôi khi cùng lúc khách kêu, chị vợ bỏ mặc tủ cà phê để chở khách mà chẳng sợ mất đồ vì có anh sửa xe và chị cháo vịt gần đó coi hàng giùm.
Xe ôm ở khu Tây ba lô dĩ nhiên nói tiếng Tây như gió. Nếu khách muốn, anh ta có thể đưa khách đi chơi cả buổi hay cả ngày tới các điểm du lịch trong nội thành, kèm theo giới thiệu, giải thích như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Dẻo miệng cộng thêm diện mạo khá một chút, đôi khi anh cũng may mắn gặp được tình một đêm với cô đầm hương xa nào đó.
Nói hoài nghe quen tai chứ thực ra hai chữ “xe ôm” nghe không được thanh tao. Vì thế ở dưới miền quê, vùng An Giang chẳng hạn, gọi xe ôm là xe đò và xe đò trước 75 đã được đổi thành xe khách.
Dễ kiếm tiền, chủ động thời gian nhưng nghề này cũng là nghề… dễ chết. Mất xe, mất tiền, mất mạng… như chơi. Theo tin báo chí, trong thời gian hơn một tháng, một thanh niên 20 tuổi đã giết chết ba người tài xế xe ôm cùng tỉnh để cướp xe, cướp tiền… Cho nên dẫu cần tiền nhưng giữa đêm khuya, mối sộp là một hai thanh niên kêu đi đường xa, vắng là coi chừng… thần chết ngồi sát sau lưng chứ chẳng chơi.
Anh xe ôm nước da màu nâu cháy vì dang nắng. Cuộc sống của anh là rong duỗi ngoài đường suốt ngày. Khi mỏi, anh có thể nằm vắt chân đọc báo trên chiếc xe của mình. Ai muốn cướp chiếc xe phải hất anh rớt khỏi xe là điều không thể khi chung quanh còn có hàng cà phê, thuốc lá, còn ông sửa xe, ông già tập dưỡng sinh… là những người thường chơi cờ tướng với nhau khi đợi khách. Đa số tài xe ôm đều chơi cờ khá là vậy.
Tiền chạy xe mỗi ngày đưa hết vào chi tiêu gia đình. Khi chiếc xe già lão thì vốn cũng đã cụt mất dần dần theo năm tháng. Thành thử khi sửa xe hao tốn nhiều, phần lớn người ta phải vay mượn chứ chuyên tâm làm nghề này, ăn ngày nào xào ngày nấy, hiếm ai để dành được món phòng thân hữu sự.
SGCN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét