Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Nếu Bọ Lập được “tại ngoại”, GS Hồng Lê Thọ sẽ thế nào?

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng


(VNTB) - Vào ngày Quốc tế nhân quyền 10/12/2014, gia đình GS Hồng Lê Thọ - người vừa bị Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP.HCM bắt ngày 29/11/2014 khi bị cáo buộc điều 258 Bộ luật hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” - vẫn chưa thấy bóng dáng ông hiện ra trước cửa nhà.

Khởi tố

Một nguồn tin đáng tin cậy của VNTB cho biết chủ trang blog Người Lót Gạch đã phải nhận quyết định khởi tố bị can sau 9 ngày “tạm giữ hình sự”. “Cử chỉ” này từ phía cơ quan pháp luật mang hàm ý là GS Thọ sẽ phải “nằm” trong trại tạm giam ít nhất một thời gian với mục đích tối thiểu là “được giáo dục”.

Khác rất nhiều với thái độ loan truyền thông tin rộng rãi và bức bối của gia đình nhà văn Nguyễn Quang Lập - chủ blog Quechoa, bị bắt sau GS Thọ đúng một tuần cũng bởi điều 258 - cho dư luận cùng báo chí trong nước và quốc tế, người nhà của GS Hồng Lê Thọ đã hầu như kín tiếng trong suốt thời gian ông bị tạm giữ điều tra. Nghe nói phía Cơ quan an ninh điều tra đã yêu cầu gia đình ông “không thông tin để tránh bị lợi dụng và xuyên tạc”.

Cũng được biết, cán bộ điều tra đã “chỉ” cho bà Nga (vợ ông Thọ) cách thức gửi đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho ông đến Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM. Tuy nhiên khi bà Nga đến gửi đơn thì mới biết viện này hoàn toàn chưa có hồ sơ nào về trường hợp GS Hồng Lê Thọ. Trong khi còn đang chờ Viện KSND “nghiên cứu”, 9 ngày tạm giữ điều tra của ông Thọ đã vụt qua. Động tác tiếp liền là một khi không có cơ hội được tại ngoại, GS Hồng Lê Thọ phải tiếp tục hứng chịu quy trình tố tụng hình sự bởi lệnh khởi tố và công tác “làm danh bản” (chụp hình, lăn tay) để chính thức “nhập hộ khẩu”.

Kết quả là, so với gia đình nhà văn Nguyễn Quang Lập, người nhà của GS Hồng Lê Thọ đã bỏ lỡ quá đáng tiếc khoảng thời gian tạm giữ để vận động trong nước và quốc tế. Cũng bởi thế, trường hợp GS Thọ ít được dư luận quan tâm như Bọ Lập.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn hy vọng để GS Thọ có thể được “tại ngoại hầu tra”. Vào đúng ngày quốc tế nhân quyền 10/12/2014 và khi gia đình GS Thọ không thấy ông trở về, Văn phòng tổng hợp PV11 của Công an đã bất ngờ thông báo công khai về việc nhà văn Nguyễn Quang Lập “xin khoan hồng”, đồng thời gợi mở lớn khả năng ông Lập được tại ngoại. Hành động này mang tính đột biến không kém thua việc đột ngột bắt giữ ông Lập trước đó chỉ 4 ngày.

Nếu khả năng trên diễn ra một cách tuần tự “theo chỉ đạo” và không có gì biến động lớn về “chủ trương”, nhà văn Nguyễn Quang Lập rất có thể sẽ có mặt ở nhà riêng tại Thảo Điền, quận 2 trễ nhất vào ngày 15/12 tới.

Một lần nữa sau vụ hai blogger Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt giam và kết án vào năm 2013, giới dân chủ Việt Nam lại có thể thở ra nhè nhẹ: cú bắt giữ hai blogger Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập không hẳn là một chiến dịch của chính quyền tấn công trực tiếp vào những trí thức phản biện. Xu thế dân chủ hóa xã hội vẫn hầu như nguyên vẹn giá trị được tích lũy sau ít nhất 5 năm của nó. Xã hội dân sự vẫn cơ bản vẹn toàn.


Tiểu đường

Nếu Bọ Lập được tại ngoại, trạng thái này sẽ khó có thể được lý giải bởi yếu tố tác động quốc tế đang khá mờ nhạt, làn sóng ủng hộ ông của giới trí thức trong nước còn bị kìm nén. Thậm chí cả tình trạng sức khỏe gần đến mức liệt nửa người của ông Lập có lẽ cũng không phải là vấn đề đáng suy tư đối với Cơ quan an ninh điều tra.

Và nếu Bọ Lập được phóng thích dựa theo một sự can thiệp đủ mạnh mà chỉ có thể đến từ nội bộ giới lãnh đạo cấp cao, giới trí thức phản biện có thể được đắp thêm hy vọng là “vấn đề” của GS Hồng Lê Thọ không phải quá ghê gớm trong con mắt giới điều tra, rằng nếu có vấn đề gì đó thì chỉ là vô tình, để ông có thể sớm trở về, lành lặn về tâm trí và thể xác, trong vòng tay người nhà và bạn bè.


Sau cuộc vận động của giới trí thức đòi trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập, đã đến lúc chúng ta cần dành sự quan tâm sâu sắc hơn nữa cho hoàn cảnh bị tiểu đường nặng của GS Hồng Lê Thọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét